Tại sao cậu luôn giữ mọi việc trong lòng?
Cách để tự xác thực bản thân và thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh
Cậu sẽ làm gì nếu bản thân đang phát cáu vì người yêu cậu đã quên béng đi những điều quan trọng cậu đã nói (một lần nữa)? Có thể cậu sẽ tự nhủ với bản thân, “Đây không phải chuyện gì to tát đâu, đừng làm quá lên”. Nhưng khi mọi chuyện diễn ra đến lần thứ ba, cậu như nổ tung, và người ấy sẽ phải nghe hết mọi thứ mà cậu giữ trong lòng suốt năm vừa qua. Hoặc là, cậu sẽ chẳng thể hiện sự thất vọng của mình, thay vào đó, cậu lựa chọn giấu nhẹm vào trong, dồn nén sự tức giận ngày một lớn dần khi cậu không ngừng tự hỏi bản thân tại sao cậu không còn muốn động vào người ấy.
Nói lên những cảm xúc của cậu quả thực rất khó khăn. Nhất là khi cậu từng trải qua cảm giác không an toàn khi bày tỏ cảm xúc hay nhu cầu của bản thân. Những trải nghiệm này thường đến từ mối quan hệ thuở nhỏ với người chăm sóc, nhưng cũng có thể xảy ra trong những mối quan hệ thành niên trước đó. Cậu có thể đã học cách tránh bộc lộ cảm xúc của bản thân vào những lúc cậu phải đón nhận sự chối bỏ, những lời chỉ trích hay sự giận dữ sau khi bày tỏ. Nó nghe như kiểu:
“Cậu không nên cảm nhận theo cách đó. Hãy nhìn về hướng tích cực hơn đi.”
“Ôi cậu lại than thở nữa rồi, sao cậu không thử vui lên một lần xem.”
“Cậu nhạy cảm thực sự.”
“Đừng khóc nữa hoặc tớ sẽ cho cậu một lý do để khóc đấy.”
“Hãy nhìn tớ đi, tớ cũng buồn mà.”
Nếu một người nào đó phản hồi cảm xúc của cậu theo cách này, sớm muộn gì cậu cũng học được rằng việc giữ mọi thứ trong lòng sẽ an toàn hơn cho cậu, để phòng tránh việc bị từ chối. Khi cảm xúc của tụi mình không được chấp thuận, điều đó thực sự gây tổn thương sâu sắc và kích hoạt hệ thần kinh. Khi hệ thần kinh của cậu nhận ra việc thể hiện bản thân thật là nguy hiểm, cậu sẽ khiến bản thân tránh xa những sự đe dọa bằng việc đè nén cảm xúc của cậu vào trong.
Trong khi cậu không thể quay ngược thời gian và xây dựng lại tuổi thơ của mình, cậu vẫn có thể là cậu ở hiện tại. Khi cậu nhận ra bản thân mình đang buồn, hãy tập cách tự xác thực điều đó và thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh. Nếu như cậu từng trải nghiệm những phản ứng tiêu cực về những cảm xúc của cậu, cậu có thể cảm thấy xấu hổ khi có cảm xúc hoặc cảm thấy cậu không nên có chúng. Điều này sẽ khiến cậu trốn tránh cảm nhận của mình hơn là bộc lộ chúng, khiến cho sự quyết tâm trở nên bất khả thi.
Sự thật là mọi cảm xúc đều có giá trị và xứng đáng được bao dung. Cậu có thể luyện tập cách điều tiết cảm xúc một cách lành mạnh thông qua những bước sau đây:
-
Xác định cảm xúc của cậu
Hãy tự vấn bản thân, rằng cậu đang cảm thấy thế nào. Dán nhãn cho cảm xúc có ảnh hưởng đáng kể trong việc giảm thiểu nỗi đau từ chúng. Bước đầu tiên là tự hỏi bản thân, cậu đang cảm thấy buồn, sợ hãi hay giận dữ.
