Sự hung hăng
Loài người về mặt bản chất là một giống loài hung dữ, tương tự như hắc tinh tinh...
Phần 1: Hung hăng bẩm sinh
Loài người về mặt bản chất là một giống loài hung dữ, tương tự như hắc tinh tinh (Chimpanzees). Không phải tự dưng mà chúng ta có cùng một tổ tiên. Vào những năm 1960 và 1970, có một niềm tin rất phổ biến trong xã hội: Nếu cho con người một môi trường tốt để sống, thì sự hung hăng và tội ác sẽ biến mất trong vòng một đêm. Những người nào có quan điểm khác đi sẽ bị chửi rủa một cách công khai. Và bây giờ khi chúng ta có cơ hội để xem xét nền tảng, lý lịch sinh học liên quan tới hành vi của con người; chúng ta sẽ có thể trả lời cho câu hỏi tại sao có người lại hung hăng hơn người kia và tại sao có một số người lại có khả năng phạm tội cao hơn những người còn lại.
Các bé trai thường sẽ hung hăng hơn các bé gái. Đó là điều được xác định từ trước khi chúng ta sinh ra. Hàm lượng testosterone cao được sản sinh ra ở các bào thai nam trong quá trình mang thai của người mẹ làm cho họ hung hăng hơn cho tới hết cuộc đời. Tương tự, những bé gái mà có rối loạn bất thường ở tuyến thượng thận, mà từ đó gây ra việc sản sinh nhiều testosterone trước khi ra đời cũng trở nên hung hăng hơn sau này. Những loại thuốc kiểu nội tiết được uống khi mang thai cũng làm tăng mức độ hung hăng của cả bé trai và bé gái. Một số trẻ em có tính hung hăng rõ rệt hơn so với những em khác sẽ có khả năng phạm tội cao hơn: 72% tội phạm vị thành niên hoặc trẻ tuổi ở các nhà tù Hà Lan bị kết án vì tội gây hấn. Một số các rối loạn về tâm thần (psychiatric disorders) được tình cờ phát hiện là có sự xuất hiện nhiều một cách đáng ngạc nhiên trong nhóm tội phạm này – cụ thể là lên tới 90% trong số các nam thanh niên phạm tội. Bên cạnh hành vi phản xã hội (antisocial behavior), còn có sự liên kết chặt chẽ giữa những hành vi phạm tội và việc lạm dụng các chất gây nghiện/chất kích thích, loạn thần (psychoses), và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Yếu tố di truyền cũng gây ảnh hưởng, ví dụ như ở những trường hợp anh/chị em sinh đôi. Các biến thể nhỏ trong ADN (mang tính đa hình) từ gen của các proteins mà phá vỡ các dẫn truyền hóa học (chemical messengers) trong não có thể gây ra sự hung hăng, chứng nghiện rượu hoặc hành vi tự sát một cách dã man. Sự giảm thiểu một cách bất thường của các chất dẫn truyền thần kinh (ví dụ: serotonin) có mối liên hệ tới tính hung hăng, bốc đồng và hành vi phản xã hội (Lưu ý: một số trường hợp mất cân bằng serotonin khác lại không gây ra các hành vi này nhưng lại gây ra trầm cảm hay rối loạn hoảng sợ, vì vậy không phải cá thể nào mất cân bằng serotonin cũng gây ra các hành vi bạo lực). Một số đàn ông Trung Quốc đã được phát hiện có một số biến thế nhỏ trong gen dính mà lứu tới việc xử lý serotonin có liên quan tới các tội ác bạo lực nghiêm trọng, rối loạn nhân cách phản xã hội, và chứng nghiện rượu cùng các chất gây nghiện khác. Một vài biến thể khác trong cùng một protein làm khả năng bị rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorders) mà cũng có thể được “đánh dấu” bởi các hành vi gây hấn và bốc đồng.
