Nỗi đau của người lãnh đạo
Chúng ta thường dễ dàng nhận ra những lý do khiến vai trò lãnh đạo trở nên hấp dẫn.
Chúng ta thường dễ dàng nhận ra những lý do khiến vai trò lãnh đạo trở nên hấp dẫn. Đó là danh tiếng, quyền lực để đưa ra quyết định, và rất nhiều khi, là mức lương cao hơn. Nhưng đằng sau ánh hào quang ấy là những góc khuất đầy u tối.
Dưới đây là năm nỗi đau thầm lặng của người lãnh đạo:
1. Bạn trở thành đối tượng của sự châm biếm
Châm biếm là một niềm vui khó cưỡng. Nó bắt nguồn từ bản năng tự nhiên của con người: niềm thỏa mãn khi chỉ ra những yếu kém, những thiếu sót của người khác. Chúng ta cười nhạo người thầy dạy vật lý có chút lôi thôi, mặc áo khoác với ve áo mỏng kỳ cục, và đôi khi quên không cạo sạch râu.
Châm biếm đã tồn tại từ lâu, và bạn có thể cũng từng là người rất giỏi trong việc phát hiện những điểm đáng cười của người khác. Vào thế kỷ 18, nghệ sĩ James Gillray – một trong những bậc thầy châm biếm của thời đại – đã vẽ Charles James Fox, lãnh đạo phe đối lập, trông như một kẻ khờ khạo nham hiểm. Trong bức tranh đó, ai cũng bị lột tả với những điểm xấu xí nhất: từ dáng vẻ kiêu căng đến sự khúm núm lố bịch.
Tuy nhiên, sự châm biếm thời ấy chỉ có tác động giới hạn. Những tác phẩm của Gillray chỉ tiếp cận được một số ít người, và trong một xã hội vẫn còn coi trọng truyền thống kính trọng quyền lực, châm biếm dù sắc bén cũng chưa đủ sức lay chuyển địa vị của người lãnh đạo.
Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi trong thế giới hiện đại. Sự biến mất của lòng kính trọng tự động, cùng với sự phụ thuộc ngày càng lớn của người lãnh đạo vào sự ủng hộ của công chúng, đã khiến châm biếm trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những trò đùa về vẻ rụt rè, sự ngây thơ, và sở thích màu xám của Thủ tướng Anh John Major (1990–1997) không chỉ là sự phiền phức cá nhân mà còn làm suy yếu uy tín chính trị và vị thế bầu cử của ông.
Ngày nay, bất kỳ ai bước vào vai trò lãnh đạo đều trở thành mục tiêu dễ dàng của những lời châm biếm. Trước khi trở thành lãnh đạo, bạn đứng về phía những kẻ châm biếm. Nhưng một khi bạn đã có quyền lực, bạn sẽ trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện cười.
2. Bạn sẽ bị hiểu lầm
Mọi chuyện luôn trông rất khác từ góc nhìn của người lãnh đạo. Charles James Fox, dù có những tật xấu như nghiện cờ bạc, sống buông thả, hay thậm chí nhổ nước bọt trên thảm, vẫn là một người tiên phong trong những cải cách quan trọng: đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ và mở rộng quyền chính trị cho quần chúng.
Thế nhưng, những bức tranh biếm họa của Gillray chẳng hề chạm đến ý nghĩa hay giá trị của những việc Fox đã làm. Cũng như John Major – người bị biến thành một nhân vật ngây ngô, kém cỏi – hoàn toàn không giống con người thật của ông: một nhà lãnh đạo sắc sảo và đầy quyết tâm.
Làm lãnh đạo đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận sự hiểu lầm và bóp méo từ những người bên ngoài. Những cố gắng, nỗ lực thực sự của bạn thường bị lu mờ bởi những điểm yếu mà mọi người chọn để tập trung vào.
3. Điểm yếu của bạn sẽ bị phơi bày
Một khi bạn đứng ở vị trí lãnh đạo, mọi khuyết điểm của bạn đều bị phóng đại và đưa ra mổ xẻ công khai. Điều tệ hơn là bạn không thể thay đổi bản chất của mình. Và nếu bạn cố gắng thay đổi, người ta sẽ chế giễu bạn vì điều đó.
