Nỗi ghen tỵ với tương lai hoàn mỹ

noi-ghen-ty-voi-tuong-lai-hoan-my

Thật lạ lùng khi cảm giác bi quan về tương lai của nhân loại lại có sức cuốn hút đến vậy.

Thật lạ lùng khi cảm giác bi quan về tương lai của nhân loại lại có sức cuốn hút đến vậy. Chúng ta dễ dàng hình dung ra những viễn cảnh tận thế: những thành phố chìm trong biển nước, khủng hoảng năng lượng, nội chiến lan tràn. Ta sợ bị xem là ngây thơ. Xưa kia, người ta từng hứa hẹn rằng tương lai sẽ có máy bay phản lực cá nhân cho từng người, nhưng rồi ta đã bị lừa một lần và chẳng muốn dại dột tin thêm lần nữa.

Ta thích nghĩ rằng mình đủ thông minh để không đặt kỳ vọng vào tương lai. Nhưng có lẽ còn một lý do khác. Có một nỗi đau rất âm ỉ: ta ngấm ngầm ghen tị và cảm thấy tổn thương khi nghĩ đến những điều tuyệt vời mà mình sẽ không bao giờ được trải nghiệm.

Hãy tưởng tượng ta quay ngược thời gian về châu Âu thế kỷ 14 và kể cho những con người khốn khổ thời ấy nghe về những giải pháp sẽ xuất hiện chỉ vài thế kỷ sau.

Hãy thử hình dung ta gặp một người phụ nữ vừa mất đứa con gái sáu tuổi vì bệnh sốt tinh hồng nhiệt. Nỗi đau đớn của bà như xé toạc cả trời đất. Khi ấy, ta giải thích rằng 744 năm sau, ngay tại nơi bà đang đứng, sẽ có một hiệu thuốc, nơi bà chỉ cần bỏ ra 2,5 bảng là có thể mua được loại kháng sinh cứu sống con mình.

Hoặc ta kể cho một người đàn ông đã chịu đói, chịu say sóng và bị bắt làm tù binh suốt ba năm hành hương từ Berkshire đến Jerusalem, rằng sẽ có sân bay Heathrow và chiếc máy bay Boeing Dreamliner đưa ông đến nơi ấy chỉ trong vài giờ.

Hay ta kể với một người đang quằn quại vì đau răng rằng họ sẽ phải chờ thêm 623 năm nữa mới có được thuốc gây mê.

Hoặc thử tưởng tượng ta gặp Jamshīd al-Kāshī, nhà toán học thế kỷ 15 đã dành cả đời để miệt mài tính toán tỉ lệ giữa đường kính và chu vi của một hình tròn. Rồi ta đưa cho ông một chiếc máy tính bỏ túi, nhỏ xíu, được bán ngay cạnh quầy tính tiền siêu thị, và nói rằng: “Giờ chỉ cần nhấn vài nút, mọi phép toán sẽ xong trong tích tắc.”

Ta có thể hình dung những con người này sẽ cảm thấy cay đắng và uất hận ra sao khi biết về tương lai. Nỗi khổ của họ, thay vì cảm giác là điều hiển nhiên, lại hóa ra chỉ là một sự cố nghiệt ngã và tạm thời. Họ sẽ nhận ra rằng, trong dòng chảy lịch sử, con người không nhất thiết phải chịu đựng những nỗi đau như họ, chỉ là họ đã sinh nhầm thời mà thôi.

Tương tự, nếu có một vị khách từ tương lai đến thăm, họ chắc chắn cũng sẽ thương hại chúng ta như cách chúng ta thương hại tổ tiên thời Trung Cổ. Họ sẽ đau lòng khi biết ta phải trải qua một cuộc hôn nhân bất hạnh kéo dài 27 năm đầy khổ sở, xấu hổ và bế tắc – trong khi chỉ cần vài phút điều chỉnh một vùng nhỏ trong não giữa là mọi chuyện đã có thể được giải quyết.

Họ sẽ bàng hoàng khi biết ta đã phải chết vì ung thư tuyến tụy, hoặc làm những công việc vô nghĩa, vất vả suốt đời – trong khi ở thời của họ, robot đã đảm nhiệm mọi thứ, và mọi người đều được nhận một thu nhập cơ bản ngang với mức lương của một nha sĩ Thụy Sĩ.

Chúng ta thường có thái độ tiêu cực về tương lai như một cách để tự vệ, để tránh khỏi ý nghĩ đau lòng rằng giải pháp cho những vấn đề kinh khủng hiện nay có lẽ chỉ cách ta một quãng ngắn – nhưng vẫn quá muộn đối với ta.

Họa sĩ người Pháp thế kỷ 19, Théodore Géricault, đã khắc họa nỗi đau này qua kiệt tác Chiếc bè Medusa. Trong tranh, những thủy thủ sống sót trên chiếc bè trôi dạt đã phải vật lộn suốt hai tuần. Géricault ghi lại khoảnh khắc họ cuối cùng cũng nhìn thấy con tàu sẽ cứu họ – cánh buồm nhỏ xíu hiện lên mờ nhạt nơi đường chân trời. Nhưng đối với nhiều người, con tàu đã đến quá muộn: họ đã qua đời ngay trước khi được cứu. Chỉ sớm vài ngày, thậm chí vài giờ thôi, họ đã có thể thoát khỏi nỗi thống khổ không tưởng.

Chúng ta cũng chẳng khác nào những người sống sót trên chiếc bè ấy. Con tàu cứu hộ sẽ đến – nhưng không kịp.

Ta xứng đáng được cảm thông, không phải vì hiện tại ta quá khốn khó so với những người xung quanh, mà vì so với tương lai, đời ta thật sự vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Đó là một loại nghèo khổ mới: không phải nghèo trong mối tương quan với hiện tại, mà nghèo khi so với những gì mà nhân loại sẽ có trong một tương lai xa xôi, rực rỡ và thông minh hơn.

Ta không quá bi quan, chỉ là ta đã nhận thức được một sự thật đắng lòng: con tàu của tương lai sẽ đến – nhưng khi ấy, chúng ta đã không còn ở đó để bước lên.

Nguồn: ENVY OF A UTOPIAN FUTURE - The School Of Life

menu
menu