Violent Lips by Ulta.com
Môi trường xung quanh bào thai cũng gây ảnh hưởng tới các xu hướng sau này về sự hung hăng. Các thử nghiệm thiết lập phù hợp với các dịch vụ y tế cho rằng những người đàn ông mà đã từng bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng khi còn trong bụng mẹ vào thời điểm bệnh dịch ở Hà Lan vào mùa đông 1944-1945 thì có khả năng bị rối loạn nhân cách phản xã hội cao gấp 2.5 lần người bình thường. Vấn đề suy dinh dưỡng trong bụng mẹ vẫn xảy ra cho tới tận bây giờ – ở xã hội hiện đại của chúng ta, khi nhau thai bị trục trặc hoặc hoạt động không bình thường. Sự kết hợp giữa các yếu tố về gen và việc hút thuốc khi đang mang thai của người mẹ có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ gấp 9 lần. Và rối loạn tăng động giảm chú ý thì lại có mối liên hệ với sự hung hăng và hành vi phạm tội ở vị thành niên cao hơn.
Thế nhưng không chỉ có những yếu tố từ trước khi sinh ra mới quyết định mức độ hung hăng của chúng ta (*). Đây (*) không phải là một ý tưởng mới, hay đơn giản hơn – nó đã từng bị coi là điều cấm kỵ khi niềm tin vào xã hội và chính quyền đang ở mức cao nhất. Charles Darwin (1809-1882) đã đi đến kết luận tương tự trong cuốn hồi ký của ông ấy, rằng ông ấy “có khuynh hướng đồng ý với Francis Dalton (anh em họ của Darwin) rằng giáo dục và môi trường chỉ tác động rất nhỏ lên tâm trí của bất cứ ai, và hầu hết những phẩm chất của chúng ta đều là bẩm sinh, trời phú”. Điều đó gây ra sự ảnh hưởng tới các bậc cha mẹ và hàng loạt các tổ chức xã hội về “góc nhìn đúng” tại thời điểm đó (thế kỷ 19-20).
Phần 2: Tuổi trẻ và tính hung hăng
Chúng ta sinh ra với những khuynh hướng khác nhau đối với những hành vi hung hăng phụ thuộc vào giới tính, nguồn gen của chúng ta hay lượng dinh dưỡng chúng ta nhận được qua nhau thai, cũng như lượng tiêu thụ nicotine, cồn, và các loại thuốc khác trong quá trình mang thai của người mẹ. Khả năng xảy ra cho những hành vi phóng túng, chống xã hội (antisocial), hung dữ hay côn đồ của chúng ta tăng lên trong quá trình dậy thì bởi lượng hormone (nội tiết tố) Testosterone tăng. Và có sự khác biệt đáng kể về giới đối với những hành vi trên. Đàn ông thường có xu hướng giết người cao cấp 5 lần so với phụ nữ. Ngoài ra, những ca giết người trong gia đình hoặc người quen trong nam giới chỉ chiếm 20% tổng số ca, trong khi đó với phụ nữ lại là 60%. Độ tuổi mà đàn ông thường gây ra các vụ giết người thường tuân theo các đường khuôn mẫu (stereotypical curve). Vì như đã nói ở trên, lượng Testosterone tăng trong giai đoạn dậy thì, do đó các vụ giết người cũng tăng lên như vậy. Chúng đạt đỉnh điểm ở quanh độ tuổi từ 20-24 tuổi, và sau đó giảm mạnh ở độ tuổi 50-54. Mẫu tuổi giống hệt nhau ở các vụ giết người đều được tìm ra ở nhiều khu vực trên thế giới, từ Mỹ cho đến Anh Quốc, xứ Wales cho tới Canada. Sự suy giảm các hành vi tội phạm trong số những người ở độ tuổi ngoài 20 gần 30 không phản ánh sự suy giảm của Testosterone nhưng lại được quy cho sự phát triển muộn của vỏ não trước trán, giúp hạn chế sự bốc đồng và thúc đẩy các hành vi có đạo đức. Sẽ là logic nếu như chỉ áp dụng khung luật hình sự của người lớn đối với những ai có cấu trúc não bộ trưởng thành, ví dụ trong khoảng tuổi từ 23 đến 25 tuổi. Tuy nhiên, các chính trị gia không xem xét và cũng không quan tâm đến mô hình phát triển này; thay vào đó là họ tạo ra các phiếu bầu từ các cử tri sợ hãi bằng cách làm điều ngược lại – hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Chức năng của phần vỏ não trước trán bị ức chế bởi cồn – thứ có thể dẫn tới các hành vi bạo lực đột ngột, thiếu suy nghĩ chỉ sau một đêm đi chơi hoặc uống rượu. Các tổn thương gây ra cho vùng não trước trán trong những năm đầu tiên của cuộc đời có thể làm gián đoạn các hành vi xã hội và đạo đức sau này của một người.
