Tại sao ngay cả khi hạnh phúc, người ta vẫn ngoại tình?

tai-sao-ngay-ca-khi-hanh-phuc-nguoi-ta-van-ngoai-tinh

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không có nghĩa là sẽ chung thủy. Esther Perel đã khởi đầu bài viết của mình bằng lời khẳng định ấy. Esther Perel là một nhà trị liệu tâm lý, tác giả, diễn giả. Xin giới thiệu với các bạn bài viết của cô về chủ đề đã làm nhức nh

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không có nghĩa là sẽ chung thủy. Esther Perel đã khởi đầu bài viết của mình bằng lời khẳng định ấy. Esther Perel là một nhà trị liệu tâm lý, tác giả, diễn giả. Cô là tác giả của của quyển sách The state of Affairs: Rethinking Infidelity đã được dịch sang tiếng Việt với tựa Nội tình của ngoại tình. Xin giới thiệu với các bạn bài viết của cô về chủ đề đã làm nhức nhối nhân loại suốt hàng nghìn năm qua.

 

“Hoàn cảnh của tôi không trắc trở như bao cuộc hôn nhân khác,” Priya khẳng định. “Mối quan hệ giữa Colin và tôi rất tuyệt vời. Chúng tôi có tất cả: con cái ngoan ngoãn, tài chính vừa đủ, công việc thú vị và bạn bè thân thiết. Ảnh rất được lòng các đồng nghiệp, một người đàn ông đẹp trai, dáng chuẩn, tính tình ân cần và tốt bụng với tất cả mọi người bao gồm cả bố mẹ vợ. Cuộc sống của tôi thực sự rất ổn.”

Một người hôn phối trong mơ, phải không? Vậy mà Priya vẫn gặp vấn đề.

Cô nói: “Rồi tôi hẹn hò với một gã xăm trổ làm nghề lái xe tải – kiểu người mà tôi nghĩ cả đời mình sẽ không dính vào. Vậy mà cái việc đáng xấu hổ và đau đớn lại diễn ra. Cuộc sống của tôi đang chực chờ sụp đổ.”

Priya nói phải. Và càng lúc nhân loại càng nhận thức rõ: một cặp vợ chồng, ngoài bệnh tật và chết chóc ra, vẫn có nhiều thứ có thể đả thương hạnh phúc của họ. Trong nhiều năm, tôi đã trị liệu cho hàng trăm cặp đôi li tán vì nạn ngoại tình. Thay vì ở trong văn phòng, những cuộc trò chuyện như thế đã diễn ra ở khắp nơi: từ trên máy bay cho tới tiệm làm nail, với đủ mọi loại người và dĩ nhiên là cả trên mạng xã hội nữa. Từ Pittsburgh tới Buenos Aires, từ Delhi tới Paris, tôi đã thực hiện một cuộc điều tra xã hội học quy mô nhỏ về vấn đề không chung thủy trong hôn nhân.

Ngoại tình ra đời song song với cưới hỏi. Nhưng hành vi này đến nay vẫn chưa thực sự được chấp thuận. Ở những nơi tôi đi qua, phản ứng của người nghe mỗi khi tôi đề cập đến vấn đề trên dao động qua các cung bậc: từ lên án cay nghiệt, cắn răng chấp nhận, dè chừng thương hại cho đến công khai hưởng ứng. Tại Paris, chủ đề ngoại tình bóp nghẹt bữa ăn bằng sự ớn lạnh ghê tởm. Còn ở Bulgaria, những người phụ nữ bảo việc chồng mình lăng nhăng là một vận xui khó tránh. Phái yếu ở Mexico thì lại lên tiếng ủng hộ, cho rằng việc phụ nữ ngoại tình đã giáng một đòn mạnh vào nền văn hóa Sô vanh, một tập tục cho phép đàn ông có “hai nhà,” – một cho gia đình, một cho tình nhân.

Ngoại tình ở đâu cũng có, tuy nhiên cách chúng ta nhìn nhận sự việc hãy còn tùy thuộc vào thời gian và địa điểm cụ thể mà nó xảy ra.

Trong diễn ngôn đương đại ở Mỹ, các vụ ngoại tình thường được xem xét chủ yếu dựa trên thiệt hại mà chúng gây ra. Người ta thường quan tâm đến nỗi đau của người bị phản bội hơn, vì trong họ, niềm tin vào tình yêu và phần nào đó về cuộc sống bỗng dưng sụp đổ. Đó là một cú sốc khiến “nạn nhân” tự vấn về quá khứ, tương lai và nặng nề hơn, về bản thân mình. Thật vậy, sự hỗn loạn cảm xúc khi phát hiện ngoại tình có thể trở nên mãnh liệt đến nỗi nhiều nhà tâm lý học phải dùng các thuật ngữ sang chấn tâm lý để gọi tên phản ứng của họ: dằn vặt, suy nhược, tê liệt và phân ly, nổi giận bất thường và hốt hoảng không kiểm soát.

