Sự ghê tởm tạo nên loài người

su-ghe-tom-tao-nen-loai-nguoi

Sự ghê tởm khiến loài người hợp tác xây dựng nên các nền văn minh

Sự ghê tởm khiến loài người hợp tác xây dựng nên các nền văn minh

Tổ tiên chúng ta phản ứng với loài ký sinh bằng sự ghê tởm tột cùng, thiết lập cho não bộ đạo đức, lối cư xử, chính trị và pháp luật.

Một thanh niên trẻ quan hệ tình dục với con chó của anh ta. Thực tế, đó cũng là lần đầu tiên anh ta làm tình. Mối quan hệ giữa họ vẫn tốt đẹp; con chó không hề cảm thấy ngại ngùng. Nhưng lương tâm con người đang nuốt chửng người thanh niên kia từ bên trong. Anh ta có hành động vô đạo đức không?

Trong lúc tìm kiếm câu trả lời, anh ta gửi một email cho David Pizarro, người đang giảng dạy môn tâm lý đạo đức tại Đại học Cornell, New York. “Tôi cứ nghĩ anh ta chỉ đang đùa,” Pizarro nói. Ông gửi lại chàng thanh niên đường link bài viết về hành động thú tính, và nghĩ rằng như vậy là xong việc. Nhưng chàng thanh niên lại phản hồi với nhiều câu hỏi hơn. “Tôi nhận ra thằng nhóc này gặp vấn đề thật rồi.”

Mặc dù Pizarro là người tiên phong trong lĩnh vực của mình, ông cũng phải vất vả để tìm ra câu trả lời. “Cuối cùng tôi trả lời thế này: “Tôi sẽ không nói đây là một hành vi vi phạm đạo đức. Nhưng trong xã hội chúng ta, cậu phải chấp nhận rằng mọi lề lối của con người đều tin rằng hành vi của cậu dị hợm, bởi vì nó dị hợm. Đó không phải thứ mà người khác muốn nghe kể về.” Và tôi nói: “Cậu có muốn con gái mình hẹn hò với người đã từng làm tình với con chó của hắn ta không? Câu trả lời là không. Và đây là một điều quan trọng: cậu không có những bài luận được viết cho động vật về cách chúng bị ngược đãi bởi tình yêu chúng dành cho con người. Tôi rất sẵn lòng giúp cậu.”

Về bản chất, Pizarro đang nói rằng hành vi của cậu thanh niên là dị thường, đáng lo ngại và thảm hại, song ông lại không sẵn sàng lên án nó. Nếu đó là điều không chấp nhận được với bạn, bạn có lẽ sẽ phát bệnh với hình ảnh ai đó đang làm tình với một con chó. Nhưng hành động của người thanh niên đó có vô đạo đức hay không? Ít nhất theo như lời giải thích của chính anh ta, con chó không hề bị tổn hại.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xác định chính xác lý do hành vi của người thanh niên có vẻ sai trái, thì các nhà tâm lý học có một cụm từ dành cho trạng thái bối rối của bạn.

Bạn đang bị morally dumbfounding. (tạm dịch: bàng hoàng đạo đức)

Một phần có giá trị trong nghiên cứu của Pizarro và các đồng sự cho thấy việc đánh giá đạo đức không phải lúc nào cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Đôi khi chúng ta cảm thấy một hành động sai lầm ngay cả khi ta không thể chỉ ra nó sai ở đâu. Chúng ta quy chụp và rồi – theo như lời của Jonathan Haidt, một nhà tâm lý học xã hội Đại học New York – “xây dựng các luận cứ theo sau những cảm xúc đó”. Kết luận của nghiên cứu tiết lộ, cảm giác này được dẫn truyền bởi sự ghê tởm, một cảm xúc mà hầu hết các nhà khoa học tin rằng có liên quan đến việc bảo vệ chúng ta khỏi các loài ký sinh trùng. Được biểu hiện bằng những tiếng kêu như “eo ơi”, “kinh quá”, sự ghê tởm khiến chúng ta chùn bước trước phân, rệp, đỉa hay bất cứ thứ gì có thể gây bệnh cho ta. Tuy vậy, đôi khi đào sâu lại quá khứ, cùng một cảm giác khiến ta co rúm lại khi chạm vào xác động vật chết hay tiếp xúc với luồng hơi hôi thối, cũng chính là cảm giác lôi kéo ta vào niềm tin sâu sắc nhất – từ đạo đức và các giá trị tôn giáo đến những quan điểm chính trị.

