Phải làm gì khi sự buồn chán ngự trị bên trong

phai-lam-gi-khi-su-buon-chan-ngu-tri-ben-trong

Một câu hỏi dựa trên quan điểm cá nhân: Làm sao để đối mặt với nỗi u buồn cho đến khi nó chấm dứt?

Có đôi khi chúng ta vừa thức giấc là đã nhận thấy bên trong có một nỗi buồn man mác chẳng rõ nguyên nhân. Chúng ta cảm thấy mất động lực, chán nản, chẳng có gì thú vị để làm, nhưng vẫn phải thức dậy và cố hết sức cho hết một ngày. Sau đây là một vài gợi ý từ tác giả giúp bạn đối mặt với những cảm xúc buồn chán trong ngày.

1. Hãy thoải mái đón nhận nỗi buồn, vì cũng giống như mọi cảm xúc khác, đó là điều vô thường sẽ đến rồi đi

Như nhà thơ Jean de la Fontaine từng nói: “Nỗi buồn sẽ bay theo đôi cánh của thời gian”. Việc nhìn nhận nỗi buồn như một điều vô thường đến rồi đi, sẽ khiến chúng ta hiểu rằng nó không phải là một phần cố định trong con người mình. Sự buồn chán sẽ phát sinh trong tâm trí, ở lại với chúng ta một khoảng thời gian vừa đủ, rồi sau đó sẽ tự rời đi. Nó cũng giống như sự thay đổi của thời tiết, bất ngờ xuất hiện rồi lặng lẽ mất đi.

Chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi biết rằng nỗi buồn chán cũng giống như những nỗi đau, tất cả đều là vô thường. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ kiên nhẫn hơn để chờ đến lúc nó mất đi.

Lưu ý: Nỗi buồn man mác sẽ đến và đi trong một khoảng thời gian rất ngắn, nó khác xa tâm trạng nặng nề và u ám kéo dài từ tuần này sang tuần khác. Nếu tình trạng u buồn diễn ra liên tục hàng tuần, thì đây là dấu hiệu của chứng trầm cảm lâm sàng, nghĩa là đã đến lúc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia về sức khỏe tâm thần, hoặc những nhà tư vấn đáng tin cậy.

2. Cố gắng không so sánh bản thân với người khác

Chúng ta rất dễ nghĩ rằng bản thân chỉ có một mình với những nỗi buồn. Hầu hết chúng ta đều chỉ nhìn thấy mặt vui vẻ của người khác. Có một điều khá ấn tượng rằng nhiều người không có thói quen chia sẻ cảm xúc của mình với người khác, nhưng chúng ta đều là con người và đương nhiên là sẽ giống nhau hơn chúng ta tưởng. Khả năng cao là người luôn tỏ ra vui vẻ cũng sẽ có những lúc u buồn. Người đang trong một mối quan hệ “hoàn hảo” đến lúc nào đó cũng sẽ thấy không vui. Tỷ phú cũng biết buồn cơ mà. Hay theo như tiêu đề cuốn tiểu thuyết của Tom Robbins tạm dịch là “Ngay cả những cô gái cao bồi cũng biết u sầu”.

Nói theo cách khác, dù cho nhìn thấy được tất cả biểu cảm của một ai đó, bạn cũng không thể nào hiểu được đời sống nội tâm của họ là như thế nào. Vậy nên việc so sánh bản thân với người khác chắc chắn là một cách sống không hề khôn ngoan. Lúc nào cũng vậy, việc so sánh sẽ lại khiến tâm trạng thêm tồi tệ, trong khi nỗi buồn là đã quá đủ mệt mỏi rồi. 

Thêm vào đó, chúng ta đều đã quen với những kinh nghiệm sống theo cách mà những gì trong tiềm thức vẫn còn lưu giữ. Đối với hầu hết mọi người, điều này có nghĩa là chúng ta trải qua cùng một suy nghĩ và cảm xúc đau đớn lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Nếu cha mẹ từng thường xuyên bảo rằng những điều bạn làm là không đủ tốt, thì bạn sẽ tiếp thu thông điệp này và tin vào nó. Vấn đề này sẽ xuất hiện bất ngờ vào bất kỳ lúc nào dưới dạng những tổn thương, và kích hoạt tâm trạng u buồn bên trong.

Tác giả cho rằng đây là lý do vì sao mà hầu hết thời gian cô luôn cảm thấy nỗi buồn hiện diện bên trong mình mà không rõ nguyên nhân, nhưng vẫn cảm thấy ổn. Những gì cô biết là chúng ta sẽ càng thêm suy tư, nếu tiếp tục so sánh thông qua việc đánh lừa bản thân rằng người khác không có nỗi buồn như mình!

