Nỗi đau liên thế hệ: Người lớn chuyển vết thương của họ qua con cái như thế nào?

noi-dau-lien-the-he-nguoi-lon-chuyen-vet-thuong-cua-ho-qua-con-cai-nhu-the-nao

Nỗi đau di truyền qua từng thế hệ: sự tổn thương được dự đoán trước cả khi ta được sinh ra. 

CHÚNG TA LÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ CỦA MỘT THẾ HỆ BỊ TỔN THƯƠNG? 

Nỗi đau di truyền qua từng thế hệ: sự tổn thương được dự đoán trước cả khi ta được sinh ra. 

Từ lâu ta đã biết được rằng khi ta sinh ra, ta sẽ được thừa hưởng nhiều thứ từ người sinh ra mình: từ đặc điểm khuôn mặt, đến gen di truyền, hay cổ vật thừa kế.

Nhưng có lẽ nhiều người không để ý đến một điều quan trọng khác mà ta cũng được thừa hưởng từ thế hệ trước: là những nỗi đau và sang chấn tinh thần. 

“Sang chấn tâm lý di truyền qua từng thế hệ” được định nghĩa giống như cái tên vốn có của nó : những nỗi đau không phải chỉ được cảm nhận bởi riêng một cá nhân, mà nó có khả năng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như những món tài sản di truyền khác.

Theo Dr. Melanie English: những sang chấn ấy có thể len lỏi qua từng thế hệ theo một cách thầm lặng, ẩn giấu dưới tầng tầng lớp lớp cảm xúc và hành vi được thế hệ trước che đậy kín đáo bằng vỏ bọc của riêng họ; được họ truyền tải lên đời sau một cách vô tình hay cố ý; những nỗi đau ấy ẩn trong suốt cuộc đời của những người lớn trong gia đình và theo họ suốt cả cuộc đời.  

Sự nhạy cảm, là cách tim đập mạnh khi đối diện với một câu chuyện nào đó tác động lên cảm xúc và não bộ - ta cũng được thừa hưởng từ họ - những người đã sinh ra và nuôi nấng ta. 

Nghiên cứu những năm gần đây đã tìm ra rất rõ rằng bóng ma tâm lý lâu dài do chấn thương tâm cảm xúc thời thơ ấu của người mẹ không chỉ hành hạ cảm xúc và suy nghĩ của họ, mà còn có thể truyền sang thế hệ sau - những đứa trẻ tổn thương mang sự thay đổi trong cách chúng chống lại stress (T. Jovanovic và cộng sự, 2011; L.M. Bierer và cộng sự 2014; A. Lehrner và cộng sự 2014) 

TỔN THƯƠNG TÂM LÝ LIÊN THẾ HỆ Ở NHỮNG NGƯỜI SỐNG SÓT QUA CÁC SỰ KIỆN LỊCH SỬ 

Vào năm 1966, nhà tâm thần học người Canada, MD Vivian M. Rakoff và các đồng sự của cô đã ghi lại một số liệu khổng lồ về các rối loạn tâm lý trên những đứa trẻ từ những gia đình có bố mẹ sống sót qua sự kiện diệt chủng Holocaust - tội ác lớn nhất của loài người (Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái trong thời gian Thế chiến II do phát xít Đức gây ra. - theo báo lao động). 

Từ đó, định nghĩa về sự di truyền, và thừa hưởng nỗi đau qua từng thế hệ được nhận ra và để ý tới bởi xã hội. Vào năm 1988, một nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Tâm Thần Học Canada cho thấy đến 300% những người đến với trị liệu tâm thần là cháu chắt của những người sống sót qua thảm họa diệt chủng này. 

Kể từ đó, những nghiên cứu tâm lý thường tập trung vào tìm hiểu những người là con cháu của nạn nhân từ thảm họa nói trên. 

Nhưng về mặt lý thuyết, thì không chỉ nạn diệt chủng mà ở bất kì sự kiện nào trong cuộc đời cũng có thể gây sang chấn, dẫn đến các rối loạn tinh thần lâm sàng như trầm cảm, hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) lên người khác – những vấn đề ấy đều có thể ảnh hưởng đến con cháu họ sau này. 