Vai trò quan trọng của sự ghê tởm trong trực giác đạo đức của chúng ta được lặp lại trong ngôn ngữ: những việc làm, hành vi dơ bẩn, một kẻ vô lại thối tha. Ngược lại sạch sẽ đại diện cho sự ngoan đạo. Chúng ta tìm kiếm sự thanh tịnh trong tâm linh. Sự đồi bại có thể làm ô nhiễm chúng ta, vì vậy ta phải tránh xa những điều dơ bẩn.

Pizarro ngờ vực sâu sắc việc dùng sự ghê tởm làm la bàn đạo đức. Nếu người ta dựa vào nó, ông cảnh báo, nó có thể dẫn họ đi sai hướng. Việc lên án đồng tính luyến ái với lý do nó phản cảm là một ví dụ điển hình cho sự nguy hiểm đó, ông lập luận, “Tôi nói với lớp của mình rằng: Với tư cách là một người đàn ông dị tính, không phải là tôi sẽ không cảm thấy ghê tởm khi các em cho tôi xem một bức hình về các hành động tình dục giữa hai người đàn ông. Nhiệm vụ của tôi là nói rằng: Thứ này liên quan quái gì đến niềm tin đạo đức của tôi? Tôi nói với họ, ý nghĩ về hai kẻ xấu xí làm tình với nhau cũng khiến tôi khó chịu, nhưng nó không dẫn đến chỗ phải cân nhắc về mặt luật pháp để chống lại việc hai kẻ xấu xí làm tình.”

Người vô gia cư cũng là một nhóm khác mà người ta thường xuyên phỉ báng, có lẽ bởi vì họ cũng có thể kích hoạt chuông báo động ghê tởm, khiến xã hội dễ dàng tước đi bản tính người của họ và quy kết những tội ác mà họ không hề gây ra. “Nghĩa vụ đạo đức của tôi là chắc chắn rằng cảm xúc không ảnh hưởng đến mình đến mức phải chà đạp lên nhân cách của ai đó,” Pizarro nói.

Ông biết rõ rằng hầu hết những công việc khó khăn không để sự ghê tởm ảnh hưởng đến sự phán đoán đạo đức. Ông cẩn trọng đến nỗi dựa vào các sinh viên để lập trình tất cả những hình ảnh về sự ghê tởm được sử dụng trong các nghiên cứu về lý luận đạo đức của mình. “Cần những lý do mạnh bạo mới làm lung lay thái độ của tôi được”, ông nói, “Tôi xem nó như một thành tựu trí tuệ mà nhớ đó tôi mở mang thêm nhiều vấn đề khác.”

Dù vậy lời nguyền của việc dễ dàng trở nên ghê tởm lại mang đến lợi ích trong công việc của ông: Nó giúp ông có cái nhìn sâu sắc hơn vào cách cảm xúc dẫn lối cho những tư tưởng đạo đức.

Nếu bạn nghi ngờ việc ký sinh trùng có liên quan đến các nguyên tắc của mình, hãy xem xét điều này: các giá trị của chúng ta thực sự thay đổi khi có những tác nhân lây nhiễm ở xung quanh mình. Trong một thí nghiệm của Simone Schnall, nhà tâm lý học xã hội tại đại học Cambridge, các sinh viên được yêu cầu suy nghĩ về các hành vi đáng ngờ về đạo đức như nói dối trong sơ yếu lý lịch, không trả lại chiếc ví nhặt được, hay xa hơn nữa, ăn thịt người để sống sót trong một tai nạn máy bay. Những sinh viên ngồi tại những chiếc bàn có vết bẩn đồ ăn và những chiếc bút bị cắn thường đánh giá lỗi lầm có phần nghiêm trọng hơn các sinh viên ngồi ở những bàn sạch sẽ không tì vết. Nhiều nghiên cứu khác, người tham gia được giữ kín danh tính, dùng sự khơi gợi nỗi ghê tởm bằng trí tưởng tượng như mùi rắm hay bãi nôn cũng cho kết quả tương tự.

