Sự cuốn hút của những không gian tĩnh lặng

su-cuon-hut-cua-nhung-khong-gian-tinh-lang

Nói cách khác, ta không nhất thiết giống với những gì ta yêu trong nghệ thuật; mà chính là ta đang mơ ước trở thành như thế.

Pieter Saenredam, một họa sĩ người Hà Lan thế kỷ 17, say mê những không gian trắng, tối giản và tĩnh lặng, đặc biệt là nội thất của các nhà thờ. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã vẽ khoảng 25 tác phẩm về chủ đề này. Một bức tranh điển hình của Saenredam là hình ảnh nội thất nhà thờ với trần nhà cao vút, những khung cửa sổ dài, ánh sáng dịu dàng tỏa đều, và vài nhân vật nhỏ bé ở góc xa hay một hốc tường nào đó, dường như đang trò chuyện trong tiếng thì thầm nhẹ nhàng.

Pieter Saenredam, Nội thất Nhà thờ Nieuwe Kerk ở Haarlem nhìn từ góc tây nam, năm 1658

Sự tinh tế trong cách Saenredam khai thác một chủ đề hẹp đến mức giản dị ấy mở ra một câu hỏi tâm lý thú vị: Vì sao có những người bị cuốn hút sâu sắc bởi các tác phẩm của ông – để rồi sự trống trải và tĩnh lặng ấy khơi lên trong họ những nỗi khát khao mãnh liệt? Và tại sao lại có những người cảm thấy lạnh lẽo, thậm chí khó chịu trước những bức tranh này? Họ có thể tự hỏi: Ồn ào và náo nhiệt đâu rồi? Màu sắc đâu rồi? Sao mọi thứ trông như chết lặng đến thế?

Điều lý giải sự khác biệt trong gu thẩm mỹ của chúng ta có thể nằm ở khái niệm bù đắp tâm lý. Chúng ta bị thu hút bởi những điều mà ta thiếu hụt trong tâm hồn, những gì ta khao khát để lấp đầy những khoảng trống bên trong. Ngược lại, ta thường không quan tâm – thậm chí chán ghét – những thứ mà ta đã có quá đủ, hoặc những điều đang đè nặng cuộc sống của mình. Những phong cách nghệ thuật mà ta yêu thích thường phản ánh những khát vọng đang bị bỏ quên và những giá trị ta đang cố bồi đắp.

Nói cách khác, ta không nhất thiết giống với những gì ta yêu trong nghệ thuật; mà chính là ta đang mơ ước trở thành như thế.

Bị rung động bởi tranh của Saenredam là nhận ra rằng cuộc sống của ta có quá nhiều thứ đang diễn ra, rằng ta cần đơn giản hóa, thanh lọc những thói quen thường nhật, rằng ta cần những khoảng không gian để suy ngẫm và chiêm nghiệm những gì đã xảy ra trong đời. Đó là một lời nhắc nhở rằng, đôi khi, ta cần khép lại cánh cửa để từ chối thêm nhiều thứ nữa.

Chúng ta trở nên hoàn thiện hơn khi biết tự hỏi, trước bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào mà mình yêu thích: nó đang nói với ta điều gì về những gì ta thiếu trong cuộc sống? Vẻ đẹp không chỉ là phản ứng thẩm mỹ dễ chịu, mà còn là một lời mời gọi ta bước theo một hướng đi mới – trên hành trình kiếm tìm sự hài hòa và trọn vẹn trong tâm hồn.

Nguồn: THE APPEAL OF AUSTERE PLACES

menu
menu