Niềm vui hân hoan mà ta tự từ chối
Đôi khi, ta bất chợt có một thoáng nhìn về hạnh phúc thật sự.
Đôi khi, ta bất chợt có một thoáng nhìn về hạnh phúc thật sự. Có thể là đêm hè muộn, có thể là sau khi vừa hồi phục từ một trận ốm; hoặc có khi là sau khi đọc một cuốn sách lay động lòng mình hay lắng nghe một bản nhạc đầy cảm xúc, rồi ta đi dạo một mình qua thành phố hoặc trên con đường đồng quê.
Bất chợt, một ý nghĩ vô cùng kỳ lạ len lỏi vào tâm trí ta: Nếu như ta không nhất thiết phải buồn bã hay lo âu như thường ngày thì sao? Nếu ta có thể nhìn nhận vẻ đẹp và tiềm năng rực rỡ bao quanh mình? Nếu ta chịu để ý đến những hàng cây, đến những khuôn mặt xa lạ mà đầy nét thú vị? Nếu ta cho phép mình kết nối sâu sắc hơn với những người mà ta gặp gỡ? Nếu ta dám buông bỏ những dè dặt, nghi ngờ và sợ hãi thông thường? Nếu ta thực sự dám yêu và cho phép bản thân được yêu thương?
Ta chợt thoáng thấy một niềm vui, một niềm vui tràn ngập, lớn lao hơn bất kỳ điều gì mà ta thường đón nhận trong cuộc sống hằng ngày.
Fred Leist, Moonlight, 1942
Những lý lẽ thông thường, hơi cằn nhằn một chút, phản bác lại những tâm trạng ấy có vẻ như thế này: Hãy tỉnh táo lại. Ta không phải là những nhà tiên tri hay người khai sáng; cuộc sống đầy những lý do lớn lao và khắc nghiệt khiến nó vốn dĩ không dễ chịu chút nào. Ta phải kiếm sống. Người bạn đời đôi khi cũng gắt gỏng. Con người thì ích kỷ. Còn cả cái nhà cần phải trông nom. Và sâu xa hơn nữa, đây là một hành trình chịu đựng. Ta đâu đến được như hôm nay nhờ chỉ nhìn vào những điều tích cực.
Nghe thì có vẻ hợp lý, và vào một số ngày nào đó, chắc chắn cũng có nhiều phần đúng. Nhưng nếu “thực tại” mà ta đang nhắc tới không thật sự yêu cầu ở ta những điều đen tối như ta vẫn tưởng thì sao? Nếu chẳng có lý do nào thực sự buộc ta phải từ chối một cuộc sống nhiều niềm vui hơn thì sao? Nếu chính tâm lý méo mó của ta mới là thứ ngáng trở một cuộc sống phong phú hơn thì sao?
Phần đông trong chúng ta lớn lên trong bầu không khí mà niềm vui không được cổ vũ hay tin là có thể kéo dài lâu. Khao khát cười đùa của tuổi thơ sớm phai nhạt. Cha mẹ có thể đã luôn lo lắng, giận dữ hay buồn bã, và ta sớm hiểu rằng mình cần cúi đầu xuống và chuẩn bị tinh thần cho những mùa đông dài đằng đẵng của sự thiếu thốn cảm xúc. Ta trở thành học trò xuất sắc của một lối tư duy ảm đạm; ta gắn bó với triết lý của nỗi buồn. Ta học cách mong đợi ít ỏi. Những trạng thái vui sướng tột cùng, những khả năng yêu thương, hay sự hân hoan khi tồn tại trên hành tinh này – tất cả dường như không dành cho ta.
Không cần phải để ý kỹ điều gì đã xảy ra và vì sao lại thế, ta đã lớn lên thành những con người trung thành với những gì từng âm thầm được yêu cầu khi còn nhỏ. Ta vẫn đang kẹt trong lối suy nghĩ mà ta bị huấn luyện để tin theo, thứ mà khi lên bảy hay mười bốn tuổi, ta chẳng có lựa chọn nào khác.
Nhưng nếu giờ đây, khi đã trưởng thành, không còn lý do nào khiến ta phải bám chặt vào nỗi buồn và lo âu như thường lệ thì sao? Nếu ta có thể dám sống khác đi một cách căn bản, dám mở lòng với niềm vui và đón nhận hy vọng thì sao?
Biết đâu, ta sẽ bước vào những tình bạn với kỳ vọng rằng chúng sẽ mang đến sự an vui; biết đâu, ta sẽ chọn những người bạn đời không làm ta thêm cô đơn; biết đâu, ta sẽ thiết lập những mối quan hệ để chúng có thể thật sự nảy nở.
Và cũng có thể, qua thời gian, ta sẽ bắt đầu đón nhận một trong những suy nghĩ gây kinh ngạc nhất: nếu ta không sinh ra để chịu khổ thì sao? Nếu ta có thể đặt gánh nặng u sầu vào quá khứ, nơi ta từng không có quyền lựa chọn, và từ đây hướng tới điều gì đó khác biệt thì sao? Nếu ta cho phép mình trở thành khách thường xuyên hơn của những miền đất niềm vui còn xa lạ và cũng dễ khiến ta sợ hãi thì sao? Tất nhiên, ta sẽ không thể thay đổi tất cả trong một ngày — hay chỉ nhờ một bài viết. Nhưng biết đâu, ta sẽ nhận được một chút lợi ích từ bất kỳ động lực nào mà ta có thể tìm thấy.
Nguồn: THE ECSTATIC JOY WE DENY OURSELVES - The School Of Life