Quan hệ tình dục trước hôn nhân, hối lộ, sách báo khiêu dâm, báo chí phi đạo đức, hôn nhân giữa anh em họ: tất cả đều trở nên đáng trách hơn khi có các tác nhân gây nên sự ghê tởm xung quanh chủ thể.

Những người tham gia tiếp xúc với mùi độc hại sẽ có nhiều khả năng xác nhận chân lý trong kinh thánh hơn những người không chịu sự ô nhiễm không khí.

Sự cự tuyệt ấy cũng khiến khả năng đọc được những ý định xấu trong các hành động vô thưởng vô phạt tăng lên. Trong một thử nghiệm được tiến hành bởi Haidt và sinh viên của mình, Thalia Wheatley, liệu pháp thôi miên đã được sử dụng để gây ra cho đối tượng một cảm giác ghê tởm ngập tràn khi họ lướt qua các từ “mang” và “thông thường”. Sau đó các tình nguyện viên kể một câu chuyện về Dan, chủ tịch hội sinh viên đang cố gắng sắp xếp các chủ đề cho các bạn trong lớp và giảng viên để thảo luận. Nó không hề có nội dung liên quan đến đạo đức. Tuy nhiên các đối tượng đã qua thôi miên chứa các từ ngữ kích hoạt sự ghê tởm nghi ngờ về động cơ của Dan hơn nhóm đối chứng, những người đọc một câu chuyện gần như giống hệt mà không qua liệu pháp thôi miên. Giải thích cho việc không tin tưởng Dan, các học viên đưa ra những lời giải thích hợp lý kiểu như: “Có vẻ anh ta đang âm mưu gì đó” và “Dan là một thằng hợm hĩnh hám danh.”

Các hành vi tình dục vô hại, một cách tương tự có thể coi là ngụ ý vô đạo đức nếu vi khuẩn đã đặt chỗ trước trong tâm trí bạn. Khi các đối tượng của một trong các nghiên cứu của Pizarro nhìn thấy dấu hiệu khuyến cáo sử dụng khăn lau tay, họ càng phán xét khắc nghiệt hơn trường hợp một cô gái thủ dâm trong lúc đang ôm chặt con gấu bông và một người đàn ông quan hệ tình dục trên giường của bà ngoại trong lúc đang coi nhà cho bà.

Có một mẫu số chung rõ ràng trong các phát hiện trên từ một cuộc điều tra được các nhà tâm lý học tại Đại học Anh Columbia, Mark Schaller và Damian Murray thực hiện. Những người được nhắc nhở về mối đe dọa của các căn bệnh truyền nhiễm thường có chiều hướng ủng hộ các giá trị truyền thống và bày tỏ thái độ khinh miệt với bất cứ ai vi phạm các chuẩn mực xã hội. Các dấu hiệu bệnh tật thậm chí còn khiến chúng ta dễ dàng nhượng bộ về mặt tôn giáo hơn. Trong một nghiên cứu, những người tham gia tiếp xúc với mùi độc hại sẽ có nhiều khả năng xác nhận chân lý trong kinh thánh hơn những người không chịu sự ô nhiễm không khí.

Khi chúng ta lo lắng về bệnh tật, nó xuất hiện, và chúng ta rút ra không chỉ với cách nấu nướng của mẹ, mà còn cả niềm tin của bà về cách thích hợp để kiểm soát bản thân – đặc biệt trong môi trường xã hội. Chúng ta đặt niềm tin vào các phong tục tập quán lâu đời có lẽ vì chúng dường như là một canh bạc an toàn hơn khi sự sống của ta đang trong trạng thái nguy hiểm. Đây không phải lúc đón nhận những cái mới, những triết lý cuộc đời chưa được kiểm chứng, một giọng nói thì thầm trong tâm trí ta.

