Tại sao nhiều người trong chúng ta vẫn thấy người thân sau khi họ đã qua đời

Những trải nghiệm này – vốn là ảo giác nhiều hơn là ảo ảnh – có thể là một phần lành mạnh trong quá trình tang thương.
Vài tuần sau khi nhà thần kinh học Oliver Sacks qua đời, người bạn của ông, Jonathan Weiner, trông thấy ông đứng giữa dòng người đông đúc trên một con phố ở New York. Rồi điều đó lại xảy ra: từ khoảng cách chừng bảy, tám mét, Weiner nhìn thấy dáng người cao lớn, bộ râu trắng rậm rạp và cái đầu hói quen thuộc của Sacks, đang ngồi trên một chiếc ghế đá công viên.
Weiner không chạy đến, không ngồi xuống bên cạnh để hỏi thăm sức khỏe ông. Anh biết đó không thể là Sacks thật. “Không có khoảnh khắc nào của sự kiếm tìm,” Weiner – một nhà văn khoa học – nhớ lại. “Chỉ là một cơn nhói đau khi nghĩ rằng mình vừa thấy ông ấy, rồi ngay lập tức nhận ra điều đó là không thể.”
Khi một người thân yêu rời xa, họ biến mất, không thể tìm thấy được nữa. Nhưng chính vào khoảnh khắc đó, nhiều người đang chịu tang lại bắt đầu thấy họ xuất hiện trở lại: trên một con đường đông đúc, trong siêu thị, ngay góc phố phía trước. Đây là hiện tượng mà chính Sacks đã từng viết trong cuốn Hallucinations (2012). Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy khoảng một phần ba số người đang đau buồn đã từng nhìn thấy hoặc nghe thấy người thân quá cố của họ, thậm chí cả những con mèo mà họ đã mất. Weiner đã ngừng trông thấy Sacks theo thời gian, nhưng anh vẫn thoáng thấy bóng dáng cha mình, người đã qua đời vào năm 2016.
Photo by Paolo Pellegrin/Magnum
Những ảo ảnh sau khi mất người thân có nhiều mức độ khác nhau. “Tôi đã nghe kể về điều này hàng ngàn lần,” Alan Wolfelt – một chuyên gia tư vấn về tang chế, đồng thời là giám đốc Trung tâm Mất mát và Chuyển đổi Cuộc sống – nói. “Ai đó đi mua sắm và từ xa trông thấy cha mình.” Nhiều người thậm chí đã chạy đến để kiểm tra xem có phải là họ hay không.
Một nghiên cứu từ năm 1971 mang tên The Hallucinations of Widowhood (tạm dịch: “Những ảo ảnh góa bụa”) do một bác sĩ người xứ Wales thực hiện cho thấy gần một nửa số người góa bụa đã trải qua những ảo giác về người bạn đời của mình. Những hiện tượng này thường xuất hiện nhiều nhất trong 10 năm đầu sau khi mất, xảy ra ở cả nam lẫn nữ, và phổ biến hơn nếu hai người đã sống bên nhau lâu dài. Một nghiên cứu năm 1985 lặp lại kết quả này qua phỏng vấn các cư dân tại hai viện dưỡng lão, và một nghiên cứu năm 2015 phát hiện rằng 30 đến 60% số người góa bụa từng có những trải nghiệm tương tự. Đôi khi, người ta không thực sự nhìn thấy người thân đã khuất, mà chỉ cảm nhận được sự hiện diện của họ.
Khoảnh khắc trên đường phố, khi ta thoáng thấy người thân ở khóe mắt hay ngay trước mặt, thực chất là một ảo ảnh hơn là một ảo giác, theo Mary-Frances O’Connor, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Nghiên cứu về Mất mát và Căng thẳng Xã hội tại Đại học Arizona. Ảo giác thường đi kèm với một niềm tin kéo dài sau đó – chẳng hạn như tin rằng người đã khuất vẫn còn sống. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra trong những trường hợp như vậy.
Wolfelt cho rằng hiện tượng này gần với hành vi kiếm tìm và khao khát – một phần cốt lõi trong quá trình đau buồn và chấp nhận thực tại rằng người thân đã mất. “Tôi có thể hiểu rõ trong đầu rằng cha mình đã qua đời,” ông nói. “Nhưng con người không được lập trình để chấp nhận sự ra đi của ai đó một cách nhanh chóng và dễ dàng.”
Những ảo ảnh này thường xuất hiện khi ta đang đi trên đường, để đầu óc trôi dạt, hoặc chìm trong suy nghĩ vẩn vơ. Dưới góc độ thần kinh học, O’Connor lý giải hiện tượng này dựa trên cách bộ não không ngừng dự đoán thế giới xung quanh. “Bộ não giúp ta tưởng tượng điều gì có thể xảy ra, để chuẩn bị cho những điều đó,” bà nói.
