Phải làm sao khi không thể ngừng suy nghĩ về người đó  

phai-lam-sao-khi-khong-the-ngung-suy-nghi-ve-nguoi-do  

“Tôi không thể ngừng suy nghĩ về người đó” có thể là một cách bày tỏ sự hứng thú trong mối quan hệ tình cảm nhưng nếu nó mang ý nghĩa tâm trí bạn luôn thường trực hình ảnh về người đó thì sao?

“Tôi không thể ngừng suy nghĩ về người đó” có thể là một cách bày tỏ sự hứng thú trong mối quan hệ tình cảm nhưng nếu nó mang ý nghĩa tâm trí bạn luôn thường trực hình ảnh về người đó thì sao? Sẽ có thời điểm người đó chiếm vị trí ưu tiên trong suy nghĩ bạn, thường là khi mối quan hệ tình cảm mới bắt đầu. Cơn lốc cảm xúc và cảm giác về tình yêu chớm nở có thể khiến bạn khó tập trung vào ai khác trừ đối tượng tình cảm kia.

Đôi khi cảm giác này có thể là trải nghiệm tích cực, dù hơi nặng nề, nhưng nó sẽ dần phai nhạt khi sự say mê thuở đầu, niềm phấn khích tột độ, cảm xúc và nhiệt huyết bắt đầu chuyển sang trạng thái tình yêu ổn định hơn. Nhưng cảm giác bạn không thể ngừng suy nghĩ về người đó – dù đó là crush mới hay ai khác – có thể gây khó chịu, phiền phức và đau khổ.

Bài viết này khám phá một số nguyên nhân vì sao bạn không thể ngừng suy nghĩ về người nào đó và cần làm gì để giải quyết nó. Tôi cũng sẽ đưa ra một số dấu hiệu cho thấy những suy nghĩ kiểu này có thể là vấn đề và bạn cần làm gì với những sự khó chịu không lành mạnh, thậm chí là những suy nghĩ ám ảnh này.

LÝ DO BẠN KHÔNG THỂ NGỪNG SUY NGHĨ VỀ NGƯỜI ĐÓ

Có rất nhiều lý do vì sao bạn nghĩ về một người thường xuyên đến vậy. Có thể bởi:

  • Bạn bị người đó thu hút
  • Bạn bị cuốn hút bởi những gì họ nghĩ, nói hay làm
  • Bạn ấn tượng vì thành tựu của họ
  • Họ có phẩm chất mà bạn đánh giá cao
  • Họ có điểm tương đồng về bối cảnh, mục tiêu và trải nghiệm với bạn
  • Bạn có cảm giác kết nối với họ

Nhưng không may là đôi khi luôn suy nghĩ về người nào đó là hậu quả của những cảm giác tiêu cực. Trong những trường hợp ấy, người đó chiếm cứ suy nghĩ của bạn vì bạn ghét họ hoặc bởi bạn lo sợ họ hay sợ điều họ có thể làm.

Martin-dm / Getty Images

NHỮNG NHÂN TỐ CÓ THỂ LÀ NGUYÊN NHÂN

Nếu bạn thấy mình cứ mãi suy nghĩ về một người, vậy quan trọng là bạn cần xem xét một số nhân tố có thể là nguyên nhân ở đây.

Sự thu hút

Trong một số trường hợp, bạn có thể thấy mình không thể ngừng suy nghĩ về người nào đó vì bạn bị họ thu hút. Có rất nhiều kiểu thu hút, vậy nên hứng thú của bạn có thể xuất phát từ thu hút về tình cảm, thể chất, tình dục, cảm xúc hoặc trí tuệ với người đó.

Sự gắn bó

Sự gắn bó có thể là nguyên nhân khiến bạn suy nghĩ về người khác. Điều này có thể xảy ra trong những mối quan hệ thân mật như bạn bè hoặc người yêu nhưng nó cũng có thể xảy ra với các loại quan hệ khác. Bạn có thể thấy gắn bó với sếp, người hướng dẫn, giáo viên hay thậm chí là người nổi tiếng.

Cảm xúc gắn bó là điều quan trọng với trạng thái khỏe mạnh của tinh thần. Nhưng đôi khi những gắn bó này lại không lành mạnh, thậm chí độc hại. Với những trường hợp đó, chúng có thể gây ra lo âu, bất an, tự trọng thấp và những suy nghĩ ám ảnh.

Những rắc rối xảy ra với sự gắn bó hoặc kiểu gắn bó chiếm hữu có thể dẫn tới nhiều bất an trong các mối quan hệ. Người trải qua trạng thái lo âu gắn bó có thể dành thời gian quá mức để suy nghĩ về các mối quan hệ của họ và tìm kiếm sự đảm bảo từ người khác.

Tình trạng sức khỏe tâm lý

Các suy nghĩ ám ảnh tập trung vào một cá nhân đôi khi bắt nguồn từ những triệu chứng tâm lý chưa được giải quyết hoặc chưa được điều trị. Những suy nghĩ này có thể bị ảnh hưởng bởi:

  • Sự lo âu: Đôi khi cảm giác lo âu có thể góp phần vào nỗi lo lắng hoặc những suy nghĩ khó chịu liên quan tới một cá nhân cụ thể. Ví dụ như người mắc rối loạn lo âu lan tỏa có thể trải qua cảm giác lo lắng cực độ về sức khỏe và bình an của người họ yêu.
  • Nỗi cô đơn: Có lúc bạn suy nghĩ về người nào đó vì bạn đang cô đơn và khao khát muốn sự đồng hành hoặc bầu bạn của họ.
  • Lòng tự trọng thấp: Trong một số trường hợp, lòng tự trọng thấp khiến người ta nghĩ về những người mà họ không có tự tin tiếp cận trong cuộc sống thực. Điều này có thể tạo thành cảm giác chiếm hữu với người đó.
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): OCD đặc trưng bởi ám ảnh (các suy nghĩ và hình ảnh lặp đi lặp lại) và sự bắt buộc (các hành vi lặp lại). Những suy nghĩ ám ảnh thường tập trung vào những thứ như sợ vi trùng, nhu cầu về trật tự nhưng đôi khi họ có thể tập trung vào một cá nhân cụ thể.

Nếu suy nghĩ của bạn đi kèm với các triệu chứng khác gây khổ đau hoặc làm gián đoạn khả năng hoạt động của bạn trong đời sống hàng ngày, hãy cân nhắc nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc các dịch vụ sức khỏe tinh thần.

NHẮC NHỞ

Điều quan trọng cần lưu tâm rằng không thể ngừng suy nghĩ về người nào đó không trao cho bạn quyền được xâm phạm vào thời gian hoặc không gian của người đó trừ phi họ đồng ý hoặc đáp lại cảm xúc của bạn. Nếu bạn muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với người đó, hãy để họ biết và xem liệu họ có thể phản hồi cảm xúc đó không. Nếu câu trả lời là không, vậy quan trọng là bạn hãy tôn trọng giới hạn của họ và tìm cách giải quyết suy nghĩ của bản thân.

Nguồn: VerywellMind

Dịch: Tâm lý học mỗi ngày

menu
menu