[Sách mới tháng 4] Bàn về Ham muốn: Tại sao chúng ta muốn thứ mà ta muốn
Bởi chúng ta không nhận ra hoạt động của ham muốn bên trong mình nên chúng ta có đầy rẫy những quan niệm sai lầm về nó.
Bạn hiện đang có ham muốn; bằng không thì bạn đã chẳng đọc những lời này. Ngay cả khi bạn đọc chúng theo yêu cầu của người khác, bạn vẫn bị thúc đẩy bởi ham muốn làm hài lòng người đó. Và nếu bạn ngừng đọc, bạn làm như vậy không phải vì bạn đã hết ham muốn mà bởi vì ham muốn của bạn đã thay đổi.
Chúng ta ngập chìm trong ham muốn gần như trong mỗi phút giây ta thức. Nếu chúng ta ngủ thì ham muốn tạm thời được chế ngự, trừ khi chúng ta mơ và những giấc mơ có thể sẽ được định hình bởi những ham muốn của chúng ta. Kỹ năng hình thành ham muốn của chúng ta thật phi thường. Chẳng có ai dạy chúng ta cách làm việc đó. Hơn thế nữa, nó còn là một kỹ năng mà chúng ta có thể luyện tập cả đời mà không biết mệt mỏi. Khi nói đến ham muốn, ai cũng là chuyên gia. Nếu có một giải Olympic về môn ham muốn thì tất cả chúng ta sẽ có mặt trong đội tuyển tham dự. Đau ốm và tuổi già có thể thay đổi thứ mà chúng ta ham muốn, nhưng chúng không thể khiến ta dừng ham muốn.
Ham muốn làm thế giới này trở nên sinh động. Nó hiện diện nơi đứa bé đang khóc đòi sữa, nơi bé gái đang loay hoay giải một bài toán, nơi người phụ nữ gặp người mình yêu và quyết định có con sau đó, và bà cụ khom người trước khung tập đi, dịch chuyển từng bước chậm chạp dọc theo hành lang của viện dưỡng lão để nhận bức thư của mình. Khi tước bỏ ham muốn khỏi thế giới này, bạn sẽ ở một nơi mà sự sống đóng băng, con người không có lý do gì để sống và chẳng có lý do nào để chết.
Một số người có ít ham muốn hơn nhiều so với những người còn lại trong chúng ta. Một số người thiếu ham muốn vì họ đang bị trầm cảm; những người khác thì thiếu ham muốn vì họ đã giác ngộ.
Vì chúng ta liên tục trải nghiệm sự ham muốn nên chúng ta không nhận ra sự hiện diện của chúng. Cũng giống như tiếng ồn do quạt máy vi tính tạo ra. Tiếng ồn luôn có mặt ở đó, một tiếng thì thầm nhỏ, và bởi vì nó luôn có mặt ở đó nên chúng ta không để tâm tới nó. Tương tự như thế, chúng ta luôn lờ đi những ham muốn của mình, sự thăng trầm và vai trò của chúng trong cuộc sống của ta. Chỉ khi nào ham muốn của chúng ta trở nên dữ dội (như khi chúng ta bước vào tình yêu) hoặc khi xảy ra xung đột (như khi chúng ta thèm ăn một bát kem nhưng chúng ta lại ước mình không thèm nó nữa vì ta đang ăn kiêng) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn của mình, cùng với sự pha trộn giữa cảm giác bối rối và bực bội. Và bởi chúng ta không nhận ra hoạt động của ham muốn bên trong mình nên chúng ta có đầy rẫy những quan niệm sai lầm về nó.
Một hệ quả của việc đọc cuốn sách này có thể là lần đầu tiên trong đời bạn chú ý kỹ đến sự vận hành của ham muốn trong bạn. Khi bạn làm điều này, bạn sẽ nhanh chóng nhận thức được mức độ đáng chú ý mà các ham muốn của bạn có một vòng đời riêng của chúng. Chúng chợt lóe lên trong đầu bạn, dường như từ trên trời rớt xuống. Quả thật, trong nhiều trường hợp, bạn không lựa chọn những ham muốn của mình nhiều bằng việc phát hiện thấy chúng tồn tại trong bạn. Bạn cũng sẽ hiểu rõ mức độ mà những ham muốn không mời mà đến này định đoạt cách mà bạn sống mỗi ngày và về lâu về dài, cách mà bạn sống hết cuộc đời mình.
Cuốn sách còn xem xét những lời dạy về ham muốn của Phật giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, người Amish, người Shaker, và các vị thánh Công giáo, cũng như những điều mà các triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng như triết gia châu Âu thời hiện đại đã nói đến.
Sau khi xem xét các tác phẩm của các triết gia và nhà tư tưởng tôn giáo, tác giả còn tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ham muốn. Đó là những khám phá của tâm lý học tiến hóa, khoa học thần kinh về cơ chế của ham muốn. Hiểu biết này cho phép họ phát triển những loại thuốc chẳng hạn như Prozac giúp nhen nhóm lại ham muốn ở những bệnh nhân trầm cảm.
Sự phát triển xã hội và kinh tế trong những thập kỷ gần đây cũng khiến đây là thời điểm lý tưởng để xem xét lại ham muốn. Trên khắp thế giới, mức độ giàu có, phồn vinh tăng lên không chuyển thành mức độ mãn nguyện cá nhân tăng lên theo. Đặc biệt là những công dân ở các quốc gia giàu có được tận hưởng một mức độ tiện nghi vật chất không thể tưởng tượng nổi so với tổ tiên của họ. Nhưng dù họ “có tất cả” so với ông cha mình thì họ vẫn cảm thấy bất mãn.
Sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ thấy cách tốt nhất để đạt được hạnh phúc là LÀM CHỦ HAM MUỐN của chúng ta, nhưng trong suốt các thời đại và khắp các nền văn hóa, những con người bình thường đã bỏ qua lời khuyên này.
Mục lục
Lời cảm ơn
Giới thiệu
Phần 1: Đời sống bí mật của ham muốn
Sự thăng trầm của ham muốn
Kẻ khác
Phần 2: Khoa học về ham muốn
Vẽ sơ đồ ham muốn của chúng ta
Những suối nguồn của ham muốn
Tâm lý học ham muốn
Sự tiến hoá của ham muốn
Hệ thống động lực sinh học bên trong
Phần 3: Giải quyết những ham muốn của chúng ta
Thân phận con người
Lời khuyên từ tôn giáo
Lời khuyên tôn giáo tiếp theo: Những giáo phái Tin lành
Lời khuyên triết học
Những kẻ lập dị
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Bạn có thể tìm hiểu thêm về quyển sách thú vị này tại: https://thaihabooks.com/san-pham/ban-ve-ham-muon-tai-sao-chung-ta-muon-thu-ma-ta-muon/