[Qua đó, có thể kể đến con cháu của các nạn nhân của những sự kiện lịch sử như: các cuộc thanh trừng chủng tộc, nạn nô lệ, nạn nhân của chiến tranh, người sống trong nỗi sợ khủng b.ố của sự kiện 11/9, hiểm họa thiên nhiên (sóng thần, động đất,…) hay người trải qua sự lo âu sợ hãi từ các sự kiện phân biệt chủng tộc, nạn đói nghèo, di dân, hay gần hơn là cảm giác rối loạn của thế hệ trước khi gặp các tình huống đau khổ trong cuộc đời họ (bị phụ bạc; bị bỏ rơi; hoặc mất mát hay chia ly với người thân)]

Theo Dr. DeSilva (https://orcid.org/0000-0002-3243-3893): “Những người sống qua giai đoạn chiến tranh kéo dài và hậu quả của nó vẫn còn ẩn hiện qua nhiều thế kỷ, cũng rất có thể trở thành nạn nhân của sang chấn tâm lý liên thế hệ.” 

NỖI ĐAU LIÊN THẾ HỆ THƯỜNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN AI? 

Như đã nói đến ở trên, bất cứ gia đình nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những nỗi đau này. Ngoài những sự việc chấn động kinh hoàng như chiến tranh mất mát, hay nạn diệt chủng thì những sự kiện ám ảnh thường xuyên xảy ra trong xã hội như: 

- Bạo lực gia đình

- Trải qua nỗi sợ bị tấn công và quấy rối tình dục

- Là nạn nhân của việc bị căm ghét, hắt hủi trong xã hội,..

- Bị giam giữ, kiểm soát quá mức bởi bố mẹ hoặc ai đó khác. 

 (và rất nhiều những dẫn chứng khác cũng có thể khiến một người bị ảnh hưởng bởi vết thương tinh thần, từ đó xuất hiện ẩn hiện dưới nhiều hành vi và cách sống, cách dạy dỗ con cái và lan truyền vết thương của mình lên đời)

Nhiều người trải qua các sự kiện đau đớn khác nhau, cũng như có những cách biểu đạt và phản ứng khác nhau trước nhiều tình huống trong đời. 

SANG CHẤN DI TRUYỀN VS CÁCH NUÔI DẠY CON CÁI 

Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng nghĩ về những chuyện đã xảy ra trước khi chúng ta xuất hiện trên cuộc đời này. 

Hãy nhìn vào những điều mà thế hệ trước có thể đã từng trải qua. Những vấn đề góp phần vào cách não bộ ta hình thành và phát triển, cũng như cách nó ảnh hưởng đến việc nối những sợi dây ràng buộc lên cảm xúc của chúng ta. 

Chấn thương tâm lý để lại dấu vết sinh học lên gene di truyền của một người, sau đó sẽ lại tiếp tục truyền lại cho thế hệ tiếp theo, dù dấu hiệu ấy không để lại tổn thương và khiến gen bị đột biến, nhưng nó vẫn hoà lẫn và cấu trúc gen theo một cách nào đó (Đọc thêm về di truyền học biểu sinh (Epigenetics).

Nghiên cứu di truyền học trước đây cũng từng cho ra các kết quả tương tự chứng minh cho các di truyền liên thế hệ. 

Trong đó có thể kể đến trường hợp nổi tiếng là nạn đói mùa Đông ở Hà Lan. Một nạn đói hoành hành ở Hà Lan vào những năm tháng cuối Thế Chiến thứ 2, con của những người phụ nữ mang thai trong thời kỳ thiếu thốn lương thực qua đời sớm hơn những đứa trẻ cùng tuổi sinh ra ở thời điểm khác; chúng có khả năng mắc béo phì và tâm thần phân liệt cao hơn (Bowers & Yehuda, 2020). Một nghiên cứu khác cũng cho ra kết quả những đứa trẻ thiếu thốn lương thực trong thời điểm nạn đói xảy ra có khả năng mắc bệnh tim nhiều hơn. Thậm chí một nghiên cứu khác ghi lại rằng con trai của các cựu binh từng bị cầm tù trong Civil war có nhiều khả năng qua đời sớm hơn các cựu binh đồng đội của họ (Costa et al, 2018). 

Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng sang chấn truyền đời này ảnh hưởng bởi cách cha mẹ nuôi dạy và truyền tải thông tin về cuộc sống cho con cái, hoặc thông qua hành vi và cách sống của họ hơn là bằng di truyền học. 

Một nghiên cứu lên chuột được thực hiện bởi Mansuy (2001) bằng cách tái tạo các tổn thương thời thơ ấu ở chuột. Cô ấy tách chuột mẹ và chuột con khỏi nhau trong những thời điểm bất ngờ không đoán trước, hơn nữa nghiên cứu còn làm tăng căng thẳng của việc nuôi dạy con cái của chuột bằng bằng cách nhốt chuột mẹ trong ống hoặc đổ nước vào chúng. Khi thả chuột mẹ lại với con chúng sau khi trải qua những căng thẳng quá mức, chuột mẹ có xu hướng luống cuống sợ hãi và mất tập trung. Chúng thường bỏ qua và lơ là chuột con, từ đó làm tăng thêm căng thẳng ở chuột con về cuộc chia ly ấy. 

Qua bài học từ chuột, các nhà nghiên cứu liên hệ với trẻ em khi có những bố mẹ mang các sang chấn tâm lý rằng: khi người mẹ đang trải qua giai đoạn cảm nhận những đau đớn từ sang chấn tinh thần, sự thay đổi trong hành vi hay thái độ lơ là của họ khiến con cái hiểu nhầm rằng chúng không nhận được tình yêu thương từ họ. 

Nghiên cứu bên trên về nạn đói và thế chiến 2 cũng khiến mình liên tưởng đến nạn đói năm Ất Dậu ở nước ta cũng như lịch sử đau thương của một dân tộc với những ngày tháng bình yên ngắn hơn những ngày sống trong khói đạn rất nhiều lần! 

Những người từng sống qua thời đó và chứng kiến người chết đói ngày càng nhiều, chứng kiến máu lửa, chứng kiến mất mát, chia ly , đau thương. Điều họ có thể nghĩ đến có thể là gì? Liệu có phải là muốn bảo vệ được sự bình yên cho những người thân yêu bằng mọi giá?. “Cái đói giày vò, đày đọa con người đến cùng cực. Nó cào ruột suốt ngày đêm” - Theo báo Tuổi trẻ về bài báo Nạn đói năm Ất Dậu. Qua đó, hãy thử nghĩ về những gia đình nơi bố mẹ cố gắng bươn chải; nhớ về những câu chuyện ông bà thường hay nói một cách lạnh lẽo rằng “Có ăn là đủ rồi”. 

Liệu không trải qua những sang chấn quá khứ, từng trải qua những ngày cái ăn là điều duy nhất họ muốn để sống sót, ta có thể hiểu được một phần tại sao nhiều người lớn coi trọng kế sinh nhai hơn cảm xúc của con trẻ. Có lẽ họ cũng từng ám ảnh bởi cái đói và sợ hãi nó sẽ xảy đến với họ và những người họ yêu thương một lần nữa. 

NHỮNG DẤU HIỆU BIỂU HIỆN Ở BỐ MẸ CÓ THỂ Khiến NỖI ĐAU TRUYỀN SANG CON CÁI

Những nỗi đau quá khứ có thể khiến bố mẹ phát triển những cách nuôi dạy con cái không đáp ứng được nhu cầu của đứa trẻ. 

Hoặc thậm chí vì những biểu hiện này xuất hiện ở quá nhiều người trải qua cùng những sự kiện và thời đại tương tự họ, khiến họ không nhận ra rằng nó là một điều có ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí họ xem nó như một điều vốn có của cuộc sống. 

