Tại sao có người lại cứng đầu thế?
Khoa học mới đây cho rằng sự cứng đầu không phải do tính cách mà là do não bộ.
Khoa học mới đây cho rằng sự cứng đầu không phải do tính cách mà là do não bộ. Những người cứng đầu có thể khiến chúng ta phát cáu vì họ cứ khăng khăng giữ ý kiến của mình, dù rõ ràng có lý do để thay đổi. Nhưng thay vì cho rằng đó là tính cách, các nhà nghiên cứu thần kinh lại chỉ ra rằng tất cả là do cách não bộ dự đoán mọi việc.
Não của người cứng đầu "mắc kẹt" trong những dự đoán cũ kỹ, lạc hậu và không chịu cập nhật theo tình hình mới. Họ cứ như sống trong một "bộ phim" mà họ tự dựng nên. Muốn giúp họ bớt cứng đầu, có lẽ ta cần giúp họ nhìn cuộc sống bằng góc nhìn vui vẻ và linh hoạt hơn.
Nghĩ về ai đó cứng đầu, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ do họ tự cao, kiêu ngạo, hay chỉ đơn giản là thích làm trái ý người khác. Nhưng nếu không phải như vậy thì sao? Có khi nào họ không thu thập được đủ thông tin cần thiết từ tình huống hiện tại và chỉ tin vào suy nghĩ của chính mình? Có lẽ họ để đánh giá cá nhân lấn át các dữ liệu bên ngoài, trong khi những người linh hoạt hơn lại dùng thông tin này để điều chỉnh hành vi của mình.
image: Nicoleta Ionescu/Shutterstock
Nghiên cứu khoa học thần kinh về sự cứng đầu
Một bài phân tích năm 2019 của Daniel Yon và các đồng nghiệp tại Đại học London đã xem xét hiện tượng con người hay sử dụng "xử lý từ trên xuống", tức là họ dự đoán sự việc dựa trên kinh nghiệm cũ. Não bộ học cách cứng đầu bởi vì nó cần hướng dẫn hành động một cách nhanh và hiệu quả nhất. "Dự đoán mang tính mã hóa" (Predictive Coding - PC) cho rằng "chúng ta suy ra trạng thái của thế giới bên ngoài bằng cách giảm thiểu các sai số trong dự đoán về nó". Lý tưởng nhất, não bộ sẽ cập nhật dự đoán dựa trên những gì thực sự xảy ra, nhưng đôi khi nó không làm thế.
Trong những trường hợp này, não bộ thực hiện các dự đoán cứng đầu, nó điều khiển hành động theo những dự đoán đó để biến chúng thành sự thật. Ví dụ, theo mô hình PC, vào giữa đêm bạn đưa tay tìm ly nước mà bạn "nghĩ" là ở đó, và não sẽ di chuyển tay theo hướng đó. Nhưng có khi ly nước không ở đúng chỗ bạn tưởng. Một dự đoán cứng đầu sẽ khiến bạn hoặc là làm đổ ly nước, hoặc chỉ quơ tay vào khoảng không.
Các dự đoán cứng đầu rất khó học hỏi, và nhóm nghiên cứu tại UCL cũng chỉ ra rằng điều này có thể góp phần gây ra các rối loạn tâm lý như trầm cảm. Những người nhìn nhận hoàn cảnh của mình qua lăng kính tiêu cực sẽ tiếp tục coi ngay cả những trải nghiệm tốt là bằng chứng rằng người khác không thích họ.
Cách bộ não "mã hóa dự đoán" trong cuộc sống hằng ngày
Theo Alessandro Bartolotti và đồng nghiệp tại Đại học G. d'Annunzio ở Ý (2024), mô hình "mã hóa dự đoán" (PC) rất hiệu quả trong việc giải thích các quá trình thần kinh và khả năng nhận thức cơ bản của con người. Nói cách khác, khi bạn không chắc chắn về điều gì đó, hoặc không nhìn rõ chi tiết (chẳng hạn như cái ly đang ở đâu), não của bạn sẽ "tự bịa" ra cho đủ. Khi những dự đoán này sai mà bạn không điều chỉnh kỳ vọng của mình, thì đó là lúc bạn trở nên cứng đầu.
Để phá vỡ "não cứng đầu", nhóm nghiên cứu người Ý cho rằng cần có sự chơi đùa, sáng tạo, giúp não nhìn nhận mọi thứ theo cách mới mẻ. Họ cũng chỉ ra rằng sự tìm kiếm điều mới lạ là bản năng tự nhiên của con người, gần như ai cũng có. Việc chơi đùa sẽ huấn luyện não bộ tư duy sáng tạo, và các hoạt động nghệ thuật là một “sân chơi thử nghiệm” tuyệt vời để rèn luyện khả năng nhận thức xã hội.