Từ kết quả của những phát hiện trên, Pizarro tự hỏi liệu quan điểm chính trị của chúng ta có thay đổi khi ta cảm thấy dễ mắc bệnh không. Trong cuộc hợp tác với Erik Helzer tại trường kinh tế John Hopkins Carey ở Baltimore, ông đã đưa ra một chiến lược thông minh để thử nghiệm ý tưởng. Họ đặt các đối tượng bên cạnh một lọ nước rửa tay hoặc không có gì, rồi hỏi họ quan điểm về nhiều vấn đề đạo đức, tài chính và xã hội. Những người được nhắc nhở về mối nguy hiểm của việc nhiễm bệnh thể hiện quan điểm bảo thủ hơn. Kết quả khá thú vị nhưng chúng nên được diễn giải một cách thận trọng. Khi chúng ta kêu gọi việc đánh giá đạo đức trong thực tế, ta có nhiều thông tin để nghiên cứu hơn môi trường trong phòng thí nghiệm – các tình huống khác, thái độ của mọi người, cách họ hành xử với chính mình, các tình tiết giảm nhẹ, vân vân. “Có nhiều điều ảnh hưởng đến đánh giá đạo đức và sự ghê tởm là một trong số đó”. Pizarro nhấn mạnh. Trong một thế giới ngày càng phức tạp hơn mỗi ngày, những quy chụp dựa trên sự ghê tởm theo bản năng hoàn toàn được tôi luyện bằng logic và lý do, hướng chúng ta thay đổi đánh giá ban đầu về một sai phạm hay thậm chí kết luận nó không vi phạm đạo đức. Hơn nữa, hành vi ghê tởm của một người dựa trên hệ thống giá trị đã được phát triển. Một cái bàn bẩn hay luồng hơi hôi hám không biến một kẻ phóng đãng thành đức hạnh, người vô thần thành kẻ cuồng tín hay tên phản bội thành kẻ trung thành. “Sự thay đổi trong thái độ mang tính tạm thời và ở phạm vi hẹp”, Pizarro nhấn mạnh. “Nếu muốn ảnh hưởng lên thái độ của người khác, có lẽ còn nhiều cách có tác động mạnh hơn để làm điều đó”.

Những điều trên có thể có liên quan đến kết quả của một nghiên cứu mà ông thực hiện để kiểm tra tính đúng đắn của một giả thuyết – dấu hiệu gây bệnh có thể kích thích quan điểm chống đối người đồng tính. Ông hợp tác với Yoel Inbar và đồng nghiệp tại Đại học Toronto, nhóm của ông đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến về thái độ của người Mỹ đối với người đồng tính có liên quan đến dịch bệnh Ebola bùng phát đến đỉnh điểm vào mùa thu năm 2014.

Các nhà khoa học nhận thấy quan điểm về vấn đề này đúng là đã chuyển hướng tiêu cực, nhưng tầm ảnh hưởng không lớn như họ đã dự liệu trước.

Những người dễ cảm thấy ghê tởm thường có quan điểm chính trị bảo thủ vững vàng hơn.

Pizarro lý luận rằng có thể tầm ảnh hưởng yếu như vậy là do người tham gia không lo ngại về Ebola nhiều đến mức khiến quan điểm của họ bị lung lay. Trong môi trường thí nghiệm, những cuộc khảo sát được hoàn thành chỉ trong vài phút sau khi người tham gia tiếp xúc với mùi khó chịu. Nhưng Pizarro không loại trừ một khả năng khác là do tác nhân kích thích sự ghê tởm chỉ phóng đại những thành kiến có sẵn. Thái độ xã hội đối với người đồng tính nam đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua, và những con người trước đây bị mắng nhiếc, sỉ vả này nay đã nhận được cái nhìn thiện cảm hơn. Nếu như đó là lý do đúng là lý do mà dịch bệnh chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ đến thái độ đối với đồng tính nam, Pizarro nói “đó là một tín hiệu khả quan”.

