Tâm lý muốn mình là thiên thần cứu rỗi cuộc đời chàng trai nghiện ngập và bạo lực khiến cô gái không thể rời bỏ mối quan hệ độc hại

tam-ly-muon-minh-la-thien-than-cuu-roi-cuoc-doi-chang-trai-nghien-ngap-va-bao-luc-khien-co-gai-khong-the-roi-bo-moi-quan-he-doc-hai

Tại sao các cô gái cứ cắm đầu vào yêu những kẻ chẳng ra gì, đánh đập họ không thương tiếc? Nhiều người nói, đơn giản vì họ yêu, yêu nên chẳng dứt ra được.

Hàng ngày, trên các diễn đàn ở Việt Nam, thường có rất nhiều câu chuyện mở đầu bằng câu hỏi "Người yêu vũ phu, em phải làm sao?", "Bị đánh đập chửi bới nhưng tôi không thể dứt bỏ bạn trai"... 100% lời khuyên đều là "bỏ ngay lập tức". Nhưng chúng ta đều biết, người trong cuộc chỉ xem qua lời khuyên, ít ai biến điều đó thành hiện thực.

Các nghiên cứu xung quanh vấn đề này đã chỉ ra rằng: Phần lớn các mối quan hệ bạo hành không bắt đầu quá sớm, nếu không thì chẳng cô gái nào dính bẫy. Ban đầu, mọi thứ diễn ra bình thường, sau đó là bạo hành tinh thần và lời nói. Đến khi bạo hành thể xác diễn ra, mối quan hệ đã ở giai đoạn khá lâu. Kẻ vũ phu thường sau một thời gian yêu nhau, sống chung mới lộ nguyên hình. Các cô gái lúc này, một là sợ cảm giác chia tay phải sống 1 mình, hai là sợ không vượt qua được tổn thương.

Bên cạnh đó là vài lý do điển hình khác, như ám ảnh về người cha bạo hành, MỘNG TƯỞNG THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI AI ĐÓ, và coi việc yêu kẻ vũ phu là một thử thách.

Một người cha bạo hành có thể gây nên những tổn thương tinh thần cho chính con gái mình, điều này nghe có vẻ vô lý nhưng quả thật trong một vài trường hợp thì đạt được tình cảm của những gã đàn ông vũ phu khiến họ có cảm giác như được bố mình yêu quý vậy.

Nhiều cô gái vẫn có suy nghĩ rằng mình có thể thay đổi cuộc đời ai đó, đặc biệt là những kẻ vũ phu hay sử dụng nắm đấm. Điều này khiến họ tin rằng mình là người đặc biệt và duy nhất có thể làm được (cảm giác mình đóng vai nữ chính trong bộ phim Giải cứu thế giới vậy). Chính vì suy nghĩ này, các cô gái dù có bạn trai bạo hành, bị chửi bới, đánh đập vẫn chấp nhận yêu để hy vọng phép màu xảy ra.

TRƯỜNG HỢP CỦA PP

Dù đã biết mình yêu phải kẻ bạo lực, cũng biết ex của Minh đều bỏ của chạy lấy người vì ăn đòn tơi bời, PP vẫn cố tin rằng mình sẽ thay đổi được anh chàng này. Cũng bởi, khi yêu nhau, ngoài những khi bị ăn đòn tới tấp, anh ta thường hót rằng "Em là người anh yêu nhất, là người sẽ khiến anh thay đổi". Đây chắc chắn là lý do các cô gái thường dùng để biện minh nhất, cho mối quan hệ trong vòng bạo lực của mình. Ai cũng tin rằng "mình phải hơn con bé ex kia chứ"!

Việc coi kẻ vũ phu là một thử thách, khiến những chàng trai mà người bình thường sẽ chạy mất dép ngay khi ăn quả đấm đầu tiên, lại trở nên có giá hơn trong mắt các nàng cũng là một lý do dễ thấy. Họ coi mối quan hệ hạnh phúc với anh ta khó hơn con trai bình thường rất nhiều lần, và càng khó thì lại càng mong đạt được. Kiểu "càng khó thì chị càng thích, thử xem nó khó tới đâu".

"NHẬN THẤY SỰ TỬ TẾ NHỎ" CHÍNH LÀ LÝ DO KHIẾN CÁC CÔ GÁI CỐ DUY TRÌ MỐI QUAN HỆ VỚI BẠN TRAI NGHIỆN NGẬP, VŨ PHU

Trên trang tâm lý học của mình, tác giả Jacob Samuel đã đưa ra các phân tích khá xác đáng về việc hẹn hò bạn trai bạo lực. Trong đó có nhắc đến phần "yêu nghiện".

Một, là cô gái đó cũng nghiện ngập. Hai, là nghĩ mình có thể thay đổi cuộc đời ai đó, đặc biệt là người mình yêu. HỌ TIN MÌNH LÀ NGƯỜI ĐẶC BIỆT VÀ DUY NHẤT LÀM ĐƯỢC ĐIỀU ẤY.

