Phương thuốc cho nghiện ngập là học cách chịu đựng thực tại

phuong-thuoc-cho-nghien-ngap-la-hoc-cach-chiu-dung-thuc-tai

Né tránh, Sự Tiết độ và Thực tại: Tâm lý học về Nghiện ngập

Mặc dù còn nhiều hạn chế, định kiến và lợi dụng ranh giới, các chương trình truyền hình thực tế gần đây về nghiện ngập đã soi rọi hai chứng rối loạn tâm thần tăm tối, bí mật, suy nhược cơ thể và rất có hại: lạm dụng chất gây nghiện và phụ thuộc vào chất gây nghiện. Giống như nhiều người, nhưng đặc biệt với tư cách là một nhà tâm lý học lâm sàng và pháp y có gần 35 năm làm việc với những câu chuyện bi kịch như vậy, tôi vẫn thấy vừa hấp dẫn, vừa đau lòng khi xem những chương trình như Intervention and Celebrity Rehab (Can thiệp và Cai nghiện dành cho Người Nổi tiếng) với "Dr. Drew" Pinsky. Mặc dù cảm thấy lo ngại, kinh hãi, và bị xâu xé bởi sự tội lỗi mãn nhãn, nhưng chúng ta vẫn không thể nào bỏ xem. Nhưng, một phần của thứ khiến cho những chương trình như vậy trở nên cuốn hút là do lòng thương xót của chúng ta dành cho những linh hồn thống khổ mà ta thấy đang phải tranh đấu cho cuộc sống của họ, theo đúng nghĩa đen. Và tâm trí vô thức hoặc ý thức của chúng ta đồng nhất hóa với cuộc đấu tranh của họ. Trên phương diện nào đó, nghiện ngập là ví dụ cực đoan về một thách thức hiện sinh mà tất cả chúng ta đều phải vật lộn hàng ngày: chấp nhận thực tại như nó đang là. Một động lực rõ ràng của hành vi nghiện ngập (dù là nghiện rượu, ma túy hợp pháp hay bất hợp pháp, tình dục, đồ ăn, internet, hay TV) mà tôi hy vọng là khán giả qua những chương trình truyền hình thực tế này, ngày càng ý thức hơn về mối liên kết mạnh mẽ giữa nghiện ngập và cái khao khát mang tính cưỡng bách là thay đổi, né tránh, phủ nhận và thoát khỏi thực tại. Theo nghĩa này, quả thực những chương trình truyền hình "thực tế" đó đang cố hết sức để hướng khán giả đến việc học cách đối mặt hơn là chạy trốn sự đời.

"Dr. Drew" Pinsky

Dành cho những ai chưa xem hoặc chưa biết đến những chương trình truyền hình này, Intervention mô tả về những gì xảy ra với người nghiện trước khi họ tham gia điều trị và cho thấy những gì cần thiết để đưa họ đến đây. Chối bỏ, phủ nhận và những hành vi mãn tính khác nhằm né tránh thực tại hoặc quên chuyện đời được tiết lộ hoàn toàn trong sự phản kháng quyết liệt và có thể đoán trước được của những người nghiện khi tham gia chương trình điều trị. Celebrity Rehab ghi lại những gì đang diễn ra trong một chương trình điều trị cai nghiện nội trú phục vụ cho những người được gọi là ngôi sao nổi tiếng, gồm những người như Mackenzie Philips (con gái của nhạc sĩ John Philips), ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman, cựu tay trống của nhóm Guns 'n Roses, Steven Adler, diễn viên Tom Sizemore, và những người ít nổi tiếng khác, như cựu nữ hoàng sắc đẹp tuổi Kari Ann Peniche, và diễn viên phim khiêu dâm Mary Carey. Chương trình được giám sát bởi nhân vật truyền hình và hiện tại là bác sĩ y khoa nổi tiếng "Dr. Drew" Pinsky, một bác sĩ nội khoa được chứng nhận chuyên về "điều trị cai nghiện bằng thuốc"—một chuyên ngành y khoa (không giống như AA) có xu hướng khái niệm hóa và xem hành vi nghiện ngập như một “căn bệnh”. Pinsky là một bác sĩ, nhưng theo tôi được biết thì ông ấy không phải là bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hay nhà trị liệu tâm lý được đào tạo. Bác sĩ Dr. Pinsky có ý định tốt. Ông ấy là một bác sĩ tận tâm và nhân ái, cam kết giúp bệnh nhân của mình được chữa lành. Nhưng sự thiếu tinh tế về mặt tâm lý của ông ấy dẫn đến việc đôi lúc ông ấy đưa ra các quyết định buồn cười, đáng xấu hổ, không đáng tin cậy và thậm chí là nguy hiểm trong việc điều trị cho nhóm khách hàng là người nổi tiếng khó tính và đòi hỏi khắt khe. Thật không may, lòng trắc ẩn và quan tâm của bác sĩ Dr. Drew thường vượt qua khả năng cương quyết và nhất quán khi đặt ra giới hạn cho những bệnh nhân của ông, một số người trong số đó hành xử như những đứa trẻ hư hỏng, nóng nảy, bồng bột mà không bị từ chối. Hay những thanh niên nổi loạn chống đối lại kỷ luật và thẩm quyền từ bên ngoài. Bác sĩ Dr. Drew và đội ngũ của ông thường bào chữa cho hành vi xấu của bệnh nhân, đổ lỗi cho quá trình cai nghiện, thuốc men, hay nói chung là do “căn bệnh” của họ. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Nó có xu hướng thông đồng với việc thường xuyên chối bỏ thực tại và trách nhiệm của bệnh nhân. Người nghiện thường trốn tránh trách nhiệm cá nhân, một phần cơ bản của việc chấp nhận thực tế và trưởng thành. Và cần phải phá bỏ thói quen xấu này nếu muốn cai nghiện và duy trì được sự tỉnh táo, tiết độ.

