Tại Sao Có Những Người Thích Nói Sau Lưng Người Khác?

tai-sao-co-nhung-nguoi-thich-noi-sau-lung-nguoi-khac

Bài viết này sẽ cho bạn góc nhìn tâm lý sâu xa hơn về nói xấu sau lưng: nói xấu là gì, tại sao con người lại thích làm vậy, và làm thế nào để vượt qua những lời nói không hay ấy.

Hãy thành thật với nhau nhé: Bạn cũng đã từng tiết lộ những câu chuyện hấp dẫn về người khác hoặc từng “hóng phốt” rồi đúng không? Bất cứ chuyện nhỏ nhặt gì đều có thể được chia sẻ khi chúng ta tám chuyện. Nhưng câu nói như: “bạn có biết về...” nghe thật hấp dẫn phải không? Nhưng nếu tin đồn thất thiệt này là về bạn, thì chắc bạn không nghĩ như vậy đâu.

Bài viết này sẽ cho bạn góc nhìn tâm lý sâu xa hơn về nói xấu sau lưng: nói xấu là gì, tại sao con người lại thích làm vậy, và làm thế nào để vượt qua những lời nói không hay ấy.

Định nghĩa hành vi

Tiến sĩ Ned Hallowell, nhà tâm lý học và tác giả sách bán chạy nhất đã định nghĩa “tám chuyện” là "chia sẻ thông tin dù chưa biết đúng hay sai và chưa được cho phép. "Khi tám chuyện, việc nói thông tin có thật hay không có thật đều có thể dẫn tới hậu quả gây hại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp,nói chuyện phiếm lại có thể mang lại lợi ích.

“Tám chuyện” đôi khi cũng có lợi

Tiến sĩ Hallowell nói: “Thế giới luôn khao khát sự kết nối, và những câu chuyện phiếm, dù tích cực hay tiêu cực, đều có thể gắn kết chúng ta”. Ông lấy việc bàn tán về nỗi buồn của một người khác để làm ví dụ cho trường hợp thứ hai. Nhưng vấn đề sẽ xảy ra khi tin đồn bị tam sao thất bản: "Những tin đồn thất thiệt sẽ có thể bị coi như sự thật hiển nhiên, và điều này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng."

Tiến sĩ Julia Breur, Nhà trị liệu tâm lý hôn nhân cho biết, những câu chuyện phiếm có thể tích cực khi nó truyền bá được những thông tin hữu ích và quan trọng. “Nếu bạn bỗng dưng thấy mọi người có cái nhìn tốt về bạn’, đó là bởi vì “tiếng lành đồn xa” đó.”

Hãy nhớ lại những lần sếp nói với bạn rằng: “Tôi đã nghe rất nhiều về việc bạn đã xử lý dự án này tốt như thế nào” hoặc khi bạn gặp một người, họ nói với bạn rằng: “Nghe danh lâu lắm mà bây giờ mới được gặp bạn!” Mọi người chắc chắn đã nói tốt sau lưng bạn. Nhưng trong những trường hợp này, điều đó có lợi cho bạn.

Mặt tối của chuyện phiếm

Thật không may, theo tiến sĩ Hallowell, hầu hết các loại tin đồn đều mang tính tiêu cực. Ông nói rằng, mọi người thích lan truyền tin đồn về những sự kiện tiêu cực, chẳng hạn như một người nào đó sắp ly hôn hoặc ai đó tăng 20 cân; và họ ít khi bày tỏ những lời ủng hộ về quyết định hôn nhân của một cặp vợ chồng hoặc niềm vui cho một người giảm cân hơn

Tuy nhiên, việc mọi người thích đắm chìm trong những câu chuyện phiếm tiêu cực cũng rất dễ hiểu. Xã hội vốn rất thích “hóng phốt”. Hiện nay, có vô số những tờ tạp chí, báo điện tử và chương trình truyền hình “lá cải”, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tin đồn - đặc biệt là loại tiêu cực đang tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Tại sao có những người mê bàn tán như vậy?

