[Sách dịch] Bàn về Ham muốn: Tại sao Chúng ta muốn thứ mà Ta Muốn (Chương 1)

sach-dich-ban-ve-ham-muon-tai-sao-chung-ta-muon-thu-ma-ta-muon-chuong-1

Một người thông thái cần rất ít thứ để thấy hạnh phúc, nhưng đối với một tên ngốc thì không gì có thể thỏa mãn được y. Đó là lý do tại sao hầu như tất cả mọi người đều khốn khổ.

Bàn về Ham muốn: Tại sao Chúng ta muốn thứ mà Ta Muốn 

Nguyên tác: On desire - Why we want what we want

UPDATE: Cuốn sách này đã được Thái Hà Books mua bản quyền và sẽ phát hành trong thời gian tới. Nếu bạn đọc thấy hay thì mong bạn mua sách ủng hộ page nhé. 

Một người thông thái cần rất ít thứ để thấy hạnh phúc, nhưng đối với một tên ngốc thì không gì có thể thỏa mãn được y. Đó là lý do tại sao hầu như ai ai cũng đều khốn khổ.

 La Rochefoucauld

 

Ham muốn là một đối tượng mà nhờ đó. . . người ta chỉ có thể đạt được những quan điểm chân chính bằng một cách gần như đảo ngược hẳn quan điểm thiếu suy xét bình thường.

—Bertrand Russell

  

Giới thiệu

Bạn hiện đang có ham muốn; bằng không thì bạn đã chẳng đọc những lời này. Ngay cả khi bạn đọc chúng theo yêu cầu của người khác, bạn vẫn bị thúc đẩy bởi ham muốn làm hài lòng người đó. Và nếu bạn ngừng đọc, bạn làm như vậy không phải vì bạn đã hết ham muốn mà bởi vì ham muốn của bạn đã thay đổi.

Chúng ta ngập chìm trong ham muốn gần như trong mỗi phút giây ta thức. Nếu ngủ thì chúng ta tạm thời chế ngự được những ham muốn của mình—trừ phi chúng ta đang mơ, trong trường hợp này thì những giấc mơ của ta có thể sẽ được định hình bởi những ham muốn của chúng ta. Kỹ năng hình thành ham muốn của chúng ta quả là phi thường. Chẳng có ai dạy chúng ta cách làm việc đó. Hơn thế nữa, nó còn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập cả đời mà không biết mệt mỏi. Khi nói đến ham muốn, ai cũng là chuyên gia. Nếu có một giải Olympic về môn ham muốn thì tất cả chúng ta sẽ có mặt trong đội tuyển tham dự. Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà chúng ta ham muốn, nhưng chúng không khiến ta dừng ham muốn được.

Hãy thử chặn dòng chảy của ham muốn trong giây lát mà xem. Bạn sẽ phải ngừng vặn vẹo, gõ gõ ngón tay, siết chặt các ngón chân; bạn sẽ phải thả lỏng cái lưỡi trong miệng mình và để mi mắt khép lại; bạn sẽ phải ngồi ngả người ra ghế—hay tốt hơn là bất động, nằm xuống; trong khả năng của mình, bạn sẽ phải từ bỏ sự kiểm soát đối với hơi thở của mình; bạn sẽ phải để cho tâm trí mình trống rỗng. Nói cách khác, bạn sẽ phải bước vào cái mà chúng ta gọi là trạng thái thiền định. Và ngay cả thế, bạn vẫn không tẩy sạch được ham muốn của bản thân: bạn sẽ không ở trong trạng thái này trừ khi bạn có một ham muốn không ngừng là tiếp tục làm vậy. Người ta cần phải có ham muốn để cố gắng dập tắt ham muốn, mà thường là không thành công.

Nếu bạn đã thử thí nghiệm trên thì bạn sẽ phát hiện thấy bạn hầu như không thể để cho tâm trí mình trống rỗng. Những ý nghĩ mới sẽ nảy sinh, nhiều ý nghĩ trong số đó bày tỏ ham muốn. Bạn có thể thấy mình đang đói và muốn ăn, hay bạn đang cảm thấy khó chịu và muốn cựa quậy. Bạn có thể cảm thấy tức giận, điều đó phản ánh cho nỗi thất vọng về những ham muốn trước đây của bạn, hoặc lo âu—phản ánh cho những ham muốn về tương lai của bạn. Nhân đây, thử nghiệm này, giống với Thiền Tông, hay còn gọi là zazen. Bằng cách thực hiện bài thiền này, các thiền sư thấu tỏ được quá trình quỷ quyệt mà những ham muốn được hình thành trong chúng ta.

Ham muốn làm thế giới này trở nên sinh động. Nó có mặt nơi đứa bé đang khóc đòi bú sữa, nơi bé gái đang loay hoay giải một bài toán, người phụ nữ chạy đi gặp người yêu và sau đó quyết định có con với anh ta, và bà cụ khom người trước khung tập đi, đang di chuyển dọc theo hành lang của viện dưỡng lão với tốc độ “rùa bò” để nhận thư của bà. Vứt bỏ ham muốn khỏi thế gian, và bạn sẽ có một thế giới của những sinh vật băng giá không có lý do gì để sống và chẳng có lý do nào để chết.

Một số người có ít ham muốn hơn nhiều so với những người còn lại trong chúng ta. Một số người thiếu ham muốn vì họ đang bị trầm cảm; những người khác thì thiếu ham muốn vì họ đã giác ngộ. Nhân đây tôi xin được nói rằng, trạng thái giác ngộ này thường là kết quả cuối cùng sau nhiều năm tinh tấn nỗ lực, được đưa đến bởi một ham muốn mãnh liệt là giải thoát chính bản thân họ, tùy theo khả năng của họ, khỏi gọng kìm của ham muốn.

Bởi vì chúng ta liên tục trải nghiệm ham muốn nên ta quên mất sự hiện diện của nó trong bản thân. Nó cũng tựa như tiếng ồn do quạt máy vi tính tạo ra. Tiếng ồn luôn có mặt ở đó, một tiếng thì thầm nhỏ, và bởi vì nó luôn có mặt ở đó nên chúng ta không màng tới nó. Cũng thế, chúng ta luôn lờ đi những ham muốn của mình—không để ý đến sự thăng trầm của chúng trong chúng ta, đến vai trò của chúng trong cuộc sống của ta. Chỉ khi nào ham muốn của chúng ta trở nên dữ dội (như khi chúng ta rơi vào lưới tình) hoặc khi chúng nổ ra xung đột (như khi chúng ta muốn ăn một bát kem song vì ta đang ăn kiêng, đồng thời ta muốn mình không được thèm nó) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn của mình, cùng với sự pha trộn giữa cảm giác bối rối và bực bội. Và bởi chúng ta chẳng biết gì về hoạt động của ham muốn bên trong mình nên ta có đầy rẫy quan niệm sai lầm về nó.

Một hệ quả của việc đọc cuốn sách này có thể là lần đầu tiên trong đời bạn chú ý kỹ đến sự vận hành của ham muốn trong bạn. Khi bạn làm điều này, bạn sẽ nhanh chóng nhận thức được mức độ đáng chú ý mà các ham muốn của bạn có một vòng đời riêng của chúng. Chúng chợt lóe lên trong đầu bạn, dường như từ trên trời rớt xuống. Quả thật, trong nhiều trường hợp, bạn không lựa chọn những ham muốn của mình nhiều bằng việc phát hiện thấy chúng tồn tại trong bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ mức độ mà những ham muốn không mời mà đến này định đoạt cách mà bạn sống mỗi ngày và về lâu về dài, cách mà bạn sống hết cuộc đời mình.

Một điều khác: một khi hiểu được cách thức hoạt động của ham muốn thì những ham muốn mà bạn hình thành có khả năng thay đổi. Chắc chắn điều này đã xảy ra với tôi trong quá trình làm nghiên cứu của tôi. Một khi tôi hiểu được mức độ mà các ham muốn nảy sinh trong tôi một cách tự phát chứ không phải do các quá trình suy nghĩ lý trí thì tôi ngày càng hoài nghi những ham muốn của tôi. Tôi sẽ hỏi “Ham muốn này đến từ đâu?”. “Tại sao tôi lại muốn điều này?” Và khi đã hỏi thì trong nhiều trường hợp, kết cuộc là tôi sẽ loại bỏ được ham muốn đang nói đến. (Trong nhiều trường hợp, nhưng không phải là trong tất cả các trường hợp! Tôi chắc chắn không tuyên bố rằng mình đã làm chủ được ham muốn.)

Mục tiêu của tôi khi nghiên cứu về ham muốn là lục tung nó lên để kiểm tra—để hiểu làm thế nào và tại sao ham muốn lại xuất hiện, chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của ta ra sao và chúng ta có thể làm gì để làm chủ ham muốn. Khi theo đuổi mục tiêu này, tôi xem xét những lời dạy về ham muốn của Phật giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, người Amish, người Shaker, và các vị thánh Công giáo, cũng như những điều mà các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng như triết gia châu Âu thời hiện đại đã nói đến. Việc khảo cứu về ham muốn của tôi ngoài yếu tố đa văn hóa còn mang tính đa ngành. Sau khi xem xét các tác phẩm của các triết gia và nhà tư tưởng tôn giáo, tôi còn tìm hiểu nghiên cứu khoa học về làm thế nào và tại sao chúng ta tạo nên những ham muốn mà ta tạo nên.

