Tại sao bạn (có lẽ) không phải là một người giao tiếp giỏi

tai-sao-ban-co-le-khong-phai-la-mot-nguoi-giao-tiep-gioi

Một trong những lý tưởng đẹp đẽ của các mối quan hệ hiện đại là: cả hai đều sẽ biết cách “giao tiếp tốt”. Người ta cho rằng giao tiếp là cốt lõi của một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc.

Một trong những lý tưởng đẹp đẽ của các mối quan hệ hiện đại là: cả hai đều sẽ biết cách “giao tiếp tốt”. Người ta cho rằng giao tiếp là cốt lõi của một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc.

Nhưng, giao tiếp thực sự là gì? Chắc chắn không chỉ đơn thuần là nói chuyện. Việc bạn trò chuyện rôm rả về thời tiết hay kể vài câu chuyện dí dỏm về đội bóng địa phương không đủ khiến bạn trở thành một người giao tiếp giỏi.

Giao tiếp giỏi nghĩa là bạn có khả năng truyền đạt một cách chính xác đến người kia về những gì đang thực sự diễn ra trong đời sống cảm xúc và tâm lý bên trong bạn — đặc biệt là những góc tối, những điều rối rắm và dễ gây tổn thương nhất — theo cách mà người kia có thể thấu hiểu, và thậm chí là cảm thông.

Người biết giao tiếp có thể dắt người mình yêu thương đi vào những miền tính cách phức tạp nhất của chính mình — nhẹ nhàng, đúng lúc, không kịch tính, không tức giận — giống như một hướng dẫn viên đưa du khách đến vùng đất từng xảy ra thiên tai, với sự chuẩn bị kỹ càng và tâm thế bình tĩnh. Họ có thể nói về những phần “vấn đề” trong mình một cách dễ tiếp nhận, không khiến người nghe hoảng sợ, và đủ để được thấu hiểu, cảm thông, có thể được tha thứ, và yêu thương tiếp tục.

Nhưng thực tế, hầu hết chúng ta lại là những người giao tiếp rất tệ. Bởi có quá nhiều điều bên trong ta mà chính ta còn không dám đối mặt, cảm thấy xấu hổ, hoặc chưa thực sự hiểu rõ. Làm sao có thể chia sẻ một cách tỉnh táo những phần sâu thẳm đó cho người mình yêu, khi chính mình còn đang quay lưng với nó?

Có thể bạn vừa phí nguyên một ngày lang thang vô định trên mạng. Có thể bạn đang bối rối vì khao khát thể xác với một người khác. Có thể bạn đang chìm trong cơn ghen tị vì đồng nghiệp kia làm gì cũng đúng. Hay bạn đang bị nhấn chìm bởi những hối tiếc và tự ghét bản thân vì những quyết định dại dột năm ngoái — chỉ vì một khát khao được công nhận. Cũng có thể, nỗi sợ về tương lai đang khiến bạn lặng im: Mọi thứ sẽ đổ vỡ. Hết thật rồi. Mình chỉ có một đời – và mình đã lãng phí nó… Có những thứ trong ta quá tệ hại, quá rối rắm đến mức vẫn còn sống sờ sờ trong hình hài chưa được tiêu hóa, chưa được hiểu thấu. Và vì thế, ta không sao có thể đem nó ra trước mặt người mình yêu thương theo cách mà họ có thể tiếp nhận bằng sự bình tĩnh và bao dung.

Nhưng dù ta không “giao tiếp” những điều đó theo cách lý trí, thì chúng vẫn rò rỉ ra ngoài, chỉ là dưới hình thức độc hại. Ta vẫn “truyền đạt”, nhưng là qua hành vi tổn thương. Như người ta hay nói, ta diễn. Khi không thể gọi tên được nỗi đau, ta có thể gắt gỏng bất thường khi ai đó hỏi “em sao vậy?” Hoặc lặng im như tảng đá. Hoặc né tránh mọi chủ đề như thể đang chạy trốn chính mình.