Tuy nhiên, tính khí khắt khe có thể có ảnh hưởng đáng kể, lâu dài đến thái dộ và niềm tin của bạn. Pizarro và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng những người dễ cảm thấy ghê tởm thường có quan điểm chính trị bảo thủ vững vàng hơn. Họ khắt khe với tội phạm, chống đối quan hệ tình dục tùy tiện, nạo phá thai và quyền lợi của người đồng tính, đồng thời còn theo chủ nghĩa độc đoán. Họ hay có khuynh hướng nghĩ rằng trẻ em nên nghe lời người lớn vô điều kiện, đặt nặng việc gắn kết xã hội và tuân theo truyền thống. Dù dẫn chứng không đủ rõ ràng, nhưng vẫn có một số dấu hiệu cho thấy những người dễ bị ghê tởm thường bảo thủ về tài chính (chống đối thu thuế và các chương trình chi tiêu của chính quyền).

Trong chuyện này cũng có một góc nhìn tâm lý học. Khi xem hình người ăn giun và những hình ảnh ghê tởm khác, người theo chủ nghĩa bảo thủ chảy mồ hôi nhiều hơn người theo chủ nghĩa tự do (đo dựa trên phản ứng điện của da). Tuy nhiên phản ứng mạnh của họ không chỉ giới hạn ở mối nguy bệnh tật. So với người tự do, họ cũng phản ứng với tiếng động to cùng cơn giật mình. Việc quan sát song song này có thể có liên quan trực tiếp đến một phát hiện được nghiên cứu kỹ lưỡng trong khoa học chính trị: người theo chủ nghĩa bảo thủ nhìn nhận thế giới là một nơi nguy hiểm hơn so với người theo chủ nghĩa tự do. Điều đó có thể ảnh hưởng đến vị trí của họ trong những vấn đề liên quan đến chính sách với nước ngoài. Không chỉ thiếu tin tưởng đối với người nước ngoài, họ còn dễ đi đến việc sử dụng vũ lực. Bên cạnh người tự do, người bảo thủ chắc chắn thẳng thắn hơn khi ủng hộ những vấn đề như lòng yêu nước, quân đội mạnh, và trọng trách phục vụ trong lực lượng vũ trang.

Nhìn vào những dẫn chứng này, bạn sẽ cho rằng dùng sự nhạy cảm với ghê tởm có thể dự đoán được hành vi bầu cử. Đúng vậy, ta có thể dự đoán, dù không hoàn toàn chính xác. Nền tảng giáo dục, quan điểm tôn giáo, khoảng thu nhập của bạn và nhiều yếu tố khác cũng hình thành nên tư tưởng của bạn. Nhưng nếu ta nhìn vào một tập thể thì sẽ thấy rằng có một xu hướng nhất quán trong bộ dữ liệu ấy.

Trong một nghiên cứu trên 237 người dân Hà Lan được xuất bản năm 2014, những người đạt chỉ số nhạy cảm với sự ghê tởm cao nhất trong một bài kiểm tra trực tuyến thường sẽ bầu cho Đảng Tự do bảo thủ xã hội, kịch liệt chống đối người nhập cư, thù địch người Hồi giáo, đặt nặng truyền thống Hà Lan hơn so với lối sống đa văn hóa, và rất hoài nghi Liên minh Châu Âu. Hà Lan có 10 đảng chính trị, và vị trí của họ trong nhiều vấn đề không thể được phân định rõ ràng là bảo thủ hay tự do, vì vậy nên các nhà nghiên cứu không thể dự đoán được hành vi bầu cử, nhưng họ nhận thấy rằng độ nhạy cảm với sự ghê tởm của một người có liên hệ với tư tưởng chính trị của người đó.