Nghe có vẻ lạ nhưng thực chất, ngoại tình đem lại rất nhiều bài học về hôn nhân – về những điều ta mong đợi, những thứ mà ta nghĩ là mình muốn có, và những điều mình có quyền làm.

Bị bạn đời phản bội quả thực là một trải nghiệm đau đớn. Nếu Colin, chồng của Priya, vô tình khám phá ra sự thật sau khi bắt gặp một đoạn tin, tấm hình hay một email, anh hẳn sẽ suy sụp. Nhờ vào công nghệ hiện đại, anh có thể còn đau đớn hơn khi trông thấy kho lưu trữ bằng chứng ngoại tình của vợ mình.

Những thương tổn mà vụng trộm gây ra chỉ là một mặt. Hàng trăm năm qua, khi đàn ông bị phản bội, nỗi đau của họ thường ít được để ý vì trong đa số trường hợp, nữ giới mới là người chịu đau. Nền văn hóa đương đại thường cảm thông hơn với kẻ bị bỏ rơi. Nhưng để lý giải hành vi lâu đời ấy của con người, ta phải xem xét nó trên mọi phương diện. Khi tập trung vào chấn thương và hồi phục, chúng ta dường như đã bỏ lỡ điều hệ trọng hơn: ý nghĩa và nguyên cớ của việc ngoại tình, cũng như những giá trị mà ta học được từ nó. Nghe có vẻ lạ nhưng thực chất, ngoại tình đem lại rất nhiều bài học về hôn nhân – về những điều ta mong đợi, những thứ mà ta nghĩ là mình muốn có, và những điều mình có quyền làm. Nó thể hiện rõ quan điểm của chúng ta về tình yêu, ham muốn và cam kết – những quan điểm đã thay đổi ít nhiều trong suốt 100 năm qua.

NGOẠI TÌNH ĐÃ THAY ĐỔI bởi hôn nhân cũng có sự đổi thay. Trong phần lớn lịch sử và tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay, hôn nhân chính là “mắt xích” giúp đảm bảo sự ổn định kinh tế và gắn kết xã hội. Nếu xuất thân từ gia đình nhập cư, người thân của Priya hẳn không có nhiều lựa chọn trong việc cưới xin. Nhưng cô và Colin thì không như vậy. Cũng như bao cặp đôi phương Tây hiện đại khác, hôn nhân đối với họ không còn là một ràng buộc kinh tế nữa. Nó chỉ đơn thuần là mối liên kết tự nguyện giữa hai cá thể, dựa trên tình yêu thương thay vì nghĩa vụ.

Chưa bao giờ ta đòi hỏi nhiều thứ ở hôn nhân nhiều như ngày nay. Ngoài sự an toàn, tôn trọng, tài sản và con cái – những thứ mà một gia đình truyền thống mang lại, ta còn muốn bạn đời phải yêu mình, phải khao khát, phải có hứng thú với mình. Ta phải là những người bạn tốt và đáng tin cậy, đồng thời còn phải yêu nhau nồng thắm.

Bên trong chiếc nhẫn cưới nhỏ bé là một loạt những lý tưởng mâu thuẫn vô cùng. Ta muốn nửa kia phải cho ta cảm giác ổn định, an toàn, dễ đoán và đáng tin cậy. Đồng thời ta còn muốn họ phải đem lại sự kính nể, huyền bí, phiêu lưu và mạo hiểm. Ta mong đợi cùng lúc sự thoải mái và cam go, quen thuộc và mới lạ, thường nhật và bất ngờ. Ta đã tạo nên một đỉnh Olympus mới, nơi mình dành tình yêu vô điều kiện, sự thân mật say đắm và chuyện chăn gối mặn nồng cho chỉ một người trên cả một đoạn đường dài. Và đường dài rồi lại dài hơn.

Bên trong chiếc nhẫn cưới nhỏ bé là một loạt những lý tưởng mâu thuẫn vô cùng. Ta muốn nửa kia phải cho ta cảm giác ổn định, an toàn, dễ đoán và đáng tin cậy. Đồng thời ta còn muốn họ phải đem lại sự kính nể, huyền bí, phiêu lưu và mạo hiểm.

Chúng ta cũng sống trong thời kì của quyền lợi, nơi mà ta tin mình có quyền được thỏa ước nguyện cá nhân. Ở phương Tây, tình dục là một quyền lợi cá nhân, của sự tự khẳng định và tự do. Do đó, đa số chúng ta kết hôn sau khi đã trải qua nhiều năm hành sự chăn gối. Cho tới khi đeo nhẫn cưới lên tay, ta đã mấy lần tán tỉnh, hẹn hò, sống thử rồi chia tay. Trước kia, kết hôn chính là lúc ta làm tình lần đầu tiên. Giờ đây, kết hôn nghĩa là ta phải ngưng làm tình với người khác. Quyết định tiến tới hôn nhân để kiềm chế sự tự do tình dục là minh chứng cho cam kết của chúng ta. Ta quay lưng với những cuộc tình khác để xác nhận sự đặc biệt nơi bạn đời. Khi ra chính quyền làm đăng ký kết hôn, và tổ chức đám cưới, ta như muốn nói với xã hội: “Tôi đã tìm thấy nửa kia của mình. Giờ tôi không cưa cẩm ai nữa.” Lòng ham muốn người khác được cho là sẽ tan thành mây khói khi người bạn đời hiện diện.