Những người thích hóng hớt thường: 

1) nhận xét về cuộc sống của người khác một cách gây xúc phạm, phiến diện và không đúng sự thật và 

2) không bao giờ hỏi thông tin xác thực từ “nguồn”

Hallowell đã cho biết những lý do cho hành vi của họ:

Họ hèn nhát/ Bản tính hèn nhát

“Họ là những kẻ hèn nhát,” ông nói. “Người có tư cách đạo đức và không hèn nhát sẽ hỏi chính nhân vật chính của câu chuyện để xác minh." Những người không hỏi thường nghĩ rằng: “bởi vì tôi thích thế” hoặc “tin theo tin đồn thú vị hơn nhiều”.

Họ cần hạ thấp bạn để cảm thấy tốt hơn về bản thân

Tiến sĩ Breur nói: “Việc tung tin đồn có thể làm cho người tung tin  cảm thấy như mình đang nắm quyền điều khiển cuộc sống người khác. Đôi khi, người “buôn dưa lê”  cảm thấy thích thú với việc họ biết được những điều mà ít người biết. Vì vậy, họ tin rằng mọi người nên cảm thấy may mắn khi được họ “bóc phốt” cho. Nhưng đoán xem, nghiên cứu của tôi cho thấy những người hay đi tám chuyện lại bị người khác cho là không đáng tin cậy và nên tránh xa.”

Họ có tính cách hiểm độc

Hallowell cho rằng việc nói xấu sau lưng có thể đến từ một sự nhẫn tâm về mặt cảm xúc, vì có những người cảm thấy thích thú khi biết rằng người họ nói xấu đang phải chịu đau đớn. “Có những người thích thú trước sự đau khổ của người khác và vui mừng vì điều đó không xảy ra với họ. Nói xấu sau lưng, đối với họ, như một kiểu “bạo lực an toàn và gián tiếp”.

Họ lo lắng và bất an

Tiến sĩ Breur nói: “Sự lo lắng và bất an có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi ngồi lê đôi mách, và những người lo lắng thường hay lan truyền tin đồn hơn. Khi cuộc sống dường như mất kiểm soát, việc lan truyền những lời đàm tiếu về người khác khiến ta cảm thấy đỡ căng thẳng hơn phần nào. “Khi chúng ta không nắm chắc về cách thức hoặc lý do tại một điều gì đó xảy ra, chúng ta thường tung ra nhiều tin đồn về nó hơn.”

Phụ nữ thường thích bàn tán hơn

Tiến sĩ Hallowell nói: “ ngồi lê đôi mách là đặc tính của phụ nữ. Thật buồn thay, những lời đàm tiếu từ phụ nữ thường sai lệch hoặc bịa đặt nhằm mục đích gây bất  lợi cho ai đó. Những người phụ nữ hay có xu hướng tham gia vào loại tin đồn ác ý, bịa đặt này.”

Tám chuyện giúp xây dựng nên tính cách

Khi nghĩ về các câu chuyện bi kịch kinh điển, ta thường nghĩ ngay đến hai cảm xúc: thương hại và sợ hãi. Hai cảm xúc này, theo Tiến sĩ Hallowell, cũng thường là trung tâm của những câu chuyện phiếm. Ông lấy các cảm xúc như tham vọng, ghen tuông, tự ái,... trong các tác phẩm văn học như Othello, Macbeth và King Lear để minh họa cho điểm này.

Chúng ta thường thương xót cho các nhân vật đó và sợ rằng trải nghiệm của họ có thể xảy ra với chính ta “Đau thương của người khác là đề tài nói chuyện hay nhất. “Chúng ta cảm thấy thương người gặp nạn và sợ rằng điều đó có thể xảy ra với ta, vì vậy chúng ta nói với nhau điều đó để đề phòng. Đây là khi tin đồn được lan ra để rút kinh nghiệm; chúng ta dùng lòng thương hại và đề phòng để tránh những cạm bẫy tương tự ”.