Rất nhiều người đã suy ngẫm và viết về ham muốn trong vài thiên niên kỷ qua. Do đó, người đọc có thể tự hỏi, vậy còn gì, nếu có, để nói về chủ đề này. Hóa ra, đây là một thời điểm thích hợp để xét lại về ham muốn. Trong ba thập kỷ qua, các nhà tâm lý học tiến hóa đã đưa ra một số phát hiện về lý do tại sao chúng ta lại muốn những điều mà ta muốn. Trong cùng thời kỳ đó, các nhà khoa học thần kinh đã có những khám phá giúp chúng ta, lần đầu tiên, hiểu được cơ chế mà chúng ta ham muốn. Hiểu biết này cho phép họ phát triển những loại thuốc chẳng hạn như Prozac giúp nhen nhóm lại ham muốn ở những bệnh nhân trầm cảm. 

Ở các trang tiếp theo, tôi sẽ cố gắng dung hòa các quan điểm cổ điển về ham muốn với nghiên cứu khoa học được thực hiện trong vài thập kỷ qua. Rồi chúng ta sẽ thấy, nghiên cứu này về cơ bản xác nhận nhiều nhận định tiền—khoa học của các triết gia và các nhà tư tưởng tôn giáo về sự vận hành của ham muốn. Nó cũng xác nhận nhiều lời khuyên về cách làm chủ ham muốn của những vĩ nhân như Phật, Epictetus, và Thoreau.

Sự phát triển xã hội và kinh tế trong những thập kỷ gần đây cũng khiến đây là thời điểm lý tưởng để xem xét lại ham muốn. Trên khắp thế giới, mức độ giàu có, phồn vinh tăng lên không chuyển thành mức độ mãn nguyện cá nhân tăng lên theo. Đặc biệt là những công dân ở các quốc gia giàu có được tận hưởng một mức độ tiện nghi vật chất không thể tưởng tượng nổi so với tổ tiên của họ. Thậm chí ngay cả những công dân được các nhà thống kê của chính phủ xếp vào loại nghèo thì cũng có thuốc kháng sinh, biện pháp tránh thai đáng tin cậy, máy nghe đĩa CD, được tiếp cận Internet, và ống dẫn nước trong nhà. Nhưng dù họ “có tất cả” so với ông cha mình thì họ vẫn cảm thấy bất mãn.

Phần lớn mọi người dành những ngày tháng của họ để theo đuổi thành công thế gian—danh vọng, tài sản và tất cả những thứ đi cùng với chúng. (Và nếu không phải danh vọng và tài sản thì chí ít cũng là địa vị xã hội và sự sung túc tương đối.) Họ tưởng tượng rằng nhờ đạt được thành công này thì họ cũng sẽ có được sự mãn nguyện—ít nhất thì họ sẽ cảm thấy thỏa mãn với những thành tựu, mối quan hệ, tài sản của họ, và quan trọng nhất là, mãn nguyện với cuộc sống của họ. Và với sự thỏa mãn này, họ tin rằng hạnh phúc dài lâu sẽ đến với họ. Điều mà họ không nhận ra, mà tôi sẽ lập luận ở các trang tới, đó là người ta hoàn toàn có thể đạt được sự thỏa mãn mà không cần theo đuổi, hay đạt được nhiều thành công của thế gian này. Thật vậy, khi chạy theo thành công của thế gian, con người nhìn chung sẽ làm giảm đi cơ hội đạt được sự thỏa mãn cá nhân.

Con người thường cho rằng cách tốt nhất để đạt được hạnh phúc là cần thay đổi môi trường của họ—ngôi nhà của họ, quần áo, xe hơi, công việc, người bạn đời, người yêu và nhóm bạn bè của họ. Song những ai đã suy xét cẩn thận về ham muốn—quan điểm của những nhân vật mà chúng ta sẽ xem xét ở các trang sau—đều nhất trí đưa ra kết luận rằng cách tốt nhất—quả thực, có lẽ là cách duy nhất—để có được hạnh phúc dài lâu không phải là thay đổi thế giới xung quanh chúng ta hay vị trí của chúng ta trong thế giới này, mà là thay đổi bản thân ta. Cụ thể là, nếu chúng ta có thể thuyết phục bản thân mình muốn những thứ mà ta đã có thì chúng ta có thể tăng hạnh phúc của mình lên đáng kể mà không cần đến bất kỳ thay đổi nào trong hoàn cảnh sống của chúng ta. Điều này đơn giản là không xảy ra với người bình thường mà sự thỏa mãn có thể đạt được tốt nhất không phải bằng việc cố gắng thỏa mãn những ham muốn mà chúng ta tìm thấy trong mình, mà bằng cách kìm nén hoặc xóa bỏ có chọn lọc những ham muốn của ta. Rồi chúng ta sẽ thấy, trong suốt các thời đại và khắp các nền văn hóa, những người có suy nghĩ sâu xa cho rằng cách tốt nhất để đạt được hạnh phúc là làm chủ ham muốn của chúng ta, nhưng trong suốt các thời đại và khắp các nền văn hóa, những con người bình thường đã bỏ qua lời khuyên này.

Làm chủ các ham muốn của ta một cách hoàn hảo có lẽ là bất khả thi. Ngay cả Đức Phật cũng không thành công trong việc dập tắt ham muốn: sau khi giác ngộ, ngài vẫn duy trì vài ham muốn—muốn thở, muốn ăn và đáng chú ý nhất là, muốn chia sẻ với chúng sinh nguồn gốc của sự giác ngộ của ngài. Vì vậy thứ mà chúng ta nên tìm kiếm là khả năng làm chủ ham muốn một cách tương đối: chúng ta nên học cách sắp xếp phân loại các ham muốn của ta, cố gắng thỏa mãn một số ham muốn và nỗ lực kìm nén những ham muốn khác.

Làm sao biết được khi nào chúng ta đã “làm chủ được” ham muốn? Chúng ta sẽ trải nghiệm cái mà, như ta sẽ thấy, là mục tiêu của phần lớn những người từng suy nghĩ nghiêm túc về ham muốn—một cảm giác bình thản. Không nên nhầm lẫn điều này với loại cảm giác yên bình do uống thuốc an thần mang lại. Thay vào đó, nó được đánh dấu bởi cảm giác rằng chúng ta may mắn được sống bất kỳ cuộc đời nào mà số phận an bài cho chúng ta—rằng bất chấp hoàn cảnh sống của chúng ta, không thành phần quan trọng nào của hạnh phúc bị thiếu. Mức độ lo âu giảm xuống cùng với cảm giác này: chúng ta không còn ám ảnh với những thứ như—một chiếc xe hơi mới, một ngôi nhà to hơn, một cơ bụng săn chắc—mà chúng ta lầm tưởng rằng sẽ mang lại hạnh phúc dài lâu chỉ khi nào ta có thể giành được chúng. Quan trọng hơn hết, nếu chúng ta làm chủ được ham muốn, trong chừng mực cho phép, thì chúng ta sẽ không còn khinh thường cuộc đời mà chúng ta bị buộc phải sống và sẽ thôi mơ mộng được sống cuộc đời của ai đó đang sống; thay vào đó, chúng ta sẽ chấp nhận cuộc sống của riêng mình và sống trọn vẹn hết mình.

Phần còn lại của cuốn sách này được chia thành ba phần. Trong Phần Một, tôi xem xét về đời sống bí ẩn của ham muốn. Tôi bắt đầu bằng cách mô tả những trường hợp mà mọi người thấy bản thân họ chìm đắm trong ham muốn một cách đột ngột và khó hiểu, cũng như những trường hợp mà những ham muốn bị con người xem thường—trong nhiều thập kỷ đã định hình cuộc sống của họ—đột ngột từ bỏ họ. Tôi cũng xem xét nhu cầu mãnh liệt của chúng ta là muốn tương tác và nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác.

Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng trong trận chiến với những ham muốn bất hảo thì việc hiểu được chúng sẽ có ích cho chúng ta. Chính vì lý do này mà trong Phần Hai của cuốn sách này, tôi xem xét những điều mà các nhà khoa học đã khám phá được về ham muốn—về cách chúng ta hình thành nên ham muốn và tại sao chúng ta hình thành những ham muốn đó. Tôi bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về cấu trúc của ham muốn và nguồn gốc của ham muốn trong chúng ta. Sau đó tôi tiếp tục mô tả một số nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà tâm lý học và nhà khoa học thần kinh, về những điều diễn ra trong não bộ khi chúng ta ham muốn. Sau đó, tôi suy đoán về cách thức mà chúng ta tiến hóa khả năng ham muốn và những ham muốn cụ thể nào dần dần được “gắn chặt vào” chúng ta do quá khứ tiến hóa của chúng ta. Bởi sự thiết lập này mà chúng ta có xu hướng hình thành nên những ham muốn nhất định nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là bằng cách nỗ lực thỏa mãn các ham muốn đó mà ta sẽ đạt được một cuộc sống hạnh phúc hoặc ý nghĩa.  

