“Ta thông minh hơn người” - hiện tượng tâm lý ai cũng gặp
Hầu hết mọi người tin rằng mình thông minh hơn, tài giỏi hơn người khác. Ngay cả khi có người cố quật đổ niềm tin vững chắc đó, bộ não vẫn có những cơ chế để bảo vệ suy nghĩ cố hữu. Con người thường xuyên đánh giá sai khả năng của mình
Hầu hết mọi người tin rằng mình thông minh hơn, tài giỏi hơn người khác. Ngay cả khi có người cố quật đổ niềm tin vững chắc đó, bộ não vẫn có những cơ chế để bảo vệ suy nghĩ cố hữu. Con người thường xuyên đánh giá sai khả năng của mình - theo các nhà tâm lý học.
Bản năng tự đề cao
Trong một cuộc thử nghiệm nhỏ, nhóm nhà tâm lý học Mỹ đã đề nghị các tài xế tự đánh giá khả năng của mình và so sánh với đồng nghiệp. Kết quả là, 93% số người được hỏi tự tin trả lời: “Kỹ năng của tôi rất tốt, tốt hơn đồng nghiệp và đương nhiên vượt mức trung bình”.
Các nhà tâm lý học đã chứng minh con người thường không nhìn thấy nhược điểm của mình, dễ ảo tưởng, tự thuyết phục bản thân rằng mình làm việc tốt hơn người khác. Cái tôi bên trong mỗi con người thường khiến ta khó chịu khi phải chấp nhận sự thật mình kém cỏi hơn người nào đó trong một lĩnh vực mình quan tâm.
Nhà tâm lý xã hội học Heidi Grant Halvorson trong cuốn sách “No one understands you and what to do about it” (tạm dịch: “Không ai hiểu bạn và cách xử lý điều đó”) bình luận, trừ khi bạn bị trầm cảm còn bình thường ai cũng có cái tôi khá lớn.
Theo bà Halvorson, con người có ý thức và vô thức, liên tục tự đánh giá và so sánh mình với người khác: “Khả năng của tôi thế nào so với những người khác?”. Và, bộ não - với cơ chế tự bảo vệ và củng cố cái tôi trong mỗi chúng ta - luôn đưa ra câu trả lời rằng chúng ta giỏi giang hơn, tốt đẹp hơn mức trung bình. Khi mối đe dọa đối với cái tôi của chúng ta xuất hiện bất ngờ (như một đồng nghiệp tỏ ra tài giỏi hơn hay một người làm cùng công việc được thăng chức), bộ não - một cách vô thức - sẽ làm việc hết năng suất để duy trì nguyên trạng và loại bỏ mối đe dọa ấy.
Nhà tâm lý xã hội học Halvorson cho biết thêm, trong trường hợp gặp phải đối thủ quá nặng ký, rõ ràng là rất giỏi trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta có thể so sánh mình với đối thủ ở một khía cạnh khác mà chúng ta cảm thấy có lợi thế. Đôi khi ta còn phóng đại khả năng của mình. Khi chứng kiến ai đó thành công, chúng ta có thể tập trung vào khía cạnh người này là một thành viên trong nhóm mình và nghĩ rằng “thành công của họ cũng là thành công của tôi”.
Tác giả cuốn “Không ai hiểu bạn và cách xử lý điều đó” lý giải rằng, chúng ta có thể coi thành công của họ là sự thành công của cả tập thể và “tự đắm mình trong vinh quang của người khác”.
Còn có cách khác để bảo vệ cái tôi của bản thân, đó là giảm bớt sự liên quan trong thành công của đối thủ với mình. Chẳng hạn, khi một đồng nghiệp sắp được thăng chức, có thể bạn sẽ tự nhủ rằng mình chẳng muốn lên chức chút nào - theo bà Halvorson.
Trong nhiều trường hợp, các cách trên vẫn chưa đủ và bạn không thể tự lừa dối mình rằng bạn không muốn có được thành công tương tự. Khi đó, để vẫn giữ được suy nghĩ mình cũng thông minh, tài giỏi hay nói cách khác là để bảo vệ cái tôi của bản thân, bạn còn một cách nữa: Xa lánh đối thủ.
Trong trường hợp này, bạn có thể tạo ra khoảng cách giữa mình và đối thủ, rồi cuối cùng tìm cách tránh mặt người đó hoàn toàn. Theo bà Halvorson, trên thực tế có không ít trường hợp anh, chị, em hoặc bạn bè dần dần xa cách nhau vì ganh đua với nhau.
Người bất tài không biết mình yếu kém
Năm 1999, hai chuyên gia tâm lý Justin Kruger và David Dunning thuộc Đại học Cornell, New York (Mỹ) đã tiến hành một thử nghiệm xem liệu những người bất tài, kém thông minh hoặc không có năng khiếu nổi trội có tự nhận thức được sự yếu kém của mình hay không.
Kết quả thử nghiệm đã cho thấy, những người bất tài, kém thông minh, thiếu năng lực cũng không hay biết gì về sự yếu kém của mình. Tên hai nhà khoa học này (Dunning - Kruger) đã được đặt cho một hiệu ứng tâm lý về sự lệch lạc nhận thức mà họ phát hiện ra, trong đó những người bất tài, thiếu năng lực đưa ra quyết định tồi và kết luận sai lầm, nhưng chính sự bất tài, thiếu năng lực lại ngăn họ nhận thức về những sai lầm, kém cỏi của mình.
Một trong những người được chứng minh mắc hiệu ứng Dunning - Kruger là tên cướp ngân hàng McArrthur Wheeler, bị bắt giữ vào năm 1995 sau khi cướp hai ngân hàng giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề đeo mặt nạ hoặc có bất cứ hình thức cải trang nào khác. Khi được hỏi tại sao lại chủ quan, khinh suất như vậy, tên cướp này vô tư trả lời: “Nhưng tôi đã bôi nước trái cây lên mặt mà!”. McArrthur Wheeler thực sự tin rằng khi quệt nước chanh lên mặt, anh ta trở nên “vô hình” trước hệ thống camera an ninh của ngân hàng.
Trong bài thử nghiệm tự đánh giá IQ, những người có IQ dưới trung bình cũng tự đánh giá điểm số của họ cao hơn thực tế. Trong thử nghiệm khác, một nhóm sinh viên được yêu cầu trả lời các câu hỏi về logic và ngữ pháp. Kết quả là những người kém nhất nhìn nhận khả năng của mình cao hơn thực tế rất nhiều.
Nguồn bài: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/ta-thong-minh-hon-nguoihien-tuong-tam-ly-ai-cung-gap/20160728100559141p1c160.htm