Tại sao chuyện xui xẻo luôn nhắm vào tôi?

tai-sao-chuyen-xui-xeo-luon-nham-vao-toi

Cuộc đời đầy rẫy những điều khiến ta bực mình.

Cuộc đời đầy rẫy những điều khiến ta bực mình. Tàu vừa rời ga khi ta vừa đến nơi; vòi nước tự nhiên hỏng; túi mua sắm rách bất thình lình; nhà cung cấp phá sản; đồng nghiệp từ chức; xe thì bỗng dưng nằm đường. Mọi thứ – quả là quá sức phiền nhiễu. Nhưng câu hỏi ở đây là, liệu dưới bề mặt của tất cả những chuyện này, ta có thực sự cảm thấy chúng là sự cố ngẫu nhiên không?

Với một kiểu người nào đó, rất khó mà tin rằng mọi rắc rối lại có thể đơn giản là do may rủi. Có gì đó không đúng. Làm sao những chuyện phiền toái cứ liên tiếp xảy ra, vào những lúc tệ nhất, mà lại không mang theo chút ác ý nào? Không thể chỉ là trùng hợp khi đơn hàng bị thất lạc, ghế ngồi xem phim bị đặt trùng, hay pin điện thoại lại hết đúng lúc cần. Tại sao chỉ có quần áo mới giặt của mình bị lấy nhầm, giày mới mua của mình lại bị hở đế? Tại sao chỗ mình ngồi trên máy bay lại có mùi lạ? Sao trong món salad của mình lại có bọ?

Cảm giác như có ai đó luôn lén theo dõi, đặt bẫy mình, rồi còn cười đắc ý nữa chứ. Dường như có âm mưu nào đó khiến ta trông ngớ ngẩn trước mọi người (vì sao ta lại có cái sticker dán sau áo mà không hay biết và tại sao khóa kéo lại kẹt đúng 10 phút trước buổi tiệc quan trọng?). Không có gì lạ khi ta có thể bực mình đến phát cáu.

Nhưng sự thật buồn và chua xót là – dĩ nhiên – gần như chẳng có âm mưu nào cả. Nhưng cái cảm giác mạnh mẽ rằng có gì đó mờ ám cho ta thấy nguồn gốc sâu xa của sự nhạy cảm thái quá: đó là trái đắng của sự tự ghét bỏ.

Khi ta không thích bản thân, rất tự nhiên sẽ có cảm giác rằng cả thế giới đang chế nhạo mình. Nhân viên lễ tân biết rõ ta tệ hại thế nào; đó là lý do họ cho ta căn phòng có điều hòa hỏng. Người phục vụ thừa hiểu cái tính khó chịu của ta; đó là lý do họ làm rơi miếng bơ xuống quần ta. Công ty điện thoại biết ta ngớ ngẩn ra sao (và biết ta nghĩ những điều khủng khiếp); đó là lý do điện thoại của ta hỏng ngay ngày thứ hai của chuyến đi.

Điều chúng ta thực sự cần là có cơ hội nhìn nhận rằng bản tính đa nghi ấy là dấu hiệu của sự tự ghét bản thân, mà nguyên do không phải là do những âm mưu thật sự, mà là do thời thơ ấu ta thiếu đi sự quan tâm, yêu thương, sự vỗ về cần thiết – và ta đáng nhận được sự cảm thông vô hạn cho điều này. Thế giới không ghét bỏ ta, mà ta đã học cách xem thường bản thân, và điều này quay lại ám ảnh ta dưới dạng những âm mưu tưởng tượng.

Không ai thực sự cười nhạo ta; chỉ là ta đã không được yêu thương đúng cách và giờ đây không còn yêu quý chính mình. Đó mới là sự thật đáng giận dữ mà ta nên dành lòng trắc ẩn và sự thương cảm cho chính mình.

Nguồn: WHY DO BAD THINGS ALWAYS HAPPEN TO ME?

menu
menu