Một nghiên cứu trực tuyến khác cũng cho ra kết quả tương tự. Thực hiện bởi một nhóm gồm Pizarro, Haidt và Imbar, cuộc nghiên cứu trên 25,000 người Mỹ diễn ra vào kỳ bầu cử tổng thống năm 2008. Những ai có chỉ số lo âu lây nhiễm cao đa số bảo rằng họ dự định bầu cho John McCain (ứng cử viên có phần bảo thủ hơn) thay vì Barack Obama. Ngoài ra, mức độ lo ngại lây nhiễm trung bình ở một bang – được tính dựa trên độ nhạy cảm với sự ghê tởm của người tham gia khảo sát ở mỗi bang – đã dự đoán được lượng phiếu được bầu cho McCain.

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan tương tự giữa độ nhạy cảm với sự ghê tởm và tư tưởng chính trị ở 122 quốc gia rải rác trên khắp địa cầu – cơ bản mà nói thì đó là tất cả quốc gia có đủ lượng người tham gia trả lời khảo sát để có được phân tích số liệu. Như lời điều tra viên trên tờ Journal of Social Psychological and Personality Science (Tạp chí Khoa học Tâm lý Xã hội và Khoa học Tính cách): “điều này rõ ràng cho thấy” rằng “mối liên hệ này không phải là sản phẩm của những tính chất riêng biệt của hệ thống chính trị nước Mỹ (hay nói rộng hơn là hệ thống chính trị dân chủ phương Tây. Thay vào đó, độ nhạy cảm với sự ghê tởm có liên quan đến chủ nghĩa bảo thủ ở nhiều nền văn hóa, lãnh thổ và bộ máy chính trị.”

Không lấy làm lạ, các chính trị gia đã và đang tìm cách khai thác khoa học của sự ghê tởm để tạo lợi thế cho mình. Một ví dụ đáng chú ý là chiến dịch quảng cáo kỳ lạ của Carl Paladino, nhà hoạt động chính trị của Phong trào Tiệc trà (Tea Party), trong thời gian diễn ra vòng bầu cử sơ bộ thống đốc bang Cộng hòa ở New York năm 2010. Vài ngày trước khi bầu cử, cử tri đã đăng ký trong đảng của ông mở hộp thư và nhìn thấy tờ quảng cáo sặc mùi rác kèm theo lời nhắn “Something Stinks in Albany” (Một chút hôi thối ở Albany). Tờ quảng cáo in hình thành viên Đảng Dân chủ tại bang vướng scandal và chỉ trích đối thủ của Paladino, cựu Nghị viên Rick Lazio, là một người “phung phí” và dung túng nạn tham nhũng trong nội bộ chính quyền. Người gửi thư hôi thối ấy có tăng số phiếu bầu cho Paladino hay không thì ta không biết. Nhưng họ không có vẻ gì là đang hại ông ấy cả: ông đã đánh bại Lazio với khoảng cách không tưởng 24%.

Gần đây hơn nữa, Donald Trump kịch liệt chỉ trích việc Hillary Clinton nghỉ giữa giờ để đi vệ sinh quá lâu tại buổi tranh luận sơ bộ của Đảng Dân chủ là “quá ghê tởm” để nhắc đến, khiến đám đông bật cười vỗ tay.

Nỗi sợ mầm bệnh, vi trùng không chỉ làm chệch hướng tín ngưỡng và quan điểm chính trị của con người. Nó thực sự khiến ta nghĩ về đạo đức dưới quan hệ trắng-đen – một phát hiện mới gây xão trộn hệ thống tư pháp hình sự. Chắc hẳn bạn đều cho rằng nàng tiên đỡ đầu mặc đồ trắng và phù thủy ác độc mặc đồ đen, cả những anh hùng và kẻ ác cầm súng choảng nhau trên TV cũng theo quy luật phối đồ như vậy. Đối với nhà tâm lý học Gary D. Sherman của Harvard và Gerald L. Clore của Đại học Virginia, những người đã chứng minh ta liên hệ màu tối với rác rưởi và mầm bệnh, những khuôn mẫu xưa như Trái Đất này dấy lên một câu hỏi gây nhức nhối: với tính năng phụ là nhận diện vật chất, hiện tượng ô nhiễm, tâm trí con người có thực sự mã hóa màu đen là tội lỗi và màu trắng là đoan chính?

