Triết lý Trung Hoa từ lâu đã thấu hiểu: Sức khỏe tinh thần là chuyện của cộng đồng

Từ rất sớm, các triết gia Trung Hoa cổ đại đã nhìn nhận rằng một tâm trí lành mạnh không thể tồn tại biệt lập, mà phải được nuôi dưỡng từ sự hòa hợp trong cộng đồng. Họ cho rằng sức khỏe tinh thần không chỉ là chuyện riêng của từng cá nhân.
Từ rất sớm, các triết gia Trung Hoa cổ đại đã nhìn nhận rằng một tâm trí lành mạnh không thể tồn tại biệt lập, mà phải được nuôi dưỡng từ sự hòa hợp trong cộng đồng. Họ cho rằng sức khỏe tinh thần không chỉ là chuyện riêng của từng cá nhân.
Trong cách hiểu phổ biến ngày nay, rối loạn tâm thần thường bị quy về những sai lệch bên trong mỗi người. Ngành tâm thần học hiện đại tìm đến các yếu tố cá nhân—như trải nghiệm, hành vi và suy nghĩ—để chẩn đoán bệnh lý, và tập trung điều trị từng cá nhân một. Nếu bạn đang trầm cảm, điều đó thường được hiểu là phản ứng của riêng bạn trước hoàn cảnh, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, lối tư duy sai lệch, hay những vấn đề, cảm xúc cá nhân. Các phương pháp chữa trị phương Tây cũng đi theo hướng này: kê thuốc, trị liệu tâm lý, hỗ trợ cá nhân—tất cả đều có ích.
Tuy nhiên, khi đặt quá nặng yếu tố cá nhân, ta dễ bỏ qua một hướng tiếp cận khác—hướng đến cộng đồng. Ta thường quên rằng những quy chuẩn xã hội, niềm tin văn hóa và thái độ chung của cộng đồng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần. Các học giả Trung Hoa cổ xưa đã hiểu điều này từ lâu.
Họ từng nhận diện nhiều chứng rối loạn tâm trí và hành vi như những căn bệnh (病 - bing), được ghi chép và bàn luận trong cuốn y thư cổ nhất Trung Hoa: Hoàng Đế Nội Kinh Linh Thư Kinh, với phần cổ nhất có niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên. Cuốn sách này mô tả nhiều chứng bệnh tinh thần, trong đó nổi bật là chứng điên (癫 - dian), với biểu hiện “buồn bã, đau đầu, mắt đỏ, tâm trí rối loạn”; và chứng cuồng (狂 - kuang), với triệu chứng “quên lãng trong trạng thái cuồng loạn, dễ nổi giận, hành vi hỗn loạn” cùng nhiều biểu hiện khác. Các danh y thời ấy cho rằng nguyên nhân của những căn bệnh này không chỉ do cảm xúc quá độ, thất bại trong việc kiềm chế dục vọng, hay do khí huyết suy kiệt trong nội tạng, mà còn do chính cộng đồng nơi con người đó sinh sống.
Chi tiết từ bức họa “Trăm Con Trai”, mực tàu trên cuộn lụa, họa sĩ vô danh. Tư liệu từ Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.
Nhiều văn bản y học và triết học cổ Trung Hoa đã gắn bệnh tâm thần với sự rối loạn cảm xúc. Một đoạn trong Quản Tử Nhấn mạnh rằng chỉ khi không có những cảm xúc cực đoan như vui quá, thích quá, hay giận quá, thì hành vi của con người mới có thể hài hòa và hiệu quả; nếu không, tâm trí sẽ "mất đi hình dạng nguyên sơ" của nó. Tác phẩm Trung Dung thì cho rằng sự hài hòa (和 - hé) chính là sự điều tiết đúng mực các cảm xúc. Một đoạn trong Hoàng Đế Nội Kinh Viết: “Khi cơn giận dâng trào mà không nguôi, nó sẽ làm tổn thương tâm trí.” Cũng như công cụ hay máy móc, thân thể con người có những cách sử dụng sai lệch khiến nó bị quá tải, dẫn đến thương tổn và sinh bệnh—bao gồm cả bệnh tâm thần. Đây là một nhận định vô cùng tinh tế và sâu sắc về bản chất của bệnh tật.