Testosterone kích thích sự hung hăng. Một số người đàn ông có lượng testosterone cao hơn những người khác và do đó, khả năng trở nên hung dữ là cao hơn. Những người bị đi tù bởi tội hiếp dâm và những hành vi phạm tội mang tính bạo lực khác được tìm thấy có lượng testosterone cao hơn những người phạm các tội khác (các tội phi-bạo lực), và mức testosterone này cũng cao hơn ở những tù nhân, trong các doanh trại quân đội mà có xu hướng của hành vi phản xã hội so với những người khác. Mối liên hệ tương tự giữa việc có hàm lượng testosterone cao và và sự hung hăng cũng được tìm thấy ở các tù nhân nữ. Sự hung hăng được thể hiện ở các vận động viên khúc côn cầu khi đang trong trận đấu có thể dễ dàng ước lượng được bằng số lần họ va chạm bằng gậy đánh khúc côn cầu với đối thủ. Một mối liên hệ khác cũng được tìm thấy giữa sự hung hăng với lượng testosterone trong máu, do vậy đã dấy lên mối lo ngại về việc sử dụng một lượng lớn các chất Steroids trong giới thể thao (Steroid là một loại hợp chất hữu cơ có chứa một sự sắp xếp đặc trưng của bốn vòng cycloalkane được nối với nhau. Ví dụ về các steroid bao gồm các chất béo ăn cholesterol, hormon sinh dục estradiol và testosterone, và thuốc chống viêm dexamethasone – Wikipedia) được đồng hóa vào cơ thể để tăng lượng cơ – vì chất này cũng làm tăng hành vi hung hăng.
car-crime by pacepulse.blogspot.com
Các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò tương tự. Những bộ phim bạo lực và các trò chơi điện tử cũng có cho thấy gia tăng hành vi hung hăng. Thú vị hơn nữa, hiệu ứng tương tự cũng được tạo ra khi đọc các đoạn Thánh Kinh có nội dung liên quan tới sự trừng phạt bằng cách giết chóc (nhưng chỉ đúng với những người theo tôn giáo đó). Hơn nữa, các hiệu ứng thực thể ví dụ như nhiệt độ hoặc ánh sáng cũng ảnh hưởng rất lớn tới các hành động của chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết rằng những ngày hè nóng kéo dài có thể châm ngòi cho những hành vi bạo lực. Điều này xuất hiện trong nghiên cứu của Gabriel Schreiber về 2131 vụ xung đột trong suốt 3500 năm trước đây, mà ông ấy đã tìm thấy như là một khuôn mẫu (pattern) xảy ra đều đặn hàng năm. Trong hàng thế kỷ, những quyết định khơi mào chiến tranh thường được tạo ra vào mùa hè ở cả bán cầu bắc và nam, ngược lại ở các vùng xích đạo thì yếu tố về mùa lại không đóng vai trò nhiều lắm.
via kidsintrouble.weebly.com
Những yếu tố khác ví dụ như thiếu hụt về mặt giáo dục và nền tảng kém cũng hiển nhiên đóng góp cho hành vi hung hăng và côn đồ. Thật ra thì chúng là những nhân tố duy nhất được nghiên cứu ở những thế hệ trước. Khi nhà tội phạm học người Ý Cesare Lombroso (1835 – 1909) bị tố cáo về việc dành quá ít sự chú tâm vào vào những nguyên nhân xã hội của tội ác, ông ấy đã trả lời rằng điều này đã được hoàn thành bởi vô số các học giả, và không quên thêm một câu “thật là vô nghĩa khi phải chứng minh rằng mặt trời tỏa sáng”. Cho tới gần đây, Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan mới thể hiện sự quan tâm tới các nhân tố ngoài xã hội khác làm gia tăng hành vi hung hăng và khả năng phạm tội.
