Sự công nhận trên mạng xã hội – ảo tưởng hay sự thật?

Khi ta đánh đổi đối thoại để trình diễn.
Ngày nay, cảnh tượng sau đã trở nên quá quen thuộc: Một nhóm người ngồi bên nhau trong quán cà phê, nhưng ánh mắt chẳng ai chạm vào ai. Tất cả đều dán mắt vào màn hình điện thoại, đa phần đang lướt mạng xã hội.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng dùng mạng xã hội. Có người dùng rất ít, thậm chí không dùng. Có người dùng thường xuyên, nhưng lại chẳng mấy quan tâm và cũng không có nhu cầu kiểm tra bảng tin ngay cả khi đang ngồi uống cà phê với bạn bè. Thế nhưng, hiện tượng này là có thật, và không hề hiếm gặp, ở mọi lứa tuổi. Điều gì khiến nó trở nên phổ biến đến vậy?
Có lẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi ngờ rằng lý do chính là: Trên mạng xã hội, vào bất cứ thời điểm nào, cũng có hàng trăm, hàng nghìn người đang hiện diện cùng lúc với bạn, nhiều hơn rất nhiều so với số người thực sự có mặt quanh bạn. Khán giả trên mạng đông hơn. Nếu bạn kể một câu chuyện cười cho một hay hai người bạn, bạn sẽ nhận được một hay hai phản ứng. Nhưng nếu đăng câu chuyện ấy lên mạng, bạn có thể nhận được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phản hồi. Không phải vì thế giới ảo quan trọng hơn thế giới thật. Nếu bạn đang phát biểu trước vài nghìn người trong đời thực, chắc chắn điều đó sẽ chiếm trọn sự chú ý của bạn. Hai nghìn con người thật sẽ luôn “thắng thế” so với hai nghìn người dùng ảo. Vấn đề là: Chỉ hai con người hiện diện trước mặt thì khó lòng “cạnh tranh” được với hai nghìn người ở nơi khác.
Hoặc, nói đúng hơn, điều đó chỉ khó khi ta đang tìm kiếm… sự công nhận. (Chứ không khó nếu điều ta mong là sự gần gũi, thân mật.)
Image: fauxels/Pexels
Liệu mạng xã hội có thể trao ta sự công nhận?
Những dạng thức của sự nổi tiếng
Không có một câu trả lời dứt khoát, vì điều đó còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Nếu bạn là một nhạc sĩ và chia sẻ đoạn nhạc guitar do mình sáng tác, hoặc bạn là một thợ làm bánh và đăng ảnh chiếc bánh cầu kỳ do chính tay mình làm ra, và nhận được hàng loạt lời khen, thì đó có thể là sự công nhận thật sự. Nhưng đa số bài đăng trên mạng không như vậy. Chúng không nhằm chia sẻ một thành quả nào cụ thể. Chính bài đăng đó là sản phẩm. Vậy trong trường hợp ấy thì sao?
Về nguyên tắc, chẳng có lý do gì khiến ta không thể được công nhận nhờ một bài đăng. Nhưng có nhiều rào cản. Trước hết, như một học sinh trung học từng nhận xét rất tinh tế, nhiều phản hồi tích cực trên mạng có thể chỉ là vô thức. Người ta lướt qua bảng tin, nhấn nút “thích” mà chẳng đọc kỹ bài viết. “Like” không nhất thiết đồng nghĩa với “thật sự thích.” Chúng ta thường phản ứng với bài của người khác như vậy, thì người khác cũng có thể làm điều tương tự với bài của ta.
Thứ hai, có thể tồn tại khoảng cách giữa “bản thể mạng xã hội” và “con người thật” của ta. Dù đôi khi hai điều này có thể hỗ trợ nhau, tôi từng nghe một người trẻ kể rằng có nhiều người theo dõi trên Twitter sẽ dễ hẹn hò hơn, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Có người có cả triệu người theo dõi, nhưng ngoài đời thì lại không có lấy một người bạn thân thiết. Sự chênh lệch ấy, nếu có, có thể tạo thành một vết rạn trong tâm hồn. Và vì việc hàn gắn những vết rạn như thế không dễ, nên con người ta có xu hướng bám víu vào phần “phổ biến” hơn của bản thân, chọn trú ẩn trong không gian ảo để tạm quên đi nỗi đau của đời thực.
Không kém phần quan trọng, bản chất của mạng xã hội là… phù du. Dù bạn có chia sẻ điều gì đó rất được yêu thích, thì chỉ một lát sau, bài đăng khác sẽ chiếm vị trí đầu bảng tin. Bảng tin mạng xã hội, giống như dòng nước trong con sông mà Heraclitus từng mô tả, luôn luôn thay đổi. Khác với tình bạn thật ngoài đời, nơi bạn có thể tìm đến trong nhiều năm, kể cả khi bạn mỏi mệt, cạn ý tưởng, không còn gì hay ho để nói, thì sự chú ý của người dùng mạng, nếu có đến, cũng sẽ chóng chuyển đi nơi khác.
Sự công nhận trên mạng không hẳn là ảo tưởng. Nhưng nó nhất định là ngắn ngủi. Và ta phải mãi miết đuổi theo nó, không ngừng nghỉ.
