Nỗi sợ khi kết thúc một mối quan hệ

noi-so-khi-ket-thuc-mot-moi-quan-he

Hãy thử tưởng tượng rằng ta đã biết rất rõ điều mình muốn – đó là rời bỏ một mối quan hệ – nhưng lại đang vướng phải một nỗi niềm khiến ta chẳng thể nào hành động theo ý mình:

Hãy thử tưởng tượng rằng ta đã biết rất rõ điều mình muốn – đó là rời bỏ một mối quan hệ – nhưng lại đang vướng phải một nỗi niềm khiến ta chẳng thể nào hành động theo ý mình: ta không chịu nổi cảm giác gây ra đau buồn cho người khác, nhất là với một người mà ta vẫn giữ lòng trung thành, người đã từng đối xử dịu dàng với ta, người đặt niềm tin vào ta như một chốn nương tựa an toàn cho tương lai, người mang nhiều kỳ vọng nơi ta, và có thể, là người mà ta từng lên kế hoạch cùng đi đến một chân trời khác trong vài tháng tới. Có lẽ ta đã định nói ra điều ấy cả chục lần rồi, nhưng lần nào cũng dừng lại ở phút cuối. Ta tự nhủ sẽ để sau kỳ nghỉ, sau tiệc sinh nhật của họ, sang năm mới, hoặc ít nhất là đến sáng mai… Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, còn ta thì vẫn chưa thể thốt nên lời.

Nỗi day dứt ấy bắt nguồn từ viễn cảnh sẽ gây nên một trận cuồng phong trong lòng người kia: họ sẽ bật khóc, sẽ nức nở đến rã rời, sẽ gào lên, sẽ rơi vào những cơn khóc không thể kiểm soát, và khăn giấy sẽ chất thành núi – tất cả chỉ bởi một sự thật đang lẩn khuất trong góc tối tâm trí ta. Ta sẽ trở thành kẻ đã kéo một con người từng vững vàng và tự chủ rơi vào hỗn loạn. Thật khó để ta gánh nổi điều ấy. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đôi khi, ta thà chịu đựng thêm vài chục năm sống trong sự không trọn vẹn, còn hơn là phải đối mặt với năm phút đổ vỡ không kìm lại được. Và đâu đó trong tâm trí, có thể còn là một nỗi sợ khác: sâu hơn ta nghĩ, ta sợ người ấy. Bởi nếu nói ra sự thật, ta sẽ phải hứng chịu một cơn giận dữ khủng khiếp. Họ có thể sẽ hét vào mặt ta, buộc tội ta đã lừa dối họ, rằng ta là kẻ giả tạo, là một nỗi hổ thẹn. Có thể sẽ có cả bạo lực, và cả hiểm nguy.

Nỗi sợ ấy mang một nét đối xứng kỳ lạ. Nói ra, ta có thể "giết chết" họ. Hoặc nói ra, và rồi bị chính họ "giết chết" – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giết hoặc bị giết. Thế thì dễ hiểu vì sao ta cứ mãi lần lữa. Phần lý trí trưởng thành trong ta biết rằng những nỗi sợ ấy là vô lý – nhưng điều đó chẳng làm chúng vơi bớt đi trong cảm xúc vô thức. Đôi khi, những lập luận tỉnh táo cũng chẳng giúp gì nhiều, giống như việc nói với người sợ độ cao rằng ban công rất vững, hay bảo với người trầm cảm rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều để vui. Có những góc trong tâm trí không hề tiếp nhận lý lẽ. Ở một phần rất xưa cũ trong ta, nơi tổ tiên vẫn còn thì thầm, ta chỉ biết một điều: đi ngược lại mong đợi của người quan trọng nhất trong đời, là đang đặt chính mình – hoặc họ – vào vòng nguy hiểm.

