Quá khứ một người “ổn định” đến mức nào?

qua-khu-mot-nguoi-on-dinh-den-muc-nao

Một nghiên cứu về cuộc đời của mỗi người

Có bao giờ bạn thắc mắc tiểu sử của bạn sẽ thay đổi như thế nào mỗi khi bạn kể về nó, vào những thời điểm khác nhau? Bạn sẽ kể lại, hay xóa bỏ những sự kiện nào trong cuộc đời bạn? Và tại sao bạn làm điều đó?

Tiểu sử một người không chỉ đơn giản là một biên niên sử ký, ghi chép lại toàn bộ những sự kiện và những chuyện có thật, mà nó còn là một phương tiện để họ có thể tháo gỡ, rồi gắn ghép lại những sự kiện đó để đem lại một thông điệp về chính mình. Tiểu sử giống như một dấu hiệu nhận dạng, mà dựa vào đó, những trải nghiệm mà người ta lưu trữ và cách họ kể lại những trải nghiệm đó có thể phản ánh và hình thành nên tính cách của họ.

Phương thức toàn diện nhất để có thể biểu hiện dấu hiệu ấy, chính là việc kể lại về toàn bộ cuộc đời một người, từ khi họ sinh ra, xuyên suốt chặng đường đời cho tới thời điểm hiện tại, có thể bao gồm cả quan điểm của họ về tương lai. Câu chuyện ấy không chỉ miêu tả lại những gì đã xảy ra, mà còn diễn giải điều đó quan trọng như thế nào, và có ý nghĩa ra sao với bản thân người ta, với con người mà họ sẽ trở thành. Nếu tiểu sử cho ta thấy giá trị nhân bản(*) và là một phần dấu hiệu nhận dạng của người đó, ít nhất nó cũng phải có tính “ổn định”. Sau cùng, ai cũng mong muốn sự ổn định trong con người họ, vì vậy mà sẽ nhớ kỹ về tiểu sử của mình, ở mức độ nào đó. Câu hỏi được đặt ra là, quá khứ đó “ổn định” như thế nào, và thay đổi ra sao theo thời gian?

Trên cơ sở hai câu hỏi này, trong một cuộc nghiên cứu tình huống kéo dài ở Đại học Goethe, Frankfurt, chúng tôi đã hỏi mọi người kể lại về những điều đã khiến họ trở thành tới bây giờ, và chúng tôi lặp lại câu hỏi tương tự vậy trong nhiều lần. Cụ thể hơn, Tilmann Habermas bắt đầu cuộc nghiên cứu này vào năm 2003, với những người thuộc bốn nhóm tuổi: 8,12,16 và 20 tuổi, kể lại về tiểu sử của họ trong hai tuần không liên tiếp. Trong lần nghiên cứu sau đó vào năm 2007, những người này đã được phỏng vấn lại, và nhóm những người lớn trong độ tuổi 40 và 65 được thêm vào. Vào năm 2011, hầu hết những người tham gia đều được phỏng vấn lại, kéo dài danh sách độ tuổi những người tham gia từ 8 cho tới tận 69 (cho tới thời điểm đó).

Tổng hợp lại, chúng tôi có cả thảy 523 câu chuyện, được kể trong suốt 8 năm liền nhưng ở những khoảng thời gian khác nhau (Hình 1).  Để nhận ra sự “ổn định”, chúng tôi so sánh những sự kiện được lặp đi lặp lại và với những sự kiện chỉ được kể lại một lần. Hơn thế nữa, chúng tôi còn phân tích xem các sự kiện xảy ra do yếu tố sinh học hoặc do tác động của xã hội tại một thời điểm nhất định, ví dụ như thời điểm tốt nghiệp cấp ba, nụ hôn đầu tiên hay khi một người kết hôn, liệu có “ổn định” hơn so với những sự kiện nhỏ lẻ, lặt vặt, ví dụ như việc đi du lịch.   

Chúng tôi nhận ra độ “ổn định” của những câu chuyện giảm dần trong khoảng thời gian giữa hai cuộc phỏng vấn, nhưng tăng dần theo độ tuổi. Bé trai Tim 8 tuổi khó có thể nhớ mình đã kể lại những gì trong bốn hay tám năm trở về trước, và chỉ nhớ được 10 phần trăm cuộc đời của mình. Cô gái 24 tuổi, Tina, lặp lại được gần 30 phần trăm tiếu sử của mình. Với những người thuộc độ tuổi trung niên, tiểu sử của họ “ổn định” hơn rất nhiều, vì thế mà những người tham gia ở tuổi 69 có thể kể lại được hơn 70 phần trăm cuộc đời của họ trong bốn năm trở lại đây.

Thế nhưng, những tỉ lệ này không nói lên được nhiều nếu như ta bỏ qua việc quan sát xem những sự kiện nào trong cuộc đời họ đã được kể lại. Chúng tôi nhận ra rằng các sự kiện thông thường có vẻ “ổn định” hơn so với những sự kiện mang tính lặt vặt, nhỏ lẻ. Tất nhiên, những chuyện theo lẽ thường, xảy ra ở một độ tuổi nhất định và đánh dấu hay kết thúc mỗi chặng của cuộc đời được kể lại nhiều lần, có thể vì chúng tạo nên cấu trúc tiểu sử của mỗi người. Thế nhưng, những sự kiện nhỏ lẻ, tầm phào cũng có thể cho thấy một mức độ “ổn định” nào đó, cho thấy một số trải nghiệm cũng có thể trở thành một phần trụ cột không thể thiếu trong dấu hiệu nhận dạng của mỗi người.

Có một tiểu sử “ổn định” là một phần của sự trưởng thành với mỗi người. Khi chúng ta đã hiểu ra chúng ta lớn lên và trở thành con người ngày hôm nay bằng cách nào và định hướng tương lai của ta ra sao, có lẽ một phần trong ta đã nắm chắc cuộc đời của chính mình, điều làm nên sự “ổn định” của mỗi cá nhân. Chúng ta phát hiện, và đánh dấu bước chân của mình không chỉ trong câu chuyện ta kể, mà còn ở trong những câu chuyện mà ta lặp lại.

(*) được hiểu là cái gốc rễ, cái cốt lõi cấu tạo nên con người đó, về tính cách, số phận, hình hài…

Tài liệu tham khảo

Köber, C., & Habermas, T. (2017). How stable is the personal past? Stability of most important autobiographical memories and life narratives across eight years in a life span sample. Journal of Personality and Social Psychology, 113, 608–626. http://doi.org/10.1037/pspp0000145

Nguồn: www.psychologytoday.com

Người dịch: Khoai

Theo whypsy.com

menu
menu