Trong Phần Ba, tôi xem xét lời khuyên về cách làm chủ ham muốn được đưa ra qua hàng thiên niên kỷ và ở khắp các nền văn hóa, bao gồm cả tôn giáo, triết học và những gì có thể được mô tả là kiểu lời khuyên lập dị nhất.

Tôi muốn lưu ý ngay từ đầu với độc giả rằng ở những trang tiếp theo, tôi sẽ không cung cấp một “phương pháp thần kỳ” mà họ có thể dùng để ngay lập tức xóa bỏ được những ham muốn ngoài ý muốn một cách dễ dàng. Thay vào đó, những gì mà tôi mang lại là sự hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của ham muốn, vai trò của nó trong đời sống con người và mối quan hệ giữa sự hình thành ham muốn, thỏa mãn ham muốn và hạnh phúc của con người. Hy vọng là các độc giả được trang bị hiểu biết này thì sẽ đạt được một mức độ thỏa mãn cá nhân cao hơn so với nếu họ bị những quan niệm sai lầm về cách vận hành của ham muốn khiến cho họ đau khổ giống như phần đông mọi người. 

Độc giả cũng có thể thu được lợi ích từ cuộc thảo luận của tôi về lời khuyên của những kẻ trí, qua hàng ngàn năm, về cách thức mà ta có thể ngăn chặn những ham muốn bất hảo nảy sinh trong chúng ta và trục xuất chúng ra khỏi tâm trí ta, khi mặc dù ta đã cố gắng hết sức nhưng chúng vẫn cứ nảy sinh. Một lần nữa, tôi không có giải pháp thần kỳ nào ở đây: làm theo bất kỳ lời khuyên nào cũng đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nếu chúng ta thích những điều mà các Phật tử Thiền tông đã nói về cách làm chủ ham muốn thì chúng ta có thể muốn bỏ ra hàng giờ đồng hồ để yên lặng ngồi thiền; nếu chúng ta thích lời dạy của người Amish, chúng ta có thể muốn gia nhập một cộng đồng Amish (nếu họ muốn thu nạp chúng ta); nếu ta thích lời dạy của các triết gia Khắc kỷ thì chúng ta muốn dành thời gian tìm hiểu các tác phẩm của họ. Nhưng khi đã nói như vậy, tôi xin nói thêm rằng thời gian và công sức mà chúng ta bỏ ra để cố gắng làm chủ ham muốn có lẽ ít hơn đáng kể so với thời gian mà nỗ lực ta sẽ tiêu tốn nếu ta đầu hàng trước những ham muốn của mình và dành những tháng ngày của ta, giống như nhiều người, làm việc không ngừng nghỉ để thỏa mãn bất cứ ham muốn nào trôi nổi trong đầu óc ta. 

 

PHẦN MỘT

ĐỜI SỐNG BÍ MẬT CỦA HAM MUỐN  

 

Vậy là ta đã phí phạm đời ta biết bao năm, vì ta tưởng đã gặp mối tình lớn nhất, và ta tưởng có thể sẵn sàng chết vì một người đàn bà thực ra không làm ta thích thú, chẳng hề hợp với sở thích của ta!

 —Marcel Proust 

 

MỘT 

Sự thăng trầm của Ham muốn    

Một số ham muốn được hình thành nhờ vào các quá trình suy nghĩ lý trí. Giả sử tôi muốn ăn trưa.Tôi kết luận rằng cách tốt nhất để ăn trưa là lái xe đến một nhà hàng gần đây, khi đã xét đến việc tủ lạnh nhà tôi đã hết thức ăn. Kết quả là, tôi hình thành một ham muốn lái xe đến nhà hàng. Quá trình này hợp lý một cách hoàn hảo và đáng ca ngợi.

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng mọi ham muốn của chúng ta đều được hình thành theo cách này. Ngược lại là đằng khác, nhiều ham muốn sâu sắc, có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời chúng ta lại không có lý trí, theo nghĩa là ta không dùng đến quá trình suy nghĩ lý trí để tạo nên chúng. Quả thực, chúng ta không tạo ra chúng; mà chúng tự hình thành bên trong ta. Chúng chỉ đơn giản là xuất hiện trong đầu ta, một cách đường đột, không mời mà đến. Trong khi chúng cư trú ở đó thì chúng kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Một ham muốn nổi loạn có thể giẫm nát những kế hoạch mà chúng ta đặt ra cho cuộc đời mình và do đó làm thay đổi số phận của ta

Nếu chúng ta hiểu được ham muốn—thực vậy, nếu chúng ta hiểu được thân phận của con người—thì chúng ta cần phải thừa nhận về khả năng tự phát của ham muốn. Sau đó chúng ta hãy xem xét một số trường hợp mà cuộc sống của những con người vô cùng lý trí bỗng bị đảo lộn hoàn toàn bởi sự xuất hiện đột ngột, không thể lý giải được của ham muốn.

Rơi vào lưới tình là một ví dụ điển hình của một ham muốn ảnh hưởng đến cuộc sống theo cách không tự nguyện. Chúng ta không thể dùng lý trí thuyết phục mình yêu, và chúng ta thường không thể dùng lý trí thuyết phục mình đừng yêu: khi chúng ta yêu, vũ khí lý trí của ta ngừng hoạt động. Yêu cũng giống như bị cảm lạnh khi thức dậy—hoặc nói đúng hơn, giống như tỉnh dậy mà bị sốt. Chúng ta không đưa ra quyết định phải lòng ai đó, cũng như ta không quyết định mình bị cúm. Bệnh tương tư là một tình trạng ngược lại ý muốn của ta, bởi một thế lực bên ngoài gây ra cho chúng ta. 

Thế lực này là gì? Một số người sẽ, nửa đùa nửa thật, chỉ ngón tay tố cáo về phía Thần Tình yêu. Chúng ta rơi vào lưới tình vì Thần Tình yêu đã chọn chúng ta làm mục tiêu mà không hỏi ý ta trước và bắn một mũi tên truyền bệnh tương tư vào ta. Tôi nhận ra điều này chỉ là một huyền thoại, nhưng nó vẫn là một huyền thoại ẩn chứa khả năng giải thích đầy ấn tượng.

Chúng ta cần lưu ý rằng, tương tư thì khác với dục vọng. Một người dâm dật trải nghiệm ham muốn tình dục dữ dội có thể được thỏa mãn một cách bừa bãi, với rất nhiều người. Ngược lại, một người tương tư trải nghiệm một ham muốn mãnh liệt, nói chung bản chất là về dục tính, có một mục tiêu—một con người cụ thể.

Khi tương tư, chúng ta mất kiểm soát đáng kể đối với cuộc sống của mình. Chúng ta bắt đầu hành động một cách ngu ngốc—quả thật, chúng ta trở thành kẻ ngốc vì yêu. Triết gia khắc kỷ La Mã Seneca mô tả tình yêu là “tình bạn bị mất trí.”1 Nhà cách ngôn người Pháp François duc de La Rochefoucauld tuyên bố rằng, “Mọi đam mê đều khiến chúng ta phạm phải sai lầm, nhưng tình yêu là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm ngu xuẩn nhất.”2 Freud gọi bệnh tương tư là “chứng loạn thần của người bình thường.”3

Nhà văn khôi hài Fran Lebowitz đã tóm tắt sự ngu ngốc của chứng tương tư bằng những lời sau: “Những kẻ kết hôn vì yêu đã mắc phải một sai lầm nực cười. Kết hôn với bạn thân của bạn thì hợp lý hơn nhiều. Bạn thích người bạn thân của mình hơn bất cứ ai mà bạn sẽ phải lòng. Bạn không chọn bạn thân của mình vì họ có chiếc mũi xinh xắn, nhưng đó là tất cả những gì bạn đang làm khi bạn kết hôn; bạn đang tuyên bố rằng, ‘Tôi sẽ dành quãng đời còn lại của mình bên em bởi vì bờ môi dưới của em.’”4

Mặc dù ái tình lãng mạn có những thăng trầm qua nhiều thế kỷ, chứng tương tư dường như vẫn luôn có mặt quanh ta, mãi mãi. Thi ca của Ai Cập cổ đại mô tả về một điều gì đó không thể phân biệt được với chứng tương tư thời hiện đại. Một bài thơ, được viết cách đây hơn 3000 năm, bắt đầu như sau:

Đã bảy ngày trôi qua kể từ khi ta

gặp được [tình yêu] của mình. Căn bệnh

xâm chiếm ta. Tứ chi của ta bị dẫn dắt.

Ta không còn cảm nhận được cơ thể mình.

