Sự phủ định từ người lớn có thể ảnh hưởng khủng khiếp đến trẻ cỡ nào?

su-phu-dinh-tu-nguoi-lon-co-the-anh-huong-khung-khiep-den-tre-co-nao

Những lời phủ định, chê trách chỉ biến những đứa trẻ đầy tổn thương thành "những người lớn tan vỡ".

Trên mạng xã hội Trung Quốc từng có một chủ đề thảo luận hot đạt hơn 35 triệu lượt xem, hơn 34.000 người theo dõi và có hơn 6.000 câu trả lời. Câu hỏi đặt ra là: Cách dễ dàng nhất để phá hủy một đứa trẻ là gì?

Có người trả lời rằng: chỉ cần đánh đập mà không cần nói, thường xuyên phớt lờ không quan tâm, dần dần đứa trẻ sẽ không bao giờ ngẩng đầu lên được nữa. Những người khác thì trả lời rằng đó là khi trẻ nhỏ bị đe dọa, bị coi thường, không được lắng nghe.

Nghĩ lại xem, bạn đã bao giờ trải qua những điều trên chưa?

Có cư dân mạng viết rằng: "Tôi có những mảnh vỡ buồn đó, dù đã trưởng thành tôi thật sự vẫn còn rất nhiều mảnh thủy tinh chôn chặt trong tim, có lẽ tôi không thể buông bỏ chúng. Tôi vẫn không thể bình tĩnh viết ra được".

Về vấn đề này, một số người khác lại cho rằng: "Những lời dè bỉu đó không chỉ là những mảnh vỡ của quá trình trưởng thành, mà chúng in dấu rõ ràng và cần thời gian dài để hàn gắn. Những sự phủ nhận đó khiến những đứa trẻ không thể trở nên độc lập, mạnh mẽ và kiêu hãnh như người lớn nghĩ. Chúng chỉ có thể trở thành những người lớn tan vỡ".

Phương pháp giáo dục con cái bằng cách mắng mỏ, chê bai, đánh đòn gọi là "thương cho roi cho vọt". Nhưng liệu cách giáo dục này có thực sự khiến trẻ em lớn lên khỏe mạnh?

"Thương cho roi cho vọt" là phương pháp dạy con sai lầm

Năm 2017, chương trình Phỏng Vấn Tâm Lý của CCTV (Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc) đưa tin về một nữ cử nhân đại học 33 tuổi tên Phạm Thành Kim đã tốt nghiệp 10 năm nhưng vẫn đang ăn bám bố mẹ. Cô gái này không có tật xấu, không kém thông minh cũng không lười biếng, bố mẹ cũng chỉ là nông dân bình thường, gia đình nhiều khi còn phải nhờ đến chị gái đã lập gia đình giúp đỡ. Nhưng tại sao cô lại ăn bám gia đình không đi làm?

Phạm Thành Kim trả lời rằng chính sự "giáo dục khuôn phép" của gia đình đã hủy hoại cô. 

Cảnh đầu tiên trong chương trình là cảnh quay lại cuộc đối đầu giữa 2 mẹ con. Trong đó, cô gái lớn tiếng nói: "Con đã nói là con thích điêu khắc mà". Chưa kịp dứt lời, mẹ cô đã chen vào vặn lại: "Thích thế để làm gì?". Việc bị mẹ cắt ngang khiến Phạm Thành Kim lớn tiếng phàn nàn với phóng viên có mặt tại hiện trường: "Mẹ không cho con nói, rõ ràng là không cho con nói". Người mẹ không chịu thua nói: "Con nói đi, nói đi, con không được tích sự gì hết". 

Trước ống kính, Phạm Thành Kim nói: "Bất kể tôi làm đúng hay sai, bà ấy chỉ biết đay nghiến. Bà ấy luôn làm như vậy!". 

