Nửa kia của tôi rất tuyệt vời – vậy sao tôi lại tơ tưởng đến mối quan hệ ngoài luồng?

nua-kia-cua-toi-rat-tuyet-voi-vay-sao-toi-lai-to-tuong-den-moi-quan-he-ngoai-luong

Các nhà phân tâm học nói gì về chuyện ngoại tình?

Tác giả: Sigmund Freud - Jaak Panksepp - Daniel Kahneman

 

Vẻ đẹp và bi kịch của đời người chính là nằm ở đây. Chúng ta vẫn là động vật và chúng ta có phần lớn các cấu trúc và quá trình não bộ giống hệt với những loài động vật có vú khác, nhưng chúng ta cũng có tân vỏ não lớn hơn nhiều — nó cho chúng ta khả năng tự nhận thức - thứ độc nhất vô nhị ở loài người. Bởi vậy, bạn và tôi cùng có những cơn thôi thúc và ham muốn thú tính, phi lý trí, nhưng cũng có một phần lý trí đang nói “Chuyện quái gì đang xảy ra thế?” Tại sao lý trí lại không chiến thắng? 

Cho dù chúng ta nói về phương diện vô thức (theo Sigmund Freud) hay “ký ức ẩn tàng” (theo khoa học thần kinh), thì bây giờ hầu hết mọi người có vẻ đều nhất trí rằng phần lớn não bộ con người luôn ở chế độ tự động hóa – nghĩa là chúng không nằm dưới sự kiểm soát của ý thức. Từ cái vô thức của Freud cho đến Hệ thống 1 của Daniel Kahneman và các quá trình chủ đạo của Jaak Panksepp, dường như phần lớn quá trình quyết định của chúng ta nằm ngoài nhận thức chủ quan. Kahneman đã lưu ý rằng chỉ khi chúng ta nhận ra những thành kiến tâm lý cho phép quá trình xử lý nhanh (của hệ thống 1) diễn ra thì khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu kiểm soát có ý thức hơn đối với cuộc sống hằng ngày.

Học được tính lăng nhăng 

Bộ não con người không đủ khả năng xử lý tất cả các kích thích nhận vào, vì vậy nó vận hành theo kiểu suy nghiệm, còn gọi là nguyên tắc ngón tay cái [1], cho phép chúng ta được duy trì sự chú ý vào điều quan trọng nhất tại mỗi thời điểm. Một trong các quá trình đó được gọi là sự hình thành thói quen, và nó là một công cụ học tập quan trọng cho con người và động vật. Những người nuôi chó hiểu rất rõ về quá trình hình thành thói quen – khi chó được làm quen với một thứ nhất định hết lần này tới lần khác (chẳng hạn như những đứa trẻ gây ồn ào) để chúng không còn bận tâm đến tình huống thực tế. Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng chẳng còn chú ý đến những kích thích đó nữa (nên chúng không còn rượt theo lũ trẻ). Con người cũng y như vậy: khi có thứ gì đó mới lạ xuất hiện trong môi trường sống, ta chú ý đến nó một lúc (“Nó an toàn hay là gây đe dọa nhỉ?”) trước khi quen dần với nó (“Ồ, cái xe kia lại nổ hậu [2] thôi mà!”) và cứ điềm nhiên bình chân như vại trước chuyện này. Sự hình thành thói quen là một công cụ thực sự hữu ích để biết những thứ mà ta có thể làm ngơ mà vẫn an toàn và những thứ cần được chú ý, nhưng riêng với nửa kia của chúng ta thì điều này có một chút hạn chế. Người ấy cũng đã trở thành thói quen rồi! Và ta chẳng còn nhận ra được các nét quyến rũ của họ, thứ đã từng lôi cuốn được chúng ta. 

“Chúng ta không phải những cỗ máy tư duy có cảm xúc, mà là những cỗ máy cảm xúc biết tư duy.”

Antonio Damasio

Wow! Cái gì thế? 

Đồng thời, chúng ta cũng bị cuốn hút vào sự mới mẻ, vì mức dopamine trong não bộ tăng lên trong những bối cảnh mới lạ và điều này thúc đẩy chúng ta hướng đến điều mới lạ trong cuộc truy cầu “phần thưởng”. Cũng chính chất dẫn truyền thần kinh này đóng vai trò quan trọng trong các chứng nghiện, thúc đẩy người nghiện tìm kiếm những cơn phê khác. Khi phát hiện ra một thứ mới mẻ, chúng ta trải nghiệm một cơn phê tương tự – có thể có phần thưởng cho mình chăng? Chúng ta quá đỗi phấn khích trước sự mới lạ đến nỗi chỉ lời hứa hẹn những điều mới lạ cũng đủ thôi thúc chúng ta khám phá môi trường xung quanh. Điều này cho thấy mục đích tiến hóa thực sự của dopamine: giúp chúng ta tìm ra tài nguyên mới, như thức ăn và nước uống. 

