[Review sách] Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt – The Pig That Wants To Be Eaten – Julian Baggini
Cuốn sách này sẽ lần lượt nêu ra những câu hỏi và các thí nghiệm tư tưởng, điều mà có thể khiến bạn phải xem xét lại toàn bộ những niềm tin của bản thân bấy lâu.
Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt – The Pig That Wants To Be Eaten – Julian Baggini
“Sau 40 năm theo chủ nghĩa ăn chay, Max Berger dự định sẽ làm một bữa tiệc gồm xúc xích heo, thịt heo xông khói và ức gà áp chảo. Max luôn bỏ qua cơ hội được nếm hương vị của thịt bởi vì những nguyên tắc của anh ấy còn mạnh hơn cả ham muốn ẩm thực. Nhưng bây giờ anh ấy có thể ăn thịt với một lương tâm không hề cắn rứt.
Món xúc xích và thịt xông khói đến từ một cô lợn có tên là Priscilla mà Max đã gặp tuần trước. Cô lợn này đã được biến đổi gen, có thể nói được và quan trọng hơn, là muốn bị ăn thịt. Kết thúc trên bàn ăn của con người là tham vọng cả đời của Priscilla và cô lợn khát khao cái ngày mình được đưa vào lò mổ. Cô ấy đã nói tất cả điều đó với Max ngay trước khi bị đem làm thịt. Khi nghe câu chuyện của cô lợn, Max thầm nghĩ sẽ thật thiếu tôn trọng nếu không ăn thịt nó”. (Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt – Julian Baggini)
Có một câu hỏi nổi tiếng từ xưa đến nay: Làm thế nào để biết được những gì bạn biết là đúng? và điều này tiếp tục được đưa ra mổ xẻ trong Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt. Cuốn sách này sẽ lần lượt nêu ra những câu hỏi và các thí nghiệm tư tưởng, điều mà có thể khiến bạn phải xem xét lại toàn bộ những niềm tin của bản thân bấy lâu. Việc tin tưởng vào một khái niệm hay kiến thức nào đó về thế giới xung quanh (mà vốn dĩ nó là như thế!), cũng tương tự như việc bạn đang đứng trên mặt đất vững chãi, rồi đột nhiên tất cả đổ sụp và khiến bạn lơ lửng trong một khoảng không vô định vậy. Trong Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt, tác giả đã thu thập được 100 ví dụ mang tính tranh cãi cùng với những thử nghiệm tư duy, đến từ các vấn đề triết học cơ bản nhất. Chẳng hạn, những lựa chọn về mặt đạo đức thường chỉ được người ta đưa ra khi phải đối mặt với hai luồng giá trị đối lập và chỉ có thể có một đáp án. Trong nhiều trường hợp, lý trí thật ra chẳng có nghĩa lý gì lắm so với niềm tin. Khi không thu thập được đầy đủ bằng chứng xác thực, chúng ta buộc phải tin vào điều gì đó, cho dù điều đó có thể còn khó tin hơn cả những chứng cứ ít tin cậy nhất. Quay trở lại với câu chuyện Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt, một trong những vấn đề của triết học đó là việc xem xét giữa những điều được cho là đúng với nguyên tắc và những điều chỉ đúng ở thực tại (mà chúng ta biết rằng đây là lĩnh vực thuộc về khoa học thực nghiệm). Vì vậy, nếu việc giết và ăn thịt một con lợn bị cho là sai trái do tất cả chúng ta đều tin rằng con vật này không muốn bị giết và ăn thịt thì điều ngược lại, giả định rằng chúng ta giết và ăn thịt theo ý chí của con vật liệu có đúng không? Bạn sẽ thấy có rất nhiều lập luận theo kiểu này trong Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt và một số có thể khiến bạn rơi vào cái bẫy của “triết lý trực giác”. Do đó, ngay cả khi bạn cố gắng tư duy một cách khách quan nhất, điều gì đảm bảo rằng những niềm tin của bạn là khách quan?
Đôi nét về tác giả: Julian Baggini là một triết gia người Anh và là tác giả của nhiều cuốn sách triết học. Ông cũng là đồng sáng lập và biên tập viên của tạp chí The Philosophers. Ông được trao bằng tiến sĩ năm 1996 từ Đại học London cho một luận án về triết học nhận dạng cá nhân. Ngoài những cuốn sách triết học nổi tiếng của mình, Baggini còn là khách mời thường xuyên trên kênh BBC Radio 4’s In Our Time.
Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt là một cuốn sách thú vị và vui nhộn với nhiều ý tưởng triết học, được viết dưới dạng trình bày những mẩu truyện ngắn để người đọc dễ tiếp cận. Với từng vấn đề được nêu ra, mỗi người sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau. Không mang ngôn ngữ học thuật, với Con Lợn Muốn Bị Ăn Thịt, độc giả có thể suy ngẫm và tư duy về mọi điều.
Quỳnh Ly
Nguồn: Vanhoc365.com