Ở trung tâm của vấn đề là điều này: ta không chỉ muốn người yêu hiểu mình, mà ta còn rất, rất cần được yêu. Và khi ta cảm thấy rằng nếu mình thành thật, thì tình yêu kia có thể tan vỡ, ta sẽ chọn hy sinh sự thật. Nhưng sự thật ấy, dù bị chối bỏ, vẫn sẽ tìm đường trỗi dậy, qua những biểu hiện khiến cả hai cùng tổn thương. Vậy tại sao ta lại thấy giao tiếp là điều khó đến thế?

© Flickr/Tetra Pak

Một: Không có hình mẫu tốt để noi theo

Chúng ta học cách nói khi được lắng nghe người khác nói. Và quan trọng hơn, ta học cách nói về những điều khó nói — bởi từng được chứng kiến người khác bàn về những điều ấy một cách tử tế và tinh tế.

Nhưng phần lớn chúng ta không lớn lên trong môi trường có những “người giao tiếp giỏi”. Bố mẹ có thể đã rất yêu thương ta, nhưng họ lại không thể hiện được nghệ thuật giãi bày nỗi niềm đen tối bên trong mình một cách đúng lúc, tỉnh táo và nhẹ nhàng. Thay vào đó, họ diễn. Họ trở về nhà sau một ngày mệt mỏi, trút giận lên ta hoặc lên người bạn đời vì bị đồng nghiệp làm nhục; họ đập chén đũa chan chát vì cảm thấy mình bị bỏ rơi trong đời sống thể xác. Và một tiền lệ độc hại đã được thiết lập từ đó.

Hai: Có thể “xấu” mà vẫn — nhìn chung — là người “tốt” hay không?

Trong một tuổi thơ lý tưởng, những người yêu thương ta sẽ vẫn yêu ta mà không đòi hỏi ta phải hoàn hảo. Họ có thể chấp nhận việc ta — đôi khi, trong một chốc — trở nên dữ dằn, giận dữ, ích kỷ hay nổi loạn — mà không vì thế xem ta là kẻ đáng ghét hay không đáng được yêu thương.

Chính điều đó sẽ gieo cho ta một niềm tin nền tảng cho những lần ta muốn mở lòng sau này: rằng ta có thể là chính mình — phần lớn là như thế — và nếu được giãi bày một cách tử tế, người thương vẫn sẽ hiểu được. Ta sẽ không cần phải lớn lên và trở thành một kẻ chuyên nói dối chỉ để giữ lấy tình yêu.

Điều này càng đúng với chuyện tình dục, thứ dễ khiến một thiếu niên cảm thấy “đáng xấu hổ” hơn bất cứ điều gì khác. Trong thế giới lý tưởng, ta có thể đón nhận những khía cạnh bất thường trong khao khát thể xác của mình (những điều mà, đặt trong bối cảnh khác, sẽ thật kinh khủng: mong muốn chiếm đoạt, thô lỗ, vượt ngoài chuẩn mực…) mà không thấy mình là một con người bệnh hoạn hay đồi bại.

Nhưng đa phần chúng ta không có được cái nền đó. Ta lớn lên với cảm giác rằng nếu một lần lỡ nổi nóng với người yêu, ta sẽ bị xem như kẻ thô lỗ, cục súc. Nếu ta thú nhận mình có lúc lười biếng, ta sẽ bị khinh là vô dụng. Nếu ta thổ lộ một gu tình dục hơi khác thường, ta sẽ bị dán mác biến thái. Nếu ta hé lộ những bất an về công việc, người kia sẽ lo ta là kẻ thất bại.

Và như thế, thay vì có được cảm giác rằng ta — một cách cơ bản, ở những phần cốt lõi — vẫn là người bình thường, tử tế, đang vật lộn với những xáo trộn và khao khát vốn có trong hành trình làm người, ta lại chìm trong cảm giác mình là một kẻ tệ hại.

Chính cái khuynh hướng tự chán ghét bản thân — và từ đó cho rằng người khác cũng sẽ phán xét ta khắc nghiệt — là chướng ngại lớn nhất cho giao tiếp. Sự xấu hổ tước đi của ta khả năng nói ra điều mình đang mang một cách hợp lý và dễ chấp nhận. Nó khiến ta muốn che giấu mọi khiếm khuyết. Ta cảm thấy cách duy nhất để giữ lại chút phẩm giá là im lặng. Không phải vì ta kiêu ngạo hay cho rằng người yêu không có quyền được biết. Mà là bởi ta sợ đến thắt ruột rằng cảm giác tự khinh mình sẽ bị nhân lên gấp bội nếu có người chứng kiến.