Cứ thế, những người tôi gặp liên tục khẳng định, “Tôi yêu vợ/chồng mình lắm. Chúng tôi rất hiểu nhau và đều đang hạnh phúc,” rồi họ bảo: “Nhưng tôi đang ngoại tình.”

Tại đa số các lễ cưới, những con người mộng mơ thốt lên những lời tuyên thệ, hứa làm tất cả cho nhau, từ bạn tâm giao cho tới người yêu, từ giáo viên cho tới nhà trị liệu. “Anh hứa sẽ làm fan nhiệt thành cũng như địch thủ rắn rỏi nhất của em, sẽ đồng hành cùng em trên mọi chặng đường, sẽ là nơi vỗ về mỗi khi em gục ngã,” chú rể rưng rưng nói. Với đôi mắt ngấn lệ, cô dâu đáp, “Em hứa sẽ trung thành, tôn trọng anh và ngày một hoàn thiện bản thân. Em sẽ không chỉ bên anh mỗi khi anh thành công, em sẽ đến bên anh ngay cả khi anh thất bại.” Cô mỉm cười, “Và em hứa sẽ không đi cao gót để anh không phải thấy mình nhỏ bé.”

Thế nhưng ngoại tình vẫn xuất hiện, bất kể cuộc hôn nhân có hạnh phúc hay không. Nó xảy ra ngay cả ở những cặp đôi chưa cưới. Việc tự do rời bỏ người kia không hề làm thuyên giảm khả năng ngoại tình. Vậy tại sao người ta lại ngoại tình? Và tại sao người hạnh phúc lại ngoại tình?

PRIYA KHÔNG THỂ GIẢI THÍCH ĐƯỢC TẠI SAO. Cô ấy ca ngợi đời sống hôn nhân của bản thân và khẳng định rằng Colin có mọi thứ mà cô hằng mong ước. Rõ ràng là Priya, cũng như bao người, cho rằng sai số chỉ xảy ra khi cặp đôi thiếu đi điều gì đó. Nếu bạn có tất cả mọi thứ mình cần ở nhà – như đã hẹn thề khi cưới nhau – thì bạn chẳng việc gì phải đi đâu khác cả. Do đó, ngoại tình chính là triệu chứng cho thấy mối quan hệ đang dần đi sai hướng.

Lý thuyết về triệu chứng ấy vậy mà có đôi chút vấn đề. Đầu tiên, nó cho rằng hôn nhân có thể đủ hoàn hảo để khiến ta không còn cảm giác thèm của lạ. Tuy nhiên, lý tưởng hôn nhân mới của chúng ta chẳng hề ngăn cản được mấy ai. Trên thực tế, chính sự kì vọng về hạnh phúc gia đình có thể là nguyên nhân khiến ta làm trò lén lút. Khi xưa, người ta ngoại tình vì hôn nhân không mang lại tình yêu nồng thắm. Ngày nay, người ta ngoại tình vì hôn nhân không đáp lại được kì vọng về tình yêu như đã thề hẹn. Khát khao hạnh phúc của chúng ta chưa từng thay đổi, chỉ là ngày nay ta cảm thấy có quyền – thậm chí là bắt buộc – theo đuổi chúng mà thôi.

Thứ hai, ngoại tình không phải lúc nào cũng tương quan với hôn nhân sứt mẻ. Đúng là trong một số trường hợp, ngoại tình chính là liệu pháp để bù đắp hoặc giải thoát cho một cá thể. Cảm giác thiếu an toàn, né tránh xung đột, thiếu vắng tình dục kéo dài, cô đơn hay những bất đồng quan điểm qua nhiều năm chính là những yếu tố khiến đàn ông chọn ngoại tình. Rồi sau đó họ lặp đi lặp lại thói xấu ấy đơn giản chỉ vì họ có thể làm vậy.

Tuy nhiên, các nhà trị liệu luôn gặp phải những tình huống đi ngược lại với các nguyên do kể trên. Cứ thế, những người tôi gặp – giống như Priya – liên tục khẳng định, “Tôi yêu vợ/chồng mình lắm. Chúng tôi rất hiểu nhau và đều đang hạnh phúc,” rồi họ bảo: “Nhưng tôi đang ngoại tình.”

Rất nhiều người đã chung thủy nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỉ liền. Họ biết cân bằng, trưởng thành, quan tâm và dành nhiều thời gian cho mối quan hệ. Ấy vậy mà một ngày, họ phạm phải một điều mà mình chẳng hề ngờ tới. Vì đâu đến nỗi?