4. Những lời phàn nàn sẽ không thực tế
Mỗi lời phàn nàn đều chứa hai yếu tố: sự bất mãn và niềm tin rằng vấn đề có thể dễ dàng giải quyết. Ta không phàn nàn về cái lạnh ở Na Uy vào mùa đông hay việc Scotland không giành được Cúp Thế giới, bởi chúng ta biết đó là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng đối với người lãnh đạo, mọi phức tạp và khó khăn nằm phía sau vấn đề thường không hiển hiện rõ ràng như vậy. Họ trở thành nơi trút giận lý tưởng cho sự bất mãn và đố kỵ của người khác. Đôi khi, những người phàn nàn thậm chí không thực sự biết vì sao họ khó chịu – họ chỉ cần ai đó để đổ lỗi. Và người đó, rất thường xuyên, là người đứng đầu.
2: NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI HÓA THÂN THÀNH MỘT NHÀ THƠ
Có thể bạn từng được đào tạo bài bản về kỹ thuật điện, hoặc gần đây bạn chuyên tâm trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng. Nhưng sẽ đến lúc, để làm tròn vai trò lãnh đạo, bạn buộc phải trở thành một nhà thơ.
Vấn đề nằm ở tinh thần
Tinh thần chính là lý do. Trong suốt lịch sử chiến tranh, sức mạnh của tinh thần luôn đóng vai trò then chốt. Ở những thời điểm quyết định, chỉ một người quay đầu bỏ chạy có thể khiến cả đoàn quân hoảng loạn; ngược lại, chỉ một người dám bước lên đầy tự tin, cả đội quân có thể bừng tỉnh và theo sau.
Trong Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy, có một phân cảnh nổi bật trong trận chiến khi nhân vật chính, Hoàng tử Andrei, bị bao vây giữa dòng người đang tháo chạy. Trong tình thế tuyệt vọng, không ai tiếp sức, Andrei nhảy khỏi ngựa, chộp lấy lá cờ trung đoàn, vừa hô hào vừa lao về phía trước.
"Dù gần như không thể giữ nổi lá cờ nặng trĩu, chàng vẫn chạy lên, hoàn toàn tin rằng cả tiểu đoàn sẽ theo sau mình. Và quả thật, chàng chỉ chạy một vài bước trong cô độc. Một người lính nhích lên, rồi một người nữa, và chẳng mấy chốc cả tiểu đoàn ùa lên và vượt qua chàng. Một trung sĩ lao tới, giành lấy lá cờ đang đung đưa trong tay Hoàng tử Andrei – nhưng anh ta lập tức bị giết. Andrei lại túm lấy lá cờ và, kéo lê nó, tiếp tục lao lên phía trước."
Và điều đó đã hiệu quả. Đội quân lấy lại tinh thần, tập hợp lại. Tolstoy mô tả khoảnh khắc này bởi ông bị cuốn hút bởi cách những điều nhỏ bé có thể thay đổi cục diện lớn đến nhường nào. Sự tự tin từ người lãnh đạo, dù chỉ là trong khoảnh khắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến toàn bộ đội ngũ phía sau.
Tinh thần không chỉ dựa vào sự tự tin trong một khoảnh khắc cụ thể, mà còn ở niềm tin rằng mục tiêu chung là quan trọng và đáng để theo đuổi. Ở mức độ cao nhất, con người sẵn sàng đứng trước xe tăng, đánh đổi cả mạng sống, chỉ vì họ tin rằng điều gì đó thực sự có ý nghĩa.
Tinh thần tập thể trong một tổ chức chính là niềm tự hào về những việc đang làm, niềm tin rằng những thử thách khó khăn có thể vượt qua, rằng những nỗ lực đáng giá, và rằng mọi người cùng chung một chí hướng, có thể dựa vào nhau.
Tinh thần ấy được tạo ra bởi những người lãnh đạo. Nhưng thay vì phải hô vang khẩu hiệu “tiến lên nào các chàng trai!” hay vung cờ ra trận, lãnh đạo thời nay phải hóa thân thành một nhà thơ.
Thơ ca dùng để làm gì?
Thơ ca là cách sử dụng ngôn từ để gieo những ý tưởng vào tâm trí con người, khiến chúng khơi gợi cảm xúc và lay động hành động. Thơ giúp ta nhận ra rằng cách bạn trình bày điều gì đó có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của nó.
Nhà thơ La Mã Horace từng xác định hai yếu tố then chốt của một bài thơ hay: dulce và utile – tức là ngọt ngào và hữu ích.