Sau một mất mát, khi bộ não tiếp nhận và xử lý thông tin từ môi trường, nó vẫn lọc chúng qua niềm tin cũ rằng người thân yêu vẫn còn đâu đó – theo một cách nào đó, những giá trị tiên quyết giúp định hình nhận thức của ta chưa kịp cập nhật. “Nếu có một dấu hiệu nào đó trong môi trường xung quanh gợi nhắc đến người thân, bộ não sẽ lấp đầy khoảng trống đó,” O’Connor giải thích. “Bộ não con người rất giỏi trong việc phát hiện mẫu hình và tự điền vào những phần còn thiếu.”
Những niềm tin về các mối quan hệ quan trọng nhất thường mất nhiều thời gian nhất để thay đổi. Khi ta gắn bó mật thiết với ai đó, đặc biệt là mối quan hệ giữa con và cha mẹ, sự gắn kết ấy tạo ra một niềm tin sâu sắc rằng người đó sẽ luôn ở bên ta. “Đó là lý do nhiều người nói rằng ‘Tôi biết điều này nghe thật điên rồ, nhưng tôi vẫn có cảm giác họ sắp bước vào nhà’,” O’Connor chia sẻ.
Hầu hết những trải nghiệm ảo giác này đều vô hại. Trong nghiên cứu năm 1971, phần lớn những người góa bụa còn cho rằng điều đó giúp họ cảm thấy dễ chịu hơn; chỉ 6% mô tả những lần gặp gỡ đó là khó chịu. Năm 2021, khi các nhà nghiên cứu hỏi hơn 1.000 người về cảm giác của họ khi trông thấy người thân đã khuất, 71% nói rằng họ trân quý những khoảnh khắc ấy, 20% cảm thấy vui vì đã trải nghiệm chúng, và 68% cho rằng những lần “gặp gỡ” đó có ý nghĩa trong quá trình họ vượt qua nỗi đau mất mát.
Wolfelt nhận thấy, qua những câu chuyện kể lại, rằng những người không có mặt khi người thân qua đời dường như dễ thấy họ xuất hiện trở lại hơn. "Ngược lại, những ai đã tận mắt chứng kiến thi thể người đã khuất thì ít có xu hướng tìm kiếm hay khao khát gặp lại họ," ông nói. Dù có xa cách đến đâu, ta vẫn luôn biết người mình yêu thương đang ở nơi nào. "Ta biết cách để đến với họ," O’Connor giải thích. "Họ vẫn có một nơi để trở về. Nhưng khi nỗi đau còn mới nguyên, bộ não sẽ cố gắng tìm hiểu: Người ấy đang ở đâu?"
O’Connor chỉ thực sự lo ngại khi việc nhìn thấy người thân đã mất khiến ai đó né tránh một số nơi hoặc thay đổi hành vi một cách cực đoan. Một trong những bệnh nhân đầu tiên của bà từng nghĩ rằng cô đã nhìn thấy cha mình, và cảm thấy vô cùng hoảng sợ vì không muốn gặp lại ông lần nữa. "Phần lớn là do ông ấy đã qua đời trong một vụ tai nạn kinh hoàng, và cô ấy sợ hãi hình ảnh của ông sẽ trông như thế nào," O’Connor kể. Nhưng khi cô gái ấy có cơ hội giãi bày nỗi sợ của mình, những ám ảnh đó dần tan biến. Với hầu hết mọi người, dù có chút nhói đau hay tiếc nuối, những trải nghiệm này không phải điều gì quá đáng sợ. "Nó không hề xấu, dù có thể khiến ta đau lòng," Wolfelt nói.
Trong cuốn sách The Anatomy of Bereavement (tạm dịch: "Giải phẫu nỗi đau mất mát") xuất bản năm 1983, bác sĩ tâm thần Beverley Raphael gọi những lần chạm mặt với người thân đã khuất là "sự diễn giải sai lệch của tri giác", gợi nhớ đến một số quan điểm của Freud về tang thương. Trong bài luận Mourning and Melancholia (1917), Sigmund Freud từng viết rằng khi con người không chấp nhận được sự thật rằng người thân của họ đã không còn tồn tại, họ sẽ "quay lưng với thực tại và bám víu lấy người đã mất thông qua một trạng thái tâm thần hoang tưởng đầy ảo vọng".
