Sự khắc nghiệt của hẹn hò

Từ "khắc nghiệt" có thể nghe có vẻ hơi cường điệu, thậm chí có chút bi lụy, khi dùng để mô tả một hoạt động mà bề ngoài chỉ đơn giản là những buổi hẹn lãng mạn
Từ "khắc nghiệt" có thể nghe có vẻ hơi cường điệu, thậm chí có chút bi lụy, khi dùng để mô tả một hoạt động mà bề ngoài chỉ đơn giản là những buổi hẹn lãng mạn, gọi vài món ăn nhẹ, cùng nhau thưởng thức một ly rượu vang, và đôi khi—có thể—trao nhau một nụ hôn vội trước trạm xe buýt. Những người đang trong một mối quan hệ, đặc biệt là những ai đã gắn bó từ lâu, có lẽ sẽ tự hỏi: "Có gì mà phải làm to chuyện đến thế?"
Thế nhưng, với những ai thực sự bước vào cuộc chơi này, những người đã trải qua hết hy vọng rồi thất vọng, đã nếm đủ mùi cay đắng của những lần chờ đợi vô ích, đã có những khoảnh khắc bật khóc vì thêm một lần tan vỡ—thì từ "khắc nghiệt" có lẽ vẫn chưa đủ để diễn tả. Có rất nhiều lý do cho điều đó...
— ĐÂY KHÔNG CHỈ LÀ MỘT BUỔI TỐI HẸN HÒ
Những gì đang diễn ra không chỉ đơn thuần là một cuộc gặp gỡ, cũng chẳng phải chỉ là hành trình tìm kiếm một người biết nói chuyện thú vị hay một mối quan hệ thể xác mới. Thông thường, ẩn sau đó là cả một viễn cảnh dài lâu—là câu hỏi nhức nhối về người sẽ ở bên ta khi trái tim ta bỗng lỗi nhịp, khi đôi chân ta không còn đủ vững để tự mình bước qua phòng khách, khi ta bắt đầu lãng quên cả chính tên mình. Một buổi tối, tưởng chừng vô hại với ánh nến dịu dàng, với nụ cười thân thiện của người phục vụ (“Quý khách có muốn dùng bouillabaisse không ạ?”), thực chất lại là một cuộc trưng cầu số phận: liệu ta có phải đối diện với cái chết trong cô độc hay không? Bên dưới vẻ nhẹ nhàng của những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ("Khoai tây chiên hay salad?") là một tiếng kêu thổn thức từ sâu thẳm tâm hồn: Khi nào ta mới tìm thấy một chốn để trở về?
Photo by Daniel Silva Gaxiola on Unsplash
— SỰ TRỖI DẬY VÀ TAN BIẾN CỦA HY VỌNG
Chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý gặp một ai đó mà không mang theo hy vọng—rằng có thể, chỉ có thể thôi, lần này ta đã tìm thấy câu trả lời. Ta biết—hoặc ít nhất phần lý trí trong ta biết—rằng khả năng ấy vô cùng mong manh. Ta đã tham gia trò chơi này không chỉ vài tuần, mà có lẽ là nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Bao lần ta đã bước ra ngoài trong bộ trang phục tinh tế nhưng không quá phô trương, mang theo niềm mong đợi lặng lẽ. Chỉ để rồi, ngay từ những phút đầu tiên khi đối phương xuất hiện, ta nhận ra—dĩ nhiên—những bức ảnh một lần nữa đã lừa ta, cách họ cư xử thật kỳ quặc, quan điểm của họ về chiêm tinh học khiến ta phát điên, họ chẳng có lấy một chút tò mò về ta. Và thế là, bốn mươi phút hay ba giờ tiếp theo trở thành một sự tra tấn lịch sự, nơi ta mắc kẹt trong nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng dai dẳng: Phải chăng ta sẽ mãi cô đơn?
— HÀNG TRIỆU CÁCH KHIẾN AI ĐÓ TRỞ NÊN “SAI”
Dĩ nhiên, ta chẳng muốn trở thành kẻ quá khó tính. Chẳng ai có lợi lộc gì khi cứ mãi soi mói từng chi tiết. Nhưng cũng đâu thể hô biến mà khiến những hoài nghi tan biến, hay làm cho sự lệch pha về tâm hồn lẫn thể xác bỗng chốc hòa hợp. Đây đúng là địa ngục—bởi một bên là nhu cầu được yêu thương cháy bỏng, một bên lại là những tiêu chuẩn tưởng như vô lý nhưng lại tuyệt đối không thể thỏa hiệp, trong khi những ứng viên phù hợp thì xuất hiện thất thường như mưa mùa hạ. Vậy nên chẳng có gì lạ khi dù sở hữu một tấm bằng đại học, dù bề ngoài có thể điềm tĩnh và triết lý đến đâu, ta vẫn có thể kết thúc trong tư thế cuộn tròn trên sàn phòng tắm, gào khóc đầy bi tráng với một vị thần mà chính ta cũng biết là chẳng hề tồn tại.