Ngày nay, chúng ta đã bắt đầu thừa nhận vai trò của cộng đồng và hoàn cảnh trong một số trường hợp liên quan đến bệnh tật, nhưng vẫn còn ngần ngại khi quy nguyên nhân bệnh lý về phía cộng đồng. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, trong phiên bản mới nhất của cẩm nang chẩn đoán DSM-5, đã công nhận sự hiện diện thực sự của những chứng rối loạn tâm thần mang tính tình huống, cũng như những căn bệnh phần nào bắt nguồn từ yếu tố xã hội và sự phát triển cá nhân. Chúng ta đã biết rằng làm việc quá sức có thể dẫn đến kiệt sức, hay các biến cố đau thương có thể gây ra các bệnh như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và nhiều rối loạn khác được xếp vào nhóm "các rối loạn liên quan đến sang chấn và căng thẳng". Nhưng liệu vai trò của cộng đồng—với những đặc điểm riêng biệt—có thể còn đóng vai trò trung tâm hơn trong việc hình thành bệnh tâm thần so với những gì ta vẫn tưởng?
Theo các học giả Trung Hoa cổ đại, ta có thể phòng tránh (hoặc điều trị) những chứng bệnh do cảm xúc quá độ gây ra bằng cách rèn luyện tâm trí để biết tiết chế. “Hãy để tâm không còn giận dữ,” một đoạn trong Hoàng Đế Nội Kinh từng khuyên dạy như thế. Tuy nhiên, việc đạt được trạng thái ấy không đơn giản là nhờ vào những liệu pháp cá nhân hóa, như thay đổi cách người bệnh nhìn nhận về trải nghiệm của mình. Dẫu cho thuốc men hay liệu pháp nhận thức hành vi có thể mang lại hiệu quả, chúng vẫn chưa chạm đến tận gốc của vấn đề — nơi mà bệnh lý bắt đầu hình thành.
Văn hóa và cộng đồng nơi một người sinh sống có ảnh hưởng sâu sắc đến cách cảm xúc được hình thành và biểu hiện. Sẽ là sai lầm nếu xem cảm xúc như giận dữ, chẳng hạn, là phản ứng tự nhiên và phổ quát trước một sự việc, mà không tính đến yếu tố văn hóa. Trong cùng một tình huống, người ở cộng đồng này có thể nổi giận, trong khi người ở cộng đồng khác—nơi có chuẩn mực cảm xúc khác biệt—lại không. Cách ta đánh giá, và thậm chí là cảm nhận cảm xúc, bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố văn hóa.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, nhà tâm lý học văn hóa người Hà Lan, Batja Mesquita, đã chia sẻ: Nhiều nền văn hóa không xem cảm xúc là thứ nằm trong mỗi cá nhân, mà là điều xảy ra giữa con người với nhau. Ở những nền văn hóa đó, cảm xúc là những gì ta cùng nhau tạo ra, cùng nhau cảm nhận. Vậy nên, khi tôi giận, cơn giận ấy không chỉ là của riêng tôi, mà là thứ tồn tại giữa tôi và bạn.
Bệnh tâm thần, nhìn một cách tổng thể, thường là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và hoàn cảnh sống. Điều gì khiến ta lo âu, giận dữ, hạnh phúc hay phản ứng ra sao, phần lớn đều dựa trên các chuẩn mực cộng đồng—những chuẩn mực đã ăn sâu vào cách ta hành xử và cảm nhận ngay từ tấm bé, thông qua sự tương tác với xã hội quanh mình. Đó là lý do vì sao trong một số nền văn hóa Đông Á, việc bất hiếu hay thiếu tôn kính với cha mẹ có thể khiến người ta cảm thấy hổ thẹn sâu sắc, trong khi điều đó không gây tác động nặng nề đến mức ấy ở nhiều nền văn hóa phương Tây. Những yếu tố văn hóa như vậy cũng là lý do khiến một số nhóm người, chẳng hạn người Mỹ gốc Á, ít tìm đến dịch vụ chăm sóc tâm thần hơn các nhóm sắc tộc khác tại Hoa Kỳ.