Tin Tức Đáng Đọc
Plato từng nói rằng, điều gì luôn thay đổi thì không thật sự tồn tại. Nghe có vẻ không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng có phần đúng. Một người bạn thực sự thường là người ta giữ gìn qua nhiều thập kỷ, và một thành tựu thực sự là điều có thể trường tồn lâu hơn một ngày. Nhưng điều đó không đúng với các bài đăng trên mạng. Thực tế, ta có thể nói rằng những bài đăng trên mạng xã hội vốn không sinh ra để trường tồn. Chúng được tạo ra để thu hút sự chú ý ngay tức thì.
Nhà văn Robert Musil đã nhận ra xu hướng này từ nửa đầu thế kỷ 20, khi báo chí bắt đầu bùng nổ. Trong tiểu thuyết Người Không Tính Cách (vẫn còn dang dở), Musil tưởng tượng Plato sống lại và bước vào tòa soạn của một tờ báo. Điều gì sẽ xảy ra? Ban đầu, có thể:
Nếu Plato thực sự chứng minh được rằng ông chính là đại văn hào đã khuất hơn hai nghìn năm, thì ông sẽ trở thành một hiện tượng chấn động, và lập tức nhận được vô vàn lời đề nghị hấp dẫn. Nhưng khi việc ông tái xuất không còn là tin nóng nữa… tổng biên tập sẽ chỉ mong ông thỉnh thoảng viết một cột báo nho nhỏ cho chuyên mục Đời sống và Giải trí (nhưng phải viết theo phong cách đơn giản, sinh động, đừng nặng nề: độc giả mà!), và biên tập viên chuyên mục sẽ xin lỗi rằng bài viết của ông, dù hay đến mấy, cũng chỉ có thể được đăng mỗi tháng một lần, vì còn phải nhường chỗ cho rất nhiều cây bút tài năng khác. Và rồi cả hai vị này sẽ có cảm giác rằng họ đã ưu ái quá nhiều cho một người tuy có thể là “cây đa cây đề” của nền văn bút châu Âu, nhưng rõ ràng đã lỗi thời, và không thể nào sánh được với những gương mặt thời sự như, chẳng hạn, Paul Arnheim.
Việc bị cuốn theo những thứ “giật tít”, dễ được nhấp vào và chia sẻ thay vì những giá trị bền lâu, không phải là đặc điểm duy nhất của các nền tảng trực tuyến đáng lưu ý ở đây. Vẫn còn một điều khác, có lẽ còn quan trọng hơn: những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội thường mang đậm màu sắc biểu diễn.
Khi bạn trò chuyện với một người khác, và không ai khác lắng nghe, bạn đang thực sự nói chuyện. Bạn không đang “diễn”, trừ phi đó là buổi phỏng vấn xin việc hoặc bạn đang cố gây ấn tượng với người mình thích. Nhưng khi bạn biết rằng rất nhiều người có thể nhìn thấy mọi lời bạn viết, mọi phản hồi bạn đăng, thì mọi chuyện sẽ đổi khác: bạn bắt đầu trình diễn.
Như Neil Postman từng viết trong Giải Trí Chết Người:
Người Mỹ giờ không còn nói chuyện với nhau nữa, mà họ đang giải trí cho nhau. Họ không trao đổi ý tưởng, mà trao đổi hình ảnh. Họ không tranh luận bằng lý lẽ, mà bằng vẻ ngoài hấp dẫn, người nổi tiếng và những đoạn quảng cáo.
Điều này quan trọng, bởi khi mục đích chính của lời nói là để “giải trí” người khác, ta sẽ dần cảm thấy rằng mọi sự công nhận nhận được, ngoài việc mong manh, ngắn ngủi, còn không dành cho chính ta như một con người thật, mà dành cho “vai diễn” của ta. Dành cho màn biểu diễn.
Những danh hài trầm cảm
Trước đây, đã có nhiều người chỉ ra rằng một tỉ lệ đáng báo động các danh hài độc thoại mắc chứng trầm cảm. Khi được hỏi về hiện tượng này, danh hài Jim Gaffigan trả lời:
Không có gì là bình thường trong việc bước lên sân khấu và khiến một đám người xa lạ bật cười… Stand-up giống như một cơn bão endorphin, có thể ngang với thuốc kích thích. Nó là sự pha trộn kỳ lạ giữa việc bạn có quyền kiểm soát (vì bạn cầm mic), và không có chút kiểm soát nào (vì bạn không thể điều khiển phản ứng của khán giả).
Những gì Gaffigan nói về hài độc thoại cũng có thể áp dụng cho việc trình diễn trên mạng xã hội. Dĩ nhiên, sự im lặng hoặc phản ứng tiêu cực trên mạng không khiến ta lúng túng bằng việc bị “ngó lơ” trong một căn phòng đông người, nhưng về bản chất, hai tình huống cũng tương tự. Cố gắng tìm kiếm sự công nhận bằng cách làm đám đông xa lạ cười trên mạng cũng không thật sự gần gũi với việc giao tiếp giữa con người với nhau, giống như cách một tiết mục stand-up là để giải trí chứ không phải để sẻ chia.
Cả hai đều có điểm chung: tiếp cận được đám đông, nhưng lại không thể kiểm soát được phản ứng của họ. Và tôi nghi ngờ rằng, cũng như với stand-up, hệ quả tiêu cực của những màn biểu diễn ấy có thể tồn tại lâu dài hơn nhiều so với cơn phấn khích ngắn ngủi mà “sự thành công” tạm thời mang lại.
References
[1] Musil, R. (1996). The Man Without Qualities. Vintage International, p. 352.
[2] Postman, N. (2005). Amusing Ourselves to Death. Penguin Book, p. 92.
Nguồn: Is Social Media Validation an Illusion? | Psychology Today