Mặc dù không có một lưu ý cụ thể nào về vấn đề này trong DSM-5, nhưng hiện tượng tâm lý này được chứng minh và chấp nhận rộng rãi trong xã hội.

- Bố mẹ có thể hồi tưởng lại bản thân ở những sự kiện đau buồn mà họ từng trải qua trong quá khứ, khiến họ trở nên xa cách và tê liệt cảm xúc. 

Thậm chí họ trải qua những giai đoạn như tách rời với cuộc sống thực tế và chìm vào những trải nghiệm trong đầu họ. Họ như bị cuốn vào những đau khổ và các cảm xúc tiêu cực, mâu thuẫn bên trong. Trẻ em luôn quan sát bố mẹ để nhận lấy tín hiệu an toàn cho chính mình, sở hữu một tâm hồn mỏng manh và ngây thơ, bố mẹ chính là tấm khiên an toàn của những đứa trẻ. 

Sẽ ra sao khi những đứa trẻ nhìn thấy sự vụn vỡ ở bố mẹ, từ đó có cảm giác nghi ngờ và sợ hãi rằng liệu điều gì đó nghiêm trọng đang xảy đến?Những dấu hiệu này của bố mẹ có thể khiến đứa trẻ khó phát triển cảm giác an toàn, và thiếu đi khả năng diễn giải về sự bình yên của thế giới bên ngoài. 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những hành vi và cách hành xử bị điều khiển bởi những chấn thương tâm lý và cảm xúc của bố mẹ là một trong những yếu tố tiềm năng gây ra lo âu ở con cái họ ( Jennifer L. Allen và các đồng sự, 2018). 

- Những bố mẹ bị ảnh hưởng bởi sang chấn tâm lý có ít khả năng phản ứng tối ưu trong các cuộc khủng hoảng phát triển ở con cái, kết quả là họ không thể giúp con hiểu thế giới theo một cách lành mạnh. 

Một số nghiên cứu cho thấy chấn thương thời thơ ấu nếu ko được giải quyết ở các bà mẹ, nó sẽ dự báo về cách người mẹ đó nuôi dạy con cái kém trong tương lai. 

Việc có quá khứ từng trải qua bạo hành hay quấy rố.i tì.nh dục khiến người mẹ nhìn nhận vấn đề và  nuôi dạy con cái theo cách hung hăng tương tự như những gì họ trải qua lúc nhỏ (Appleyard Ket , 2011; Newcomb MD et al 2001). Các nghiên cứu này là những ví dụ cụ thể mà các nhà tâm lý nỗ lực tìm hiểu về “những sang chấn liên thế hệ” và chu kỳ bạo hành tinh thần lên con cái mình của các gia đình (Hser YI, 2015). 

Do đó, ở những bà mẹ nuôi dạy con cái bằng cách kiểm soát quá mức, tiền sử chấn thương tâm lý ở họ khiến họ nỗ lực ngăn cản con cái trở nên độc lập và tự chủ, và thoát khỏi sự bảo vệ của họ (DeVoe ER et al, 2001). Điều này có thể hiểu rằng các hành vi hung hăng, kiểm soát không đúng mực của cha mẹ đôi khi khiến con cái hiểu sai về sự bảo bọc của họ, từ đó dẫn đến những căng thẳng tinh thần không đáng có lên đứa trẻ. 

Thậm chí những người mẹ từng trải qua bạo hành tinh thần trong quá khứ có thể không biết cách xử lý khi đối diện với những vấn đề tâm lý ở con cái mình. 

Thuyết Học Tập Xã Hội (Social learning theories) của Albert Bandura (1971) và Thuyết Gắn Bó của John Bowlby cũng đề xuất rằng một người mẹ rất dễ thực hiện các hành vi bạo hành cảm xúc hoặc lạnh lùng, thơ ơ lên con cái mình như một cách tương tự mà cô từng trải qua trong quá khứ và học được từ sự nuôi dạy mà cô từng nhận được. 