Tất nhiên là, thường xuyên say xỉn và cai ma túy ảnh hưởng đến cảm xúc, nhận thức, óc phán đoán và hành vi của một người. Nhưng liệu điều đó có khiến cho một người không phải chịu trách nhiệm hoặc phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình hay không? Chẳng hạn, theo luật California, tòa án loại trừ tình trạng say rượu và nghiện ngập khỏi các tiêu chí pháp lý cho lời bào chữa "không có tội với lý do mắc bệnh tâm thần," trong đó quy định rằng bị cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành động của mình do trạng thái tinh thần của họ tại thời điểm phạm tội. Có một sự thông thái đáng kể trong điều luật này. Về mặt hiện sinh mà nói, luôn có những lựa chọn dành cho một ai đó, ngay cả trong cơn nghiện quằn quại, dù đó là cơn nghiện rượu, ma túy hay tình dục. Và điều quan trọng đối với việc điều trị tâm lý của người đó là anh (cô) ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với những lựa chọn tự hủy hoại bản thân đó. Những lựa chọn như vậy thường bắt đầu với quyết định tự hủy hoại bản thân khi tiếp tục nuôi dưỡng sự nghiện ngập, hoặc mang tính tích cực hơn là tìm kiếm sự trợ giúp từ các loại hình được cung cấp bởi các nhóm 12-bước hoặc Trung tâm Phục hồi Pasadena của bác sĩ Dr. Pinsky, và nhiều loại hình tương tự. Người nghiện có thể chưa có đủ sức mạnh để nói “không” với chất gây nghiện hay hành vi nào đó. Nhưng họ có sức mạnh để nói “có” với việc đón nhận sự giúp đỡ, một điểm được thể hiện khá rõ ràng bởi Intervention.

Thực tế là, theo định nghĩa, nghiện ngập trước tiên là một chứng rối loạn tâm thần hoặc tâm lý, và thứ hai là một căn bệnh sinh học hoặc sinh lý. Phong trào phục hồi và khái niệm giáo điều của bác sĩ Dr. Drew  về nghiện như một căn bệnh chủ yếu dựa trên cơ sở sinh học là một phần quan trọng của vấn đề mà ông ấy và những người khác đang gặp phải trong việc điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân như vậy. Nghiện, dù là nghiện rượu, cần sa, tình dục hay phim sex, thì đó không phải là một căn bệnh sinh học giống như tiểu đường hay bệnh bạch cầu. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể thừa hưởng một khuynh hướng di truyền bất thường khiến họ dễ bị nghiện. Nhưng đó không phải là thứ khiến họ trở thành một người nghiện ngập. Và hơn hết là, nghiện ngập chính là về việc chối bỏ thực tại. Giống như trầm cảm, dù sao đây cũng là một hội chứng tâm thần gây suy nhược và có khả năng gây tử vong. Con người chịu đau khổ và chết vì nghiện ngập. Và rằng những bệnh nhân này bị bệnh nặng, đặc biệt là trong giai đoạn nghiện nặng và trong thời gian cai nghiện, không thể nào phủ nhận. Nhưng điều đó không làm cho nghiện trở thành một "căn bệnh" sinh học. Vì, AA từ lâu đã công nhận, nhờ ảnh hưởng của bác sĩ tâm thần Carl Jung đối với người sáng lập AA, nghiện rượu và những loại nghiện ngập khác chí ít cũng là những dạng bệnh ảnh hưởng đến tâm hồn, thần trí hay tinh thần tương tự như ảnh hưởng lên cơ thể và bộ não. 