Cuộc đời cô gái trẻ bị hủy hoại bởi chính cha mẹ

Việc Phạm Thành Kim cãi lời cha mẹ đã trở thành chuyện thường ngày trong gia đình. Cô kể lại rằng khi còn học trung học cơ sở, cô thích điêu khắc và hội họa, thậm chí còn tập tành thiết kế thời trang. Nhưng khi cô cho bố mẹ xem tác phẩm của mình thì đã bị chê bai và mắng mỏ gay gắt: "Thích như vậy để làm gì? Làm mấy cái này không để làm gì cả, đi học bài đi". 

Khi còn nhỏ, Phạm Thành Kim thường giúp gia đình nấu ăn, và các thành viên trong gia đình thường xuyên đến chỉ bảo. Người thì nói cô cho ít nước, người thì nói cô cho nhiều nước, buộc tội cô không biết nấu ăn.

Trong trí nhớ của Phạm Thành Kim, cô chưa từng được cha mẹ đồng ý dù chỉ một lần. Bất kể là làm gì, cô sẽ luôn nhận lại sự phủ nhận. Sống dưới sự phủ định của cha mẹ trong nhiều năm, Phạm Thành Kim bắt đầu có rào cản tâm lý và sợ giao tiếp với người lạ.

Trong thời gian học đại học, cô đi làm việc bán thời gian trong một siêu thị. Mỗi khi khách hàng đặt câu hỏi, cô lo lắng đến mức không nói được lời nào. Việc kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp tất nhiên không suôn sẻ nên cô về quê và tìm một công việc trong một trung tâm mua sắm gần nhà. Lương cô không cao nhưng cũng đủ sống. Thế nhưng bố mẹ cô dè bỉu: "Cho ăn học bao năm trời rồi chỉ tìm được công việc như vậy, đây là việc chỉ tốt nghiệp cấp 3 cũng có thể làm được". 

Sau đó, Phạm Thành Kim ở nhà không muốn ra ngoài tìm việc nữa. Thấy có một ngôi nhà ở đầu làng cho thuê nên cô xin bố mẹ tiền để mở siêu thị mini tự khởi nghiệp. Nhưng bố mẹ cô hoàn toàn không ủng hộ ý tưởng của cô, nói rằng cả làng ai cũng đi chợ thì ai mà đi siêu thị mua đồ.

Cuối cùng, dưới "đòn roi tinh thần" nặng nề của cha mẹ, Phạm Thành Kim đã từ bỏ chính mình và sống một cuộc sống... không làm gì cả.

Trường hợp của Phạm Thành Kim không phải là ngoại lệ. Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ là những người ủng hộ trung thành của giáo dục ngược đãi (cả về tinh thần lẫn thể chất).

Năm 2021, Trung tâm khảo sát xã hội của China Youth Daily đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.006 thanh niên trong độ tuổi 18-35. Kết quả cho thấy 90,6% thanh niên được hỏi thừa nhận từng bị cha mẹ "ngược đãi bằng lời nói". 59,7% thanh niên được hỏi cho rằng việc giáo dục con như vậy sẽ dẫn đến thiếu tự tin, dễ phủ nhận bản thân.

Có lẽ trong mắt cha mẹ, đánh mắng và chê bai con có thể kích thích con phát triển tốt hơn, nhưng họ không biết rằng, những đứa trẻ không được tôn trọng thì sẽ không bao giờ dám tự tin. Cái gọi là "giáo dục bằng lời nói" là một phương pháp sai lầm, đi ngược lại mục đích ban đầu của giáo dục. 

Những lời từ chối, phủ nhận và thậm chí cả những lời chửi rủa không phải là tình yêu thương, chứ đừng nói đến giáo dục. Chúng từ đầu đến cuối chỉ là sự tổn thương sâu sắc. Cha mẹ nên giáo dục con cái bằng cách hiểu con mình nhiều hơn từ góc độ của chúng, biết cách đồng cảm, có như vậy con cái lớn lên mới trở thành một người khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Chi Chi dịch

Theo phunuso

----------------

Mời bạn tìm đọc cuốn sách CHA MẸ ĐỘC HẠI – Vượt qua di chứng tổn thương và giành lại cuộc đời bạn
 
 
menu
menu