        

        Theo lẽ tự nhiên, chúng ta thăm dò môi trường xung quanh để tìm các nguồn lực – những thứ có thể có ích cho ta – ngay từ thuở nhỏ. Khi thấy một nguồn lực nào đó, ta sẽ theo bản năng tiến hóa mà phải hành động.

 

“Khi được kích hoạt, [hệ thống TÌM KIẾM] chỉ tìm kiếm thứ gì đó theo cách mơ hồ. Dường như tất cả những gì nó biết chỉ là có ‘thứ gì đó’ mà nó muốn đang ‘ở ngoài kia’”

Mark Solms

Bởi vậy chúng ta theo bản năng tìm kiếm điều mới lạ và dừng chú ý đến những vật (hoặc người) đã ở quanh mình một thời gian – vì họ không còn là một mối đe dọa nữa và (ôi sự thật phũ phàng!) vì chúng ta không còn liên kết họ với phần thưởng: họ đã chính thức “đánh mất tiềm năng riêng”. Bộ não giả định rằng chúng ta đã gặt hái được mọi lợi lộc khả dĩ từ “những đối tượng trong môi trường” và chúng ta ngừng tìm hiểu về họ. (Đây là một giả định có thể đáng để ta tò mò tìm hiểu.)

Ngoài kia có thứ gì dành cho tôi? 

Tầm nhìn của chúng ta gắn liền với nhu cầu (vô thức) muôn thuở là tìm kiếm thêm nhiều tài nguyên. Trẻ sơ sinh có thị lực kém, nhưng sau một thời gian, chúng bắt đầu có thể nhìn thấy hình dạng và màu sắc, học cách phân biệt các đối tượng, đánh giá khoảng cách giữa các vật thể,… Lợi ích phát triển này cho phép trẻ trích xuất thông tin từ môi trường xung quanh và xem xét nguồn lực của từng đối tượng – những điều có thể có ích mà chúng  cung cấp cho ta. Điều này có nghĩa một đứa trẻ có thể phát hiện ra một trái táo trên mặt đất và nhận ra đó là thức ăn sẵn sàng cho mình – và theo cách này, nguồn lực cũng đem đến cơ hội để hành động. Đứa trẻ có thể với tay, nhặt quả táo và đưa lên ăn. Bản chất của điều này là chúng ta thường xuyên thăm dò môi trường sống, không chỉ nhằm phát hiện ra các mối đe dọa tiềm tàng, mà còn cả phần thưởng tiềm năng, bao gồm cả tình dục. Nếu thấy phần thưởng tiềm năng, chúng ta sẽ theo bản năng lao vào hành động – và bạn vừa nhìn thấy một đồng nghiệp vô cùng quyến rũ trong căn bếp của văn phòng, trông hoàn toàn khác biệt với tất cả những người đồng nghiệp khác. 

Bản năng khám phá 

Đến đây, bạn đã có động lực để khám phá, bởi vì hệ thống TÌM KIẾM của bộ não bắt đầu hoạt động. Nhà khoa học thần kinh Jaak Panksepp đã phát hiện ra rằng trong phần hệ viền (bộ phận đã trải qua 300 triệu năm tiến hóa từ khi xuất hiện lần đầu trên não của động vật có vú) có tồn tại bảy hệ thống xử lý cảm xúc chính. Đó là những mạch thần kinh đặc trưng đến mức nếu một trong số chúng được tiếp xúc với kích thích điện não, thì cảm xúc liên kết với mạch thần kinh đó, chẳng hạn như TỨC GIẬN, ngay lập tức được khơi dậy (xem trang 51). Đó là những quá trình theo bản năng có sức mạnh to lớn, và hệ thống TÌM KIẾM có lẽ là quan trọng hơn cả. Hệ thống này (Panksepp sử dụng chữ in hoa để nhấn mạnh cách sử dụng riêng của ông ấy, bên cạnh những từ ngữ thường ngày) là cái giúp chúng ta vận động trong thế giới. Nó khiến ta bật dậy khỏi giường ngủ vào buổi sáng (“Mấy giờ rồi? Điện thoại của mình đâu rồi?”) và thúc đẩy chúng ta; nó thôi thúc chúng ta liên tục tìm kiếm thông tin, người và vật hữu ích. Nó là thứ khiến một chú chó đầy kỳ vọng khám phá một khu đất mới lạ, đánh hơi, sục sạo đào bới, không ngừng mong đợi sẽ tìm được được thứ gì đó tuyệt vời – và nó có thể tạo ra những phản ứng tương tự ở bạn khi bạn phát hiện thấy người đồng nghiệp “dáng chuẩn” đang đun nước ở công ty. Này ai ở đằng kia thế nhỉ? Trông hút mắt thật! Khi tiến lại gần, bạn có thể cảm nhận được sự lôi kéo của một hệ thống dưới vỏ não khác: HAM MUỐN. Điều này gắn liền với việc ta chạy theo những ham muốn đã kích hoạt hệ thống TÌM KIẾM. Thôi xong.

