Sự thủy chung với nghề nghiệp

su-thuy-chung-voi-nghe-nghiep

Người ta vẫn bảo rằng ta nên thủy chung với công việc mình chọn.

Người ta vẫn bảo rằng ta nên thủy chung với công việc mình chọn. Thế nhưng, chỉ trong một tuần làm việc, hẳn ai cũng có đôi ba khoảnh khắc thả hồn mơ màng đến những con đường khác. Ta có thể đang được trả lương để tính toán thuế ở ba quốc gia khác nhau, đánh giá khả năng sinh lời của các tiệm làm móng ở Ba Lan, hoặc giảng dạy cho một lớp học sinh mười bốn tuổi về phương trình bậc hai. Nhưng đâu đó trong đầu, vẫn có một góc nhỏ bận nghĩ đến niềm vui nếu được điều hành một khu trượt tuyết, làm nghiên cứu y khoa, hay điều hành một công ty du lịch. Đó là một phần tính cách phiêu bạt, luôn rỉ rả gặm nhấm sự gắn bó của ta với công việc hiện tại.

Không phải ta thiếu trung thành. Chỉ là ta đang phản ánh một đặc điểm rất con người: ta thực sự có khả năng cho nhiều công việc hơn những gì cuộc đời cho phép. Rất nhiều phần trong con người ta sẽ phải âm thầm nằm lại trong lòng đất mà chưa một lần được sống trọn – và chính điều đó khiến chúng cựa quậy, gõ cửa tâm trí ta trước khi biến mất.

Ta có thể hiểu gốc rễ của nỗi bồn chồn này nếu nhìn lại thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, ta được phép thử đủ thứ. Một sáng thứ Bảy thôi, ta có thể khoác thêm áo ấm và tưởng tượng mình là nhà thám hiểm Bắc Cực, rồi hóa thân thành kiến trúc sư xây nhà bằng Lego, ngôi sao nhạc rock hát về món ngũ cốc ăn sáng, hay nhà phát minh nối bốn cây bút màu để tô cho nhanh hơn. Ta là thành viên đội cứu hộ khẩn cấp, là phi công hạ cánh ngoạn mục một chiếc máy bay hàng hóa trên tấm thảm hành lang, là bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cứu sống chú thỏ len, và cuối cùng là phụ bếp làm bánh mì kẹp thịt nguội và phô mai cho bữa trưa.

Mỗi “trò chơi” ấy có thể đã là khởi đầu của một sự nghiệp. Thế mà, lớn lên, ta chỉ được chọn một – và lặp đi lặp lại nó suốt năm mươi năm. Cuộc sống cho ta làm ít hơn rất nhiều so với những gì ta có thể là. Nhà thơ người Mỹ Walt Whitman, trong bài “Bài ca của chính tôi” xuất bản năm 1855, từng nói thay tiếng lòng ấy: “Tôi rộng lớn, tôi chứa đựng muôn vàn bản thể.” Ý ông là, trong mỗi người đều có vô số phiên bản khả thi, đẹp đẽ, đáng sống. Nhưng hầu như chẳng mấy ai có cơ hội sống trọn những khả thể ấy trong một kiếp người. Thế nên, đâu có gì lạ nếu ta thường âm thầm và đau đáu trước những ngả rẽ chưa từng bước tới – và thỉnh thoảng, thắt lòng nghĩ rằng: lẽ ra, ta có thể là một ai đó hoàn toàn khác.

Việc ta không thể bày tỏ hết những “muôn bản thể” ấy không phải lỗi của ta. Thị trường lao động hiện đại buộc ta phải chuyên môn hóa. Ta không thể vừa làm phi công vào mỗi chiều thứ Tư, vừa leo cây chữa bệnh hai ngày mỗi tháng, tối về sáng tác nhạc, đồng thời kiêm luôn cố vấn chính trị, thợ sửa ống nước, nhà thiết kế thời trang, huấn luyện viên tennis, đại lý du lịch và chủ một quán nhỏ chuyên món Lebanon – dẫu điều đó có thể là cách hoàn hảo nhất để sống đúng với tiềm năng và đam mê của mình.

Lý do vì sao ta không thể làm tất cả những điều ấy đã được nhà triết học người Scotland Adam Smith lý giải từ cuối thế kỷ XVIII. Trong tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia,” ông cho rằng: phân công lao động giúp năng suất xã hội tăng vọt. Ở một xã hội nơi ai cũng làm đủ thứ, số giày, nhà, đinh, lúa mì, dây cương hay bánh xe được làm ra rất ít – và chẳng ai thật sự giỏi điều gì. Nhưng nếu mỗi người chỉ tập trung vào một mảng nhỏ (rèn đinh tán, tạo nan xe, làm dây thừng, xây gạch…), thì họ sẽ làm nhanh hơn, hiệu quả hơn, và tổng thể xã hội sẽ giàu có hơn rất nhiều. Khi tập trung, ta đánh đổi sự phong phú cá nhân để đổi lấy sự sung túc tập thể. Xã hội càng hiện đại, ta càng đi sâu vào những chức danh như: Chuyên viên thiết kế & đóng gói cấp cao, Điều phối viên sàng lọc và tiếp nhận bệnh nhân, Quản lý trung tâm nghiên cứu, Kiểm soát nội bộ và rủi ro, Chuyên viên hoạch định chính sách giao thông… – những bánh răng nhỏ trong một cỗ máy khổng lồ, vận hành hiệu quả, tạo ra của cải… nhưng đầy những khát khao thầm kín được sống với “muôn bản thể” chưa từng thành hình của chính mình.