Xét một cách logic, ban đầu, từ cảm giác muốn thay đổi người mình yêu, biến chàng "hoàn lương" vì tin vào tình yêu của mình là chất xúc tác đặc biệt còn mạnh mẽ hơn cả ma túy, các cô gái cứ thỏa hiệp với "sự tốt đẹp duy nhất" trong con nghiện ấy.

"HỘI CHỨNG STOCKHOLM" – Lý giải cho việc yêu kẻ vũ phu và nghiện ngập?

Trong khi tất cả chúng ta đều thấy sợ và vô lý trước những mối quan hệ như địa ngục nói trên, thì dưới góc nhìn các quan điểm tâm lý, nó hoàn toàn có thể giải thích được. Khoan bàn về kẻ bạo lực, vũ phu, nghiện ngập, chúng đều bị phán xét là kẻ có tội. Hãy nói về sự chịu đựng, người ngoài thì gọi là "thèm đòn".

Vụ cướp tại Stockholm vào ngày 23 tháng 8 năm 1973, đã đem đến trạng thái tâm lý ngược đời khi các con tin quay sang ủng hộ và bảo vệ 2 tên tội phạm cướp ngân hàng. Một người phụ nữ trong số đó còn đính hôn với một trong hai kẻ tội phạm. Điều kiện tâm lý khi con tin biểu hiện tình cảm "ràng buộc" với những kẻ giam giữ, đã được đặt tên là "hội chứng Stockholm – Stockholm Syndrome", và trở thành một hội chứng nổi tiếng trong tâm lý học.

Hội chứng Stockholm cũng có thể tìm thấy trong các mối quan hệ gia đình, các mối quan hệ lãng mạn. Những kẻ bạo hành có thể là chồng hay vợ, là bạn trai hay bạn gái, cha hay mẹ, hoặc bất cứ vai trò nào mà kẻ bạo hành ở vị trí thống trị. Vài người gây sốc khi phát biểu rằng "Tôi biết anh ta tệ hại nhưng tôi vẫn yêu", hay cảm thấy ghen tị nếu như cô gái khác đang yêu người yêu vũ phu của mình. Những người vợ dù bị đối xử vô cùng tệ bạc, vẫn chung sống với người chồng vũ phu dù nhiều người khuyên can. Đó chính là "hội chứng Stockholm".

"Nhận thấy sự tử tế nhỏ" là một khía cạnh quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ với bạn trai nghiện ngập và vũ phu. Chỉ cần anh ta tỏ ra hối lỗi, mua quà, hôn hít…, lập tức các cô gái bỗng thấy mình như "mẹ", phải vị tha. Họ diễn giải đó là sự tử tế, là đốm sáng trong nhân cách kẻ vừa táng mình như điên như dại. Và thế là, bi kịch cứ tiếp nối bi kịch bởi họ đã không thể nhìn thấy cái sự thật rất rõ ràng - những kẻ kia không hề THẬT TÂM muốn thay đổi.

RÀNG BUỘC THỂ XÁC VỚI KẺ NGHIỆN

Có một sự thật trần trụi là với những đôi đã từng sử dụng chất kích thích và have sex với nhau đều dẫn tới một trạng thái "nghiện quan hệ tình dục" khi đang phê. Đây chính là mấu chốt của vấn đề "không thể dứt bỏ".

Về mặt khoa học, khi sử dụng ma túy đá, đặc biệt đối với nữ giới, bị ức chế thần kinh điều khiển phải thỏa mãn nhu cầu tình d.ục càng nhiều càng tốt, gọi là "xả". Khi đã đập đá, chơi đồ, thì việc phải xả là bắt buộc. Nếu cả hai cùng sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá với nhau thì "effect" lại càng mãnh liệt hơn nữa.

KẾT

Có rất nhiều lý do, nguyên nhân, bệnh lý tâm lý, rối loạn tinh thần… khi nói về các cô gái bị phụ thuộc vào người yêu vũ phu, hay nghiện ngập. Tôi sẽ hoàn toàn thấu hiểu, nếu bạn đứng ngoài nhìn vào và không thể tìm được sự đồng cảm với họ. Tôi cũng vậy, trong một giai đoạn nào đó trong quá khứ. Việc nhìn một người thân yêu với mình phải chịu khổ sở, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần bởi một kẻ tồi tệ - là một trong những trải nghiệm đau thương và giằng xé nhất cuộc đời tôi.

Sẽ có rất nhiều việc phải làm để nói cho những người phụ nữ trẻ ấy rằng, cô ấy xứng đáng nhiều hơn thế. Sẽ có rất nhiều những câu chuyện chúng ta phải kể với nhau, rất nhiều nước mắt sẽ rơi trên hành trình chữa lành cho những trái tim tan vỡ vì những kẻ không xứng đáng. Nhưng tôi tin rằng, đó sẽ là một hành trình ý nghĩa. Bởi nếu chúng ta không cố gắng từng chút một, không thử kiên nhẫn từng bước, có lẽ - chúng ta sẽ mất đi người chị, người em, người bạn thân thiết của mình bởi sự tàn bạo và vũ phu của những gã đàn ông máu lạnh, hoặc đơn giản hơn là một liều ma tuý cực mạnh vì một lần nghe lời xúi bẩy của tên người yêu vô nhân tính.

Theo Thời đại

menu
menu