Sự cứu rỗi từ những ký ức phai mờ

su-cuu-roi-tu-nhung-ky-uc-phai-mo

Chúng ta thường lo lắng tột cùng khi nhận ra trí nhớ của mình có dấu hiệu suy giảm.

Chúng ta thường lo lắng tột cùng khi nhận ra trí nhớ của mình có dấu hiệu suy giảm. Thật bực bội khi không thể nhớ tên một người quen, khi một chi tiết nào đó chợt vụt khỏi trí nhớ, hay khi đi ra siêu thị mà lại quên mất món đồ đã định mua từ trước.

Nhưng dù có phiền lòng đến đâu vì những khoảnh khắc quên quên nhớ nhớ ấy, thực tế là chúng ta nên biết ơn vô hạn cho cái sự thiếu hoàn hảo của trí nhớ. Đừng quá buồn bã khi đôi khi ta quên bẵng một điều gì đó – thực ra, ta nên ao ước trí nhớ mình kém đi đôi chút nữa mới phải.

Edgar Degas, Self-Portrait, c. 1852

Nếu không có khả năng quên, chúng ta sẽ phải sống trong một cơn bão tiếc nuối và đau khổ không ngừng, bởi nhớ mãi đồng nghĩa với việc mãi mãi đối diện với những cú sốc tàn khốc khi ước mơ va chạm với thực tại khắc nghiệt. Nếu chúng ta không thể quên như cách ta vẫn làm, chúng ta sẽ phải nhớ lại một cách sống động đến ám ảnh những điều như sau:

  • Ngày người yêu đầu tiên rời bỏ ta.
  • Ngày nhận kết quả thi và với nó, giấc mơ vào ngôi trường mong ước cũng tan biến.
  • Ngày ta bị sa thải.
  • Ngày cãi nhau với người bạn thân nhất.
  • Ngày ta nói hoặc làm điều ngớ ngẩn, và mọi thứ đổi thay từ đó.
  • Ngày bác sĩ tim mạch đưa ta vào phòng và báo tin xấu.
  • Ngày cơn đau đầu tiên xuất hiện ở chân.
  • Ngày ta ly hôn.
  • Ngày cha qua đời.
  • Ngày ta mất mặt.
  • Ngày ta mất cả sự nghiệp.

Chúng ta ai cũng có một danh sách như vậy – hoặc sớm muộn cũng sẽ có. Điều kỳ diệu là, dù có khủng khiếp đến đâu, dù tại thời điểm ấy ta cảm thấy rằng mọi thứ sẽ không bao giờ như cũ, rằng cuộc sống sẽ hoàn toàn vô nghĩa sau những gì vừa xảy ra, thì tâm trí ta lại tài tình đến mức không cố giữ mãi nỗi mất mát ấy trong tầm nhìn. Với một lòng từ bi kỳ diệu, sau một khoảng thời gian đau đớn, tâm trí sẽ dần buông bỏ nhiều chi tiết của biến cố đã từng khiến ta nghĩ mình không thể tiếp tục sống.

Vài ngày, vài tháng sau, mọi thứ vẫn như vừa mới hôm qua: bạn ta qua đời, hay ta bị đẩy ra khỏi xã hội. Trong thời gian dài, mỗi buổi sáng đều bắt đầu với sự ngỡ ngàng về lỗi lầm, về cái sai ngớ ngẩn của bản thân. Nhưng rồi, từ từ đến nỗi không thể nhận ra, ngược lại với cơn tuyệt vọng, ta bắt đầu quên đi thực tại cũ – khi bạn ta còn sống, khi ta vẫn còn danh dự, khi ta vẫn được yêu – và nỗi kinh hoàng ấy từ từ nhạt phai. Ta không hẳn là hạnh phúc, mà chỉ dần mất đi ký ức sống động về hạnh phúc đã từng.

Ta dần không còn cảm nhận rõ rệt sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Biến cố kinh hoàng giờ trở thành một phần của quá khứ. Ta trở thành “người từng bị sa thải,” “người cha mất khi mới 22 tuổi,” hay “người có cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ sau bốn năm.”

Chúng ta có thể nhìn lại sự ngốc nghếch và vận rủi của mình với một sự bình thản man mác buồn. Không còn cảm thấy rằng cần phải chết đi nữa. Đôi khi ta thậm chí có thể mỉm cười, bởi ta đã quên đi rất nhiều về cuộc đời mình từng có.

Việc quên hộ chiếu hay nhầm lẫn ngày tháng của một cuộc nội chiến có thể là điều phiền phức. Nhưng đằng sau những lỗi lầm ấy là một lợi thế sâu sắc. Chúng ta có thể chịu đựng những đau khổ của mình không phải vì ta khôn ngoan, mà là nhờ có trí nhớ “kém tuyệt vời” đến lạ kỳ. 

Nguồn: THE LIFE-SAVING NATURE OF POOR MEMORIES - The School Of Life

menu
menu