Kỳ 3: Các rối loạn về não bộ và nhà tù
Hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta liệu có hay vi phạm nguyên tắc: luật hình sự không áp dụng cho những người có bệnh về não hay không?
Quy định về trách nhiệm hình sự này ra đời lần đầu tiên năm 1843, từ sau vụ án Daniel M’Naghten giết chết thư ký của Thủ tướng Anh – cho dù đã để lại cú sốc lớn đối với nước Anh thời Victoria – Daniel M’Naghten đã không bị bỏ tù, mà được đưa vào một bệnh viên tâm thần. Theo “quy tắc M’Naghten” nêu trên, những phạm nhân có rối loạn tâm thần cần được phán xử là “có tội nhưng loạn thần” và được cách ly trong một cơ sở bệnh viện được bảo vệ, mà không phải là nhà tù. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta thừa nhận trách nhiệm hình sự nêu trên, nhưng trong nhà tù ngày nay, vẫn có rất nhiều người mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh về thần kinh. Theo bác sĩ Theo Doreleijers, bác sĩ tâm thần người Hà Lan làm việc cho tòa án, trong số những người trẻ tuổi bị bỏ tù thì 90% có rối loạn tâm thần, và 30% trong số bị bắt giữ theo lệnh nhập viện bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Trong các trường hợp rối loạn não liên quan đến hành vi hung hăng, người ta tìm thấy hai khu vực của não bộ có liên quan đặc biệt, một trong số đó là vùng não trước trán (the prefrontal cortex – PFC – hình trên), ngăn chặn, ức chế hành vi hung hăng và có ý nghĩa quyết định đối với các phán xét mang tính chất đạo đức. Trẻ em có vùng não trước trán bị tổn thương thường gặp khó khăn trong tiếp nhận các quy tắc đạo đức và chuẩn mực xã hội. Các cựu chiến binh Việt Nam với các tổn thương vùng não trước trán trở nên hung hăng và bạo lực. Nghiên cứu nhiều kẻ giết người bột phát cũng tìm thấy sự suy giảm hoạt động ở vùng não trước trán của họ. Rối loạn não ảnh hưởng lên vùng não trước trán này có nhiều liên quan với hành vi hung hăng. Một nhà phẫu thuật khắc tên của mình trên bụng của bệnh nhân khi kết thúc ca mổ, bị phát hiện mắc bệnh Pick, một dạng bệnh mất trí nhớ bắt đầu trong vùng não trước trán . Bệnh nhân tâm thần phân liệt, đồng thời có giảm hoạt động trong vùng não trước trán, thì có thể dẫn đến hành vi hung hăng. John Hinckley Jr. trở nên nổi tiếng sau khi cố gắng thực hiện âm mưu ám sát Tổng thống Reagan. (Viên đạn từ khẩu súng lục của anh ta đã bắn vào nách trái, xuyên qua phổi trái, dừng lại một inch cách tim của Tổng thống). Kết quả chụp cắt lớp não của Hinckley, mà cả thế giới đều biết, cho thấy sự co ngót của bộ não, dấu hiệu điển hình của tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, anh ta vẫn còn ở trong tù cho đến nay. Năm 2003, Mijailo Mijailovic, một bệnh nhân tâm thần phân liệt, sau khi ngừng uống thuốc đã sát hại Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển, Anna Lindh. Mijailo Mijailovic tin rằng Chúa Giêsu đã chọn anh ta cho mục đích này và nghe tiếng nói bảo anh ta phạm tội giết người. Ngược lại, hành vi hung hăng cũng có thể là triệu chứng đầu tiên của tâm thần phân liệt.