Hữu ích
Thơ phải hữu ích, nghĩa là nó giải quyết được những vấn đề thực sự của con người – những trở ngại mà họ đang gặp phải. Sự hữu ích của một bài thơ phụ thuộc vào việc nó có hiểu được những nỗi đau, khó khăn mà người đọc đang phải đối mặt hay không.
Trong thời kỳ mà nghệ thuật thường được ca ngợi chỉ vì “nghệ thuật vị nghệ thuật”, quan niệm của Horace mang đến một luồng gió mới: thơ ca phải có giá trị thực tiễn trong đời sống.
Ngọt ngào
Ngọt ngào ở đây không chỉ là sự nhẹ nhàng, mà là khả năng cuốn hút và hấp dẫn, khiến người ta không thể rời mắt. Một bài thơ hay không khiến người đọc cảm thấy như đang “chịu đựng” để đọc hết, mà ngược lại, nó kéo họ vào, khiến họ thích thú, như thể không thể dừng lại.
Tác phẩm của J.K. Rowling là một ví dụ điển hình về tính “ngọt ngào” mà Horace nhắc đến. Thay vì phụ huynh hay giáo viên phải thúc ép trẻ em đọc sách, Rowling đã tạo nên những câu chuyện khiến trẻ em tự nguyện đọc không ngừng, thậm chí khó mà rời tay khỏi cuốn sách. Đó là sự kết hợp hiếm hoi giữa giá trị học thuật và sức hút không cưỡng lại được.
Khi lãnh đạo trở thành thi sĩ
Quan niệm của Horace giúp ta hiểu vì sao một số bài thơ lại gây ấn tượng mạnh. Lấy ví dụ bài thơ They Fuck You Upcủa Philip Larkin:
"Họ làm hỏng bạn, cha mẹ bạn.
Không phải vì họ cố tình, nhưng họ đã làm thế.
Họ lấp đầy bạn bằng những khiếm khuyết của họ,
Và còn thêm vào đó vài lỗi nữa, dành riêng cho bạn."
"Nhưng bản thân họ cũng bị làm hỏng,
Bởi những kẻ ngớ ngẩn đội mũ và khoác áo lỗi thời,
Những kẻ nửa thời gian thì ngớ ngẩn nghiêm nghị,
Nửa còn lại thì cãi nhau như chó với mèo."
Bài thơ hữu ích ở chỗ nó giúp ta nhận ra một sự thật sâu sắc: cha mẹ làm tổn thương con cái không phải vì họ muốn thế, mà vì họ cũng là nạn nhân của một vòng lặp sai lầm kéo dài qua nhiều thế hệ. Thông điệp ấy không chỉ mang tính chất giải tỏa, mà còn khiến ta cảm thông và chấp nhận hơn với những sai lầm – của cha mẹ mình, và cả của chính mình.
Lãnh đạo cũng giống như nhà thơ. Nhiệm vụ của họ không chỉ là quản lý hay điều hành mà còn là tìm cách khơi gợi tinh thần, truyền cảm hứng và tạo dựng niềm tin. Họ phải tìm ra cách trình bày những mục tiêu, giá trị và tầm nhìn của tổ chức một cách ngọt ngào và hữu ích nhất – để từ đó, những người đồng hành với họ cảm thấy rằng điều mình đang làm thực sự quan trọng và đáng để cống hiến.
Sự hấp dẫn của thơ ca – sức mạnh đến từ sự trực diện, nhanh chóng, dễ nhớ
Thực tế, hai câu mở đầu của bài thơ They Fuck You Up đã trở thành những dòng thơ nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 trong văn học Anh.
Công thức tạo nên một bài thơ hay, hay một bài phát biểu ấn tượng, hay thậm chí một bản trình bày PowerPoint xuất sắc, chính là: ngọt ngào + hữu ích.
Lý do người lãnh đạo cần trở thành một nhà thơ là để khơi nguồn cảm hứng cho những người họ dẫn dắt. Trong vô số điều mà một lãnh đạo có thể nói – từ “các cổ đông rất hài lòng” đến “giá dây đồng của chúng ta rẻ hơn đối thủ 3%” – họ cần chọn ra những lời nói chạm được vào trái tim của những người đồng hành cùng họ.
