Những sắc thái cảm xúc ta đi qua

nhung-sac-thai-cam-xuc-ta-di-qua

Chúng ta cứ quên mãi bài học này, dù nó – theo nghĩa đen – đã được khắc lên bầu trời trên cao, như thể ai đó từ thuở khai thiên lập địa đã biết rằng ta sẽ gặp khó khăn khi ghi nhớ

Chúng ta cứ quên mãi bài học này, dù nó – theo nghĩa đen – đã được khắc lên bầu trời trên cao, như thể ai đó từ thuở khai thiên lập địa đã biết rằng ta sẽ gặp khó khăn khi ghi nhớ: ta được tạo nên từ những sắc thái cảm xúc, tâm hồn ta luôn vận động không ngừng, như những đợt thời tiết trôi qua trên một bầu trời thất thường.

Vậy nên, chẳng có gì bền vững lâu dài: một ngày trong trẻo, dịu dàng hầu như chắc chắn sẽ được tiếp nối bởi một ngày âm u; một buổi sáng yên ả rồi sẽ nhường chỗ cho một buổi chiều lộng gió; một cơn bão dữ dội cuối cùng cũng sẽ khép lại bằng hoàng hôn êm đềm.

Ferdinand Hodler, Rhythmic Landscape, 1906

Chúng ta cứ mãi cố gắng bám víu vào những điều cố định, như thể mình là một khối đá bất biến: đây là điều tôi tin tưởng, đây là người tôi yêu quý, đây là điều tôi mong muốn... Và rồi vũ trụ bật cười, gửi đến ta một cơn đau đầu, một đêm mất ngủ, một trận khó tiêu, một khoảnh khắc phấn khích, một cơn ham muốn bồng bột, hay một lần chợt cắn rứt lương tâm – và tất cả lại đảo lộn thêm lần nữa.

Ta nên bước đi thận trọng hơn. Trong tĩnh lặng của tâm trí, để tránh làm những người xung quanh kinh hãi, ta nên gắn thêm cụm từ khiêm nhường “tạm thời là thế” vào phần lớn những khẳng định của mình. Công việc này có vẻ rất ý nghĩa... tạm thời là thế. Tôi cảm giác mình đã thấu suốt mọi điều... tạm thời là thế. Đây chính là con người tôi... tạm thời là thế. Không ai trong chúng ta cách xa một vài biến động serotonin là bao để đi đến một cuộc lột xác tâm hồn.

Sự thay đổi bất chợt của ta giống như một màn hài kịch tế nhị giữa những gì ta tạm gọi là thể xác và tâm trí, giữa khả năng tư duy cao hơn và cái hệ thống “ống dẫn” cơ bản. Ta tin rằng góc nhìn của mình về chính trị hay tình yêu, về giá trị của một cuốn sách hay cách đánh giá một người bạn được xây dựng trên nền tảng khách quan, vững chắc. Ta tin chắc rằng chính những phần cao quý nhất trong ta đang dẫn dắt suy nghĩ của mình, mà không nhận ra rằng điều ta quả quyết ở một thời điểm cụ thể thực chất bị ảnh hưởng bởi giấc ngủ ta có đủ hay không, hay bởi chỉ số đường huyết của ta đang thế nào. Ta có thể trịnh trọng tuyên bố rằng cuộc đời chẳng còn gì đáng sống, trước khi kịp nhận ra rằng có lẽ ta chỉ cần một giấc ngủ ngắn hoặc một ly nước cam mà thôi.

Nhớ lấy điều này có thể giúp ta thấu cảm hơn, và chính xác hơn, khi đánh giá những người sống xung quanh mình. Có thể – như họ đã quả quyết với ta lúc nửa đêm trong căn bếp – rằng họ ghét cay ghét đắng ta hoặc không bao giờ muốn gặp lại mẹ mình, nhưng cũng có thể đơn giản là họ cần đi ngủ và bữa ăn khuya nặng bụng ấy quả là một quyết định tồi tệ.

Hiểu rằng chúng ta là một mảnh ghép của những trạng thái cảm xúc sẽ đặc biệt hữu ích trong những lúc ta không thấy một tia sáng xanh nào trong bầu trời nội tâm. Ta cần có đủ kinh nghiệm để nhận ra rằng, ngay cả khi tại thời điểm này ta chẳng thể nghĩ ra điều gì sẽ làm thay đổi trạng thái của mình, nếu ta đủ kiên nhẫn chờ đợi bên trong luồng gió xoáy ấy, sớm hay muộn cũng sẽ có một làn sóng nào đó đến và cuốn đi những điều khủng khiếp kia. Tương tự, ở chiều ngược lại, khi ta chẳng thể nào hình dung nổi vì sao mình từng buồn, ta cũng nên nhớ đến những cơn gió mùa thu lạnh lẽo.

Ta vấp ngã bởi ta thường quá vội vàng tuyên bố: “Đây chính là tôi, và sẽ luôn là như thế...” Nhưng thực tế gần như chẳng bao giờ vậy; đó chỉ là một đợt nắng nóng, một cơn gió lốc, một cơn mưa rào, hay một mùa hè ấm áp cuối thu. Ta khao khát được bền vững, nhưng bản chất ta chỉ là khí trời và nước, là hơi nóng và dòng chảy, là những dòng khí lạnh và những đợt gió. Hãy nhìn nhận phần lớn những niềm tin của mình ở từng khoảnh khắc với chút hoài nghi, một cách vui vẻ và nhẹ nhàng – và hãy luôn mang theo bên mình một chiếc ô.

Nguồn: THE MANY MOODS WE PASS THROUGH - The School Of Life

menu
menu