Sự vô nghĩa của việc tìm kiếm một kết thúc viên mãn

Vì sao ta cần một cái kết, và vì sao nó thường xa vời
Một trong những khao khát mạnh mẽ nhất trong những mối quan hệ khiến ta đau khổ, mà thường là với cha mẹ hoặc người tình, là điều mà ta vẫn quen gọi một cách nôm na là “sự khép lại” hay “kết thúc trọn vẹn”. Có thể ta không luôn ý thức rõ vì sao điều ấy lại quan trọng, nhưng ta cảm nhận rất rõ sự thiếu vắng nó.
Trong trí tưởng tượng về một cái kết trọn vẹn, dù những vết thương đã được gây ra từ lâu, ta hình dung cảnh mình có thể ngồi xuống đối thoại với người mẹ hay người yêu cũ. Có thể đã vài tháng hoặc nhiều thập kỷ trôi qua kể từ những ngày tháng khó khăn ấy. Ta có lẽ đã vượt qua được phần nào, có thể ta giờ là một giám đốc điều hành thành đạt trong một công ty danh giá, hoặc đang hạnh phúc bên người bạn đời mới, xinh đẹp và tử tế, với những kế hoạch gây dựng tổ ấm tương lai. Thế nhưng, đâu đó trong sâu thẳm, ta vẫn thấy mình còn trách nhiệm với phiên bản non nớt ngày xưa của chính mình, một đứa trẻ từng bị đối xử thô bạo, bị la mắng không ngừng, bị làm cho xấu hổ và chế giễu. Hoặc ta thấy đau lòng thay cho phần mình từng yêu thương tha thiết, phần đã phải chịu đựng sự phản bội ê chề, đã từng bất lực nhìn người mình yêu trượt khỏi vòng tay một cách lạnh nhạt và mơ hồ, đã từng viết những lá thư dài lê thê không bao giờ được hồi âm.
Photo by Annie Spratt on Unsplash
Vì sao ta cần một cái kết, và vì sao nó thường xa vời
Đó là lý do ta hẹn gặp người cha hay mẹ nay đã già, chống gậy bước vào căn phòng, hoặc đồng ý đi uống trà với người yêu cũ, người đón ta bằng nụ cười và chiếc áo xanh tươi mới. Kịch bản trong đầu ta có thể sẽ như sau: “Ngay từ đầu, con đã cảm thấy mẹ luôn thiên vị chị con; con làm gì cũng không được chấp nhận. Tại sao trong nhà lại có hai bộ quy tắc? Một cho con, và một cho chị ấy…”
Và rồi người cha hay mẹ ấy, người đã thực sự suy nghĩ về điều này, đã dành hàng giờ hồi tưởng về vai trò của mình, đã day dứt vì muốn chuộc lỗi, sẽ nói: “Con yêu, mẹ biết chuyện đó làm con tổn thương nhiều đến nhường nào. Bao năm qua mẹ đã cố gắng để bù đắp. Mẹ biết con vẫn oán giận mẹ rất nhiều. Điều quan trọng nhất mẹ muốn nói là mẹ yêu con và mẹ vô cùng xin lỗi vì những nỗi đau mà con đã phải chịu đựng…” Có thể họ sẽ kể về những nguyên do đằng sau sự tàn nhẫn của mình. Họ đã cư xử như vậy vì ảnh hưởng từ chính người mẹ của họ. Họ hiểu vì sao mình không hoàn hảo. Họ chịu trách nhiệm. Họ hiểu chính bản thân mình. Và họ thật sự đau lòng vì tất cả những điều ấy.
Tương tự, ta mơ rằng người yêu cũ sẽ đến với những nhận thức sâu sắc. Rằng họ đã đi trị liệu tâm lý và đã thay đổi. Rằng trong suốt những tháng sau chia tay, họ đã ghép lại từng mảnh vỡ: “Anh đã không dám nói rằng mình muốn một khởi đầu mới. Anh biết ơn em, nhưng cũng mang trong mình cảm giác tội lỗi. Chính từ đó mà chuyện kia đã xảy ra. Không thể tha thứ được, em hoàn toàn có quyền giận anh…”
Nhưng dù những khoảnh khắc cảm động ấy chắc chắn đã từng tồn tại, dù trong lịch sử nhân loại, đâu đó bên kim tự tháp, dưới thác nước, trong vườn chùa hay hành lang phủ bóng, ta vẫn có thể khẳng định một cách nhẹ nhàng và chắc chắn rằng đó luôn là những ngoại lệ hiếm hoi.
Phổ biến hơn nhiều là sự gián đoạn kéo dài và những bí ẩn không lời giải: người cha hay mẹ bùng lên tức giận: “Ý con là gì? Sao con không biết ơn hơn chút? Lại than phiền nữa à?” Hay người tình cũ phủ nhận mọi chuyện, hoặc mơ hồ biến mất vào làn sương cảm xúc: “Anh xin lỗi, đầu óc anh mù mịt quá. Chắc em đúng đấy. Anh phải đi rồi…”
Chúng ta rút ra được một điều: nếu ai đó bị tổn thương đến mức có thể làm ta đau theo cách ấy, thì họ cũng không đủ khả năng để chữa lành cho ta như ta vẫn hy vọng. Một người có thể lạnh lùng làm tổn thương một đứa trẻ năm tuổi, hoặc xua đuổi một người yêu thương chân thành, thì rất khó có thể quay lại sau nhiều năm hay nhiều thập kỷ để làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn. Người ta hoặc có khả năng sống tử tế, trưởng thành hoặc không. Người ta hoặc có khuynh hướng tàn nhẫn hoặc không.
Điều này không có nghĩa ta phải từ bỏ mong muốn khép lại quá khứ; chỉ là ta nên ngừng trông chờ nó từ chính những người đã khiến ta cần điều ấy ngay từ đầu.
Tìm sự hồi phục từ những nơi không ngờ tới
Ta cần mang những khát khao ấy đến với những người có thể thực sự giúp ta: những nhà trị liệu thấu cảm, những người bạn hiền, những người bạn đời mới, những người cha mẹ thay thế. Chính họ mới là người sẽ giúp ta nhìn thấu, giúp đặt nỗi đau vào bối cảnh, giúp hồi sinh niềm hy vọng cạn kiệt trong lòng. Khi ta hiểu được vì sao sự khép lại lại quan trọng đến vậy, ta cũng dần nhận ra rằng nguồn gốc của nó hiếm khi đến từ những kẻ đã làm ta tổn thương. Vẫn có những người có thể chữa lành vết thương trong ta, chỉ là hiếm khi nào họ chính là những con người bối rối, non nớt, từng nhẫn tâm gây ra điều đó.
Nguồn: THE FUTILITY OF SEEKING CLOSURE | The School Of Life