Tất cả những nỗ lực để nhìn sự việc theo cách khác đều phải hoạt động trong một thế giới xã hội, nơi mà thói quen và sự lặp lại được coi trọng. Văn hóa của bạn thiết lập những tiêu chuẩn về điều gì được chấp nhận, và những tiêu chuẩn này tác động đến cách não bạn "mã hóa" mọi thứ.
Những nghi lễ, như các truyền thống văn hóa, càng làm cho não của bạn trở nên "khó nhằn". Ví dụ, nếu bạn đề xuất với gia đình rằng kỳ nghỉ lễ năm nay nên đi du lịch thay vì ở nhà: "Sao? Bỏ bữa tối Lễ Tạ Ơn à? Làm sao mà nghĩ ra chuyện đó được?". Như nhóm nghiên cứu chỉ ra, “các buổi tụ tập nghi lễ cung cấp những cơ hội thường xuyên để đồng bộ hóa và củng cố các tham số mô hình hướng dẫn suy luận.”
Tránh những dự đoán cứng đầu không phải chuyện dễ, vì cuộc sống thường ngày đầy rẫy thói quen, quy tắc và các hoạt động chung. Thách thức này càng khó hơn khi một số hoạt động của não bắt đầu từ những vùng xử lý nông như giác quan, thay vì từ các khu vực cao hơn như vỏ não trước trán.
Vỏ não thị giác hoạt động nhanh hơn so với các phần não trên, nó phản ứng ngay với những gì bạn nhìn thấy trước khi kịp phân tích, vì vậy nó cực kỳ cần thiết trong các tình huống khẩn cấp (như giữ cho cái ly không rơi xuống đất). Dù vậy, Bartolotti và nhóm nghiên cứu vẫn tin rằng việc tạo ra những "thế giới tưởng tượng" có thể giúp não thoát khỏi trạng thái trì trệ và sẵn sàng tiếp nhận những trải nghiệm mới.
Sử dụng sự sáng tạo để vượt qua sự cứng đầu
Nếu sự cứng đầu thật sự đã "ăn sâu" vào các mạch não, thì việc tiếp xúc với những ý tưởng mới và hoạt động sáng tạo có thể là cách giúp "đánh thức" chúng. Bạn có thể không thực sự đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ, nhưng chỉ cần nghĩ rằng mọi thứ không nhất thiết phải lặp lại năm này qua năm khác cũng đủ để tạo ra chút không gian cho sự "thử nghiệm".
Còn nếu bạn phải đối mặt với người cứng đầu mà bạn nghĩ là do tính cách bướng bỉnh của họ? Dẫn họ đi bảo tàng hay nghe nhạc có lẽ không phải là giải pháp lâu dài. Nhưng theo các nghiên cứu về PC (mã hóa dự đoán), vấn đề có thể nằm ở cách họ dùng kinh nghiệm để củng cố niềm tin của mình.
Thú thật là, việc tranh luận với người mà tư duy đã "đóng băng" trong đầu không phải là điều dễ chịu. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối, thậm chí đôi khi có thể rất cá nhân và đầy xúc phạm (kiểu như họ chỉ trích quan điểm khác người của bạn về cuộc sống).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu người Ý tin rằng có thể thay đổi chút ít thông qua các tình huống "nếu mà" và những câu chuyện phi truyền thống trong các thế giới hư cấu. Việc tư duy kiểu “nếu mà” có thể giúp người ta nhìn nhận sự việc đã xảy ra từ góc nhìn khác.
Thế giới hư cấu có thể là một bộ phim hay series mà cả hai cùng thích. Chẳng hạn, cách một "ông vua cứng đầu" trong thế giới giả tưởng xử lý chuyện con cái bỏ nhà đi có thể là chủ đề để tranh luận, thay vì đổ lỗi rằng người kia không chịu thích nghi với hoàn cảnh thay đổi.
Tóm lại, não bộ luôn có xu hướng tìm kiếm sự giống nhau, điều này có thể rất hữu ích. Nhưng nếu thỉnh thoảng đổi mới, não sẽ linh hoạt hơn, và bạn sẽ dễ dàng chấp nhận những trải nghiệm mới mẻ trong cuộc sống.
Tham khảo
Bortolotti, A., Conti, A., Romagnoli, A., & Sacco, P. L. (2024). Imagination vs. Routines: Festive time, weekly time, and the predictive brain. Frontiers in Human Neuroscience, 18. doi:10.3389/fnhum.2024.1357354
Yon, D., de Lange, F. P., & Press, C. (2019). The predictive brain as a stubborn scientist. Trends in Cognitive Sciences, 23(1), 6–8 doi 10.1016/j.tics.2018.10.003