— SỰ BẤT LỰC CỦA CHÚNG TA
Và rồi, trong những lần hiếm hoi đến khó tin khi ta thực sự thích ai đó, rắc rối mới thực sự bắt đầu. Họ cũng thích ta lắm, thật đấy, buổi tối hôm ấy với ta tuyệt vời biết bao. Chỉ là… họ đang ở một giai đoạn khác của cuộc đời, họ vẫn còn loay hoay sau cuộc chia tay, con cái họ đang cần thêm sự quan tâm, họ đang suy nghĩ nghiêm túc về chuyện đa ái… Và dĩ nhiên, ta vô cùng thấu hiểu. Được làm bạn với họ, thỉnh thoảng trở thành "người tình tâm giao" quả là một niềm vinh hạnh. Nhưng nếu đến lần thứ hai mươi nghe những lời này, ta bỗng đẩy ghế ra sau, quỳ sụp xuống sàn, tự trút cả đĩa sốt tahini hay mayonnaise tỏi lên đầu, rồi tuyệt vọng tìm cách kết liễu đời mình bằng con dao cắt bánh mì ngay giữa nhà hàng—trong sự kinh hãi của thực khách xung quanh và ánh mắt bối rối của nhân viên phục vụ—thì liệu có ai có thể trách ta không?
— MỌI NỖI ĐAU TỪ CHỐI TA TỪNG TRẢI QUA
Bề ngoài, có vẻ như đây chỉ là chuyện của Abda từ Mumbai hay Sophie từ Peckham. Nhưng tận sâu trong lòng, ta biết nó còn nhiều hơn thế. Nó là về người mẹ lạnh lùng, luôn vắng mặt. Là về người cha suốt ngày chỉ biết quát tháo. Là về những kẻ từng ghét bỏ ta ở trường. Là về mối tình kéo dài năm năm mà ta đã dốc hết tâm can để cứu vãn, chỉ để rồi bị bỏ rơi trong sự mơ hồ đến cay đắng.
Mọi người đều nói ta đừng để bụng, rằng chuyện này không hề cá nhân. Nhưng tiềm thức ta biết rõ hơn thế. Nó không thể nào không là chuyện cá nhân. Đây là vũ trụ, một lần nữa, nhấn mạnh phán quyết tối cao của nó dành cho ta: rằng ta chỉ là một sinh vật hạ đẳng, và các vị thần thì đang thản nhiên đứng trên cao… tiểu xuống người ta trong cơn hả hê đầy báo oán.
— TỪ CHỐI CŨNG KHỔ SỞ NHƯ BỊ TỪ CHỐI
Khổ nỗi, ta cũng chẳng thể thoải mái đóng vai nạn nhân quá lâu. Vì ngay khi còn đang ôm nỗi đau bị từ chối, ta lại phải ra tay thực hiện không ít những “cuộc hành quyết” của riêng mình—nhẹ nhàng nói với những người theo đuổi không phù hợp rằng ta quá bận rộn, rằng ta mong chúng ta có thể làm bạn tốt của nhau. Giữa cơn bão thử thách ấy, ta thậm chí chẳng thể tự xem mình là một người tử tế.
— KIỆT SỨC
Chúng ta mệt mỏi đến rã rời, dù nhìn bề ngoài, có vẻ như ta chẳng làm gì nhiều. Ta kiệt quệ vì số phận bấp bênh, vì những cuộc hẹn lặp đi lặp lại chỉ để nhận ra ta vẫn quá kén chọn, vì cái sai sai không thể bỏ qua ở mỗi người gặp gỡ, vì sự bất ổn của chính mình, vì hàng giờ trôi qua trong vô vọng khi lướt tìm kiếm một ai đó, vì những vòng lặp bất tận giữa việc đánh gục và bị đánh gục. Ta rốt cuộc đã phạm phải tội lỗi gì? Kiếp trước ta đã giết ai? Tại sao mọi người hoặc là chẳng sẵn sàng, hoặc là chẳng có gì hấp dẫn? Tại sao chuyện này lại khó đến thế? Họ đang ở đâu? Làm sao ta có thể tìm được chút sức lực để bước tiếp? Chỉ cần hai cuộc hẹn tồi tệ nữa thôi, ta e rằng mình sẽ bị nhốt vào phòng cách ly mất. Bởi ta không chỉ đơn giản là đi ăn tối. Ta không chỉ gặp ai đó để trò chuyện. Ta một lần nữa đã cố tìm một lối thoát khỏi sự lạc lõng giữa vũ trụ—và thất bại. Ta thực sự xứng đáng được cảm thông. Và lý tưởng nhất là, trước khi các vị thần trên đỉnh Olympus cười chán chê, họ có thể ném xuống đây cho ta một tia may mắn nào đó.
Nguồn: THE BRUTALITY OF DATING | The School Of Life