Nếu bác sĩ đến,

thì thuốc của họ chẳng thể nào chữa được

con tim ta, cũng như thầy tế lễ

không thể chẩn ra bệnh tình của ta

Họ nên nói, “Đây, 

nàng ấy, ”sẽ chữa lành cho ta.5

Chúng ta cũng có thể tìm thấy trong những mô tả về chứng tương tư của Plutarch như một căn bệnh. Ông nói với chúng ta ở thế kỷ thứ ba TCN, Erasistratus được yêu cầu chẩn bệnh cho Hoàng tử Antiochus, con trai Vua Seleucus. Các triệu chứng: “giọng anh ta ấp úng, mặt đỏ bừng, đôi mắt lén nhìn trộm, mồ hôi trên người đột ngột túa ra, nhịp tim đập mạnh, bất thường, và không thể chống đỡ nổi cơn đam mê quá cuồng nhiệt của bản thân, anh ta sẽ rơi vào tình trạng bủn rủn, kiệt sức, và tái nhợt.” Chẩn đoán của Erasistratus: chàng trai đang tương tư.6

Robert Burton, trong tác phẩm Anatomy of Melancholy, được xuất bản vào năm 1621, nói nhiều về tương tư như một căn bệnh. Ông nhận định rằng “Trong tất cả đam mê. . .Tình yêu là đam mê cuồng bạo nhất.”7 Ông cũng đưa ra một phương pháp điều trị cho chứng tương tư: “Nơi ẩn náu cuối cùng và phương thuốc điều trị chắc ăn nhất, cần thực hiện nếu đã cố gắng hết sức, khi không còn biện pháp nào khác có hiệu quả, là để cho họ đi với nhau, và vui vẻ bên nhau.”8

Những ai từng bị tương tư đều biết rõ các triệu chứng của nó. Đầu tiên là sự chú tâm vào một người—một cơn say nắng. (Sẵn tiện, cách dùng thông thường của từ ‘say nắng’ về mặt cú pháp là ngược lại: chúng ta nói về một cơn say nắng với ai đó, nhưng cái thực sự đang diễn ra là chúng ta có cảm giác bị nghiền nát bởi họ—chúng ta cảm thấy như thể có một sức mạnh đang đè nặng lên ngực ta.) Với cơn say nắng này, chúng ta mất kiểm soát một phần trong quá trình suy nghĩ của mình vì chúng ta không thể ngừng nghĩ đến đối tượng mà mình khao khát. Chúng ta trải nghiệm cái mà các nhà tâm lý gọi là những ý nghĩ xâm nhập.

Khi chúng ta tương tư, tình yêu của ta có ý nghĩa với ta, cũng như những ảo giác của chúng ta có ý nghĩa với ta khi ta đang bị sốt cao hay cơn ác mộng có lý với chúng ta trong khi ta đang ngủ. Nhưng với bạn bè và người thân của ta thì sự si mê có thể chả có nghĩa lý gì cả: họ sẽ hỏi “Anh ta nhìn thấy điều gì ở cô gái đó vậy?”. Và cũng giống hệt như một cơn sốt có thể qua đi hay chúng ta có thể choàng tỉnh khỏi một cơn ác mộng, chứng tương tư có thể kết thúc, khi đó chúng ta có thể đến gặp bạn bè và người thân của mình với vẻ bối rối và hỏi “Tôi đã nhìn thấy điều gì ở cô ta?” Theo lời của triết gia và nhà toán học người Pháp Blaise Pascal, “Trái tim có lý lẽ của nó mà lý trí không biết đến.”9

Sự ra đi của tình yêu cũng khó hiểu không kém sự xuất hiện của nó. Chẳng hạn, triết gia Bertrand Russell là một người đàn ông đã có gia đình, hạnh phúc, cho đến khi trong một lần đạp xe dọc con đường quê, ông chợt nhận thấy mình không còn yêu vợ nữa. Nhận thức này khiến ông lấy làm ngạc nhiên: “Tôi không ngờ, cho đến tận thời khắc này, tình yêu của tôi dành cho nàng thậm chí còn giảm đi.”10 Như vậy, trong tình yêu, chúng ta có một minh họa ấn tượng cho vai trò của ham muốn trong đời sống con người. Nó có thể túm lấy gáy ta, quăng quật ta một thời gian rồi sau đó bỏ rơi chúng ta.

Rơi vào lưới tình chỉ là một ví dụ cho thấy chúng ta không lựa chọn được những ham muốn của mình, mà chúng mới lựa chọn ta. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những ham muốn vật chất.

 

Ví dụ, hãy xem xét tình cảnh khó xử của người tiêu dùng, vào một ngày nọ phát hiện thấy mình có một ham muốn ngớ ngẩn là được sở hữu một trong những chiếc xe oto quá khổ, còn được gọi là xe thể thao đa dụng. Mặc dù những người mua SUV cố gắng đưa ra những lời biện minh hợp lý cho việc mua xe của họ, song những lời biện minh này hiếm khi có lý—trừ khi người mua hàng là một nhà địa chất hoặc một người bẫy thú lấy da lông. Sự phổ biến gần đây của xe SUV đặc biệt gây khó hiểu. Xe SUV đã tồn tại trong nhiều thập kỷ: người ta có thể tậu một chiếc xe Chevy Suburban từ giữa những năm 1930. Tại sao bây giờ có quá nhiều người mua chúng? Điều gì đã thay đổi? Tất nhiên là bạn có thể đặt ra câu hỏi tương tự về bất kỳ mốt tiêu dùng nhất thời nào khác.

 

Vào lúc viết cuốn sách này, sự khao khát của người tiêu dùng đối với những chiếc xe SUV đã có những dấu hiệu bùng phát, chỉ bị thay thế bởi một sự thèm khát xe oto thậm chí còn khó lý giải hơn nhiều—sở hữu một chiếc Hummer, phiên bản được sửa đổi của dòng xe được thiết kế để vận chuyển binh lính qua các vùng chiến sự. Những người tiêu dùng đầu tiên đã sắm xe Hummers trông có vẻ ngốc nghếch—vì suy cho cùng thì họ đâu có sống ở vùng có chiến tranh. Nhưng rồi sau đó một điều buồn cười đã xảy ra. Giống như một căn bệnh lây nhiễm, ham muốn đối với xe Hummer lan rộng: từng người một, hàng xóm của những người sở hữu xe Hummer thấy mình nhiễm phải tính ganh tị với chủ xe Hummer.

Không có điểm dừng chi tiêu cho những món đồ của những người giàu có. Chẳng hạn, người ta có thể chi $450,000 cho một chiếc đồng hồ đeo tay, $15,000 cho tai nghe stereo, và $6,000 cho một cái tủ lạnh Sub-Zero. (Gần đây tôi có đến thăm nhà của một người sở hữu một trong những dòng tủ lạnh này. “Tại sao họ gọi nó là Sub-Zero?” Tôi hỏi, nghĩ rằng có lẽ bên trong tủ lạnh khác thường. “Họ gọi nó là Sub-Zero,” chủ nhà đáp, “vì đó là chỉ số IQ phải có của tôi để chi tới sáu nghìn đô cho một chiếc tủ lạnh.”) Và khi người ta chưa giàu có, họ vẫn không để điều này ngăn họ sống như thể họ là người có tiền. Họ hình thành và hành xử theo những ham muốn vật chất bằng sự buông thả liều lĩnh. Hãy xét đến trường hợp bà mẹ của ba đứa con, đang thất nghiệp và không chồng, 4 ngày sau khi mua chiếc xe Ford Mustang đã qua sử dụng, chi tới $2,736—hơn phân nửa giá trị của chiếc xe—để thay nắp trục bánh xe bằng nhựa của nó bằng bánh xe mạ crom: “Không gì tệ hơn mấy cái nắp trục bánh xe bằng nhựa,” cô giải thích.11

Ở Mỹ, sự thèm muốn vô độ với hàng tiêu dùng chịu trách nhiệm phần lớn cho hơn một triệu người trong chúng ta sẽ bị phá sản mỗi năm. Nó cũng chịu trách nhiệm cho việc chúng ta, trong những năm gần đây, tỷ lệ tiết kiệm quốc gia âm, có nghĩa là một người Mỹ trung bình, trong một tháng trung bình, không những không tiết kiệm được gì mà còn phải đi vay để trang trải cho lối sống của mình. Tất cả điều này, ngay cả khi người Mỹ ngày nay được hưởng thụ một mức độ thịnh vượng vật chất khiến ông bà tổ tiên của họ cũng phải tròn mắt.    

Ví dụ khác về sự xuất hiện đường đột của ham muốn và cách mà nó có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta, hãy xét đến trường hợp của Thomas Merton. Merton sinh năm 1915. Thời đại học, anh là một mẫu sinh viên điển hình, ngập chìm trong thú vui xác thịt. Anh uống rượu như hũ chìm và chạy theo một đám đông ăn chơi trác táng. Anh có con ngoài giá thú.12 Theo lời của anh thì anh là “một kiểu người cực kỳ đáng ghét—rỗng tuếch, ích kỷ, ăn chơi phóng đãng, yếu đuối, thiếu quyết tâm, vô kỷ luật, ham nhục dục, tà dâm, và kiêu ngạo. Trông tôi thật kinh tởm.”13 Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, anh không chỉ là một tín đồ Công giáo mộ đạo, một thầy tu trong tu viện, mà còn là một tu sĩ dòng Trappist, nghĩa là anh đã đưa ra lời thề im lặng và chấp nhận sống một cuộc đời khổ hạnh.