Để tìm hiểu khả năng này, họ sử dụng một trò chơi rèn luyện não rất được yêu thích: bài kiểm tra Stroop. Một thử thách điển hình là bấm phím mỗi khi bạn nhìn thấy một từ ngữ mô tả tên một màu sắc – ví dụ, vàng. Nếu những chữ cái của từ đó cũng có màu vàng, người ta thực hiện động tác nhanh hơn khi những chữ cái có màu xanh hay bất kỳ màu khác, điều này cho thấy rằng tâm trí cần thêm thời gian để “tiêu hóa” những thông tin mâu thuẫn với dự tính.

Trong phiên bản chỉnh sửa của các nhà nghiên cứu, tình nguyện viên được cho xem những từ ngữ liên quan đến đạo đức như tội áctrung thực, tham lam và thánh nhân xuất hiện ngẫu nhiên với màu trắng hoặc đen. Những từ ngữ xuất hiện và biến mất rất nhanh, và thử thách đặt ra là chỉ bấm phím với những từ mang ý nghĩa tiêu cực về đạo đức. Người tham gia thao tác nhanh hơn rất nhiều nếu từ ngữ liên quan đến tội lỗi được để màu đen, cho thấy mối liên hệ nhanh chóng và tức thời. Cách ghép ngược lại khiến họ bối rối và làm chậm tốc độ.

Để tìm kiếm chứng cứ rõ ràng hơn cho việc thiên kiến của người tham gia có thể là một thích nghi tâm lý để giảm tiếp xúc với những lây nhiễm, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm xa hơn. Họ hướng người tham gia suy nghĩ đến những hành vi trái với luân thường đạo lý bằng cách yêu cầu họ viết về một luật sư nhếch nhác, và rồi họ lại tiến hành bài kiểm tra Stroop lần nữa. Lần này người tham gia liên hệ từ màu đen với độc ác và từ màu trắng với lương thiện còn nhanh hơn lần trước – mặc dù một số từ ngữ dùng trong bài kiểm tra này (trong đó có tán gẫu, nhiệm vụ, và giúp đỡ) không mấy liên quan đến đạo đức. Vì tâm trí của chúng ta thường đưa ra quyết định tức thời về mối nguy mầm bệnh để đảm bảo an toàn cho bản thân – thật vậy, một số nhà khoa học cho rằng điều này như một phản xạ – các nhà nghiên cứu trở nên vô cùng tự tin rằng người tham gia đã dựa vào trực giác đạo đức thay vì quá trình lý giải nhận thức diễn ra chậm hơn.

Sherman và Clore lý luận rằng, những người liên hệ màu trắng với đạo đức và màu đen với vô đạo đức nhanh nhất sẽ quan ngại nhiều về mầm bệnh và sự sạch sẽ. Để tìm hiểu điều này, họ yêu cầu tất cả người tham gia đánh giá mức độ họ mong muốn các sản phẩm lau rửa và những mặt hàng tiêu dùng khác vào cuối buổi thực nghiệm. Đúng như dự đoán, những người bị nghi là mắc chứng sợ vi khuẩn (germaphobic) đánh giá cao những sản phẩm lau rửa – đặc biệt là những món đồ liên quan đến vệ sinh, như xà phòng và kem đánh răng.

Vì khuynh hướng xem màu đen là xấu tăng cao khi những vấn đề đạo đức là trước nhất trong tâm trí, nên tòa án đích xác là nơi ta nhận thấy thiên kiến nhận thức rõ ràng nhất – một tin xấu cho những người da màu mong chờ vào một phiên tòa công bằng. “Mối liên hệ bóng tối-ô nhiễm-độc ác có thể không ảnh hưởng nhiều đến định kiến như mối quan hệ giữa bản sắc, đói nghèo và tội phạm,” Clore nói, “nhưng vẫn đáng lo ngại vì những thiên kiến tiêu cực này có thể có ảnh hưởng phụ, dấy lên việc người da màu bị phán có tội hoặc nhận phán quyết nặng hơn.”