Và như mọi lần ta cố lý giải những nỗi sợ sâu xa và vô biên ấy, tuổi thơ chính là nơi cần được soi chiếu. Có thể, ta là đứa trẻ lớn lên cùng một người cha hoặc mẹ mong manh, yếu đuối, mà ta đã yêu bằng cả trái tim non nớt. Một người đang phải vật lộn với bệnh tật hay bất ổn trong tâm hồn, một người từng bị người lớn khác làm tổn thương. Có thể, họ đã bám víu vào ta như điểm tựa duy nhất níu giữ họ khỏi vực thẳm, như lý do để tiếp tục tồn tại. Và từ rất sớm, ta đã mang trong mình một cảm giác rằng, nếu không sống đúng theo hình ảnh mà họ mong mỏi, ta sẽ khiến họ sụp đổ. Rằng những mong muốn rất thật của ta, những nhu cầu rất người của ta, có thể là thứ sẽ đẩy họ đến bờ vực. Rằng nếu ta sống thật với chính mình, biết đâu lại là mũi dao cứa vào tâm hồn họ. Ta đã yêu họ quá nhiều, và đồng thời cảm thấy họ quá yếu đuối để có thể chấp nhận sự thật về ta. Khi mới lên ba, dù chẳng hiểu rõ điều gì đang xảy ra, ta đã âm thầm thấm nhuần thông điệp đó. Thế là ta học cách chơi thật khẽ, kìm nén mọi bướng bỉnh, nghịch ngợm, kìm cả sự tức giận hay thông minh của mình. Ta trở nên vui vẻ, ngoan ngoãn, luôn giúp đỡ trong nhà, là đứa trẻ “không gây rắc rối”, chỉ vì người lớn thân yêu ấy dường như đã phải gánh gồng quá nhiều trên vai.

Mặt khác, có thể ta đã lớn lên giữa những năm tháng yếu mềm nhất đời mình bên cạnh một người mà mỗi khi bị ai đó làm trái ý, liền phản ứng bằng cơn thịnh nộ dữ dội.

Thật khó để hình dung người lớn đang giận dữ có thể trở nên khủng khiếp thế nào dưới ánh nhìn của một đứa trẻ hai tuổi nhạy cảm. Người lớn khác, khi chứng kiến cảnh ấy, có thể hiểu rằng gương mặt đỏ gay kia rồi cũng sẽ dịu lại, họ chỉ đang trút giận và chẳng mấy chốc sẽ nhặt những mảnh vỡ của chiếc bình vừa rơi. Nhưng với một đứa trẻ, điều đó hoàn toàn không đơn giản như thế. Làm sao chúng biết được người khổng lồ gấp mấy lần mình ấy sẽ không đi xa thêm một bước, rằng sau những tiếng gào thét, họ sẽ không vớ lấy cái búa và giáng vào đầu mình? Làm sao chúng chắc rằng người cha hay mẹ vừa đập tan cánh cửa trong lúc mất kiểm soát ấy sẽ không ném chúng qua cửa sổ ngay sau đó? Với người lớn, chuyện làm hại con mình có thể là điều không tưởng. Nhưng với đứa trẻ nhạy cảm, nỗi sợ ấy lại có thật. Người lớn không cần phải ra tay thật sự để gieo vào tâm trí non nớt một cảm giác rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Thế thì cũng dễ hiểu thôi, vì sao lớn lên ta lại mang theo nỗi hoang mang mỗi khi cần nói ra một điều khiến người khác không vui.