Bất cứ khi nào ai đó đi xa—về phương diện cá nhân, khác với phương diện vật lý—trong cuộc đời, câu hỏi thú vị là người đó đã đi từ điểm A đến điểm B như thế nào? Trong trường hợp của phần lớn người du hành, động cơ cho chuyến đi của họ vẫn còn là một bí ẩn với những người còn lại trong chúng ta vì kẻ lãng du hoặc là không biết gì về những động cơ của riêng họ hoặc ý thức được chúng nhưng không thể hoặc không sẵn lòng nói ra thành lời điều gì đã thôi thúc họ đi theo con đường đời đó. Trong trường hợp của Merton, chúng ta thật may mắn: cuốn tự truyện Seven Storey Mountain (Ngọn núi bảy tầng) của ông trình bày rất chi tiết tâm lý của một người đàn ông trong quá trình chuyển hóa.

Trước tiên, chúng ta hãy xem xét ham muốn của Merton là chuyển sang Công giáo. Đó là một ví dụ kinh điển về một ham muốn tự phát: “Đột ​​nhiên, một cái gì đó bắt đầu khuấy động trong tôi, một cái gì đó bắt đầu nhắc nhở tôi, thôi thúc tôi. Đó là một sự biến động đã lên tiếng.”14 Tiếng nói bảo Merton hãy đi tìm một linh mục và bày tỏ mong muốn được trở thành người Công giáo. Anh đã hy sinh những thú vui cũ của mình để được dẫn dắt, và trước khi anh biết đến nó, anh đã nung nấu một ham muốn được rửa tội. Anh hy vọng rằng việc chuyển đổi sẽ khiến anh phục tùng những ham muốn của mình theo ý của Chúa.

Đối với hầu hết mọi người, đây sẽ là đoạn kết của câu chuyện, nhưng Merton sớm nhận ra rằng “còn có một suy nghĩ khác, một nửa đang tự hình thành trong tâm trí tôi—một ham muốn còn mơ hồ là được trở thành linh mục.”15 Sau một đêm uống rượu, Merton và những chiến hữu của anh đang ngồi trên sàn nhà mở nhạc, hút thuốc và ăn sáng, khi “ham muốn mơ hồ” này lộ diện. “Ý tưởng này đến với tôi: ‘Tôi sẽ trở thành linh mục.’” Merton nói, ham muốn “là một sức hút mạnh mẽ và ngọt ngào, sâu lắng và dai dẳng đột nhiên có cảm giác đó.” Nó là “một cảm nhận mới mẻ, sâu sắc và rõ ràng rằng đây là việc mà tôi thực sự cần phải làm.”16

Sau quyết định trở thành linh mục, Merton cần phải quyết định mình nên gia nhập dòng tu nào. Anh khước từ các tu sĩ nghiêm ngặt tuân thủ của dòng Xito, thường được gọi là Trappists (tu sĩ dòng Trappist), vì quá khổ hạnh, lời thề nguyện im lặng và lối ăn chay của họ. (Anh nói rằng chính cái tên của họ đã khiến anh rùng mình.) Thay vào đó anh thử đi theo các tu sĩ dòng Phanxicô nhưng thấy thấy không thỏa mãn, bởi vì mệnh lệnh của họ cho anh ta quá nhiều sự tự do để tạo ra ham muốn và theo đuổi các ham muốn. Anh quyết định rằng có lẽ mình không được sinh ra để làm linh mục và dự định sống cuộc đời tu trì nhất mà một người thế tục có thể sống.

Không lâu sau đó, anh mắc phải một ham muốn mới: “Tôi đột nhiên thấy trong mình đầy tràn một niềm tin sống động: ‘Đã đến lúc tôi phải ra đi và trở thành một tu sĩ dòng Trappist.’” Anh không biết ham muốn này từ đâu ra, nhưng nó “thật mạnh mẽ, rõ ràng và không thể cưỡng nổi.”17 Tại sao lại gia nhập dòng Trappist hơn là những dòng khác? Bởi vì trước đó, trong giây phút khủng hoảng, anh tình cờ mở Kinh thánh, chỉ ngón tay của anh xuống quyển kinh và đọc được câu này: “Này, người phải giữ im lặng.” Merton xem đây như một dấu hiệu. (Những người hoài nghi có thể chỉ ra rằng quyết định gia nhập một tu viện của anh ta trùng với ngày anh ấy nhận được một lá thư từ ban tuyển quân; Chiến tranh thế giới thứ hai vừa mới nổ ra.)

Merton không ngạc nhiên trước sự khởi phát đột ngột của ham muốn và bởi việc anh không có khả năng lý giải được chúng. Ngược lại, anh không ngần ngại bác bỏ tuyên bố rằng những ham muốn của chúng ta—và đặc biệt là những ham muốn có ảnh hưởng đến cuộc sống, quan trọng nhất của chúng ta—được hình thành nên nhờ tư duy lý trí. Anh nói với chúng ta rằng, trí tuệ “liên tục bị mê hoặc, làm cho đui mù và sai lạc bởi những kết thúc và mục đích của đam mê, và bằng chứng mà nó đưa ra cho chúng ta tỏ ra công bằng và khách quan thì luôn đầy ắp những quyền lợi và tuyên truyền.” Anh nói, chúng ta là bậc thầy tự huyễn hoặc bản thân. Những ham muốn của chúng ta “là nguồn cơn màu mỡ của mọi kiểu sai lầm và đánh giá sai, và bởi vì những ham muốn đó đều có mặt trong chúng ta, trí tuệ của chúng ta . . . đưa đến cho chúng ta mọi thứ bị xuyên tạc, bóp méo và phù hợp với những tiêu chuẩn của ham muốn trong ta.”18 Như chúng ta sẽ thấy ở các chương sau, Merton không đơn độc khi tin rằng lý trí có xu hướng là tôi tớ hơn là chủ nhân của ham muốn.    

Sẵn đây tôi xin nói luôn, điều này được dùng để làm bài học đối chiếu Merton với Bertrand Russell. Khi mọi người được nghe chuyện cuộc đời của Merton đã chuyển hóa ra sao bởi những ham muốn đường đột, họ bị cuốn vào suy nghĩ cho rằng Merton hẳn phải có một khía cạnh huyền bí nào đó khiến anh ta dễ nhạy cảm trước mấy thứ kiểu này. Theo họ, một người sống lý trí hơn sẽ không cho phép bản thân anh ta bị ném qua ném lại bởi ham muốn. Điều cần nhận ra là Russell là một trong những người sống lý trí nhất, ít thần bí nhất trên thế gian này, thế mà những ham muốn của ông ta vẫn có một đời sống bí mật. Có vẻ như chẳng ai miễn nhiễm được trước sự khởi phát bất ngờ và biến mất cũng đột ngột không kém của ham muốn.

Những ham muốn tự phát đến từ đâu? Làm thế nào chúng đi vào đầu chúng ta? Một số ham muốn là hệ quả của quá khứ tiến hóa của chúng ta. Các nhà tâm lý học tiến hóa lập luận rằng, chúng ta yêu nhau vì tổ tiên của chúng ta, những người có xu hướng yêu sẽ có nhiều khả năng sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng thành công hơn những người không yêu. Những ham muốn khác nảy sinh bởi vì ai đó đã khôn khéo gieo những hạt giống ham muốn trong chúng ta. Tại sao một người tiêu dùng đột nhiên lại thấy mình muốn một chiếc xe SUV? Trong hầu hết trường hợp, quảng cáo đóng một vai trò ở đây. Các nhà quảng cáo là chuyên gia trong việc thay đổi một cá nhân về cơ bản là thấy thỏa mãn với cuộc đời anh ta thành một người thèm muốn sản phẩm mà họ đang bán—quả thực, biến thành người có thể sẵn sàng vung hơn nửa năm tiền lương của họ để sắm món đồ ấy. Những ham muốn tự phát khác thì khó lý giải hơn. Chẳng hạn, dường như không thể nào có chuyện Thomas Merton đột nhiên muốn trở thành một tu sĩ dòng Trappist do lập trình tiến hóa (Việc cho rằng tổ tiên chúng ta, ai trở thành tu sĩ dòng Trappist thì có nhiều khả năng sinh sản hơn những người không thành tu sĩ quá ư là vô lý) hoặc do quảng cáo (các tu sĩ dòng Trappist không quảng cáo).

 

Nguồn gốc bí ẩn của những ham muốn tự phát và kết quả khó đoán của chúng thật là rắc rối. Ai hay suy tư sẽ thấy băn khoăn trước câu chuyện của Merton. Nó đưa ra khả năng là tất cả chúng ta đều chỉ là ba ham muốn tự phát tránh thật xa khỏi cuộc sống trong một tu viện Trappist—hoặc nếu không phải là điều này thì khi ấy ba ham muốn tự phát là tránh xa khỏi một số lối sống khác mà chúng ta sẽ khó hình dung nổi là dành cho mình.     