3: Bạn phải rời xa những người bạn cũ
Ở thế kỷ 19, khi con người di cư, họ biết rõ rằng có thể mình sẽ không bao giờ gặp lại bạn bè cũ. Họ đang thực hiện một bước đi mang tính chất thay đổi lớn lao, và họ ý thức sâu sắc về hệ quả của điều đó. Họ đã bán căn nhà nhỏ của mình, gói ghém tất cả tài sản, lên tàu và cảm nhận từng chuyển động chậm rãi của con thuyền. Hành trình trước mắt dài đến mười bốn tuần, và họ biết rằng sẽ không có đường quay lại.
Trong cuộc đời, có rất nhiều bước đi mang tính chất tương tự – đưa ta đến một thế giới mới, nơi không còn đường lui. Nhưng những bước đi đó thường không mang vẻ kịch tính như những chuyến hải trình xa xưa. Và vì thế, nỗi đau mà ta trải qua không dễ nhận ra, dù cảm giác mất mát vẫn âm ỉ và dai dẳng.
Đó là nỗi đau của quá trình trưởng thành. Khi bạn trở thành người lớn, bạn không bao giờ có thể thực sự là một đứa trẻ nữa – mặc dù đôi lúc bạn vẫn hành xử trẻ con. Bạn sẽ không còn cảm giác an nhiên trọn vẹn khi tin rằng ai đó sẽ chăm sóc mọi thứ thay bạn. Leo cây có thể không còn là cuộc phiêu lưu thú vị nhất thế giới; một chiếc ghế sẽ không còn là con tàu hải tặc; khoảng không giữa giường và tủ quần áo sẽ không còn là Thái Bình Dương nữa.
Trở thành lãnh đạo cũng giống như trải qua một sự thay đổi như vậy. Một số phiên bản trước đây của chính bạn (những phiên bản rất thú vị và dễ mến) sẽ phải được gói ghém lại, cất đi. Những người đồng nghiệp từng rất thân thiết, những người mà bạn từng có khoảng thời gian vui vẻ, có thể sẽ nghĩ rằng bạn đã thay đổi – bạn trở nên xa cách hơn. Bạn sẽ không còn là người “vui tính” trong mắt họ nữa. Có thể bạn sẽ bị đánh giá là lạnh lùng, thiếu khiếu hài hước.
David Brent – trả giá cho việc không chịu thay đổi bản thân.
Bạn sẽ phải học cách tồn tại mà không cần sự thấu hiểu của những người từng rất gần gũi với mình.
4: Bạn cần giống như Chúa Jesus
Bất kể niềm tin tôn giáo của bạn ra sao, ta không thể phủ nhận rằng Jesus là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mọi thời đại. Bí quyết thành công của Ngài nằm ở chỗ Ngài kết hợp được hai phẩm chất tưởng chừng trái ngược:
Ngài có quyền năng
Trọng tâm của đạo Cơ Đốc là niềm tin rằng Jesus là con của Chúa, sở hữu sức mạnh vô song.
“Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Nhưng đồng thời…
Ngài là một người như bao người khác
Những câu chuyện về cuộc đời của Jesus luôn nhấn mạnh rằng Ngài vô cùng bình thường và giản dị theo nhiều cách. Cha mẹ Ngài không giàu có. Cho đến năm 30 tuổi, Ngài vẫn làm việc trong xưởng mộc của cha mình. Có một câu chuyện kể về việc một số môn đồ của Ngài đang thực hiện một hành trình dài đến một nơi gọi là Emmaus. Jesus bất ngờ xuất hiện và đồng hành cùng họ – nhưng Ngài cải trang. Họ trò chuyện với Ngài, nói đủ mọi chuyện, nhưng chỉ nghĩ rằng Ngài là một người bình thường, thú vị. Chỉ đến khi họ đến đích, cùng dùng bữa, và Jesus làm phép lành trên bánh theo cách đặc biệt của Ngài, họ mới nhận ra Ngài là ai.
Những người quảng bá tôn giáo tài ba – như danh họa Baroque Caravaggio – rất yêu thích câu chuyện này. Họ nhận ra rằng sự bình dị của Jesus chính là điểm mấu chốt. Ngài là người bạn có thể ngồi xuống cùng và dùng bữa. Ngài chia sẻ những nỗi lo, nỗi buồn giống như bạn. Ngài thấu hiểu và biết rõ cuộc sống của bạn như thế nào.