Tất cả những điều ấy, kỳ thực, chẳng có gì là mới mẻ với các học giả Trung Hoa cổ đại, đặc biệt là các nhà Nho. Họ từ lâu đã nhận thấy hành vi và thái độ của con người không chỉ đơn thuần xuất phát từ tính cách hay quyết định cá nhân. Chính vì vậy mà Khổng Tử đã dạy rằng, nếu muốn trở thành người có đức hạnh, ta cần phải cẩn trọng trong việc lựa chọn người đồng hành. Ông khuyên rằng nên làm bạn với những người ít nhất phải ngang bằng về mặt đạo đức. Việc sống trong một cộng đồng tốt đẹp, hòa ái và đầy nhân nghĩa là điều kiện tiên quyết để hình thành những hành vi, cảm xúc và thái độ lành mạnh. Còn nếu ta rơi vào một môi trường độc hại, xấu xa, thì niềm tin, cảm xúc, kỳ vọng và cách sống của ta cũng dễ bị lệch lạc theo.
Điều này đặc biệt đúng khi nói đến bệnh tâm thần, bởi lẽ những chứng bệnh ấy, ít nhiều, phản ánh những lệch chuẩn trong hành vi và cảm xúc vốn bị chi phối bởi xã hội. Có lẽ các nhà Nho, nếu chứng kiến thế giới hiện đại ngày nay, sẽ cho rằng sự cô lập và lạc lõng trong đời sống hiện đại — vốn bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân và nền văn hóa tiêu dùng — là một nguyên nhân lớn dẫn đến bệnh tâm thần.
Tu Weiming, một học giả Nho giáo đương đại, từng viết rằng, theo quan điểm Nho giáo, “chủ nghĩa vị kỷ rất dễ dẫn đến một thế giới khép kín… và một trạng thái tê liệt.” Những cộng đồng khuyến khích lối sống vị kỷ, đặt nặng cái tôi — từ việc mải mê “định nghĩa bản thân” thông qua các lựa chọn cá nhân và tiêu dùng, cho đến sự vô cảm và thiếu sẻ chia trong xã hội — rất có thể đang âm thầm gieo rắc những niềm tin và thái độ góp phần làm khởi phát bệnh lý tinh thần trong từng con người.
Chúng ta có thể bất đồng với các học giả Trung Hoa cổ đại về mối liên hệ cụ thể giữa bệnh tâm thần và những cảm xúc như giận dữ, vui vẻ hay lo âu, nhưng những nghiên cứu hiện đại trong ngành tâm thần học đang ngày càng xác nhận rằng: ta cần nghiêm túc suy ngẫm về lời dạy của họ — rằng những yếu tố cộng đồng và văn hóa, từ lâu, đã và đang âm thầm góp phần vào căn nguyên của bệnh tâm thần, và cần phải được đưa vào trọng tâm của quá trình điều trị.
Khi chúng ta nỗ lực đối diện với bài toán nhức nhối – và dường như ngày càng lan rộng – của các chứng rối loạn tâm thần trong thế giới hiện đại, có lẽ đã đến lúc lắng nghe quan điểm của Nho gia. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng hơn một nửa dân số Hoa Kỳ sẽ được chẩn đoán mắc một dạng bệnh lý tâm thần nào đó trong suốt cuộc đời mình, và có tới 4% đang sống chung với các chứng rối loạn nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tâm thần đang gia tăng, đặc biệt là ở những người trẻ – song hành cùng sự gia tăng các trường hợp tự sát và cố gắng tự sát. Những con số ấy có lẽ không chỉ phản ánh vấn đề cá nhân, mà còn là lời cảnh tỉnh về những đặc điểm xa cách, khắc nghiệt và gây tổn thương tinh thần trong chính xã hội ta đang sống.
Như Khổng Tử từng nói: “Lỗi lầm của một con người, suy cho cùng, đều có thể truy nguyên từ cộng đồng mà người ấy thuộc về.” Đúng là chúng ta cần mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tinh thần chuyên nghiệp, và coi đó như một phần thiết yếu trong chiến lược đối phó với cuộc khủng hoảng tâm lý. Nhưng song song với điều đó, ta cũng cần thành thật và nghiêm túc nhìn lại: những khía cạnh nào trong nền văn hóa chung mà ta đang cùng nhau tạo dựng – những điều tưởng như vô hình, như lối sống, hệ giá trị, cách ứng xử – đang góp phần nuôi dưỡng những vết thương tinh thần ấy? Bởi vì một cộng đồng khỏe mạnh không chỉ là nơi chốn ít bệnh tật, mà còn là nơi con người được nảy nở, được nâng đỡ, được sống trọn vẹn với chính mình và với nhau. Một cộng đồng khỏe mạnh cũng chính là một cộng đồng thịnh vượng.
Nguồn: Chinese philosophy has long known that mental health is communal | Psyche.co