Sức mạnh của việc không làm gì

suc-manh-cua-viec-khong-lam-gi

Cả thế giới hiện nay đo lường giá trị theo thuật ngữ bận rộn hơn là chất lượng công việc. Nói cách khác, nó đã trở thành một thứ biểu tượng – trạng thái “đang bận”.

Con cá sấu già đang nằm nổi bên bờ sông khi một con cá sấu trẻ hơn bơi tới bên cạnh nó.

“Tôi nghe nhiều người nói rằng bác là tay thợ săn ác liệt nhất con sông này. Làm ơn hãy dạy tôi các kỹ thuật của bác.”

Bị đánh thức khỏi giấc ngủ ngắn trong một ngày đẹp trời, con cá sấu già liếc nhìn con cá sấu trẻ với đôi mắt bò sát của mình, không nói gì và sau đó lại ngủ thiếp đi trên mặt nước.

Cảm thấy thất vọng và thiếu tôn trọng, cá sấu trẻ bơi ngược dòng đuổi theo mấy con cá da trơn, để lại phía sau một loạt bong bóng. Nó nhủ thầm: “Mình sẽ cho bác ta thấy.”

Cuối ngày, con cá sấu trẻ trở lại bên cá sấu già, kẻ vẫn đang ngủ và bắt đầu khoe khoang về cuộc săn mồi thành tựu của nó.

“Tôi đã bắt được hai con cá da trơn đầy thịt hôm nay. Bác bắt được gì rồi? Không có gì ư? Có lẽ bác không mạnh như người ta nói. 

Không hề bị ảnh hưởng, con cá sấu già lại nhìn cá sấu trẻ, không nói gì, nhắm mắt lại và tiếp tục nổi trên mặt nước khi những chú cá nước ngọt nhỏ xíu bơi nhẹ nhàng cùng đám tảo trên bụng nó.

Một lần nữa, con cá sấu trẻ tức giận vì không thể nhận được phản ứng nào từ vị cao tuổi kia, lần thứ hai nó bơi về thượng nguồn để xem có thể tiếp tục săn được cái gì.

Sau vài giờ lùng bắt, nó săn được một con cò nhỏ. Mỉm cười, nó giữ con cò trong hàm và bơi trở lại bên con cá sấu già, kiên quyết thể hiện ai mới là thợ săn thực sự.

Khi con cá sấu trẻ uốn người quay tròn, nó thấy con cá sấu già vẫn trôi nổi chỗ cũ bên bờ sông.

Tuy nhiên, có gì đó đã thay đổi – một con linh dương đầu bò to lớn đang thưởng thức việc uống nước buổi chiều chỉ cách đầu con cá sấu già vài mét.

Trong một chuyển động nhanh như chớp, con cá sấu già lao ra khỏi nước, quấn cái hàm quanh con linh dương khổng lồ và kéo nó xuống nước.

Kinh hoàng, con cá sấu trẻ bơi lên khỏi mặt nước với con chim nhỏ còn treo bên miệng. Nó nhìn cá sấu già đang thưởng thức bữa ăn 500 kg của mình và hỏi:

“Làm ơn… hãy nói cho tôi … làm sao…. Làm sao bác làm được điều đó?”

Nhìn qua con linh dương đầu bò, cá sấu già cuối cùng cũng đáp lại:

“Ta chả làm gì cả.”

Làm gì quan trọng hơn khoe khoang

Khi lần đầu xây dựng JotForm, tôi giống như con cá sấu trẻ tuổi, tin rằng tôi luôn phải làm gì đó mới có kết quả.

Hồi đó, nếu ai đó nói với tôi rằng có thể thu được kết quả lớn hơn nếu chẳng làm gì, tôi sẽ quay đi và tiếp tục dồn dập với ngày làm việc 16 giờ.

Tôi nghĩ để thành công, tôi phải liên tục xây dựng, làm việc, tăng trưởng và phát triển những thứ tiếp theo – bất kể “thứ” đó là gì.