Với một số người, họ có thể gặp chút khó khăn khi xác định cảm xúc. Khi cậu cảm thấy bản thân có nguy cơ bị từ chối, hệ thần kinh có thể học cách ngăn chặn chúng, làm chúng khó có thể tiếp cận với những cảm xúc bị chối bỏ. Sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu có thể đặc biệt giúp ích trong những lúc thế này, khi những trải nghiệm trị liệu có thể bước đầu điều chỉnh hệ thần kinh và làm tụi mình an tâm khi cảm nhận và bày tỏ cảm xúc.
-
Xác thực cảm xúc của cậu
Dựa trên tất cả những trải nghiệm của cậu và những băn khoăn của cậu hiện tại, mọi cảm xúc của cậu đều hợp lý. Hệ thần kinh của cậu đã học được cách bày tỏ cảm xúc và cảm nhận. Dễ hiểu thay, khi đặt cậu vào những tình huống cụ thể thì chúng sẽ tác động đến cậu theo cách như vậy. Hãy học cách chấp nhận và tự xác thực cảm xúc của cậu.
Ví dụ, cậu có thể tự bày tỏ với bản thân, rằng “Mình thực sự cảm thấy bức bối. Nỡ lòng nào người yêu mình lại quên béng đi lời hẹn ăn tối mà mình đã cất công chuẩn bị và đặt nó làm ưu tiên hàng đầu chứ. Mình biết rồi những cảm xúc này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bởi những điều mình đã trải qua trong cuộc sống.”
-
Lắng nghe thông điệp mà cảm xúc của cậu gửi đến cậu
Nếu cảm xúc của cậu có thể lên tiếng, bạn ấy sẽ nói điều gì?
Buồn Bã sẽ cho cậu biết rằng cậu vừa đánh mất một điều quan trọng và cậu nên đau buồn vì điều đó.
Giận Dữ sẽ nói rằng mọi thứ đã vượt sức chịu đựng của cậu và cậu cần đòi quyền lợi cho bản thân.
Lo Lắng nhạy cảm với những mối nguy hại và bạn ấy sẽ muốn cậu đề cao cảnh giác để giữ bản thân an toàn.
Như kiểu, “Sự bực dọc của tôi cho thấy rằng khi người yêu mình không ưu tiên cho những kế hoạch chung, tôi cảm thấy thời gian ở bên nhau không được trân trọng, và tôi cần biểu lộ điều đó với người yêu tôi.”
-
Bày tỏ bản thân một cách từ tốn và thẳng thắn
Dùng những kiến thức mà cậu đã học được để bày tỏ cảm xúc và nhu cầu của mình theo cách mà vấn đề sẽ được giải quyết. Cậu có thể nói với người yêu mình rằng, “Nè, tụi mình cần nói chuyện một chút. Sáng này khi anh quên mất về kế hoạch ăn tối của tụi mình, điều đó làm em buồn lắm. Anh có thể thu xếp ưu tiên cho dự định của tụi mình được không? Nó làm em cảm thấy em được anh quan tâm đó.”
Sẽ có những lúc việc bộc lộ bản thân đồng nghĩa với việc tự chuyện trò với chính mình và tự đáp ứng nhu cầu của mình hơn là nói ra với ai đó khác. Khi mà thói quen tự giữ trong lòng mọi chuyện không hề tốt cho một mối quan hệ, thực vậy sẽ có những khoảnh khắc mà việc tự điều tiết và đáp ứng nhu cầu tình cảm của chính mình sẽ giúp ích rất nhiều. Đừng bao giờ xem nhẹ việc cho phép cậu được công nhận, được an ủi và bao dung khi cậu cần. Hãy nghĩ cho cậu đầu tiên và trên hết.
Tác giả: Tasha Seiter, M.S., Ph.D., LMFT.
Dịch giả: Hoàng Phúc
Bài gốc: Why You Hold Things In, and How to Stop | Psychology Today