Càng nghe những câu từ bộc bạch – từ tình một đêm tới ngoại tình say đắm – tôi càng tìm ra nhiều lời lý giải hơn. Một khi khủng hoảng ban đầu lắng xuống, cùng với những hậu quả tang thương, ta phải tìm hiểu cả về trải nghiệm cá nhân mà ngoại tình đem lại. Cuối cùng, tôi đã khuyến khích những “kẻ phản bội trong tình yêu” kể tôi nghe chuyện của họ. Tôi muốn hiểu hành vi lén lút ấy có ý nghĩ như thế nào với họ. Sao bạn lại làm vậy? Sao lại là anh ta? Sao lại là cô ấy? Sao lại là bây giờ? Đây có phải lần đầu không? Bạn là người bắt đầu phải không? Bạn đã thử kháng cự chưa? Cảm giác khi ấy như nào? Bạn có đang tìm kiếm điều gì không? Bạn đã tìm thấy gì rồi?

Một trong những sự thật nhức nhối nhất về ngoại tình đó là: những gì mà người A xem là sự phản bội chua xót lại có thể là thay đổi mới lạ đối với người B. Những mối quan hệ ngoài hôn thú rất đau đớn và bất ổn, nhưng chúng cũng mang tính chất giải phóng và quyền thế. Dù cho một cặp đôi có chọn kết thúc hay tiếp tục duy trì mối quan hệ thì việc hiểu được bạn đời mình cũng rất quan trọng.

Khi nhìn ở góc độ kép về một chủ đề nhạy cảm như vậy, tôi sợ rằng mình sẽ bị coi là “người ủng hộ ngoại tình,” hoặc bị gièm pha là một kẻ suy đồi đạo đức. Xin khẳng định lại là tôi không hề đồng ý với việc lừa dối hay xem nhẹ sự phản bội. Văn phòng của tôi luôn tràn ngập sự tan vỡ mỗi ngày. Thế nhưng những rắc rối của tình yêu và ham muốn không hề cổ xúy cho việc phân định đâu đúng đâu sai, hay ai nạn nhân ai thủ phạm. Không lên án không có nghĩa là bỏ qua, và ‘thấu hiểu’ với ‘bào chữa’ khác nhau rất nhiều. Công việc của tôi là phải tạo ra một không gian cho phép người ta sử dụng lòng trắc ẩn để khám phá các trải nghiệm. Người ta có nguyên cớ mới đi lạc lối như vậy, và tôi lấy làm hiểu, nhưng mỗi khi tôi nghĩ mình đã hiểu hết mọi lý do thì lại có thêm nhiều lý do khác ập tới.

Nửa vui thú nửa lo sợ, Priya kể tôi nghe về những buổi hẹn với tình nhân: “Chúng tôi không biết đi đâu nên hay ngồi trong xe ảnh hoặc xe tôi, khi thì trong rạp phim, khi thì trên băng ghế công viên – tay ảnh khám phá khắp người tôi. Tôi thấy mình như một cô nhóc tuổi teen hẹn hò cùng bạn trai vậy.” Một cuộc tình khá “rụt rè.” Họ mới chỉ làm tình sáu lần trong suốt mối quan hệ; bởi với họ, quyến rũ nhau quan trọng hơn làm tình. “Điều đó làm tôi thấy rất hào hứng,” cô bất giác nói mà không biết mình vừa thể hiện sự không chung thủy.

Càng nghe Priya kể, tôi càng có cảm giác vấn đề ấy không liên quan gì tới chồng hay mối quan hệ của họ hết. Như bao câu chuyện tôi từng gặp, cô ấy ngoại tình vì muốn khám phá bản thân, khám phá một nhân cách mới (hoặc bị mất). Với những người tìm kiếm như thế, ngoại tình không phải là dấu hiệu của sự trục trặc, nó đơn giản chỉ là một trải nghiệm mới liên quan tới sự trưởng thành, khám phá và biến đổi.

“Mới?!,” tôi có thể nghe tiếng người khác kêu lên. “Khám phá bản thân?! Ngoại tình là ngoại tình, bất kể anh có gọi nó ra sao đi nữa. Nó là độc ác, ích kỉ, dối trá và lừa gạt.” Rõ ràng người bị phản bội sẽ thấy như vậy. Bị bạn đời phản bội rõ đau – một cú đâm từ nơi mà bạn không ngờ tới nhất. Nhưng tôi vẫn thường hay hỏi những người bị hại rằng: Nếu việc ngoại tình không liên quan gì tới bạn thì sao?

Đôi khi chúng ta để mắt tới một người khác không phải vì chán ngấy nửa kia của mình. Ta chỉ đơn giản tìm một người mới vì muốn tìm thấy phần mới trong bản thân mình mà thôi.

 

Nhà văn tiểu luận người Mexico, Octavio Paz, mô tả tính đa dâm như là “sự thèm khát cái khác biệt.” Trong nhiều trường hợp, “cái khác biệt” mà người ta tìm thấy trong một mối quan hệ lén lút không phải là một bạn tình mới, mà là một “bản thân” mới.

Việc hiểu được những trường hợp như của Priya cũng giống như “hiệu ứng đèn đường” vậy: Thay vì tìm chìa khóa tại nơi mà mình đánh rơi, một gã bợm nhậu say bí tỉ sẽ đi tìm nó tại những nơi mà đèn đường chiếu tới. Loài người có xu hướng kiếm tìm sự thật tại nơi dễ tìm nhất thay vì những nơi đáng ra phải chứa đựng sự thật.

