Tại sao có những người “nói dối trên từng cây số”?
“Nói dối bệnh lý” (pathological lying) có thể được xem như một chứng “rối loạn tâm thần” (mental disorder)
“Nói dối bệnh lý”, một chẩn đoán mà phần lớn bác sĩ và nhà trị liệu bỏ qua
Từ cuối thập niên 1800, các bác sĩ tâm thần đã thừa nhận “nói dối bệnh lý” là một chứng bệnh tâm thần nhưng nó chưa bao giờ được quan tâm bằng những nghiên cứu nghiêm túc được tài trợ kinh phí đầy đủ. Cũng không có phương cách chẩn đoán riêng trong cuốn “Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần” (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders-DSM), vốn được xem là “Kinh thánh” của ngành tâm thần học. Thay vào đó, “nói dối bệnh lý” chỉ được công nhận là “một đặc điểm của rối loạn nhân cách”.
Kết quả là không có liệu pháp điều trị chính thức, dù nhiều người mắc chứng “nói dối bệnh lý” muốn được giúp đỡ để chấm dứt một triệu chứng sau khi họ phát hiện mình nói dối “trên từng cây số”. Cách tiếp cận tiêu chuẩn để điều trị nói dối thường dựa vào những kỹ thuật vay mượn từ liệu pháp hành vi nhận thức, trong đó nhấn mạnh đến sự hiểu biết và thay đổi cách suy nghĩ. Nhưng không ai dám chắc rằng đây là cách giúp đỡ hiệu quả nhất đối với tật “nói dối quen mồm”, nói dối cả khi không cần nói dối và không có mục đích.
Drew Curtis, phó giáo sư tâm lý tại Đại học Bang Angelo ở Texas, người từng nghiên cứu về “nói dối bệnh lý”, cho biết: “Chúng ta không nhất thiết phải biết cách điều trị hiệu quả nhất bệnh lý này. Đã có nhiều người ở khắp nước Mỹ đến gặp tôi để xin điều trị, nhưng tôi nói thẳng với họ là chưa có cách điều trị nào. Lý do là không có nghiên cứu nghiêm túc và thực chất quy mô lớn về nó. Vì vậy, thật đau lòng, với tư cách là một bác sĩ lâm sàng tôi lại không có phác đồ điều trị chuẩn ‘nói dối bệnh lý’ để giúp những người muốn giúp đỡ. Họ cũng không thể nhận được sự giúp đỡ bài bản từ bất cứ ai khác”.
Bạn có bị “nói dối bệnh lý”?
Gần đây, Curtis và Hartc ông bố một nghiên cứu chung, đưa ra bằng chứng ủng hộ việc xem “nói dối bệnh lý” là một chẩn đoán bệnh độc lập trong DSM (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders). Hart cho biết, nhiều năm qua, gần 20 người đã đề xuất các định nghĩa về ‘nói dối bệnh lý’, nhưng có rất ít sự tương đồng. Điểm chung duy nhất của các đề xuất: Những người “nói dối bệnh lý” nói dối rất nhiều. Hầu hết lời nói dối của họ thường vô hại, như tự khoe khoang về mình, không liên quan đến lừa đảo, làm hại người khác. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.
Timothy Levine, tác giả cuốn “Duped” nói về dối trá xuất bản vào năm 2019, cho biết:
“Điều đầu tiên cần biết về ‘nói dối bệnh lý’ là nó rất khó phân biệt với nói dối có mục đích. Các nghiên cứu của tôi cho thấy chúng ta thường nói sự thật trong hầu hết cuộc đời mình. Nhưng không có nghĩa là nói dối không phổ biến. Hầu hết mọi người đều có lúc nói dối, thậm chí nói dối hàng ngày. Trong các nghiên cứu của tôi, trung bình mỗi người nói dối hai lần một ngày. Những kẻ nói dối bệnh lý thực sự giỏi cũng khá bất thường về tâm thần. Nói dối có thể do bộ não của họ bị lỗi”.
Một trong những sinh viên của Timothy Levine làm việc trong một cửa hàng bán lẻ quần áo cho biết cô ta thường xuyên nói dối những người thử quần áo. Một người khác, nhân viên lễ tân, nói dối để bao che cho một bác sĩ luôn đến muộn. “Tất cả hành vi này đều bình thường – Levine nói – Tôi tin sự trung thực là phương thức giao tiếp ‘mặc định’ của chúng ta, đơn giản chỉ vì mọi người cần trung thực với nhau để làm việc hiệu quả hơn trong các nhóm lớn, một ưu thế của loài người trong vương quốc động vật. Nhưng ‘luôn luôn nói thật’ không hề dễ dàng đối với tất cả”.
Trong các nghiên cứu của mình, Hart và Curtis cũng phát hiện hầu hết chúng ta nói dối trung bình một lần mỗi ngày. Sau đó, đến những người nói dối rất nhiều: trung bình 10 lần mỗi ngày. Hart và Curtis gọi “những kẻ nói dối giỏi đặc biệt” (chẳng hạn Bernie Madoff, kẻ lừa bịp và lừa gạt các nhà đầu tư kim tự tháp để gom tiền của họ) là “những trùm xạo” (Big Liars, cũng là tựa cuốn sách gần đây của hai nhà nghiên cứu này).
“Trùm xạo vốn đã bất thường, ‘nói dối bệnh lý’ còn hiếm hơn. Tôi chỉ gặp hai người đáp ứng đúng nghiên cứu của tôi về ‘nói dối bệnh lý’. Thật chóng mặt khi trò chuyện với họ! – Hart nói. Ông cho biết thêm:
“Khi ai đó bắt đầu nói dối nhiều đến mức không thể dừng lại và bắt đầu làm tổn thương họ hoặc những người xung quanh, thì đó là lúc nói dối trở nên bất thường và cần được điều trị. Những gì chúng tôi phát hiện là lời nói dối bất thường đều gượng ép. Tức là nói dối trong những tình huống mà một người biết suy nghĩ sẽ không làm như thế, và trong nhiều trường hợp nói dối còn gây bất lợi cho chính kẻ nói dối. Thậm chí nói dối luôn mồm có thể dẫn đến rối loạn chức năng trong cuộc sống, từ giao tiếp xã hội, mối quan hệ gia đình và việc làm”.
Curtis bổ sung: “Đó chính là triệu chứng lâm sàng của những người nói dối quá mức đến nỗi chức năng hoạt động của họ bị suy yếu, gây đau khổ, thậm chí nguy hiểm cho bản thân và người khác”.
Những kẻ “nói dối bệnh lý” biết rõ họ đang nói dối và biết sự không trung thực của mình. Có một thực tế rằng, một số ngành nghề cần… những người nói dối. Không phải những người nói dối nhiều có xu hướng thích một số công việc nào đó mà một số công việc nhất định như bán hàng chọn họ, thậm chí tưởng thưởng cho khả năng “nói dối trôi chảy” (nói dối sao cho khách tưởng là thật). Những nghề này có nhiều khả năng thu hút nhiều người nói dối hơn mức trung bình.
Trong chính trị, nhà nghiên cứu Hart nói: “Bằng chứng chúng tôi có cho thấy các chính trị gia về bản chất không trung thực hơn người bình thường. Tuy nhiên, trong chính trị, có bằng chứng ‘không thể chối cãi’ rằng, các chính trị gia thành công nhất là những người sẵn sàng bẻ cong sự thật và họ cũng dễ được bầu lại hơn”.
___________
Tác giả: Lê Tây Sơn
Ảnh Minh họa: Unsplash