Một trường hợp có thật trong bài nghiên cứu ở Mỹ về một gia đinh có mẹ và họ hàng từng sống trong một điều kiện sống kinh hoàng tại một nhà tình thương tại New York, Mỹ vào khoảng năm 1930-1940. 

Những lời được kể lại bởi một người luật sư có mẹ từng sống sót qua điều kiện tồi tàn ở thời đại của bà: “ Mẹ tôi không có những ranh giới cần thiết mà  bố mẹ và con cái nên có, mẹ dường như muốn xuất hiện ở tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời tôi. Danh tính của mẹ được xác định dựa trên sự thành bại của tôi. Một quãng thời gian rất dài, tôi dường như không thể phân biệt được rằng đâu là cuộc sống của mẹ và từ đâu cuộc đời tôi nên bắt đầu”. Cô gái kể thêm: “Bà ấy không biết cách thể hiện tình yêu thương. Tôi đã từng nhiều lần hỏi bà rằng : “Tại sao mẹ không nói mẹ yêu thương con?”. Bà ấy trải qua một khoảng thời gian khó khăn để biểu đạt những cảm xúc ấy. 

Cô gái cũng nói rằng cô cũng gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc của chính mình trong các mối quan hệ. “Những việc mà tôi cố gắng bộc lộ cảm xúc có lẽ là chỉ là qua những tấm giấy nhắn trao tay và không thể hơn”. Từ đó, cô nhận ra rằng nó cũng tác động lên cách cô thể hiện tình yêu với con cái mình, vì cô không biết diễn đạt cảm xúc theo cách mà đứa trẻ mong muốn. Hơn nữa, cô gái cũng cảm thấy mình dường như bộc lộ mong muốn bảo vệ con quá mức. Lời cuối của cô gái trong bài phỏng vấn, cô nói rằng cô hiểu rằng những điều mà mẹ cô làm là tất cả những gì tốt nhất bà ấy có thể làm sau khi sống sót qua những đau đớn trong cuộc đời bà. 

Và đó cũng là một trong những cách mà sang chấn tinh thần di truyền qua nhiều thế hệ gia đình trong xã hội. 

Ở thời ấu thơ, người mẹ đó không được tiếp cận hình mẫu cha mẹ đúng đắn từ gia đình họ, họ không được nhận sự ấm áp và nhất quán hay khuyến khích khả năng tự chủ. 

Khi đối diện với cảm xúc hỗn loạn của con mình, người mẹ như được “kiểm tra” khả năng làm cha mẹ. Việc yêu thương con cái nhưng gặp phải vướng mắc về chính mình trong quá khứ, khiến người mẹ có các cách hành xử mâu thuẫn và không nhất quán như: cho phép con cái ra ngoài chơi và phát triển bản thân, nhưng bên cạnh đó vẫn cố tình làm các hành vi hay nói những lời khiến đứa trẻ đó cảm thấy tội lỗi. 

- Những bố mẹ có các dấu hiệu của rối loạn tâm lý sau khi trải qua các sang chấn cũng có thể gặp khó khăn trong việc hình thành cách suy nghĩ và ý thức độc lập, lành mạnh; họ gặp bất lợi trong cơ chế tự xoa dịu và điều chỉnh cảm xúc phù hợp trong cuộc sống; cũng như khó duy trì quan điểm khách quan và cân bằng ở nhiều tình huống trong cuộc sống. Những phụ huynh mang rối loạn lo âu khiến họ giảm đi hoặc không có khả năng lắng nghe con cái. Họ có nhu cầu đối diện với nỗi lo âu trong tâm hồn cũng như bảo vệ bản thân khỏi cảm giác dễ bị tổn thương. Từ đó họ có các hành vi khó bao dung và thấu hiểu con cái, cũng như xuất hiện nhiều vấn đề lo lắng quá mức lên con cái hoặc đối xử hung hăng với đứa trẻ (Groves & Zuckerman, 1997; Osofsky & Fenichel, 1994, l996, 2000).

Ở những phụ huynh trải qua các sang chấn nghiêm trọng như rối loạn tâm lý sau sang chấn (PTSD) đặc biệt là chiến tranh. 