Quả thực, khả năng cao là độc gia từng trải nghiệm một ham muốn tự phát làm thay đổicuộc đời. Độc giả đã từng rơi vào lưới tình bao giờ chưa? Liệu sự khởi đầu của tình yêu có dẫn đến hôn nhân không? Nếu thế thì sau đó nó có dẫn tới việc ly hôn không? Và dù tình yêu có dẫn đến hôn nhân hay không thì liệu tình yêu nảy sinh có dẫn tới việc sinh ra một đứa trẻ hay không? Nếu bạn từng yêu và trải qua những hậu quả của nó thì cuộc sống sau đó của bạn chắc chắn là khác biệt sâu sắc với cuộc sống mà bạn sẽ sống nếu như bạn chưa bao giờ đầu hàng trước tình yêu. Và bạn không chọn để mình rơi vào lưới tình.

Thường thì trong cuộc sống, những ham muốn của chúng ta thay đổi theo thời gian, vì một ham muốn này sẽ thay thế cho ham muốn khác. Hãy so sánh những ham muốn tha thiết nhất của bạn khi mới mười tuổi với những ham muốn mà bạn thiết tha nhất ngày nay. Chắc hẳn có một sự khác biệt. Điều đã xảy ra là, dần dà cùng với thời gian, một số ham muốn trước đây của bạn đã được thỏa mãn và bạn tiếp tục tạo nên những ham muốn mới, trong khi những ham muốn khác thì dường như không thể nào thỏa mãn được và bạn đã từ bỏ chúng để nghiêng về ham muốn mới. Đây là bản tính của con người: một cái đầu đầy rẫy những ham muốn, nhưng ham muốn trong vòng nghi vấn thì thay đổi theo từng năm và thậm chí thay đổi trong từng phút, thì cũng tựa như nước của một dòng sông.   

Đôi lúc dòng chảy của ham muốn dừng lại và một người trải nghiệm điều mà tôi gọi là một sự khủng hoảng về ham muốn. Trước khi tôi tiếp tục đi xa hơn vào việc xem xét những cuộc khủng hoảng đó, hãy để tôi giải thích về sự khác biệt giữa một cuộc khủng hoảng ham muốn và một cuộc xung đột của ham muốn. Giả sử một ai đó bị nghiện ma túy. Lúc đầu, anh ta sẽ thích thú với cơn nghiện, nhưng có thể sẽ đến ngày anh ta chạm đáy và nhận ra ham muốn của mình với loại ma túy mà anh ta lựa chọn đang gây hại rất nhiều cho bản thân. Đây không phải là điều mà tôi muốn nói về cuộc khủng hoảng ham muốn; mà nó chỉ là một sự xung đột về ham muốn.

Những cuộc xung đột về ham muốn thì cụ thể: một ham muốn nào đó hay nhóm ham muốn mang lại rắc rối cho ta vì chúng cản trở những ham muốn khác của ta. Do đó, người nghiện ma túy có thể than phiền rằng ham muốn chất ma túy của anh ta khiến anh ta không thể đạt được những ham muốn khác của mình—chẳng hạn như trở thành một người chồng và người cha tốt. Chúng ta ứng phó với sự xung đột về ham muốn bằng cách giải quyết ham muốn gây rắc rối. Trong trường hợp nghiện ma túy, chúng ta có thể đi điều trị hoặc tham gia chương trình 12 bước. Ngược lại, trong cuộc khủng hoảng về ham muốn, không phải một vài ham muốn nào đó mang lại rắc rối cho ta, mà là toàn bộ ham muốn của chúng ta. Hoặc có thể là chính khả năng ham muốn của chúng ta, hoặc mất đi khả năng ham muốn này, mới khiến ta phiền muộn.

Theo tôi, những cuộc khủng hoảng về ham muốn có ba loại. Loại đầu tiên, bạn đột nhiên mất đi khả năng ham muốn. Loại thứ hai, bạn giữ được khả năng ham muốn nhưng tự nhiên có cảm giác chán ghét, không phải về một ham muốn nào đó—mà đó sẽ là sự xung đột về ham muốn—mà là về toàn bộ những ham muốn của bạn. Trong loại thứ ba, bạn gặp phải một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa—cuộc sống, mà bạn vẫn giữ được khả năng ham muốn nhưng không còn thấy ý nghĩa gì trong việc ham muốn cả. Giờ hãy để tôi làm rõ ba cuộc khủng hoảng này.

Chúng ta đều trải nghiệm sự mất khả năng ham muốn. Chúng ta có một tên gọi cho trạng thái này, là buồn chán—và ý tôi không phải là về kiểu buồn chán mà bạn gặp khi bạn đang, chẳng hạn như cảm thấy buồn chán bởi một công việc nào đó. Trong kiểu buồn chán ấy, bạn vẫn có khả năng ham muốn. Trên thực tế, bạn có ham muốn dữ dội được làm việc gì đó khác với cái công việc đang làm bạn thấy chán ngắt kia; vì vậy mà ham muốn vẫn chưa chết trong bạn. Ý tôi khi nói về buồn chán đó là tình trạng mà có rất nhiều thứ mà bạn có thể làm; chỉ là bạn chẳng muốn làm gì cả. Bạn buồn chán: ham muốn đã lụi tàn trong bạn.

May cho chúng ta, kiểu buồn chán này thường chỉ là tình trạng tạm thời, hiếm khi nào kéo dài lâu hơn một buổi chiều chủ nhật. Sớm muộn gì thì khả năng ham muốn của chúng ta sẽ xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, giả dụ bạn đánh mất khả năng ham muốn và tình trạng này kéo dài không chỉ trong một buổi chiều mà suốt nhiều năm thì sao. Đây là điều từng xảy ra với tiểu thuyết gia đoạt giả Pulitzer Larry McMurtry với tác phẩm lừng danh Lonesome Dove (Bồ câu cô đơn).

McMurtry đã trải qua một cuộc phẫu thuật tim. Sự phục hồi của ông diễn ra tốt đẹp trong hai tháng đầu tiên, nhưng sau đó tai họa ập đến: ông không còn đọc sách được nữa. Không phải tại đôi mắt hay bộ não của ông bị trục trặc. Chỉ đơn giản là ông đã mất ham muốn đọc, một ham muốn từng là một trong những ham muốn chủ đạo, định nghĩa về cuộc đời ông cho đến lúc đó. Cuộc đời McMurtry chỉ biết xoay quay những cuốn sách—đọc sách, viết sách, mua và bán sách trong vai trò là nhà sưu tập sách hiếm. Và rồi bỗng dưng, sách trở nên vô nghĩa với ông. Đây là phần mô tả của ông về tình cảnh này: “Nội dung của cuộc đời tôi vốn đã phong phú thì giờ đây bắt đầu cạn kiệt nhanh chóng. Tôi từng dẫn đầu một cuộc sống Bờ Đông kiểu A điển hình, đọc ba tờ báo mỗi ngày, cùng nhiều tạp chí, và nói chung là cố gắng nắm bắt thông tin, trở thành người am hiểu. Nhưng ít nhiều sau một đêm, việc nắm bắt thông tin không còn quan trọng đối với tôi nữa. Mặc dù tôi đã đăng ký mua tờ New York Times ở ba thành phố, nhưng một ngày nọ tôi đã gạt chúng sang một bên và đã không đọc những tờ báo khác trong bảy tháng.” McMurtry thấy bản thân ông đã thay đổi bởi sự biến mất của ham muốn: “Từ việc là một người mang một cá tính khác biệt, tôi bắt đầu cảm thấy mình ít nhiều giống như một hình bóng của người đó—và sau đó thậm chí hình bóng còn bắt đầu phai nhòa, bị xóa mất bởi những điều đã xảy ra bên trong. Tôi cảm thấy như thể mình đang tan biến—hay chính xác hơn, tôi đã biến mất . . . Đối với bản thân tôi, tôi ngày càng giống một con ma, hay một cái bóng. Càng ngày tôi càng có cảm giác, khi tổn thương trở nên sâu hơn, là mặc dù cơ thể tôi còn sống sót, song bản ngã mà tôi từng có thì đã chết.”19 Ông nói ông cảm thấy mình giống kẻ lừa đảo, đang mạo danh chính bản thân ông. 

Ba năm sau cuộc phẫu thuật, khả năng ham muốn của ông dần dà được phục hồi, và cùng với nó là cái bản ngã cũ của ông. Đến năm thứ tư, ông có thể đọc lại một ấn bản đầu tiên của tác phẩm The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn mọc) của Hemingway và thấy thích thú khi soi ra một lỗi đánh máy phổ biến—từ stopped có ba chữ p ở trang 181.20

Cuộc khủng hoảng ham muốn của McMurtry làm dấy lên một câu hỏi y học rộng hơn. Gặp phải một cuộc khủng hoảng ham muốn thực sự, thế giới của một người đang bị tan vỡ. Sự chuyển hóa cá nhân có thể lớn hơn nhiều so với nhiều cuộc khủng hoảng khác trong cuộc sống, như khi một người gặp phải tai nạn kinh hoàng hay bị tống vào tù. Thế nhưng nhìn từ bên ngoài thì chẳng có chuyện gì xảy ra để gây nên sự chuyển hóa đó. Bởi lý do này mà người ta có xu hướng đánh đồng cuộc khủng hoảng về ham muốn với sự khởi phát của chứng bệnh tâm thần.