Có lẽ điều này lý giải tại sao nhiều người tin vào thuyết triệu chứng. Đổ lỗi cho một cuộc tình thất bại sẽ dễ hơn là vật lộn với những câu hỏi hóc búa, với khát khao và sự buồn bực trong mình. Vấn đề ở đây là, không giống với cuộc tìm kiếm vô vọng của gã say rượu, ta hoàn toàn có thể tìm ra những vấn đề trong hôn nhân. Chỉ chưa chắc chúng có phải là chìa khóa dẫn tới ý nghĩa ẩn sau ngoại tình hay không mà thôi.

Một cuộc giám định pháp lý về hôn nhân của Priya chắc chắn cho thấy vài vấn đề – vị thế thấp trong tài chính gia đình; liên tục trấn tĩnh cơn giận và né tránh xung đột; nỗi sợ giam cầm mà đôi khi cô mắc phải; việc dần dần hợp nhất hai cá thể thành “chúng mình,” như trong câu Chúng mình ăn ở chỗ đó có ổn không nhỉ? Hẳn sẽ rất vui nếu cô ấy và tôi chuyện trò như thế, nhưng đó không phải là thứ mà chúng tôi cần. Một cặp đôi gặp vấn đề không có nghĩa là vấn đề đó sẽ dẫn tới việc lừa dối.

“Tôi nghĩ chuyện này là do cô chứ không phải do hôn nhân,” tôi gợi ý cho Priya. “Kể tôi nghe đôi chút về cô đi.”

“Tôi đã luôn là một đứa con ngoan, một người vợ thảo, một bà mẹ hiền. Không chê vào đâu được.” Xuất thân từ một gia đình gia giáo đồng nghĩa với việc, đối với Priya, câu “Mình muốn gì?” chưa bao giờ tách rời câu “Họ muốn gì ở mình?”. Cô chưa từng ăn nhậu hay đi đêm, năm 22 tuổi cô mới bắt đầu hút thuốc. Sau đại học, cô kết hôn với một người đàn ông tốt, phụ giúp cho gia đình như bao đứa con nhập cư khác. Giờ đây trong đầu cô cứ vấn vương một câu hỏi: “Nếu mình không hoàn hảo, liệu họ có còn yêu mình không?” Giọng nói trong cô cứ hoài trăn trở rằng cuộc sống sẽ ra sao nếu một ngày mình không còn “tốt đẹp” nữa. Mình có cô đơn hơn? Tự do hơn? Hay vui vẻ hơn không?

Ca ngoại tình của Priya không phải là triệu chứng, càng không phải bệnh lý; nó là cơn khủng hoảng căn tính, một hình thức tái bố trí nhân cách trong mình. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi đã đề cập tới nghĩa vụ và ham muốn, về tuổi tác và thanh xuân. Con gái cô đang dần lớn lên và tận hưởng niềm tự do mà cô chưa từng có được. Priya vừa khuyến khích vừa ghen tị. Càng tới gần tuổi 50, tâm lí cô càng nổi loạn hơn.

Những lời giải thích này nghe có vẻ hời hợt, non nớt, ích kỉ và thiếu chín chắn. Priya đã nhận xét bản thân như vậy. Chúng tôi đều đồng ý rằng cuộc sống của cô là rất tuyệt vời. Ấy vậy mà cô vẫn sa lầy. Như thế là đủ để tôi không thể xem nhẹ hành vi của Priya. Nếu có thể giúp cô ấy hiểu mình hơn, biết đâu ta có thể tìm ra cách để kết thúc mối quan hệ lén lút kia. Rõ ràng đây không phải là một câu chuyện tình cảm tốt đẹp, hy vọng cái kết của nó sẽ không hủy hoại hoàn toàn cuộc hôn nhân của Priya.

Tách rời với những trách nhiệm thường nhật, thế giới ngoại tình thường được lý tưởng hóa, kèm với đó là những triển vọng siêu việt. Với một số người, như Priya, đó là một thế giới đầy hứa hẹn – một thực tại khác, nơi mà họ có thể tái tưởng tượng và tái định hình bản thân vì ở đây chẳng có bất kì ràng buộc nào. Thế giới ấy như thể một vết cắt ngang đầy thi vị trong cuộc sống phàm tục thường thấy.

Bằng cách phải lòng một người thuộc tầng lớp, văn hóa hay thế hệ khác, chúng ta sẽ được trải nghiệm những điều mà mình không thể có.