Tất cả chúng ta đều có vấn đề với sự bận rộn. Nhưng bận rộn và thành công lại không đi cùng nhau. Và tôi nghĩ, nếu chúng ta đặt “không làm gì” ở thang ưu tiên cao hơn, chúng ta có lẽ tự thấy bản thân sẽ bắt được nhiều linh dương hơn cá da trơn.

Điều đó xảy ra đúng với tôi, và tôi hy vọng nó cũng đúng với bạn nữa.

Nhưng làm ít hơn hoặc không làm gì thì nói dễ hơn làm, đặc biệt với xã hội đắm chìm trong cảnh cực kỳ bận rộn này. Hãy xem xét kỹ hơn nỗi ám ảnh không lành mạnh của chúng ta với việc bận rộn…

Căn bệnh “cực kỳ bận rộn”

Nhân loại đã phải vật lộn với sự bận rộn từ lúc mới bắt đầu – hay ít nhất từ năm 425 TCN khi Homer đi tới Trái Đất.

Odyssey kể câu chuyện về những người ăn Hoa sen – một tộc người kỳ lạ suốt ngày lười biếng, chỉ ăn hoa sen và không làm gì cả. Và điều lạ lùng hơn cả chuyện viễn tưởng là những người này hài lòng với cuộc sống của họ.

Homer đã viết rằng sau khi một số thủy thủ trong đoàn người của Odyssey ăn Hoa sen của tộc người ăn Hoa sen (nói nhanh gấp 3 lần), họ bắt đầu giống tộc người ăn Hoa sen – hài lòng, thư giãn và hơi thờ ơ.

Sợ nếu toàn bộ đám người của mình ăn Hoa sen sẽ không còn động lực trở về nhà, Odyssey ra lệnh trói những người bị ảnh hưởng vào băng ghế và buộc con tàu khởi hành ngay lập tức.

Thật thú vị, phản ứng của Odyssey đối với cảm giác “không làm gì” này nghe giống với CEO công ty, các nhà sáng lập doanh nghiệp startup, hay huấn luyện viên bóng đá ở trường học mà chúng ta biết ngày nay – những người nghiện làm việc vất vả nên khinh miệt bất cứ thứ gì có thể ám chỉ tới cảm giác tự mãn.

Họ dù ở đỉnh của một tảng băng xã hội lớn hơn nhiều mà còn cảm thấy bị đóng băng vì sợ hãi khi nghĩ tới việc chẳng làm gì cả.

Cả thế giới hiện nay đo lường giá trị theo thuật ngữ bận rộn hơn là chất lượng công việc. Nói cách khác, nó đã trở thành một thứ biểu tượng – trạng thái “đang bận”.

Đã bao nhiêu lần bạn từng nghe hoặc bản thân rơi vào cuộc trò chuyện như thế này…

- Gần đây cậu thế nào, Mark?

- Ôi trời, bận phát điên mất thôi!

- Thật tuyệt khi nghe điều đó, anh bạn – cứ duy trì thế nha!

Chúng ta vô thức phát triển cách đo giá trị của một người dựa trên số giờ họ làm việc, số tiền trên đĩa của họ - dù họ có đang chạy như gà bị cắt tiết hay không.

Trong cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ (4 hour Work Week) của Tim Ferriss, anh chàng vui vẻ với ý tưởng này bằng cách nói thẳng rằng nếu bạn muốn thăng tiến, bạn nên trông có vẻ bận rộn hơn bằng cách làm việc với nhiều giờ hơn, tranh giành với mọi người và liên tục trả lời email.

Nhưng sớm hay muộn, tất cả chúng ta đều phải tự hỏi bản thân: sứ mệnh của chúng ta là gì – liệu có phải là công việc bận rộn nhất hay việc tạo ra ảnh hưởng lớn nhất?

Và thật thú vị khi nhìn vào một số bộ óc vĩ đại nhất trên Trái Đất này, chúng ta đều thấy có một điểm chung thú vị - họ đều giành thời gian để không làm gì cả.

