Những thói quen hiệu quả

nhung-thoi-quen-hieu-qua

Hãy tưởng tượng một người vô cùng hiệu quả. Cuộc sống của họ được tô điểm bởi những thói quen thật đẹp đẽ.

Hãy tưởng tượng một người vô cùng hiệu quả. Cuộc sống của họ được tô điểm bởi những thói quen thật đẹp đẽ. Chiều thứ Tư nào họ cũng dành thời gian nghỉ ngơi (trừ khi có khủng hoảng), ra sân chơi tennis hoặc đi bơi. Họ luôn ngồi vào bàn làm việc lúc 8 giờ 30; luôn gửi những tin nhắn cảm ơn lịch sự khi ai đó đã đặc biệt giúp đỡ hay nỗ lực vì họ. Họ luôn cẩn thận xếp gọn giấy tờ quan trọng ngay khi nhận được hoặc vừa xử lý xong. Họ có những ngày cố định trong tháng để sắp xếp, dọn dẹp lại các tập tin.

Chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận đây là một kiểu tính cách bẩm sinh. Chúng ta tưởng tượng rằng họ vốn đã như vậy từ bé, rằng khi còn học mẫu giáo họ cũng luôn cởi giày trái trước giày phải. Có thể đôi lúc ta ngưỡng mộ họ (cuộc sống của họ quả thực có vẻ bình yên hơn), nhưng cũng thấy họ hơi… kỳ quặc. Ta nghĩ mình chẳng thể học hỏi gì từ họ – chỉ có thể đứng nhìn và thầm trầm trồ.

Nhưng thực ra, con người vốn có khả năng rèn luyện thói quen rất tốt. Chỉ là có quá nhiều tác động văn hóa đã vô tình khiến việc hình thành thói quen trở thành một điều tầm thường, nhàm chán và chẳng mấy ấn tượng.

Đôi khi, “thói quen” còn bị coi là một cụm từ đáng xấu hổ – là biểu tượng của sự tẻ nhạt và tầm thường. Kẻ sống theo thói quen là người đàn ông ngồi bên bếp lửa với đôi dép đi trong nhà, phì phèo ống tẩu, lật giở những trang báo cũ và bật tin tức trên tivi đúng giờ mỗi tối.

Muốn rèn được những thói quen tốt, chúng ta cần…

Thứ nhất: Hãy có cái nhìn tích cực hơn về thói quen

Đừng xem thói quen như chiếc cửa nhà tù đóng sập lại, như ánh sáng cuối ngày vụt tắt, hay sự đầu hàng của bản sắc cá nhân trước lối sống tầm thường. Đúng là có những thói quen đáng buồn, nhưng bản thân việc biến điều gì đó thành thường lệ, dễ dàng và đáng tin cậy không phải là điều xấu. Trái lại, thói quen có thể trở nên rực rỡ, miễn là đó là những thói quen thực sự có lợi.

Thứ hai: Đặt thời gian cụ thể

Hầu hết chúng ta đều cần đến những lời nhắc nhở. Và chúng ta không nên cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Hãy đặt một ngày, ghi nó vào lịch. Hãy coi đó như một cuộc hẹn với chính nhiệm vụ ấy. Nếu lặp lại đủ thường xuyên, một hoạt động sẽ dần trở thành thói quen.

Sau khoảng sáu tuần, ta không còn cần phải xem lịch nữa. Ta sẽ tự nhớ. Và mỗi lần như vậy, việc lặp lại sẽ dễ dàng hơn, tự nhiên hơn. Hành vi dần ăn sâu và trở thành bản năng.

Thứ ba: Có người kiểm tra

Về lâu dài, thói quen là những điều ta làm gần như tự động, chẳng cần phải suy nghĩ hay nỗ lực. Nhưng để đạt được điều đó, ta cần vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn. Ta phải tự ép mình làm điều gì đó dù bên trong còn kháng cự, như ép bản thân dậy sớm hay tắt kết nối Internet để tập trung làm việc. Và rất dễ bỏ cuộc vào đúng lúc ta cảm thấy mệt mỏi nhất.

Quân đội từ lâu đã hiểu rõ sức mạnh của việc có người kiểm tra như một phần của quá trình rèn thói quen. Ban đầu, khi ta vẫn còn miễn cưỡng trong việc ủi thẳng quần hay đánh giày cho sáng bóng, sẽ luôn có ai đó nghiêm khắc đi kiểm tra. Nhưng họ cũng biết rằng việc này không cần phải kéo dài mãi. Theo thời gian, hầu hết mọi người sẽ tự rèn cho mình một tiêu chuẩn. Để rồi nhiều năm sau, dù đã trở lại cuộc sống bình thường, họ vẫn giữ thói quen mặc quần là phẳng phiu và đi giày bóng loáng.

Chính việc phải “báo cáo” với một người khác sẽ cho ta một chút quyết tâm, vừa đủ để vượt qua thời điểm yếu lòng và muốn bỏ cuộc. Thói quen nhờ thế có thêm thời gian để bám rễ và ăn sâu.

Việc xây dựng thói quen tốt có thể trông hơi kỳ lạ, nhưng điều đó không sao cả. Nó chỉ cho thấy chúng ta đang rũ bỏ những quan điểm sai lầm nhưng lại phổ biến về cách mọi việc nên được thực hiện. Trong một thế giới mà sự kém hiệu quả là điều bình thường, để trở thành một người sống hiệu quả, ta cần học cách hành xử theo những lối tưởng chừng “khác thường”.

Nguồn: EFFICIENT HABITS

menu
menu