Những câu chuyện tình yêu bị ngăn cấm thường rất đẹp , trái ngược với những ràng buộc thế tục của hôn nhân và gia đình. Đặc tính cơ bản của vũ trụ này, đồng thời cũng là chìa khóa cho sức hấp dẫn của mình, chính là việc ta không thể đạt được nó. Ngoại tình là tạm thời, khó đoán và nhập nhằng. Cái cảm giác bất định hiếm thấy trong mối quan hệ chính thống lại trở nên thật hấp dẫn trong một cuộc tình lén lút. Vì ta không thể có được người mình yêu, vậy nên ta cứ liên tục muốn. Chính sự “ngoài tầm với” đã gieo rắc vẻ huyền bí và cứ hoài bồi đắp cho ngọn lửa ham muốn cháy bập bùng. Việc tách rời mối quan hệ ngoại tình này ra khỏi thực tại chính là lý do vì sao nhiều người, như Priya, chọn bồ nhí dựa trên những tiêu chuẩn mà mình không ưa. Bằng cách phải lòng một người thuộc tầng lớp, văn hóa hay thế hệ khác, chúng ta sẽ được trải nghiệm những điều mà mình không thể có.

Một vài vụ ngoại tình đã không còn lén lút. Có người nghĩ rằng một mối quan hệ đầy cố gắng sẽ “sống tốt” ngay cả khi được phơi bày ra ánh sáng. Những lời nói ngon ngọt về những điều có thể làm khi về chung một nhà cứ thế thốt ra. Thế rồi khi những vách ngăn không còn, khi đơn ly dị đã ký, khi cái siêu phàm trộn lẫn với cái trần tục và cuộc tình cửa sau đặt chân vào thế giới, chuyện gì sẽ xảy ra? Một vài cặp sống vui vẻ hạnh phúc, nhưng đa số thì không. Theo kinh nghiệm của tôi, khi cuộc hôn nhân kết thúc, đa số các cuộc ngoại tình cũng chấm dứt theo. Dù cho tình yêu có thật đến cỡ nào thì thói lăng nhăng cũng chỉ là hão huyền.

Ngoại tình sống dưới bóng hôn nhân, nhưng hôn nhân cũng sống ngay giữa ngoại tình. Nếu không phi pháp thì liệu mối quan hệ ấy có còn hấp dẫn? Nếu Priya và anh bồ chăn ấm nệm êm thì có còn kích thích như khi làm trong xe không?

Hành trình khám phá cái tôi là tiền đề cho những câu chuyện ngoại tình với rất nhiều biến thể. Vũ trụ song song của Priya đã đưa cô trở về năm tháng tuổi teen chưa từng có. Số khác thì bị hấp dẫn bởi kí ức một thời đã qua. Và có người thì mong muốn nắm lấy những cơ hội đã từng lỡ làng, nắm lấy bản ngã mà họ đã có thể có. Nhà xã hội học Zygmunt Bauman từng viết: “Trong cuộc sống hiện đại, sẽ luôn có sự nghi ngờ… rằng một người đang nói dối hoặc mắc sai lầm; rằng có một điều tối quan trọng đã bị bỏ quên; rằng một nghĩa vụ quan trọng đối với bản thân chưa được đáp ứng, hoặc rằng một số hạnh phúc mới lạ nếu không nắm lấy thì sẽ mãi bay xa.”

Bauman thì thầm với nỗi luyến tiếc của mỗi chúng ta về cuộc sống mà ta chưa từng thử, về bản ngã mà ta chưa từng biết đến và về những con đường mà ta chưa từng đi. Khi còn nhỏ, ta có cơ hội đóng vai nhiều hình mẫu khác nhau; khi lớn lên rồi, ta thường bị hạn chế bởi những người gắn với mình. Khi chọn bạn đời, ta bước vào một câu chuyện. Nhưng rồi ta vẫn hoài gặng hỏi: Ta đã có thể viết nên câu chuyện nào khác không? Ngoại tình đưa ta vào góc nhìn của những người xa lạ nằm ngoài câu chuyện của bản thân mình. Và nó chính là thứ bù lấp cho những khả năng bị bỏ ngỏ trước đó.

Dwayne đã luôn trân trọng những kỉ niệm cùng Keisha, người yêu của anh từ thời đại học. Cô là bạn tình tuyệt nhất anh từng có. Họ đều biết mình còn quá trẻ để cam kết với nhau điều gì, rồi thì chia xa bất đắc dĩ. Qua nhiều năm, anh thường tự hỏi mình rằng: liệu mọi chuyện đã có thể khác đi?

Vào Facebook, nơi cho ta biết bao cơ hội kết nối lại với những người từng ra khỏi đời ta. Sự tò mò cứ thế dấy lên. “Chuyện gì đã xảy ra?” “Cổ có chồng chưa nhỉ?” “Có thật là ảnh đang gặp rắc rối trong mối quan hệ không ta?” “Em ấy có còn dễ thương như hồi trước không nhỉ?” Câu trả lời chỉ cách ta một cú click. Một ngày, Dwayne tìm trang cá nhân của Keisha. Bất ngờ làm sao, họ ở chung một thành phố. Cô ta đã ly dị, vẫn còn rất tươi tắn. Anh thì ngược lại, đã có gia đình, nhưng chỉ trong một phút yếu lòng, từ nút “Kết Bạn”, họ đã trở thành bồ nhí.