 Những nghiên cứu trên và các nghiên cứu liên quan khác gợi ra một câu hỏi hiển nhiên: làm cách nào mà những ký sinh ấy len lỏi vào bộ mã đạo đức của chúng ta? Một số nhà khoa học tin rằng hệ thống mạng lưới não bộ nắm giữ chìa khóa cho bí ẩn này. Ghê tởm xúc động mạnh – bạn chỉ muốn la lên “Thấy gớm!” khi nhìn thấy một bồn cầu bị tràn hay nghĩ đến chuyện ăn con gián – kích thích thùy não trước, một bộ phận cổ xưa trong não bộ điều khiển phản ứng nôn ọe. Nhưng cũng chính bộ phận này sẽ sục sôi nếu một người bị phương hại bởi hành vi đối xử tàn nhẫn hay bất công đến từ người khác. Đó là chưa kể sự ghê tởm xúc động mạnh và đạo đức chồng chéo lên nhau trong não bộ, nhưng chúng sử dụng chung một hệ mạch khiến những cảm xúc chúng tạo ra đôi khi cùng nảy sinh, gây ra đánh giá sai lệch.

Mặc dù có vài thiếu sót trong thiết kế hệ thống thần kinh hỗ trợ cảm xúc đạo đức, vẫn có rất nhiều thứ đáng ngưỡng mộ. Trong một nghiên cứu đáng chú ý của một nhóm các nhà thần kinh học và nhà khoa học chính trị, dẫn dắt bởi Christopher T. Dawes của Đại học New York, những người tham gia được chụp não trong khi họ đang chơi trò chơi phân chia lợi nhuận trong một nhóm người. Thùy não trước được kích hoạt khi người tham gia quyết định từ bỏ thu nhập của mình để phân chia lại tiền từ người chơi có thu nhập cao nhất đến người có thu nhập thấp nhất (gọi là xung lực Robin Hood). Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, thùy não trước phát sáng khi người chơi cảm thấy mình bị đối xử không công bằng trong trò chơi. Thêm vào đó, nó cũng được kích hoạt khi một người lựa chọn trừng phạt những người chơi ích kỷ hay tham lam.

Những dạng nghiên cứu này đã khiến các nhà khoa học thần kinh cắt nghĩa thùy não trước là nguồn cơ của những cảm xúc ủng hộ xã hội. Nó tăng lòng trắc ẩn, hào phóng và nhân nhượng hoặc – nếu một cá nhân gây tổn hại đến người khác – ăn năn, xấu hổ và chuộc lỗi. Tuy nhiên, thùy não trước không phải là khu vực thần kinh duy nhất liên quan đến sự ghê tởm xúc động mạnh và đạo đức. Một số nhà khoa học nghĩ rằng phản ứng chồng chéo giữa hai loại phản ứng này có thể diễn ra ở hạch hạnh nhân, một bộ phận cổ xưa khác của não bộ.

Những người bị loạn thần kinh nhân cách nổi tiếng là những kẻ thiếu lòng cảm thông, và thường có hạch hạnh nhân lẫn thùy não, cùng một số vùng điều khiển cảm xúc khác, nhỏ hơn bình thường. Họ ít bị ảnh hưởng bởi những mùi hôi thối, chất thải và chất lưu cơ thể, mà lại đối diện với chúng – theo lời một bài viết khoa học – “một cách đầy bình thản”.

Những người bị bệnh Huntington – một chứng rối loạn di truyền gây thoái hóa thần kinh – cũng tương tự với người loạn thần kinh nhân cách ở chỗ có bị teo thùy não. Họ cũng thiếu lòng cảm thông, nhưng lại không thể hiện ra hành vi săn đuổi. Tuy nhiên, có thể là do tổn thương những hệ mạch liên quan đến sự ghê tởm mà người bệnh không có chút ác cảm nào đối với chất ô nhiễm – ví dụ, họ không cảm thấy ngại ngần gì khi bốc phân bằng tay không.

 

Nguồn: https://aeon.co/essays/how-disgust-made-humans-cooperate-to-build-civilisations

Dịch: Hoàng Dung, Hồng Phương

menu
menu