Mất ham muốn, không thể ngủ tròn giấc, và những nỗi kinh hoàng bất ngờ, chẳng hạn như những thứ mà McMurtry đã kinh qua, là những dấu hiệu kinh điển của bệnh trầm cảm. Hơn thế nữa, bệnh trầm cảm không phải là chuyện hiếm gặp sau khi phẫu thuật tim, mang đến một ý nghĩa hoàn toàn mới cho câu sáo ngữ cũ về nỗi đau khổ tinh thần gắn liền với một “con tim tan vỡ.” Do đó người ta có xu hướng coi cuộc khủng hoảng ham muốn của McMurtry là bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, McMurtry bác bỏ ý kiến cho rằng việc mất hứng thú với đọc sách và viết lách của ông là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm: “Điều đó hoàn toàn bậy bạ. Tôi thường bị trầm cảm; tôi đã trải qua nhiều năm bị trầm cảm. Nhưng chúng không ngăn được tôi đọc sách, chạy đến một hiệu sách và viết. Cái này thì khác cơ.”21 Liệu sự tự chẩn đoán của McMurtry có đúng không thì khó mà đoán biết được.

Đôi khi một cuộc khủng hoảng ham muốn, thay vì bị thế gian xem là triệu chứng của bệnh tâm thần, thì lại được coi như một dấu hiệu của giác ngộ. Theo hướng này, hãy xét đến cuộc khủng hoảng về ham muốn của Siddhartha Gautama, con người mà chúng ta gọi là Phật. Trong thời kỳ khủng hoảng của mình, Siddhartha không bị rắc rối bởi một số ham muốn, giống như một người đang nghiện ma túy, và ngài cũng không mất đi khả năng ham muốn, giống như McMurtry; trái lại, ngài khắc khoải bởi chính toàn bộ những ham muốn của mình và giải quyết tình trạng khó khăn của mình bằng cách từ bỏ ham muốn.

Siddhartha sinh vào năm 563 TCN tại nơi mà ngày nay là Nepal. Cha nuôi nấng ngài trong cung điện, cắt đứt khỏi mọi phiền não của thế gian, để Siddhartha không biết đến cái xấu ác trên cuộc đời. Và khi  Siddhartha 29 tuổi, ngài xin được rời cung điện để thăm thú thế gian, cha ngài tìm cách sắp đặt mọi thứ để ngài vẫn không biết đến những điều xấu ác: ông ra lệnh cho quân lính dọn dẹp sạch đẹp con đường mà thái tử Siddhartha đi. Thế nhưng Siddhartha vẫn gặp được “ba nỗi khổ”: một người già, một người bệnh và một người chết. Vì ngài phải đợi tới 29 năm để lần đầu tiên gặp được đau khổ, gây một ấn tượng mạnh cho ngài và đẩy ngài đến một cuộc khủng hoảng ham muốn.  

Cuối cùng thì điều gì đã gây ra cơn khủng hoảng? Có nhiều nguồn truyện kể khác nhau, nhưng theo một nguồn thì, vào một đêm nọ khi Siddhartha đi ngủ trong cung điện và “tỉnh dậy thấy những nữ nhạc công đang ngủ xung quanh ngài với thái độ đầy chán ghét.” Đó là lúc, “trong ngài đầy cảm giác ghê tởm đối với cuộc sống trần tục,” ngài quyết định rời bỏ cung điện và truy tìm trí tuệ.22

Trong một cuộc khủng hoảng ham muốn giống như của Siddhartha, người đó lần đầu tiên trải nghiệm một cảm giác bất mãn ngày càng tăng đối với cuộc sống có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm. Sau đó một sự kiện kích hoạt xuất hiện, bản thân sự kiện đó có thể hoặc không phải là một sự kiện phi thường. Trong nhiều trường hợp, sự kiện gây ra cuộc khủng hoảng là một sự kiện quen thuộc—chẳng hạn như tỉnh dậy thấy những nữ nhạc công nằm ngủ xung quanh với thái độ chán ghét—bỗng nhiên trở thành điều không thể chịu đựng nổi.

Đây là cách mà một học giả Phật giáo mô tả quá trình mà con người trải qua khi họ gặp phải một cuộc khủng hoảng về ham muốn: nỗi đau khổ của chúng ta kích hoạt “một sự bừng ngộ nội tâm, một nhận thức đâm xuyên qua sự tự mãn dễ dãi của cuộc gặp gỡ thông thường của chúng ta với thế giới để thoáng thấy được nỗi bất an không ngừng gặm nhấm dưới chân . . .  khi sự thấu hiểu này xuất hiện, dù chỉ trong giây lát, thì nó có thể khiến một cuộc khủng hoảng cá nhân sâu sắc mau đến. Nó lật đổ những mục tiêu và giá trị quen thuộc, nó chế nhạo những mối bận tâm thường ngày của chúng ta, khiến cho những vui thú trước đây của chúng ta thất vọng.”23

Có thể rút ra một bài học khi làm tương phản giữa trải nghiệm của Siddhartha với cái mà ngày nay chúng ta gọi là khủng hoảng tuổi trung niên. Những người trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên điển hình thường không cảm thấy chán ghét những ham muốn hiện tại của họ giống như Siddhartha; trái lại họ cảm thấy chán ghét bởi mức độ nghèo nàn ít ỏi mà những ham muốn hiện tại của họ đang được thỏa mãn.

Do đó, một người đàn ông đang trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên thông thường không bị phiền muộn bởi những ham muốn tình dục của anh ta, mà bởi sự thiếu đa dạng của những đối tác tình dục của anh ta. Anh ta không bị bận tâm bởi chủ nghĩa vật chất thô thiển mà bởi thực tế là anh ta vẫn còn đang lái chiếc xe Ford trong khi anh ta có thể và đáng lẽ nên lái một chiếc Porsche.

Hoặc hãy xem xét hội chứng chiếc tổ trống mà các bậc cha mẹ có con bước vào đại học từng trải qua. Trong hầu hết các trường hợp, cuộc khủng hoảng bị kích hoạt bởi một chiếc tổ trống không phải là một cuộc khủng hoảng ham muốn theo ý nghĩa mà tôi muốn đề cập. Tuy nhiên, bằng cách xem xét hội chứng chiếc tổ trống, chúng ta có thể hiểu rõ cơ chế hoạt động của ham muốn.

Các bậc cha mẹ, nếu họ là những ông bố bà mẹ tốt, thì họ thường thay thế những ham muốn của riêng họ bằng ham muốn của con họ. Họ thức dậy vào buổi sáng và không nghĩ “Tôi muốn gì?” mà đúng hơn là “Con tôi cần gì?” Sau khi làm việc này trong hai thập kỷ, khả năng ham muốn ích kỷ của họ bị suy yếu. Họ đơn giản là không giỏi trong khoản nghĩ về những điều họ mong muốn, phần còn lại của thế giới như bị nguyền rủa. Khi con họ rời khỏi tổ, nguồn ham muốn “bên ngoài” này cạn kiệt, và các bậc cha mẹ đối mặt với một nhiệm vụ là học lại cách ham muốn ích kỷ. Đây là thách thức đối mặt với những cặp vợ chồng già không ở với con—làm sao để khởi động lại động cơ ham muốn.

Trong những nền văn hóa khác, người ta có những giải pháp khác cho hội chứng chiếc tổ trống. Ví dụ, trong văn hóa Hindu, những cặp vợ chồng già không ở với con được tư vấn cách vứt bỏ động cơ ham muốn chứ không phải cách khởi động lại động cơ ham muốn. Luật Manu của đạo Hindu chia cuộc đời thành 4 giai đoạn: học sinh, chủ gia đình, người về hưu, và người tu khổ hạnh. Những cặp vợ chồng già không ở với con thường có bước chuyển đổi từ người chủ gia đình sang người về hưu. Công việc của một người chủ gia đình và kiếm tiền và tiêu tiền một cách khôn ngoan, phù hợp với luật Hindu. Nhưng khi da anh ta bắt đầu nhăn nheo, tóc bạc dần và anh gặp được cháu mình, thì người chủ gia đình đã sẵn sàng bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Thay vì học lại cách để ham muốn ích kỷ, anh ta biến mức độ ham muốn bị suy giảm trở thành lợi thế của mình: “Từ bỏ tất cả thực phẩm nhờ trồng trọt được và mọi đồ đạc của cải của anh ta, anh ta có thể đi vào rừng, giao phó vợ anh ta cho các con trai chăm sóc, hoặc đi cùng vợ. Anh ta mang theo ngọn lửa thiêng và các dụng cụ cần thiết cho [lễ hy sinh], anh ta có thể từ làng đi vào rừng và sống ở đó, kiểm soát đúng đắn các giác quan của anh ta.”24