Về mặt tâm lý mà nói, nghiện ngập chính là khuynh hướng thoát ly thực tế, tất cả chỉ có vậy thôi. Né tránh. Chối bỏ. Những kẻ nghiện ngập chạy trốn khỏi thực tại, và trong một số trường hợp chạy trốn cuộc sống của họ. Người nghiện không thể chịu đựng nổi thực tại cùng những thăng trầm của nó. Cả thực tại bên trong lẫn bên ngoài, họ đều không chịu được. Họ thấy thực tại thật khó chịu, gớm ghiếc và quá sức chịu đựng, và giống như kẻ rối loạn tâm thần, họ thích rút lui vào trong mơ mộng, huyễn tưởng, cực lạc hay lãng quên sự đời. Họ không ngừng tìm cách thay đổi thực tại chủ quan và khách quan theo ý thích của họ. Một lý do là, thực tại—những sự thật hiện sinh của cuộc sống — có thể vừa đau khổ và gây ra lo lắng. Giống như tất cả chúng ta, những người nghiện không thích đối mặt với nỗi đau hay cảm giác âu lo. Đó là bản chất của con người và phù hợp với “nguyên tắc khoái lạc” của Freud: Bất cứ khi nào có thể, tất cả chúng ta đều có xu hướng né tránh đau đớn và tìm kiếm khoái lạc. Người nghiện thích lạc thú của việc say rượu, niềm hạnh phúc của sự lãng quên, hơn là nỗi khổ đau, sự tầm thường, sự bình thường, và đầy khó khăn của thực tại trần tục buồn tẻ hằng ngày. Tất nhiên rồi. Thực tại tất yếu phải có đau khổ, đau đớn và mất mát. Thực tại đòi hỏi con người phải thừa nhận, không chỉ trên phương diện trí năng mà còn cảm xúc, tất cả những gì gây tổn thương cho chúng ta trong quá khứ (bởi cha mẹ, bạn bè hoặc những người khác) và những gì mà chúng ta đã gây tổn thương cho người khác. Có ai lại muốn trải nghiệm (hoặc trải nghiệm lại) điều đó không? Nhưng vấn đề là, để né tránh thực tế này, người nghiện phải liên tục làm cho mình “phê”, bởi vì “mấy con quỷ” này không bao giờ biến mất. Chúng luôn ở đó, rình rập, chực chờ cắn trộm ngay khi họ bắt đầu đi xuống. Và cái gì đi lên thì sẽ phải đi xuống. Đây là vấn đề tâm lý của nghiện ngập. Và khi nó (ý thức) rơi trở lại xuống Trái đất, thực tại đau đớn và rút khỏi huyễn tưởng quay trở lại. Những con quỷ tâm lý và cảm xúc cùng những đòi hỏi của cuộc sống thực tại lại tái phát dữ dội hơn. Người ta không thể nào chạy trốn mãi khỏi thực tại. Một phần quan trọng của việc điều trị cai nghiện đòi hỏi phải thừa nhận, đối mặt và trải nghiệm thực tại. Trong hầu hết trường hợp, sự nghiện ngập cho phép bệnh nhân tránh né thực tại bên ngoài và những con quỷ nội tâm của anh (cô) ấy. Còn sự tỉnh táo buộc người nghiện phải đối diện với thực tại, thúc đẩy người nghiện muốn tìm cách nào đó để tránh né hay thay đổi nó một lần nữa. Chìa khóa của việc điều trị cai nghiện chính là phá vỡ cái vòng luẩn quẩn, chí tử này của việc trốn tránh thực tại bên trong và bên ngoài. Điều này không chỉ đúng với những bệnh nhân nghiện ngập mà trong chừng mực nào đó, còn đúng với tất cả những bệnh nhân đang điều trị tâm lý.

