Khi nào nên rời bỏ một mối quan hệ

Chúng ta thường nghe rằng, trong thời đại đầy tính cá nhân này, con người dễ dàng từ bỏ một mối quan hệ quá sớm.
Chúng ta thường nghe rằng, trong thời đại đầy tính cá nhân này, con người dễ dàng từ bỏ một mối quan hệ quá sớm. Họ thiếu kiên nhẫn với những khó khăn tất yếu khi sống gần gũi với một ai đó, luôn cảm thấy có vô vàn lựa chọn khác ngoài kia, và thế là chỉ cần một chút trục trặc, họ vội vã buông tay mà không nhận ra rằng lẽ ra họ có thể đang ở trong một mối quan hệ đầy tiềm năng và ý nghĩa. Những người vội vã ấy cần được nhắc nhở rằng tình yêu không chỉ là một cảm xúc nhất thời—đó là một kỹ năng. Và giống như chơi đàn violin hay dệt ren, kỹ năng ấy đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì và nhẫn nại.
Nhưng nếu nhìn lại cuộc đời mình, một số người trong chúng ta có thể nhận ra một vấn đề hoàn toàn khác—nhưng cũng nghiêm trọng không kém: rằng ta đã quá kiên nhẫn, quá bao dung. Ta đã quên lắng nghe nỗi đau của chính mình, quên trao cho nó tầm quan trọng xứng đáng. Ta đã dành quá nhiều sự thấu hiểu cho những hành vi không đáng được tha thứ, đã để mặc cho những tháng năm trôi qua bên cạnh người không thực sự trân trọng ta. Có lẽ ta đã lãng phí không chỉ vài năm, mà có thể là cả một quãng đời.
Nếu nhìn lại những mối quan hệ thất bại với một cái đầu tỉnh táo, ta sẽ nhận ra rằng những dấu hiệu rạn nứt vốn đã lộ rõ ngay từ những ngày đầu. Ta từng nói với họ (trong chuyến đi chơi đầu tiên) rằng sự lạnh nhạt của họ khiến ta cảm thấy bất an—nhưng họ chỉ im lặng, rồi dần dà, phản ứng của họ trở nên khó chịu hơn, và thế là ta học cách im lặng. Khi ta mong họ dành cho ta một chỗ đứng bên cạnh bạn bè của họ, họ vẫn cứ tiếp tục đi tiệc tùng một mình và buộc tội ta là kẻ kiểm soát, quá đòi hỏi. Khi ta khuyên họ tìm đến trị liệu để hiểu rõ hơn về những rào cản trong sự nghiệp hay nỗi ám ảnh ngoại hình của họ, họ chỉ đáp lại bằng sự bực bội và trách ta quá khắt khe.
Những bất đồng ấy lúc bấy giờ không có vẻ gì là nghiêm trọng. Ta cho rằng đó chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong một mối quan hệ. Chỉ đến bây giờ, khi ta đứng ở bên kia của sự tan vỡ, ta mới nhận ra những vấn đề ngày ấy chính là nền móng cho tất cả những gì đã đổ vỡ sau này.
Để tránh lãng phí thêm thời gian vào một mối quan hệ vô ích, ta cần tự hỏi mình một câu đơn giản nhưng mang tính quyết định: “Khi tôi than phiền, họ có lắng nghe không?”
Khi ta mang đến cho họ một vấn đề quan trọng—rằng ta cần họ thể hiện cảm xúc rõ ràng hơn, rằng ta muốn họ phản hồi tin nhắn một cách ổn định hơn, rằng ta mong họ đặt ta vào vị trí quan trọng không kém bạn bè của họ—họ có ngừng lại để lắng nghe không? Họ có phản hồi mà không phòng thủ, có thể diễn đạt lại điều ta vừa nói để ta biết rằng họ thực sự hiểu, và có đưa ra những dấu hiệu chân thành cho thấy họ đang tiếp thu và thay đổi không?
Họ có nói rằng: "Anh/em hiểu điều này quan trọng với em/anh. Ý em/anh là em/anh cảm thấy bị bỏ rơi vì công việc của anh/em quá chiếm dụng thời gian, đúng không?" Hay: "Em/anh đang nói rằng tâm trạng thất thường của anh/em khiến em/anh không thể thoải mái chia sẻ nhu cầu của mình, phải không?"
Và quan trọng hơn: thời gian trôi qua, có sự thay đổi thực sự nào không? Hay ta vẫn chỉ đang lặp lại những thất vọng cũ?
Câu hỏi trên rất hữu ích, nhưng ta cần lưu ý hai điều quan trọng: Chúng ta đang nói về những vấn đề cốt lõi, không phải những phiền toái nhỏ nhặt. Những điều ta đòi hỏi sự lắng nghe không phải là chuyện ai quên mua sữa hay ai hay để phòng tắm bừa bộn. Chúng ta đang nói về những vấn đề lớn: sự kết nối, giao tiếp, thân mật, lòng tử tế—những điều làm nên sự bền vững của một mối quan hệ. Chúng ta cũng phải biết cách than phiền đúng cách. Người kia có trách nhiệm lắng nghe, nhưng ta cũng có trách nhiệm diễn đạt một cách tôn trọng, chín chắn và rõ ràng. Nếu ta chỉ nói ra khi đã kìm nén quá lâu, vào lúc nửa đêm với giọng điệu gay gắt, hoặc nếu ta dùng lời lẽ chua cay, chế nhạo, hay đe dọa—thì lời than phiền ấy không có giá trị.
Hơn thế, ta cần cho họ đủ cơ hội để thay đổi. Không chỉ một, hai hay ba lần. Hãy đặt con số ấy cao hơn rất nhiều: mười lăm lần. Mười lăm lần để họ có cơ hội lắng nghe và điều chỉnh.
Nhưng nếu ta đã làm tất cả những điều trên—và sự thất vọng vẫn tiếp diễn—thì lúc này, việc tiếp tục ở lại không còn là sự bao dung, mà là sự tự hủy hoại. Chúng ta không còn kiên nhẫn, mà đang phản bội chính cảm nhận của mình. Chúng ta không còn yêu thương, mà đang dần đánh mất lòng tự trọng.
Nếu ta cứ ngoan cố tin rằng một ngày nào đó mọi thứ sẽ thay đổi—dù rõ ràng là không—thì ta không phải đang cứu vãn mối quan hệ. Ta chỉ đang đẩy nhanh quá trình sụp đổ mà thôi. Một mối quan hệ trong đó một người không lắng nghe người kia có thể tồn tại một thời gian, có thể kéo dài rất lâu—nhưng nó không bao giờ là một nơi an toàn. Nó không bao giờ là một mái nhà.
Việc một mối quan hệ không thể đi đến đâu đã là một điều đáng buồn. Nhưng điều thật sự bi kịch là khi ta chối bỏ sự thật ấy quá lâu, đến mức chẳng còn đủ thời gian để tìm thấy một người thực sự biết yêu thương theo cách của một người trưởng thành.
Marcel Duchamp, Portrait of Yvonne Duchamp, c. 1907 or 1909
Nguồn: WHEN TO GET OUT OF A RELATIONSHIP | The School Of Life