Việc hầu như tất cả chúng ta chỉ đang làm một phần rất nhỏ trong những công việc mà bản tính của mình thật sự phù hợp đã hé lộ một cách hiểu hoàn toàn mới về khái niệm “thất nghiệp”. Dù hiện tại ta có đang làm gì đi nữa, thì trong mỗi người cũng đang cất giữ ít nhất chín phiên bản khác của bản thân – những con người có thể lao động, có thể đóng góp, nhưng lại đang bị bỏ lại bên lề thị trường việc làm. Theo một cách nghĩ lạ lẫm nhưng chân thật, các con số thống kê về lao động hiện nay thật ra đã đánh giá quá thấp thực trạng. Chúng không phản ánh được sự đa dạng vô tận của những công việc mà mỗi cá nhân có thể làm được, nếu có điều kiện.

Ở Vương quốc Anh, lực lượng lao động khoảng 33 triệu người, với 1,69 triệu người được ghi nhận là thất nghiệp – chiếm khoảng 5,5%. Nhưng nếu tính theo số “phiên bản nghề nghiệp” mà mỗi người thực sự có thể hóa thân thành, thì con số thực tế là khoảng 330 triệu bản ngã đang âm thầm đi tìm cơ hội được sống trọn. Hơn 90% tiềm năng lao động tập thể của ta đang bị bỏ phí.

So với trò chơi trong tuổi thơ, cuộc sống trưởng thành của ta hóa ra lại bó hẹp đến nghẹt thở. Và điều đáng buồn là, ta không thể dễ dàng chữa lành điều đó. Như Adam Smith từng lý giải, vấn đề không nằm ở lỗi lầm cá nhân – mà ở một giới hạn tất yếu của nền kinh tế thị trường: nơi đề cao năng suất, cạnh tranh và hiệu quả. Nhưng ta có quyền tiếc nuối, khi biết rằng sẽ luôn có những phần trong con người mình không bao giờ được lấp đầy. Ta không hề vô lý hay vô ơn. Ta chỉ đang cảm nhận rõ ràng sự va chạm giữa yêu cầu của thị trường lao động và tiềm năng tự do, rộng mở vốn có của mỗi đời người. Hiểu được điều này có chút buồn, nhưng cũng có chút an ủi – rằng nỗi trống trải này sẽ còn đi theo ta, dẫu ta có thay đổi nghề nghiệp đến bao nhiêu lần đi nữa. Đó không phải nỗi buồn cá nhân, mà là một nỗi u uẩn hiện sinh, bắt nguồn từ chính thời đại mà ta đang sống.

Như thường thấy, đời sống nghề nghiệp có nhiều điểm song hành với đời sống tình cảm. Một sự thật lạ lùng là – dù có đang yêu ai, thì điều đó không phủ nhận khả năng ta hoàn toàn có thể có những mối quan hệ tuyệt vời khác với hàng tá, thậm chí hàng trăm người khác trên đời này. Những người đó có thể giúp ta khám phá những phần tính cách chưa từng bộc lộ, làm ta vui theo những cách rất riêng (và buồn theo những cách cũng rất riêng), mở ra cho ta những khung trời mới lạ. Thế nhưng, cũng như trong công việc, việc chuyên tâm vào một người mang lại lợi ích rõ rệt: ta có thể tập trung, nuôi dạy con trong môi trường ổn định, học cách thỏa hiệp và cùng nhau trưởng thành.

Trong tình yêu và trong công việc, cuộc sống đòi hỏi ta phải trở thành những chuyên gia – dù tự nhiên của ta lại thuộc về sự phiêu lưu, tò mò, rộng mở. Và thế là, trong ta, luôn tồn tại những phiên bản hấp dẫn, đang ở dạng mầm non, nhưng sẽ chẳng bao giờ được sống trọn. Đó là một ý nghĩ buồn, nhưng lại có phần an ủi. Bởi nỗi đau này không đơn độc. Nó mang một vẻ đẹp âm thầm, có phần trang trọng – bởi nó không chỉ xảy đến với riêng ai. Nó chạm tới CEO cũng như thực tập sinh, chạm đến nghệ sĩ cũng như kế toán. Ai rồi cũng sẽ có những hạnh phúc mà mãi mãi không bao giờ được nắm lấy. Và khi ta đau vì điều đó, nghĩa là ta đang sống một phần số phận chung của con người.

Có lẽ, trong một phút tĩnh lặng đầy tiếc nuối, ta có thể gỡ bỏ trang web tìm việc khỏi dấu trang trình duyệt, hủy gói thành viên ứng dụng hẹn hò, như một sự thừa nhận nhẹ nhàng rằng: dẫu ta có cố đến đâu, vẫn sẽ có những phần của bản thân buộc phải chết đi trước khi kịp lớn lên. Tất cả – để đổi lấy sự tập trung, và để sống hết mình với một lựa chọn duy nhất mà cuộc đời cho phép.

Nguồn: JOB MONOGAMY | The School Of Life 

menu
menu