Có vẻ như trong thập kỉ vừa qua, mạng xã hội đã ươm mầm cho biết bao cuộc ngoại tình với người yêu cũ. Nó là kết quả của sự giao thoa giữa cái biết và cái chưa biết – mang lại cảm giác thân thuộc ngày nào kèm với sự mới lạ qua thời gian. Tia sáng lung linh từ ngọn lửa đã cũ nhen nhóm một niềm tin, một sự liều lĩnh cùng chút yếu mềm. Thêm vào đó, nó như một nam châm hút lấy những hoài niệm đã đem cất từ lâu. Con người từng có trong tôi, chính là con người mà bạn từng khoác vai đồng hành.

Priya cảm thấy rối ren và ô nhục khi bản thân đang đẩy cuộc hôn nhân tới gần vực dốc. Chính những lời hẹn thề ngày nào đang ràng buộc lấy cô. Nhưng đó mới chính là điều cám dỗ nhất của việc phạm lỗi: liều lĩnh đánh cược những điều quan trọng nhất đời mình. Không khi nào mà người ta không muốn phá luật mỗi khi nói về những quy định. Mối quan hệ gian díu của chúng ta đã soi sáng nhân cách tối tăm nhất của nhân loại. Phá luật chính là đặt tự do lên trên tục lệ, đặt cá nhân lên trên cộng đồng. Dẫu chấp nhận trọng lực, loài người vẫn mơ mộng được bay.

Priya thường cảm thấy mâu thuẫn nội tâm – liên tục bị khuyên can bởi cái tôi thiện lành và được cổ vũ bởi cái tôi sa ngã; lo sợ bị phát hiện nhưng không thể (hoặc không muốn) dừng lại. Cô ấy bị thao túng bởi suy nghĩ: Sẽ ra sao nếu chỉ lần này, mình sống như thể không bị trói buộc bởi xiềng xích?

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã giúp Priya xác nhận lại hoàn cảnh của mình. Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải ly dị Colin. Nhưng đôi vai cô cũng bị đè nặng bởi tội lỗi: “Làm đau anh ấy là điều tôi không bao giờ muốn làm. Nếu anh ấy biết, anh ấy sẽ vỡ vụn mất. Và dù cho có biết rằng mình không làm gì sai thì cũng sẽ chẳng khác gì, ảnh sẽ không bao giờ tin được đâu.”

Có lẽ cô ấy đúng. Có thể lý do vợ ngoại tình sẽ chẳng thể xoa nhẹ nỗi đau của Colin. Hoặc cũng có thể nó xoa dịu được. Sau hàng chục năm hành nghề, tôi vẫn không thể nào đoán ra người ta sẽ làm gì một khi phát hiện bạn đời mình ngoại tình. Một vài mái ấm đã đổ vỡ sau khi cuộc tình cửa sau bị phát giác. Số khác thì tiếp tục duy trì mạnh mẽ ngay cả khi bị phụ bạc.

Priya đã nhiều lần thử chấm dứt mối quan hệ kia. Cô xóa số điện thoại bồ, đi đường khác mỗi khi đưa con tới trường, tự nói với lòng rằng mọi chuyện là sai trái. Nhưng rồi những quy định mà cô đưa ra lại lần nữa bị phá vỡ. Ba ngày sau, cái tên giả lại xuất hiện trên điện thoại. Tuy nhiên, cô càng làm liều thì dằn vặt càng tăng. Cô bắt đầu cảm thấy bị hao mòn, mỗi ngày lại càng xác xơ hơn. Hiểm nguy cứ thế theo chân cô tới rạp chiếu phim và bãi đỗ.

Tôi không có quyền bảo Priya phải làm gì. Hơn nữa, cô ấy cũng đã tự nhận thức được là phải chấm dứt mối quan hệ này. Mặc dù vậy, cô cũng không hề muốn. Có thể thấy, điều mà Priya sợ mất không phải là anh chàng tình nhân kia, mà là một phần cái tôi trong cô mà anh ta đã thức tỉnh. Việc phân biệt rạch ròi giữa nhân sự và trải nghiệm là rất cần thiết. Cô ấy cần phải biết rằng nếu cô để anh ta đi, cổ sẽ không đánh mất chính mình.

“Cô nghĩ là mình đang gian díu với Anh Xe Tải,” tôi trao đổi. “Nhưng thật ra, cô đang kết nối với bản thân mình, và anh ta là người dẫn lối. Tôi không cần cô phải tin, nhưng cô có thể loại bỏ mối quan hệ này và giữ lại một chút kỉ niệm. Cô đã kết nối với một nguồn năng lượng của tuổi trẻ. Tôi biết việc rời bỏ anh ta sẽ rất khó khăn, nhưng tôi muốn cô hiểu rằng qua thời gian, cô sẽ nhận thấy cái ‘khác biệt’ mà cô thèm khát thật ra luôn sống trong thâm tâm mình.”