Cảm giác đầy sức sống

Hệ thống TÌM KIẾM khiến chúng ta liên tục kiếm tìm – tìm những điều mới lạ, những tài nguyên, những nguồn sống. Những cảm xúc gắn liền với việc TÌM KIẾM là lòng nhiệt thành, sự khấp khởi mong đợi và sự hy vọng. Khi con người từng trải qua một sự gắn bó khó khăn lúc còn nhỏ, họ thường cảm thấy ít được tự do trong việc khám phá; hệ thống TÌM KIẾM bị khước từ và đôi khi có thể chạy về cực đối lập của trường cảm xúc này – chạy tới trầm cảm. Ở một đầu chỉ có sự tuyệt vọng, và ở đầu kia là những cảm giác kỳ vọng lớn lao như thể hôm nay bạn sẽ tìm thấy mọi thứ mà mình hằng mong muốn. Nếu hệ thống TÌM KIẾM của bạn nâng thêm một bậc so với chất dopamine được khơi mào bởi điều mới lạ kia, nó sẽ còn hoạt động mạnh mẽ hơn nữa một khi bạn quyết định đi tiếp và khám phá (người ấy đang đứng trong căn bếp) vì hệ thống này gửi dopamine đến bốn phần khác nhau của não bộ. Vì vậy bạn đang vào bếp, hy vọng, mong đợi và nhiệt thành với cuộc đời tươi đẹp. Bạn chưa bao giờ “cảm thấy được sống” như thế, đúng không?

Thế là tôi không còn đường quay đầu sao? 

Không hề, vì nếu không thì bạn đã chẳng hỏi câu đó; điều này cho thấy các chức năng điều hành nhận thức của tân vỏ não đang vận động. Chúng cho phép chúng ta tham gia vào những hoạt động độc lập, có ý nghĩa và “hướng tới mục tiêu”– những mục tiêu có ý thức chứ không phải là vô thức. Thế có nghĩa là chúng ta được quyền lựa chọn, chứ không đơn giản là phản ứng lại. Phần người của não bộ cho ta sức mạnh để vượt qua được bản năng TÌM KIẾM sự mới lạ, ngay cả với những liều dopamine hấp dẫn của nó. Bạn đã chạm đến tâm trí đầy bất ngờ và trọn vẹn ở con người, với những năng lực đưa nó vượt xa các loài động vật khác – một tâm trí lưu giữ những ký ức, giá trị, hy vọng và sợ hãi từ quá khứ, hiện tại và tương lai, và nó không chỉ biết có dục vọng, mà còn cả tình yêu... và sự mất mát. Vì vậy ngay cả khi đôi chân bắt đầu đưa đường dẫn lối đến một thứ gì đó quyến rũ, hãy giữ cho bộ não vận hành thật đúng đắn. Hãy chậm lại chút nào. Hãy nghi ngờ cảm giác chậm chạp của thói quen đã hình thành. Cái vật sáng lấp lánh đó có thực sự là vàng không, hay đây chỉ là do dopamine đang tác động đến cách bạn nhìn nhận? Hãy tạm ngừng. Cũng giống như với hệ thống TỨC GIẬN (xem trang 51), có một khoảnh khắc nguy hiểm sắp xảy ra. Hãy ngăn chặn ngay nếu bạn có thể.

 

Những lý thuyết chính

Những hệ thống cảm xúc quy trình sơ cấp – Jaak Panksepp 

Tư duy nhanh và chậm – Daniel Kahneman

 

[1] Nguyên tắc ngón tay cái - ND: kỹ thuật dựa vào kinh nghiệm, phương pháp thô sơ để đánh giá hay đo lường, dựa trên kinh nghiệm chứ không dựa vào sự chính xác

[2] Nổ hậu – ND: tiếng nổ lớn xảy ra khi nhiên liệu chưa đốt hết bị đánh lửa ở hệ thống xả, thay vì bên trong buồng đốt động cơ

Hình: Từ bộ phim Thế giới hôn nhân

 

Bài viết trích từ cuốn Ơn giời, Freud trả lời - Lời khuyên từ những nhà tâm lý trị liệu hàng đầu - tác giả Sarah Tomley

Đặt sách: https://www.fahasa.com/on-gioi-freud-tra-loi.html?attempt=1

 
 
menu
menu