Prison brake by Polis Poliviou
Khu vực thứ hai là hạch hạnh nhân (Hình dưới), với cấu trúc kích thước một hạt hạnh nhân, nằm sâu bên trong thùy thái dương. Khi bạn cầm lên khối sệt của bộ não (ví dụ, trong một cuộc khám nghiệm tử thi), bạn có thể cảm thấy, trong vòng cực của thùy thái dương, một viên nhỏ rắn của hạch hạnh nhân. Sự kích thích của hạch hạnh nhân gây ức chế hoặc gây ra hành vi hung hăng, tùy vị trí và cách thức thực hiện. Tác dụng ức chế của nó đã được chứng minh một cách thuyết phục bởi nhà tâm lý học Tây Ban Nha José Manuel Rodriguez Delgado, người đã làm thí nghiệm ngăn được một con bò đực đang sung sức bằng cách kích thích điện từ xa tới hạch hạnh nhân của nó. Nếu bạn phá hỏng cấu trúc hạch hạnh nhân trên cả hai mặt, thì bạn có thể khiến một con chuột cống trở nên hiền lành. Một số bệnh nhân tâm thần có nguyên nhân từ trục trặc của hạch hạnh nhân. Điều này ngăn cản họ nhìn nhận biểu cảm trên khuôn mặt các nạn nhân đang đau khổ và vì thế không cảm thấy sự đồng cảm với các nạn nhân. Năm 1966, Charles Whitman đã giết vợ và mẹ của mình, sau đó, anh ta còn bắn mười bốn người chết và gây thương tích cho ba mươi mốt người khác tại Đại học Texas ở Austin. Các bác sĩ đã tìm thấy một khối u ở thùy thái dương, khối u này đã gây áp lực lên hạch hạnh nhân của Charles Whitman. Những câu chuyện nêu trên khiến chúng ta phải tự hỏi, rằng liệu có bao nhiêu người, mang theo trong mình rối loạn não bộ, có thể xả súng ở trường học hay bất cứ nơi khác. Ulrike Meinhof bắt đầu sự nghiệp của mình là một nhà báo phản biện, sau này trở thành một trong những kẻ sáng lập của Rote Armée Fraktion ở Đức, đây là nhóm khủng bố đã giết chết ba mươi bốn người. Meinhof đã tự tử trong xà lim năm 1976. Trước đó, các bác sĩ đã phát hiện ra bà ta mắc phải chứng phình động mạch, có một chỗ phình thành mạch máu ở đáy não đã gây áp lực vào hạch hạnh nhân. Điều này gây ra tổn thương lâu dài. Và khi bà ta được phẫu thuật chữa bệnh phình mạch máu, thì cuộc giải phẫu thần kinh lại làm thương tổn tới vùng não trước trán, vì vậy có tới hai nguyên nhân được cho là dẫn tới hành vi hung hăng và phạm pháp của bà ta.
Còn có những rối loạn não bộ khác mà đôi khi được xem là nguyên nhân gây nên sự hung hăng, đó là các rối loạn tâm trạng, rối loạn nhân cách ranh giới, những khó khăn trong học tập, xuất huyết não, MS, bệnh Parkinson và bệnh Huntington. Ngay cả bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng có thể trở nên hung hăng. Năm 2003, một phụ nữ Hà Lan tám mươi mốt tuổi đang ở một nhà dưỡng lão, vì bệnh mất trí nhớ, sa sút trí tuệ tuổi già của mình, đã sát hại bạn cùng phòng, tám mươi tuổi. Bà ta đã được tìm thấy trong tâm trạng bối rối trong nhà vệ sinh và khi y tá đưa bà trở lại giường mới phát hiện ra nạn nhân đã bị bà ta giết. Cũng may là bà ta không bị khởi tố. Ở các nước “văn minh” như Hoa Kỳ và Nhật Bản, các bệnh nhân tâm thần phân liệt gây ra những vụ giết người vẫn có thể bị tuyên án tử hình. Rất hy vọng việc này sẽ không bị xảy ra ở Hà Lan. Nhưng khó có thể biết, liệu hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta có thường xuyên vi phạm “quy tắc M’Naghten”?
Dịch và chú thích: Khánh Linh, Nguyễn Thị Phương Hoa - https://beautifulmindvn.com/2015/05/07/su-hung-hang-ky-1-hung-hang-bam-sinh/
Nguồn: We are our brains – From the womb to Alzheimer’s (Dick Swaab)