Jesus chiếm được lòng tin và sự trung thành của môn đồ ở mức độ rất cá nhân. Ngài không đơn thuần áp đặt hay khẳng định quyền uy của mình.
Vai trò kiểu Jesus (kết hợp giữa sự “cao cả” và sự “gần gũi”) chính là yêu cầu của công việc lãnh đạo trong thế giới hiện đại. Để thực sự hiệu quả, lãnh đạo phải dựa trên niềm tin cá nhân. Một trong những lời phàn nàn phổ biến nhất về lãnh đạo là: họ không hiểu, không quan tâm, hoặc đã quên mất cảm giác của những người ở vị trí thấp hơn.
Để vừa gần gũi vừa lãnh đạo là điều không dễ dàng. Truyền thống thường tách biệt hai vai trò này. Ta không được “lập trình” để cùng lúc đảm nhiệm cả hai.
Những người hiểu được bài học từ câu chuyện của Jesus sẽ biết cách làm lãnh đạo trong sự bình dị.
“Chỉ đơn giản đi mua rau xà lách, như bao người khác.”
Khi Nữ hoàng Anh đi phương tiện công cộng, ở một khía cạnh nào đó, bà đang làm một việc rất bình thường. Nhưng chính sự bình thường đó lại trở nên phi thường. Bởi lẽ bà hoàn toàn có thể đi trực thăng, bởi bà là người phụ nữ được đăng quang tại Tu viện Westminster, là Nữ hoàng của Vương quốc Anh, Ireland, và các lãnh thổ hải ngoại, là người bảo vệ đức tin.
Thế mà giờ đây, bà đang ngồi trên chuyến tàu, ở ngay bên cạnh tôi.
Điều chạm đến trái tim chúng ta, dù không phải lúc nào cũng nói thành lời, chính là sự kết hợp kỳ lạ giữa hai phẩm chất: vừa là bậc quân vương, vừa là một hành khách bình thường, vừa phi thường lại vừa giản dị.
Tôn ti, thứ bậc là một thực tế đau lòng của xã hội loài người. Dẫu có lý do chính đáng để bình đẳng toàn diện không thể trở thành hiện thực, khát vọng về sự thấu hiểu và cảm thông từ những người quyền lực đối với những người kém quyền lực hơn vẫn luôn cháy bỏng. Vì vậy, thật xúc động – và cũng thật an ủi – khi ta chứng kiến ai đó có thể đi trực thăng lại chọn đi tàu hỏa. Điều đó thắp lên một tia hy vọng cho thế giới.
Chúng ta đang sống trong những xã hội tuyên bố sự bình đẳng và đề cao năng lực, nhưng lại không ngừng đối mặt với những khác biệt khổng lồ về tài sản, quyền lực, địa vị và danh tiếng. Ta bị cuốn hút bởi cuộc sống của những người đứng đầu, nhưng đồng thời cũng băn khoăn. Họ có hiểu không? Họ có biết cuộc sống thực sự ra sao không? Và bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ hiểu đều mang ý nghĩa sâu sắc.
Khi Nữ hoàng chọn đi tàu, bà đang nối liền hai thế giới: thế giới của lịch sử, của sự vĩ đại, của quyền lực và tiền bạc – và thế giới của đời sống thường nhật. Có thể có những tiếng nói hoài nghi (hoặc tham vọng) cho rằng chỉ nên có một thế giới bình đẳng, giản dị, không phân biệt. Nhưng bởi điều đó khó mà thành hiện thực trong tương lai gần, điều chúng ta thực sự cần là những người đứng đầu hiểu rõ trách nhiệm của họ đối với số đông.
Nữ hoàng hiểu điều này, và đó là lý do bà luôn được trân trọng nhất khi chọn một ghế hạng hai trên chuyến tàu địa phương của nước Anh.
5: Bạn sẽ bị ghét – Học bài học từ MBA của gia đình
Có một nơi mà ta thường không mong đợi sẽ học được điều gì hữu ích cho công việc: đó là gia đình.
Nhà là nơi để thư giãn, tận hưởng những ngọt ngào, vui vẻ, và thoát khỏi những khó nhọc ở văn phòng. Hơn nữa, trong gia đình có trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh thời nay không được kỳ vọng phải “dẫn dắt” mà chỉ cần cố gắng làm cuộc sống của lũ trẻ dễ chịu nhất có thể.