Những dấu hiệu có thể khác biệt ở từng người khác nhau tùy vào trải nghiệm của riêng họ, trong đó có thể kể đến như: Từ chối biểu hiện cảm xúc; khó tin tưởng người khác; dễ giận giữ và cáu bẳn;luôn sợ hãi một điều gì đó;không có khả năng kết nối với người khác; họ có cảm giác không thực về chính mình, có cảm giác họ đang quan sát cuộc đời mình từ một hướng bên ngoài hay qua một giấc mơ vì mọi thứ không chân thật;tự cô lập bản thân;mất đi một vài phần trí nhớ; mắc các chứng mất ngủ (từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng và cách họ biểu hiện trong mọi hành vi cuộc sống); Họ cảnh giác cao độ với một vài vấn đề trong cuộc sống, khi họ ở trạng thái này, họ quá mức nhạy cảm với những điều xung quanh; Họ có cảm giác như đang đối diện với một báo động nguy hiểm nào đó từ người khác hoặc từ môi trường xung quanh. Dù cho những sợ hãi đó không hề có thật. 

Những ảnh hưởng từ ký ức về chiến tranh trên ảnh hưởng lớn đến chức năng nuôi dạy con cái của họ, vì những căng thẳng của chính họ khiến họ ít có khả năng nhạy cảm hơn đến nhu cầu của con cái, dựa trên những nghiên cứu lâm sàng có thật từ những người trở về từ chiến tranh Việt Nam (Jordan et al., 1992, p. 916). Qua đó, những người trải qua sang chấn từ chiến tranh cho thấy cách họ phản ứng kém hơn khi con cái chia sẻ vấn đề trong cuộc sống với họ, ảnh hưởng đến mức độ tận hưởng cảm giác làm phụ huynh của họ cũng như mức độ hài lòng về việc họ có hoà hợp với con cái hay không. 

Một nghiên cứu khác từ Scheeringa và Zeanah (2001) cũng chỉ ra vấn đề rằng các dấu hiệu liên đới đến các căng thẳng tâm lý hay PTSD ở bố mẹ (cho dù ở tình huống cuộc sống đó không hề có sự kiện nguy hiểm) có thể ảnh hưởng đến con cái theo các cách như: 

- Vô trách nhiệm, không có mặt cũng như không sẵn sàng khi con cái cần: Bố mẹ không có mặt và không thực hiện được chức năng cần thiết trước nhu cầu của con cái, vấn đề này xảy ra nhiều ở những bậc cha mẹ trải qua nhiều sang chấn tâm lý trước đó.

- Quá bảo vệ con cái: họ luôn bận tâm và lo sợ rằng con cái của họ sẽ gặp những tổn thương, cũng như xuất phát từ cảm giác tội lỗi của chính họ vì ở trong một thời điểm nào đó đã không bảo vệ được chu toàn cho con cái mình. 

- Liên tục tái hiện các suy nghĩ và sợ hãi rằng những tình huống tệ có thể xảy ra: họ liên tục đặt các câu hỏi cho con cái cũng như đặt con mình vào các tình huống mà những chấn thương tâm lý (mà họ từng trải qua) và hỏi con mình rằng nếu những tình huống đó có thể sẽ xảy ra một lần nữa. 

Có lẽ mỗi người chúng ta đều mặc lên mình những bộ trang phục khác nhau, đôi khi những thứ ta mang lên mình còn có mục đích khác, không phải chỉ để che đậy cơ thể, mà là che đi những tổn thương tâm lý và các cảm xúc không hoàn thiện bên trong tâm hồn. Đôi khi, người lớn luôn mang theo những chiếc mặt nạ hiện ra bên ngoài là hành vi lạnh lùng, thơ ơ, kiểm soát, gia trưởng,..để che đi những nỗi đau di truyền bên trong họ - nỗi đau kéo dài từ thời bố mẹ họ và cả những đời trước nữa. 