3. Càng đối xử tử tế với bản thân, sẽ càng khiến mình tốt hơn, hãy thừa nhận cảm xúc của mình

Chúng ta càng cố gắng quên đi nỗi buồn, sẽ càng khiến nó thêm trầm trọng. Nguyên nhân là vì đằng sau những nỗ lực ép bản thân không buồn, là sự tự phán xét một cách tiêu cực rằng “Tôi không nên buồn như vậy”. Tự đưa ra cho mình những điều “nên” và “không nên”, chính là nguồn cơn của đau khổ. Chúng ta đều xứng đáng được nhận tình yêu thương thay vì sự tự phán xét tiêu cực.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của tác giả, việc ra lệnh cho bản thân không được làm một điều gì đó, thì ngược lại chúng ta sẽ làm nó trong vô thức! Vậy nên, thay vì cố gắng quên đi nỗi u sầu, hãy nhìn nhận vấn đề một cách có chánh niệm, nghĩa là nhìn nhận những gì đang diễn ra, mà không phán xét. Thậm chí chúng ta cũng có thể tự nói với mình rằng “Nỗi buồn lại đến rồi à. Tôi hiểu mà. Chỉ ghé thăm một chút rồi lại rời đi, đúng không?”

Đối xử với nỗi buồn theo cách thân thiện, thật sự có thể làm giảm cường độ của nó. “Tình bạn” là một trong những cụm từ được chuyển ngữ, thường được mô tả trong triết học Phật giáo là thực hành lòng nhân ái. Tuy nhiên, đôi khi dịch theo nghĩa “thân thiện” lại phù hợp hơn với chính tác giả và nhiều người khác. Không cần phải yêu quý những nỗi buồn, nhưng đối xử với nó một cách thân thiện sẽ giúp chúng ta xem nhẹ cơn sầu, bình tâm chờ đợi đến khi nó kết thúc và rời đi.

4. Hãy thử thay đổi môi trường theo hướng vật lý lẫn tinh thần

Thay đổi môi trường có thể khiến bạn cải thiện tâm trạng. Nếu có thể hãy đi ra ngoài một chút để thay đổi không khí, ngồi thư giãn hoặc đi dạo xung quanh. Ngay lập tức bạn sẽ nhận ra rằng những bầu không khí khác biệt sẽ mang đến chất lượng khác nhau, hơn nữa khung cảnh và âm thanh bên ngoài cũng rất khác so với khi đang ở trong nhà. Việc đi ra ngoài khiến tác giả cảm thấy như mình là một phần của thế giới xung quanh, và điều này có thể cải thiện tâm trạng u buồn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thay đổi môi trường tinh thần của mình nữa đó. Hãy nghĩ về những điều giản dị nhưng đầy thú vị, mà không cần quan tâm rằng nó quá đơn giản hay ngớ ngẩn ra sao, như chơi trò ghép hình, giải Sudoku, tô màu, hoặc nhảy theo một điệu nhạc mà bạn yêu thích. Như tác giả thì có sẵn cho mình một vài bộ phim giúp nâng cao tâm trạng và xem đi xem lại nhiều lần, giống như nhiều người vẫn lặp lại những bản nhạc yêu thích. Mỗi khi nỗi buồn chiếm lấy cơ thể, tác giả sẽ bật một trong những bộ phim đó lên và bắt đầu thưởng thức. Nhìn thấy những nhân vật trong phim giống như gặp lại những người bạn cũ, đồng hành cũng họ, và sau đó nỗi buồn sẽ tan biến. 

Trên thực tế, rất có thể sau khi thưởng thức xong một hoạt động thú vị nho nhỏ nào đó, thì nỗi buồn sẽ lại dâng lên. Nhưng ít nhất khi đắm chìm trong đam mê, cũng là lúc bạn đang xao lãng nỗi muộn phiền và điều này sẽ giúp bạn đối phó với nó cho đến khi chu kỳ kết thúc.

5. Tìm đến một ai đó

Một vị thầy Phật giáo Tây Tạng Pema Chödrön nói rằng đối với tất cả mọi người, sự bất hạnh là như nhau. Nỗi buồn cũng vậy. Khi kết nối với người khác trong lúc họ đang gặp khó khăn, sẽ giúp bạn nhận ra rằng mình không hề đơn độc.

Hình thức đơn giản nhất để liên hệ với một ai đó, là gửi tin nhắn cho nhau hoặc để lại một bình luận ủng hộ họ trên mạng xã hội. Sẽ không mất nhiều thời gian để mang lại niềm vui trong ngày cho một ai đó. Việc tương tác với người khác sẽ giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ về bản thân, và điều này có thể thổi bay những muộn phiền.

Hy vọng 5 gợi ý trên sẽ giúp ích cho bạn. Hãy ghi nhớ những phương pháp này, vì nó giống như cách mà tác giả đã giúp chính mình, bởi những nỗi buồn sẽ đến bất chợt mà chẳng hề báo trước. Hãy chăm sóc bản thân mình thật tốt và cảm ơn vì đã đọc được bài đăng này.

(*) Tác giả: Toni Bernhard, J.D., cựu giáo sư luật tại Đại học California, Davis. Cô ấy cũng chính là tác giả của những quyển sách có tựa là Đau Ốm Cũng Phải Biết Cách, Làm Sao Để Thức Tỉnh, Làm Sao Để Sống Thật Tốt Cùng Bệnh Tật Và Cơn Đau Mãn Tính.

Bạn có thể đặt sách tại Shopee

Dịch giả: Amy Cattuong

Link bài gốc: What to Do When the Blues Settle In

Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

menu
menu