Những cuộc khủng hoảng ham muốn được mô tả ở trên đã đủ tồi tệ rồi, ấy thế mà người ta còn có khả năng tưởng tượng ra những cuộc khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn thế nữa. Ví dụ, hãy xét đến “sự bắt giữ cuộc sống” của nhà văn người Nga Lev Tolstoy. Khi ông trải nghiệm cơn khủng hoảng ham muốn ở độ tuổi giữa 40, Tolstoy là người đàn ông giàu có, sức khỏe tốt và đang ở đỉnh cao danh vọng. Cũng giống như hầu hết mọi người, ông ấy tràn đầy ham muốn, nhưng rồi một chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra: ông bắt đầu trải nghiệm “những khoảnh khắc bối rối.” Chúng sẽ qua đi, để rồi lại tái diễn. Ông nói, những khoảnh khắc đó, “luôn được biểu hiện qua những câu hỏi: Để làm gì? Nó dẫn đến điều gì?”25

Lúc đầu ông phớt lờ những câu hỏi này, nhưng chúng cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí ông. Ví dụ, khi ông xem xét đến nhu cầu của con cái ông hay của những người nông dân trong khu đất của ông, ông đột nhiên tự nhủ rằng “Để làm gì?” Ngay cả danh tiếng trong giới văn chương của ông cũng không còn là nguồn vui nữa: “Tôi sẽ tự nhủ, ‘Được rồi; mi sẽ nổi tiếng hơn cả Gogol hay Pushkin hay Shakespeare hay Molière, hay nổi tiếng hơn hết thảy nhà văn trên thế giới này—nhưng rồi sao nào?’ Và tôi không thể tìm ra câu trả lời.”26

Chẳng mấy chốc mà Tolstoy gặp phải một cuộc khủng hoảng toàn diện về ham muốn: “Tôi cảm thấy những thứ mà tôi từng đứng trên đó đã sụp đổ và rằng tôi chẳng còn lại gì dưới chân mình. Những điều mà tôi từng sống vì chúng không còn tồn tại, và chẳng còn gì cả.” Ông nói tiếp:

Cuộc sống của tôi bị ngưng trệ. Tôi có thể hít thở, ăn uống và ngủ nghỉ, và tôi không thể không làm những việc này; nhưng đã không còn cuộc sống, bởi vì không còn những nguyện vọng mà sự thỏa mãn chúng lại là hữu lý đối với tôi. Nếu tôi ham muốn một cái gì đó, thì tôi đã biết trước rằng, dù tôi có thỏa mãn hay không thỏa mãn ước vọng ấy của mình, tiếp theo sẽ chẳng có gì hết. Giả sử có một tiên nữ đến và tỏ ý sẵn sàng thực hiện mọi ước vọng của tôi thì tôi sẽ không biết nói gì. Nếu ở trong tôi còn có không phải ước vọng, mà chỉ thói quen ước vọng như trong những giây phút say rượu xưa kia, thì lúc tỉnh táo, tôi biết rằng cái đó chỉ là hư ảo, rằng chẳng có gì để ước vọng nữa. Ngay cả nhận biết chân lý tôi cũng không thể ước vọng nữa, bởi vì tôi đoán được nó là cái gì. Chân lý ấy là: cuộc sống là vô nghĩa.27

Đối với Tolstoy, có vẻ như ai đó đã chơi một trò đùa ác độc và ngu ngốc với ông bằng cách đặt ông vào thế giới này và y thích thú xem Tolstoy đạt được thành tựu của thế gian, để rồi lại phát hiện ra tất cả chả có nghĩa lý gì hết. Tolstoy nói với chúng ta rằng, điều ngạc nhiên duy nhất của ông là ông không nhận ra điều này ngay từ đầu. Suốt cuộc đời ông đã vô tư để cho những ham muốn của mình bay nhảy tự do; chỉ đến bây giờ ông mới vỡ ra mình thật dại dột khi làm thế.

Cuộc khủng hoảng ham muốn của Tolstoy khác với những cuộc khủng hoảng được thảo luận trước đó. Larry McMurtry nhận thấy mình không thể ham muốn nhưng vẫn ham muốn được ham muốn. Siddhartha vẫn có khả năng ham muốn nhưng lại ham muốn mình không còn ham muốn. Tolstoy không đánh mất khả năng ham muốn và không muốn từ bỏ ham muốn. Chỉ là ông không còn nhận thấy bất kỳ ý nghĩa gì trong việc ham muốn. Những gì Tolstoy trải qua là cuộc khủng hoảng ham muốn nghiêm trọng nhất, một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa-cuộc sống. Những cuộc khủng hoảng như vậy thật nguy hiểm vì chúng có thể dẫn tới kết cuộc tự sát. Và quả thực, trong suốt thời gian chịu đựng cuộc khủng hoảng Tolstoy đã có ý định tự tử.

Cuộc khủng hoảng ham muốn của Tolstoy phải mất nhiều năm trời để phát triển. Trong một trường hợp khác được ghi chép đầy đủ về một phụ nữ 65 tuổi giấu tên, cuộc khủng hoảng ham muốn này chỉ mất vài phút. Người phụ nữ này đã chiến đấu với căn bệnh Parkinson suốt 30 năm, và dù các triệu chứng của bà đã trở nên nghiệm trọng, về mặt tâm lý mà nói, bà ấy đã chiến đấu ngoan cường: bà ấy không bị trầm cảm và tâm trạng cũng không thay đổi thất thường. Rồi vào một ngày nọ của năm 1999, mọi thứ đã thay đổi: trong vòng 5 phút, bà chuyển từ một người vui vẻ thành người bị trầm cảm nặng. Các bác sĩ đã tận mắt chứng kiến tình tiết diễn biến, video ghi lại sự thay đổi trong những biểu cảm của bà ấy, và ghi lại những lời mà bà thốt ra: “Tôi không còn muốn sống nữa, không muốn nhìn, không muốn nghe, cảm nhận gì hết . . . Tôi chán ngấy cuộc sống này rồi, tôi sống đủ rồi . . . Tôi không thiết sống nữa, tôi chán ghét cuộc đời này.” Các bác sĩ tin chắc rằng những cảm giác này là thật lòng và chân thành. Người phụ nữ này chỉ đơn giản là đã mất đi ham muốn sống. Nó đã biến mất trong vài phút, ngay trước mắt họ.28

Chuyện gì đã xảy ra với người phụ nữ này? Bà vừa nhận được tin buồn sâu sắc nào đó chăng? Hay là bà ấy đã đọc những tác phẩm của một vài triết gia bi quan? Không có chuyện đó đâu. Vào thời điểm mà bà ấy rơi vào cuộc khủng hoảng về ý nghĩa-cuộc sống, các bác sĩ trong một nỗ lực nhằm giảm bớt các triệu chứng của bệnh Parkinson, đã kích thích điện vào một vùng não bộ của bà. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra nếu họ kích thích đúng chỗ thì những nạn nhân của căn bệnh Parkinson có thể nhận được sự cải thiện đáng chú ý; nhưng để bác sĩ tìm đúng chỗ, bệnh nhân phải tỉnh táo khi họ đang thực hiện các kích thích khám phá. Trong trường hợp của người phụ nữ này, các bác sĩ đã vô tình kích thích nhầm chỗ. Một lời giải thích cho chuyện đã xảy ra đó là các bác sĩ đã ức chế phần não bộ tạo ra ý chí sống, và hậu quả là người phụ nữ này ngay lập tức bị trầm cảm. Tôi sẽ nói thêm về người phụ nữ này và số phận của bà ấy ở Chương 6, khi tôi xem xét về nền tảng sinh học của ham muốn.

Những cuộc khủng hoảng được mô tả trong chương này thật đáng quan ngại. Chúng cho thấy khả năng rằng khi chúng ta thức dậy vào sáng mai, chúng ta có thể giống như McMurtry, sẽ mất đi khả năng ham muốn, hoặc giống Siddhartha, chúng ta sẽ khám phá ra mình không còn ham muốn những thứ mà chúng ta đã thèm muốn vào buổi tối hôm trước. Dù ở trong trường hợp nào đi nữa, chúng ta sẽ trải nghiệm một cuộc khủng hoảng về căn tính cá nhân có thể chuyển hóa chúng ta như con người. Cũng có khả năng chúng ta sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng về ý nghĩa-cuộc sống giống như Tolstoy từng trải qua. Những độc giả có xu hướng coi nhẹ những khả năng đó thì cần hiểu rằng McMurtry, Siddhartha, và Tolstoy cũng từng không quan tâm gì đến chúng—cho đến khi họ thấy mình rơi vào vòng kìm tỏa của một cuộc khủng hoảng ham muốn.  

Trải qua một cuộc khủng hoảng ham muốn là điều cực kỳ đau đớn, nhưng nó có thể đem lại lợi ích: chẳng hạn, nhờ cuộc khủng hoảng mà Siddhartha đã giác ngộ. Liệu người ta có thể đạt được sự giác ngộ mà không phải trải qua một cuộc khủng hoảng ham muốn hay không? Biết đâu được. Đặc biệt là, chúng ta có thể hy vọng rằng nhờ khắc cốt ghi tâm lời khuyên của những cao nhân đó, như Siddhartha, đã sống sót qua một cuộc khủng hoảng ham muốn mà chúng ta cũng có thể đạt được một mức độ giác ngộ nào đó. Chúng ta sẽ xem xét một vài lời khuyên này ở Phần Ba.  

 

Đọc tiếp Chương 2 ở đây

Dịch bởi Chó béo cute

menu
menu