Tâm trí ta chất đầy những nỗi sợ bắt nguồn từ những khoảnh khắc rất cụ thể trong quá khứ, tưởng đã xa xôi nhưng vẫn lặng lẽ ẩn mình, mang sức nặng âm thầm và mạnh mẽ, chi phối cuộc sống hiện tại một cách ta khó lòng nhận ra. Khi ta ngoảnh nhìn về quá khứ, điều cần làm không phải là phủ nhận mà là công nhận rằng, những nỗi sợ ấy là thật – nhưng chỉ là thật trong thế giới nội tâm của riêng ta. Chúng không thuộc về thực tại của người trưởng thành. Thảm họa mà ta sợ sẽ xảy ra thật ra… đã từng xảy ra rồi. Ta đã từng trải qua cảm giác rằng người mình yêu thương có thể tự kết liễu đời mình nếu nghe một tin quá tệ, hoặc có thể hủy hoại bất kỳ ai khiến họ phật lòng. Nhưng tất cả những điều ấy thuộc về một thời đã qua. Ta cần can đảm chấp nhận một sự thật nghe có vẻ lạ lẫm: giờ đây, ta đã là người lớn. Điều đó có nghĩa là chính ta – và cả những người quanh ta – đã có một sự vững vàng nhất định. Người lớn bây giờ hiếm khi sụp đổ chỉ vì một lời nói. Và nếu điều đó xảy ra, ta có thể làm nhiều điều để giúp họ. Ta biết cách xoa dịu nỗi buồn, cả bằng lời nói lẫn hành động. Có thể lúc đó, mọi thứ sẽ như tan nát, nhưng cảm giác ấy chỉ là cách nghĩ của một đứa trẻ, không phải của người trưởng thành. Thực tế là, nó sẽ rất tệ trong vài giờ, hoặc vài ngày, vài tuần – nhưng rồi, như lẽ tự nhiên, mọi thứ sẽ qua. Họ sẽ dần lấy lại tinh thần, một sớm mai kia thức dậy, họ sẽ nhận ra thế giới vẫn còn nguyên, và họ vẫn biết cách bước tiếp. Và họ cũng sẽ không thực sự tìm một cái rìu để chặt ta ra từng mảnh đâu. Họ có thể tức giận, có thể hét lên, có thể thốt ra những lời cay nghiệt – nhưng ta giờ đã cao lớn, độc lập, và trong trường hợp xấu nhất, ta có thể rời đi, ta có số điện thoại của cảnh sát, có thể gọi luật sư. Ta đủ sức để đứng vững, để cơn giận trút qua mà không làm gì được ta – như một cây cầu vững chãi giữa bão giông, tin chắc rằng mình sẽ không sụp đổ.

Để thêm dũng cảm, ta cần nhớ một điều: có sự khác biệt giữa lòng tốt thật sựcách cư xử tưởng là tốt. Ta thường nhầm tưởng rằng, điều tử tế nhất là không bao giờ làm ai buồn hay tức giận – và vì thế, không nên nói ra điều mà người mình từng yêu sẽ không muốn nghe. Nhưng như thế là ta bỏ qua một sự thật sâu sắc hơn: ta cũng có thể làm khổ một người bằng những cách âm thầm và lâu dài hơn nhiều. Ở lại bên một người chỉ để tránh vài giờ khó xử, nhưng rồi suốt nhiều năm sau đó lại sống trong hờn giận, thờ ơ, cay cú, phản bội hay u uất – thì đó đâu phải là yêu thương. Ta chẳng giúp được gì cho ai nếu vì sợ một cảnh chia tay buồn mà rồi lại kéo họ vào cả một đời sống nửa vời.

Có lẽ điều khiến thế giới này đau khổ nhiều nhất, chính là việc con người ta quá muốn tỏ ra tử tế – hoặc đúng hơn là quá nhút nhát để dám gây ra một nỗi đau ngắn hạn. Cách dũng cảm thật sự để rời đi, là chấp nhận việc sẽ bị người từng yêu mình ghét bỏ một thời gian. Đừng vội tin rằng họ sẽ không bao giờ tìm được ai khác như ta. Họ có thể nghĩ vậy lúc này, thậm chí nói với ta bằng ánh mắt dịu dàng – nhưng rồi họ sẽ hiểu. Họ sẽ biết rằng, khi ta rời đi, là để giữ lại cho cả hai chút lòng tốt cuối cùng. Lòng tử tế đích thực là dám bước ra – kể cả khi kỳ nghỉ đã được đặt, căn hộ đã thanh toán, và thiệp cưới đã phát rồi. Không có gì sai trái hay nguy hiểm khi ta nhận ra một người không còn phù hợp với mình nữa. Điều sai trái thật sự, là khi ta hủy hoại nhiều năm tháng của ai đó – chỉ vì ta quá do dự, quá sợ hãi, không dám bước ra khỏi cuộc đời họ đúng lúc. 

Nguồn: THE FEAR OF ENDING A RELATIONSHIP | The School Of Life

menu
menu