Mẹo đối phó với những kẻ lắm lời: Lờ đi hoặc sẵn sàng nghe

Theo Tiến sĩ Breur, có một số cách để đối phó khi người khác cứ liên tục rủ bạn “hóng phốt” của người khác

Nếu những người thích buôn chuyện một cách vô hại nói chuyện với bạn:

  1. Hãy tập trung vào điều tích cực: “Hãy nói về những điều tích cực mà bạn biết về người đang bị đàm tiếu,” Tiến sĩ Breur nói. “Sự thay đổi quan điểm này có thể biến câu chuyện phiếm thành một cuộc nói chuyện tích cực và giàu tính học hỏi”.
  2. Hãy nhận thức rõ tác động của việc tám chuyện lên bạn: “Hãy cho người nói biết quan điểm của bạn về việc nói sau lưng người khác: Không phải ai cũng có định nghĩa về việc “tám chuyện” giống nhau,thậm chí đôi khi chúng ta có thể đang nói sau lưng người ta mà không nhận ra. Điều đó có thể là do bạn đang quá hào hứng để chia sẻ bí mật của người khác, hoặc chuyện đó làm ta quá khó chịu. Dù lí do là gì, bạn phải nhận thức được ảnh hưởng của việc ngồi lê đôi mách lên bản thân mình.”
  3. Tránh nói chuyện phiếm: “Ngay khi bắt đầu có chuyện phiếm, bạn hãy né ngay lập tức bằng cách nói,“ Tôi muốn nói chuyện tiếp lắm nhưng tôi có việc bận rồi. Hãy rời khỏi cuộc trò chuyện và đừng lắng nghe chuyện họ nói.”
  4. Đối mặt với những lời đàm tiếu: “Hãy cho những người nói xấu sau lưng biết rằng bạn không muốn nghe những lời không hay về người khác. Hãy nói với họ rằng bạn không thoải mái và thay đổi chủ đề của cuộc trò chuyện ”.
  5. Hỏi những người đang đàm tiếu xem họ có muốn giúp đỡ không: Hãy biến điều tiêu cực thành tích cực: nếu ai đó nói những điều tiêu cực về một người, hãy hỏi xem họ có sẵn sàng giúp đỡ người đó không. Theo tiến sĩ Breur, nên tìm cách để người này cảm thấy như họ cũng có sự gắn kết với tập thể mà họ đang bàn tán.

Nếu bạn đang bị nói xấu sau lưng, Tiến sĩ Hallowell có thể cho bạn 2 giải pháp sau:

  1. Đối mặt với người đặt điều về bạn: “Hãy đi thẳng đến họ để giải quyết vấn đề. Hãy tiếp cận người đang tự tiện chia sẻ thông tin về bạn, cùng nói chuyện để cả hai hiểu nhau hơn. Nếu những gì họ đang lan truyền là sai, hãy nói cho họ biết sự thật.
  2. Phớt lờ họ đi: Tiến sĩ Hallowell nói rằng bạn có thể mặc kệ chuyện đó đi. Theo ông, trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là khi bạn đang ở một vị trí quyền lực (trong cộng đồng, tại nơi làm việc, v.v.) “mọi người sẽ càng hay nói xấu sau lưng bạn hơn”. Nếu có thể, bạn cứ để họ nói sau lưng bạn và sống một cách thật tự do tự tại.

“Bí quyết để sống tốt chính là phải có da mặt dày,” Tiến sĩ Hallowell giải thích. “Những người nhỏ nhen và tầm thường mới thích nói xấu người khác, và bạn không việc gì phải hạ mình xuống đẳng cấp của họ. Nếu bạn cứ ám ảnh bởi điều đó, bạn chỉ đang làm họ hả hê mà thôi.  Nhưng nếu bạn phớt lờ họ, bạn sẽ không phục vụ theo khao khát tàn nhẫn của họ.

--------------

Tác giả: Jennifer Lea Reynolds

Link bài gốc: Rumor Has It: Why People Gossip and How You Can Cope  

Dịch giả: Nguyễn Diệu Hoa - ToMo - Learn Something New

menu
menu