Khái niệm “gia trưởng”, kiểu lãnh đạo gia đình đầy quyền uy, đã bị xem là lỗi thời và thường xuyên bị chỉ trích. Khi Bob Dylan hát rằng “các con trai, con gái của bạn không còn nằm trong tầm kiểm soát của bạn nữa” (bài The Times They Are a-Changin’, năm 1964), ông đã chạm đúng vào nỗi thất vọng phổ biến với kiểu quyền uy cha mẹ truyền thống.
Thách thức của việc làm cha mẹ nằm ở chỗ, bạn được giao trọng trách bảo vệ lợi ích lâu dài của một người, trong khi người đó, không ít lần, hoàn toàn tin rằng bạn đang sai lầm nghiêm trọng (về việc dùng máy tính, ngủ lại nhà bạn, hay mượn xe chẳng hạn). Và dĩ nhiên, có thể bạn sẽ sai, nhưng điều đó không miễn trừ việc bạn phải có kế hoạch và nguyên tắc rõ ràng.
Cha mẹ nào cũng ngạc nhiên khi nhận ra rằng họ có thể yêu con mình đến nhường nào, nhưng đồng thời, cảm giác kỳ lạ khi phải nói “không” với chúng – và rồi trở thành đối tượng cho sự oán giận đặc biệt từ một người mà họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì. Vai trò của cha mẹ chính là bài học về việc đưa ra những quyết định không được lòng người khác, và không trông chờ sự cảm thông hay biết ơn – ít nhất là trong một khoảng thời gian rất dài.
Có thể phải mất 25 năm để con bạn hiểu được vì sao bạn đưa ra một quyết định nào đó – và lâu hơn nữa để chúng miễn cưỡng thừa nhận rằng bạn có lý.
Những nhà lãnh đạo hiện đại và các bậc cha mẹ hiện đại thường không liên hệ công việc của mình với nhau; ít ai nghĩ rằng “nhân viên của tôi cũng như con cái tôi” hay “con cái tôi cũng như nhân viên của tôi”. Nhưng thực ra, việc né tránh sự liên tưởng đó chỉ là tâm lý e ngại mà thôi. Cuộc sống gia đình hoàn toàn có thể trở thành nơi rèn luyện cho văn phòng (đặc biệt là các vai trò lãnh đạo). Bằng chứng là có thể lấy được tấm bằng MBA ngay tại bàn ăn, giữa những tiếng la hét đầy căng thẳng quanh giờ đi ngủ hay lúc đánh răng buổi tối.
Có một thói quen phổ biến là ta thường ca ngợi những mặt tích cực và xem nhẹ những tiêu cực của các bước ngoặt lớn trong đời. Các đám cưới thường tô đậm niềm hạnh phúc của cuộc sống hôn nhân, và việc trở thành cha mẹ thường được kể với sự phấn khởi và những điều đầy cảm hứng. Điều này không có nghĩa là không có những mặt tốt đẹp, nhưng nếu chỉ nhấn vào chúng, ta sẽ có một hình dung không thực tế về những gì đang chờ đợi. Kỳ vọng bị đẩy lên quá cao, và vì thế, khi bước vào thực tế, ta dễ thất vọng và hoảng loạn khi mọi thứ khó khăn hơn tưởng tượng rất nhiều.
Việc trở thành người lãnh đạo, gia nhập đội ngũ cầm quyền, hoặc có thêm quyền lực và trách nhiệm thường bị nhìn nhận như một vị trí đáng ao ước. Nhưng như chúng ta đã thấy, nó đi kèm với không ít khó khăn và thử thách.
Nếu bạn nghĩ rằng một điều gì đó nên nằm trong tầm tay mình và không quá khó để thực hiện, bạn sẽ hoang mang và lo lắng khi bỗng nhận ra mình đang gặp rất nhiều khó khăn. Bạn sẽ nghĩ rằng chắc hẳn có điều gì đó sai ở bản thân mình, rằng mình không phù hợp, rằng mình không đủ khả năng. Nhưng thực tế, những cảm giác ấy không hề công bằng với bạn. Chúng không đến từ những thiếu sót đặc biệt của bạn mà xuất phát từ kỳ vọng ban đầu quá phi thực tế mà bạn đã tự đặt ra.
Nguồn: THE PAINS OF LEADERSHIP – The School Of Life