Tôi thường nói với bệnh nhân của mình rằng, nếu họ có thể đem 1/10 sự táo bạo và khôi hài từ ngoại tình vào hôn nhân, tổ ấm của họ sẽ thực sự khác biệt. Trí tưởng tượng muôn màu của ta sẽ chỉ thực sự mạnh khi ta phạm tội thay vì tuân thủ. Khi nói như vậy, tôi nhớ lại phân cảnh sầu thảm trong bộ phim A Walk on the Moon. Nhân vật của Diane Lane ngoại tình với một tay bán hàng. Đứa con gái của cô hỏi, “Mẹ yêu [chú ấy] nhiều hơn tụi con sao?” “Không,” người mẹ đáp, nhưng “đôi khi được khác biệt với một người khác lại thoải mái hơn.”

Nếu Priya chấm dứt ngoại tình thành công, một song đề mới lại nổi lên: Cô ấy có nên nói với chồng? Hay nên giữ bí mật cho riêng mình? Cuộc hôn nhân liệu có còn vững bền sau khi sự thật được phơi ra? Liệu nó có thể tiếp tục với một lời nói dối mãi giấu kín? 

Tôi không thể đưa ra câu trả lời nào. Tôi không thể tha thứ cho sự lừa dối, nhưng tôi đã trông thấy quá nhiều bí mật bất cẩn để lại những vết sẹo chẳng mờ. Dẫu vậy, trong nhiều trường hợp, tôi đã giúp nhiều cặp đôi đi tới sự thật, hy vọng rằng điều đó sẽ mở ra những cầu nối mới cho họ.

Thảm họa có một cách đẩy chúng ta vào bản chất của vạn vật. Trước sự thật tàn khốc, rất nhiều cặp vợ chồng nói với tôi rằng họ đang trò chuyện một cách sâu sắc nhất và trung thực nhất trong toàn bộ mối quan hệ. Quá khứ của họ bao gồm những kì vọng chưa trọn viên, những oán giận không thành tiếng và những khát khao chẳng được vẹn đầy. Tình yêu thật rối rắm; ngoại tình còn rối hơn. Nhưng nó cũng như một chiếc cửa sổ dẫn vào những vết nứt nơi trái tim con người vậy.

Sự phát giác ngoại tình sẽ đẩy các cặp vợ chồng vào những khúc mắc như: Ngoại tình là gì và tại sao nó lại quan trọng tới vậy? Liệu có thể yêu cùng lúc hơn một người được không? Ta có thể tin tưởng nhau lại được không? Ta sẽ cân bằng như thế nào giữa nhu cầu xúc cảm và ham muốn thể xác? Liệu đam mê có là hữu hạn? Và có hay không những điều mà một cuộc hôn nhân (hạnh phúc) không thể mang lại?

Với tôi, những cuộc trò chuyện này giữa hai vợ chồng nên được chuẩn bị ngay từ ban đầu. Cổ nhân vẫn nói: phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Chuyện trò với nhau về những điều mới lạ mà ta ao ước, trong một bầu không khí thân tin, sẽ giúp gia cố được tình thân mật và gắn kết hơn. Nhưng với nhiều cặp đôi, họ chỉ đề cập tới ngoại tình một khi giọt nước đã tràn ly. Priya và Colin sẽ phải trao đổi với nhau những câu hỏi này, đồng thời chống chọi với thiệt hại từ sự phản bội, dối lừa và niềm tin vụn vỡ gây ra.

Mỗi cuộc ngoại tình sẽ tái định nghĩa lại hôn nhân, và mỗi cuộc hôn nhân sẽ quyết định đặc tính của vụ ngoại tình. Mặc dù gian díu đã luôn là nguyên nhân chính cho các cuộc ly dị ở phương Tây, tôi đã trông thấy nhiều cặp đôi vẫn bên nhau sau khi khám phá ra sự thật. Tôi tin Priya và Colin vẫn sẽ bên nhau, nhưng tương lai của họ ra sao còn tùy thuộc vào cách họ nhìn nhận lỗi lầm của cô ấy. Liệu họ có bền chặt hơn chăng? Hay họ sẽ vùi vấn đề vào tủi nhục và hoài nghi? Liệu Priya có bước ra khỏi vỏ bọc và đối diện với nỗi đau mà cô tạo dựng? Liệu Colin có khuây khỏa hơn khi biết vụ ngoại tình không phải là do anh mà ra? Và liệu anh có thể chứng kiến một Priya vô tư và trẻ khỏe như cô đã từng khi ở bên Anh Xe Tải hay không?

Ngày nay, rất nhiều người rồi sẽ có hai hoặc ba mối quan hệ hoặc đám cưới. Thường thì khi một cặp đôi tìm tới tôi sau nạn ngoại tình, rõ ràng mái ấm đầu tiên của họ đã sụp đổ. Vậy nên tôi thường hỏi họ: Các bạn có muốn cùng nhau tạo dựng một gia đình thứ hai không?

 

Xem bài nói chuyện của tác giả

Dũng Ngô - Bình Bồng Bột lược dịch

 Minh Trang

Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/nhip-song/tai-sao-ngay-ca-khi-hanh-phuc-nguoi-ta-van-ngoai-tinh-22020292235917308.htm

Bài gốc: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2017/10/why-happy-people-cheat/537882/

menu
menu