Ba: Nói ra sẽ khiến người kia quá đau lòng

Không phải chỉ những bậc cha mẹ thờ ơ, lạnh nhạt mới tạo nên khó khăn trong chuyện này. Còn có một khả năng khác, thậm chí nguy hiểm hơn: một người mẹ hay người cha yêu con tha thiết, bao dung vô hạn, hy sinh không ngơi nghỉ — và ta cũng yêu họ đến tận cùng. Nhưng dường như… họ cần ta phải là một phiên bản nhất định. Họ không thể chịu đựng sự thất vọng. Họ mong manh. Và nhiệm vụ của ta là giữ họ nguyên vẹn.

“Nếu con nói ra điều này — điều vừa xấu vừa thật — mẹ sẽ buồn lắm, mẹ sẽ đau đến không gượng dậy nổi…” Một đứa trẻ sẽ học cách nghĩ như thế khi lớn lên bên cạnh người cha hay người mẹ rất yêu mình, rất dịu dàng, nhưng luôn toát ra cảm giác rằng họ dễ tổn thương đến mức không thể chịu nổi nếu biết một phần tính cách của ta không khớp với những gì họ trông đợi. Nếu ta nói với mẹ rằng ta ghét đàn cello, mẹ sẽ tổn thương biết bao — mẹ đã sắp xếp cho ta học, đã tự hào về ta, đã dành dụm bao nhiêu năm để mua cây đàn ấy. Nếu ta nói rằng ta ghét phải đến thăm ông bà mỗi chiều thứ Bảy, mẹ sẽ thấy như thể bị phản bội — một vết thương khó lành. Nếu mẹ biết ta làm gì mỗi đêm trong chăn tối...

Tất cả những điều ấy nhắc ta nhớ rằng: giao tiếp tốt là một con đường hai chiều. Ta cần nỗ lực để nói ra sự thật về bản thân một cách tử tế và trung thực. Nhưng đồng thời, ta cũng cần trở thành người có thể đón nhận sự thật của người khác bằng lòng khoan dung. Ta không nên đặt ra cái ngưỡng chấp nhận quá cao — cao đến mức khiến người mình yêu không còn lựa chọn nào ngoài việc nói dối.

Bốn: Không ai có thể hiểu được tôi

Không có gì lạ khi đôi lúc ta cảm thấy rằng chuyện trò, chia sẻ… chẳng bao giờ mang lại kết quả. Ta đã thất bại quá nhiều lần. Quá khứ của ta đầy rẫy những lần giãi bày bất thành. Ta đã thử nói với người kia điều gì đó — và mọi thứ chẳng đâu vào đâu. Rồi ta bỏ cuộc. Mãi mãi.

Nhưng để thắp lên chút hy vọng cho tình cảnh ấy, ta cần nhận ra: nỗi sợ kia bắt nguồn từ một giả định sai lầm — rằng ta không thể học cách truyền tải những gì đang diễn ra trong lòng mình một cách tốt hơn. Tuy nhiên, nếu ta có thể thay đổi góc nhìn, rằng giao tiếp là điều vô cùng khó và chẳng ai tự nhiên mà giỏi được, thì ta sẽ nhìn những thất bại xưa kia với ánh mắt bao dung hơn.

Việc trước đây mọi chuyện từng đổ vỡ không có nghĩa là mọi nỗ lực đều vô vọng.
Chúng ta chỉ cần học cách đón nhận phần tối bên trong mình, giảm bớt nỗi sợ, trình bày cảm xúc một cách điềm đạm, và không buông xuôi trước những cơn chán ghét bản thân… Ta cũng cần được đến trường — để học về nghệ thuật sẻ chia.

Giao tiếp trong tình yêu nằm trong một phạm trù rộng lớn — nơi có vô vàn điều ta rất cần học, nhưng lại thường lầm tưởng rằng mình đã biết sẵn từ lúc bắt đầu. Và chính niềm tin sai lầm ấy đã khiến ta, và cả người thương, phải gánh chịu không ít thương tổn. 

Nguồn: WHY YOU’RE (PROBABLY) NOT A GREAT COMMUNICATOR | The School Of Life

menu
menu