Vì vậy, nhiều người nghiện (kể cả một số bệnh nhân của bác sĩ Dr. Pinsky) đang mắc phải các chứng rối loạn tâm thần và rối loạn nhân cách nghiêm trọng mà chưa được chẩn đoán. Việc lạm dụng chất gây nghiện và hành vi nghiện mãn tính của họ là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần bị che đậy—mà đồng thời rõ ràng là đang góp phần và càng làm trầm trọng thêm chúng. Phần lớn những bệnh nhân như vậy có thể được hưởng lợi từ một chương trình được gọi là "chẩn đoán kép", được thiết kế đặc biệt nhằm giải quyết đồng thời cả những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và lạm dụng hoặc phụ thuộc chất gây nghiện. Điều đáng khen là có vẻ như bác sĩ Dr. Pinsky cũng thừa nhận thực tế này, các buổi Truyền hình của ông thường tập trung vào những bệnh nhân có bất kỳ tiền sử bị sang chấn tâm lý nào, đặc biệt là bạo hành thân thể, cảm xúc và tình dục trong suốt thời thơ ấu. Và thỉnh thoảng ông ấy còn mời các bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và những chuyên gia sức khỏe tâm thần khác đến làm việc với các bệnh nhân của ông. Mặc dù điều này nói chung về mặt lâm sàng là đúng, trong nhiều trường hợp, bản thân tình trạng lạm dụng chất gây nghiện nghiêm trọng cần phải được xử lý trước tiên, hoàn tất việc cai nghiện, và thiết lập trạng thái tỉnh táo trước khi việc điều trị tâm lý dành cho những sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu hoặc sang chấn khác có thể bắt đầu một cách nghiêm túc, song thực tế là nếu không có cấu trúc điều trị và hỗ trợ tâm lý thích hợp, điều này sẽ không xảy ra. Ngay khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy căng thẳng, buồn bã, cô đơn, tức giận hay lo lắng thì họ sẽ quay lại với con đường duy nhất mà họ biết để đối phó và xoa dịu bản thân: bằng cách dùng ma túy hay thực hiện hành vi "tồi tệ" mang tính cưỡng bách, tự hủy hoại bản thân để tránh trở nên ý thức hơn về thực tại. Vô thức là thủ phạm chính trong chuyện nghiện ngập. Đây là lý do tại sao liệu pháp tâm lý chuyên sâu, liên tục, thực sự cần phải là một phần không thể thiếu của bất kỳ quy trình điều trị nghiện hiệu quả nào.

Phương thuốc cho nghiện ngập ấy là học cách chịu đựng và chấp nhận thực tại. Dần dần, từng chút một. Đây chính là sự tiết độ, tỉnh táo đích thực. Đây là điều mà người đang cai nghiện cần được hỗ trợ nhiều nhất: tỉnh táo đối mặt với thực tại bên trong và bên ngoài. Và một phần của thực tại hiện sinh bao gồm trách nhiệm cá nhân. Chúng ta có trách nhiệm đối mặt và giải quyết những con quỷ trong nội tâm của mình một cách tích cực nhất có thể. Và chúng ta có trách nhiệm đối diện với thế giới bên ngoài theo cách chín chắn, trưởng thành. Rõ ràng là, đặc biệt đối với những người nổi tiếng được che chở khỏi thực tại bằng danh tiếng và tiền bạc, sự tỉnh táo, tiết độ (khỏi việc lạm dụng rượu hay các chất gây nghiện khác hoặc hành vi tình dục cưỡng bách) yêu cầu phải chấp nhận cùng một thực tại mà tất cả chúng ta hằng ngày đều đang phải đối mặt: chịu trách nhiệm cho bản thân chúng ta; đưa ra các lựa chọn có lợi cho chúng ta; và chịu đựng sự tẻ nhạt, buồn chán, thất vọng, lo âu cùng những khổ đau về tinh thần và thể xác không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Nghiện ngập chính là thói quen trốn tránh thực tại. Những gì mà người nghiện cần khám phá đó là thực tại thì lớn lao hơn chúng ta. Chắc chắn đây là một cú đánh mạnh lên tính kiêu ngạo ái kỷ của một người. Nhưng khởi đầu của trí tuệ chữa lành và sự sẵn sàng chấp nhận và đón nhận thực tại—bao gồm cả những khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của thực tại—theo cách riêng của nó.

 

Tác giả: Stephen A. Diamond, Ph.D

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/za/blog/evil-deeds/201002/avoidance-sobriety-and-reality-the-psychology-addiction?amp

menu
menu