Nhưng O’Connor lại cho rằng khoảnh khắc ta thoáng thấy một người đã khuất không nhất thiết phải bị xem là một dạng "loạn thần". Điều đó chỉ có nghĩa là sợi dây gắn kết giữa ta và người ấy vẫn còn nguyên vẹn. Và để tang một người không có nghĩa là ta phải cắt đứt những mối liên hệ ấy, theo lời nhà tâm lý học Christopher Hall, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu về Tang chế tại Úc. "Cái chết khép lại một cuộc đời, nhưng không nhất thiết phải khép lại một mối quan hệ," ông viết. "Thay vì nói lời tạm biệt hay đi tìm sự kết thúc, ta có thể chấp nhận rằng người đã khuất vừa có mặt, vừa vắng bóng trong cuộc sống của mình." Điều đó có thể là hình ảnh của cha hay bạn bè thấp thoáng trong khóe mắt, cũng có thể là những cuộc trò chuyện với họ trong thinh lặng, hay những lần ta đến thăm lại những nơi họ từng yêu thích, để rồi cảm thấy họ vẫn đang ở đó.
Trải nghiệm gặp lại người thân đã khuất là điều rất phổ biến ở nhiều nền văn hóa, dù cách lý giải có thể khác nhau – có thể dưới góc độ tôn giáo, tâm linh hay tâm lý học. Chẳng hạn, một nghiên cứu về các góa phụ Nhật Bản cho thấy những ai có thói quen dâng đồ ăn cho người đã mất thường có sức mạnh tinh thần vững vàng hơn. Ở Trung Quốc, nhiều người kể rằng họ đã gặp lại người thân dưới hình dạng những con côn trùng. Những con côn trùng ấy "hiếm khi bay đi như lẽ thường, cho phép người sống có cơ hội trò chuyện với chúng, như thể đang nói chuyện với người đã khuất".
Sacks cũng từng có trải nghiệm giống Weiner, với chính mẹ mình. "Sau khi mẹ tôi qua đời, tôi cứ ngỡ rằng mình nhìn thấy bà trên phố," ông kể trong một cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR) năm 2012 về cuốn Hallucinations. "Có lẽ là do dáng đi, tư thế hay vóc người của ai đó gợi nhắc đến bà." Trong cuốn sách ấy, Sacks cũng viết về những người bắt đầu nhìn thấy hoặc nghe thấy những điều không có thật sau khi họ mất đi một giác quan – chẳng hạn như nghe thấy âm thanh tưởng tượng sau khi bị mất thính lực. Việc mất đi một người thương yêu cũng có thể được xem như vậy. "Có thể là thế," ông nói. "Cái chết của một người thân yêu để lại một khoảng trống sâu hoắm trong cuộc đời ta."
Năm 2020, một trong những người bạn thân nhất của tôi qua đời. Năm trước đó, cậu ấy chuyển về California, và chúng tôi đã không gặp nhau suốt nhiều tháng. Thế nhưng, chỉ đến khi cậu ấy mất đi, tôi mới bắt đầu có những khoảnh khắc giật mình ngoái nhìn khi bắt gặp ai đó có dáng người giống cậu, hay băng qua một toa tàu đông đúc chỉ vì thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc trong chiếc áo len hay chiếc mũ beanie mà cậu ấy thường đội.
Kengo, một người bạn khác cùng chia sẻ mất mát này với tôi, cũng có những trải nghiệm tương tự. Mỗi khi trông thấy ai đó mặc chiếc quần jeans xắn gấu hay khoác lên mình một chiếc áo len đẹp, anh ấy lại có một khoảnh khắc ngỡ ngàng. Ban đầu là niềm vui bừng sáng, như một dòng điện chạy dọc cơ thể. "Tớ thấy phía sau đầu cậu ấy, cậu ấy chưa nhìn thấy tớ – tớ sắp làm cậu ấy bất ngờ đây!" Nhưng rồi thời gian như khựng lại, giữa cảm giác ấy và thực tại bỗng có một khoảng cách. "Giống như khi cậu hụt một bậc cầu thang," Kengo nói. "Rồi sau đó, mọi thứ dần chậm lại, nỗi buồn trải dài như một bức tranh toàn cảnh khi tớ cố nhìn người đó từ nhiều góc độ khác nhau. Tớ bước lên từ một bên. Và khuôn mặt kia đã xác nhận tất cả."
Có lúc, Kengo bước theo người lạ ấy lâu hơn mức anh nghĩ mình nên làm. "Tớ không thể cưỡng lại được. Tớ cứ lén nhìn, chỉ để chắc chắn thêm một lần nữa rằng… đó không phải là cậu ấy."
Nguồn: Why so many of us see our loved ones after they have died | Psyche.co