Sức mạnh của việc không làm gì

Làm cho một giai đoạn thời gian trong đời bạn không làm gì cả có thể là một thách thức – đặc biệt trong tuần làm việc khi chúng ta bị ném vào vô số cuộc họp, thông báo và danh sách các nhiệm vụ ngày càng tăng.

Những người sáng lập doanh nghiệp bận rộn bắt đầu triển khai cái gọi là “Think Weeks” (Những tuần lễ để suy nghĩ) vào lịch trình hằng năm của họ - đó là những khoảng thời gian họ dành để đọc, nghĩ, và sống bên ngoài thế giới đang bị đóng gói để vận hành doanh nghiệp của họ.

Trong khi những nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ như Mike Karnjanaprakorn của Skillshare mới bắt đầu chấp nhận thực hành cách làm này, giống như các tên tuổi lớn như Steve Jobs, Mark Zuckerberg và Tim Ferriss, chính Bill Gates mới là người đầu tiên tạo ra cái Think Week nổi tiếng này.

Suốt nhiều năm điều hành Microsoft, Gates thường rút lui vào những tuần lễ Think Weeks dài khoảng hai lần mỗi năm – không phải là kì nghỉ, mà là khoảng thời gian thực sự không làm gì cả.

Gates rất kiên quyết thực hiện các Think Weeks của mình đến mức gia đình, bạn bè và cả nhân viên Microsoft cũng bị cấm. Ngày nay, Gates cho rằng phần lớn sự thành công của Microsoft đến từ những ý tưởng và khái niệm lớn ông tình cờ thu nhặt được trong khi không làm gì cả.

Thực hiện việc “Không làm gì”

Bạn không cần thiết phải cấm gia đình và bạn bè trong tuần lễ Think Week của mình. Để tôi lấy một ví dụ.

Mỗi năm, tôi dành ít nhất một tuần nghỉ ngơi, thoát khỏi công ty của tôi và quay trở lại quê nhà giúp bố mẹ tôi thu hoạch ô liu.

Tất cả những suy nghĩ về tăng trưởng hay tỉ lệ chuyển đổi của doanh nghiệp sẽ biến mất khi bạn chọn ô liu. Đó là thiền định và giúp mình bình tĩnh.

Tôi biết việc hái ô liu sẽ không đưa tôi đến đỉnh cao của TechCrunch, nhưng đó là thước đo thành công cá nhân. Bằng cách nào đó, một số ý tưởng hay nhất của tôi thường đến trong giai đoạn này.

Đối với những người không thể dành một tuần mỗi năm mà không làm gì cả, tôi khuyên bạn nên thực hiện một cách tiếp cận hơi khác một chút – thực hiện lễ Sabbath kĩ thuật số.

Vào thứ bảy hay chủ nhật, hãy ép bản thân tránh xa tất cả các hình thức công nghệ - một cách thực hành được gọi là Sabbath kỹ thuật số.

Hãy tắt điện thoại và giấu nó trong tủ quần áo. Hãy gập laptop lại, tống nó dưới giường. Và cố gắng bằng mọi nỗ lực tránh xem Netflix.

Hãy cho bộ não không gian suy nghĩ bằng cách bước ra khỏi cái máy xay thường nhật và không làm gì cả. Tâm trí bạn sẽ có thời gian để va chạm với những ý tưởng mới hoặc xử lý những cái cũ theo chiều sâu hơn.

Bạn có thể tìm thấy thành công đơm hoa từ việc thực hành như chú cá sấu già trong phần đầu bài viết này.

Trong khi chúng ta tự nhủ mình có thể đạt được nhiều hơn bằng cách bon chen xô đẩy trên đường đời, đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại và trôi nổi tự nhiên lại tốt hơn.

Và hãy đợi, cho đến khi con linh dương đầu bò xuất hiện.

 

Aytekin Tank

Ngày 7 tháng 6 năm 2018

Theo https://medium.com/swlh/the-power-of-doing-nothing-at-all-73eeea488b8b

Nguồn dịch: http://talkwithcheryl.blogspot.com/2018/08/danh-cho-nguoi-khoi-nghiep-suc-manh-cua.html

menu
menu