Đây là một chủ đề rất dài và thực sự khó để viết ra đầy đủ mọi thông tin liên quan đến nó. Tuy nhiên, mình vẫn cố gắng tổng hợp và diễn giải nó thông qua các nghiên cứu. Nhưng mình gặp khó khăn trong việc tìm các bài nghiên cứu về vấn đề sang chấn tâm lý ở các thế hệ trước, hi vọng rằng các bạn nào biết đến những bài nghiên cứu lên phụ huynh Việt Nam sẽ comment link ở dưới. Cũng như hãy cùng chia sẻ những điều bạn biết về nỗi đau liên thế hệ dưới bài này. 

NGUỒN THAM KHẢO: 

Appleyard, K., & Osofsky, J. D. (2003). Parenting after trauma: Supporting parents and caregivers in the treatment of children impacted by violence. Infant Mental Health Journal: Official Publication of The World Association for Infant Mental Health, 24(2), 111-125.

Jovanovic, A. Smith, A. Kamkwalala, J. Poole, T. Samples, S.D. Norrholm, et al.

Physiological markers of anxiety are increased in children of abused mothers

J Child Psychol Psychiatry, 52 (2011), pp. 844-852

Chapter 17 - Intergenerational transmission of stress vulnerability and resilience : https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780128139837000173

 

L.M. Bierer, H.N. Bader, N.P. Daskalakis, A.L. Lehrner, I. Makotkine, J.R. Seckl, R. Yehuda

Elevation of 11β-hydroxysteroid dehydrogenase type 2 activity in Holocaust survivor offspring: Evidence for an intergenerational effect of maternal trauma exposure

Psychoneuroendocrinology, 48 (2014), pp. 1-10

  1. Lehrner, L.M. Bierer, V. Passarelli, L.C. Pratchett, J.D. Flory, H.N. Bader, et al.

Maternal PTSD associates with greater glucocorticoid sensitivity in offspring of Holocaust survivors

Psychoneuroendocrinology, 40 (2014), pp. 213-220

Intergenerational cycle of maltreatment: a popular concept obscured by methodological limitations.

Newcomb MD, Locke TF

Child Abuse Negl. 2001 Sep; 25(9):1219-40.

[PubMed] [Ref list]

Parent-dependent stressors and the onset of anxiety disorders in children: links with parental psychopathology

Jennifer L. Allen, Seija Sandberg, Celine Y. Chhoa, Tom Fearn, Ronald M. Rapee

Eur Child Adolesc Psychiatry. 2018; 27(2): 221–231. Published online 2017 Aug 8. doi: 10.1007/s00787-017-1038-3

DeVoe ER, Smith EL. The impact of domestic violence on urban preschool children: battered mothers’ perspectives. J Interpers Violence. 2002;17:1075–1101.

Maternal mental health and children's internalizing and externalizing behaviors: Beyond maternal substance use disorders.

Hser YI, Lanza HI, Li L, Kahn E, Evans E, Schulte M

J Child Fam Stud. 2015 Mar; 24(3):638-648.

[PubMed] [Ref list]

Developmental correlates and predictors of emotional availability in mother-child interaction: a longitudinal study from infancy to middle childhood.

Easterbrooks MA, Bureau JF, Lyons-Ruth K

Dev Psychopathol. 2012 Feb; 24(1):65-78.

Intergenerational transmission of paternal trauma among US Civil War ex-POWs

Dora L. Costa, Noelle Yetter, Heather DeSomer

Proceedings of the National Academy of Sciences Oct 2018, 115 (44) 11215-11220; DOI: 10.1073/pnas.1803630115

https://www.choosingtherapy.com/intergenerational-trauma/

https://laodong.vn/archived/holocaust-noi-dau-cua-nhung-nguoi-khong-lo-do-thai-669100.ldo

https://tuoitre.vn/nan-doi-nam-1945-ky-1-tham-canh-que-nha-68487.htm

Ảnh: The Publication 

NGUYỄN LÊ HOÀI THƯƠNG 

FACEBOOK PAGE: PSYCHOLOGICAL FACTS - TÂM LÝ HỌC VIỆT NAM 

 

menu
menu