Tại sao những tên quỷ đội lốt người thích trở thành thầy tu

tai-sao-nhung-ten-quy-doi-lot-nguoi-thich-tro-thanh-thay-tu

Góc nhìn sâu sắc hơn đối với một hiện tượng nghiêm trọng.

Dòng tít bắt mắt: “Nghề nghiệp nào có nhiều kẻ điên rồ nhất?” (đăng trên The Week, 30 tháng 10 năm 2013) đã gây ra một cuộc tranh luận tương đối gay gắt trên mạng, là bởi mỗi người đều có một đáp án của riêng mình hoặc một câu chuyện đáng ghê sợ. Dù vậy, đáng tiếc là chưa có nghề nghiệp nào xứng đáng đứng đầu danh sách. Và câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao một ngành nghề bất kì lại có nhiều kẻ thái nhân cách (psychopath) hơn so với những ngành nghề còn lại?

Theo bài báo, vị trí CEOs thường hấp dẫn nhiều kẻ thái nhân cách nhất (psychopath). Có thể là như vậy, nếu chúng ta xem xét đến Enron, Bernard Madoff, hay các bộ phim như “Con sói Phố Wall” (2013). Nhưng có một ngành nghề từng khiến tôi chú ý, bị bỏ qua suốt 30 năm qua, đó chính là các thầy tu, linh mục (xếp hạng thứ 8 sau các vị trí thuộc các lực lượng hành pháp, dựa theo bài báo). Tôi nói từ 30 năm trước là bởi người ta có thể cho rằng những kẻ biến thái điên rồ khó mà trở thành các linh mục, nhưng đó là sự thật khi các linh mục bị phát giác có liên quan đến vụ việc “các Linh mục thiên chúa giáo lạm dụng trẻ em”, Điều này đặt ra câu hỏi: tại sao những kẻ bị cho là thái nhân cách (psychopath) lại hứng thú với việc trở thành linh mục? Thực tế cho thấy, có rất nhiều lợi ích khi trở thành linh mục, và những kẻ thái nhân cách thì nắm rất vững những lợi ích này – đầu tiên là việc được cảnh báo trước.

Không may là, cụm từ thái nhân cách (psychopath) đã bị đưa ra trao đổi, bình luận quá nhiều khiến nó ngày càng mang ý nghĩa tiêu cực. Căn cứ theo định nghĩa của Robert Hare, có rất nhiều điểm khác biệt giữa một kẻ thái nhân cách với một kẻ tâm thần có xu hướng chống đối xã hội (là kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội – những kẻ có thể thực hiện những hành vi gây ra sự hỗn loạn) và với người có xu hướng tự yêu bản thân thái quá hay những kẻ bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Đáng tiếc là phần lớn mọi người, kể cả các bác sĩ đều không nhận ra sự khác biệt mà đáng ra nên biết này. Các cụm từ này thường hay bị gộp chung lại như ở bài viết kể trên và điều đó gây ra sự nhầm lẫn nhất định. Có rất nhiều dấu hiệu cơ bản để phân biệt những thuật ngữ này, vì vậy thay vì việc hiểu một cách mơ hồ và lạm dụng cụm từ “thái nhân cách”, tôi sẽ gọi những kẻ đó là những con con quỷ đội lốt người – là thuật ngữ bao hàm tất cả các cụm từ miêu tả về sự rối loạn hay bệnh lý nêu trên.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng tôi viết bài báo này không nhằm mục đích lên án bất kì tôn giáo nào, bởi bất cứ nhóm tôn giáo nào cũng đều bị lợi dụng bởi những con quỷ đội lốt người hay những kẻ cuồng tín độc ác. Tất nhiên là cần phải phân tích, nghiên cứu nguyên nhân khiến những con quỷ này muốn gắn liền bản thân với một tổ chức tôn giáo nào đó hoặc tìm cách trở thành các linh mục, để từ đó chúng ta có thể nhận biết và bảo vệ những người thân yêu và chính chúng ta. Nắm rõ những gì cần phải làm, thì chúng ta mới có thể xác định những con quỷ đó lẫn trong số các linh mục cũng như cách chúng sử dụng văn phòng của mình hay các tổ chức tôn giáo để lợi dụng người khác.

Như đã từng nói, chúng ta cần phải biết rằng những tên quỷ đó tìm cách gia nhập vào các hội nhóm, đoàn thể (bất kì tổ chức nào) vì vô số những lý do – những thứ hữu dụng và có ích cho chúng mà chúng ta có thể còn chưa biết, đương nhiên là bao gồm cả những lý do giúp chúng dễ dàng thực hiện những hành vi tội ác của mình. Nguyên nhân thì rất nhiều, và đây là một trong số đó:

  1. Các hội nhóm, đoàn thể mang lại một cơ sở hạ tầng thích hợp cho những con quỷ đội lốt người dụ dỗ người khác để thu lợi bất chính hoặc lợi dụng họ (tình dục, sức khỏe, thể chất….)
  2. Là thành viên trong các hội nhóm, đoàn thể lớn và chính thống (có thể là một hội nhóm, một nhánh của quân đội, hay một đoàn thể nào đó) khiến mỗi cá nhân có những quyền lợi nhất định. Chúng ta đều rất kính trọng hoặc tin tưởng một người nào đó khi được biết họ là VP hoặc là trưởng phòng kinh doanh cho công ty XYZ nào đó hơn so với khi thấy họ chỉ là một kẻ lạ mặt xa lạ trên phố.
  3. Các hội nhóm, đoàn thể tạo cho những con quỷ đội lốt người phương thức tiếp cận sẵn đó và dễ dàng để xác định cả tấn những con mồi tiềm năng. Ví dụ như, một nhân viên cài đặt dịch vụ truyền hình cáp có thể bước vào một ngôi nhà, nhận biết mức độ bảo an của ngôi nhà đó, đánh giá được những vật có giá trị, hoặc xác định được chủ nhân ngôi nhà có phải người độc thân hay không.
  4. Các hội nhóm, đoàn thể giúp cho những con quỷ đội lốt người dễ dàng tiếp cận những con mồi tiềm năng mà bình thường chúng hiếm khi có khả năng gặp được, hoặc phải mất rất nhiều công sức mới tìm ra. Những con quỷ này thậm chí có thể tìm thấy những nạn nhân tiềm năng làm việc cách đó chỉ một vài buồng nhỏ.
  5. Rất dễ tìm được đồng lõa trong một hội nhóm, đoàn thể. Những kẻ này có thể cung cấp cho con quỷ đội lốt người thông tin để lợi dụng được điểm yếu của người khác, cũng như thông tin về tài sản, cá nhân, hay thông tin nhạy cảm khác mà bình thường khó lòng có được.
  6. Đồng nghiệp tại các hội nhóm, đoàn thể có thể cảnh báo hoặc bảo vệ con quỷ đội lốt người với tư cách là kẻ đồng lõa bí mật, hoặc bởi quyền lợi của họ gắn liền với hành động của con quỷ đó (những con quỷ cấp dưới thì luôn bảo vệ những con quỷ cấp cao).
  7. Một vài hội nhóm, đoàn thể lại có thể có những khuyến khích về mặt tài chính cho những con quỷ đội lốt người để chúng có thể mặc sức thể hiện xu hướng chống đối xã hội (ví dụ như: vô lương tâm, lãnh đạm với người khác, bắt nạt, trấn lột, ngạo mạn, quan tâm ở mức thấp nhất đối với phúc lợi cho nhân viên, tự yêu bản thân, thích thú với quyền lực được giao, đặt lợi ích lên trên con người). Thường thường, với một ban điều hành gồm những con người đã chai sạn, không mấy khác nhau, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình; thì chính họ đã khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng thực hiện những hành vi chống đối xã hội. Đó là liều thuốc độc đối với một tổ chức nhưng đồng thời lại là một dạng quan hệ cộng sinh đã trở nên quá sức quen thuộc.
  8. Các hội nhóm, đoàn thể thường tìm cách “giải quyết” nội bộ những vấn đề tiêu cực để giữ gìn danh tiếng của mình, vì vậy mà họ khó lòng công khai ngay cả những tội ác kinh khủng nhất của những con quỷ đội lốt người ẩn sâu trong hội nhóm, đoàn thể của mình; thuyên chuyển công tác, đuổi việc hoặc để chúng ra đi trong im lặng vẫn là những biện pháp được yêu thích hơn cả.
  9. Đôi khi, chính cấu trúc của các hội nhóm, đoàn thể đã tạo điều kiện cho những con quỷ đội lốt người lợi dụng điểm yếu của họ một cách dễ dàng để đạt được mục đích – ví dụ điển hình chính là sự sụp đổ của khối ngân hàng vào năm 2008.
  10. Những con quỷ đội lốt người biết rằng các nạn nhân trong các vụ kiện dân sự thường lựa chọn yêu cầu các hội nhóm, đoàn thể (nơi có nguồn ngân sách tương đối lớn) bồi thường cho mình hơn là những cá ngân với nguồn thu nhập ít ỏi.

Và như thế, có cả ngàn lý do tại sao những con quỷ đội lốt người lại muốn tham gia vào các hội nhóm, đoàn thể và nếu như bạn suy nghĩ với tư cách là một con quỷ đội lốt người thì điều đó là hoàn toàn hợp lý. Những lại có vài vấn đề gây hiểu nhầm về lý do tại sao chúng lại chọn trở thành các linh mục, hoặc tham gia vào các tổ chức tôn giáo khác. Dễ gây hiểu nhầm là bởi chúng ta không suy xét kỹ lưỡng vấn đề đó. Phần lớn mọi người không có suy nghĩ giống với một con quỷ đội lốt người, nhưng dưới đây là một vài góc nhìn khiến bạn phải suy ngẫm lại. Những góc nhìn này dựa trên những nghiên cứu cá nhân và những cuộc nói chuyện giữa tôi hay những người khác với những con quỷ đội lốt người – những kẻ cố tình tìm cách gia nhập vào những tổ chức tôn giáo.

  1. Như đã trình bày ở trên, là thành viên của hội nhóm, đoàn thể, những con quỷ đội lốt người có thể tiếp cận với cả tấn những con mồi tiềm năng. Theo điều lệ của tôn giáo đó, chúng có thể xác định được đâu là con mồi tiềm năng, thời gian và địa điểm họp mặt (ví dụ như tham gia công ích vào 11giờ sáng chủ nhật hàng tuần tại nhà thờ địa phương). Những buổi gặp mặt đều đặn tạo cơ hội cho chúng có thể trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí là chỉ đạo từ xa; ví dụ như trộm cắp tài sản khi biết chính xác thời điểm không có ai ở nhà.
  2. Một vài tổ chức tôn giáo yêu cầu thành viên phải thổ lộ những sai phạm, lỗi lầm hay điểm yếu của mình trước cả hội. Đây là “của trời ban” cho những con quỷ đội lốt người – kẻ có thể sử dụng những thông tin này để xác định mục tiêu dễ dàng hơn. Chúng cần những thông tin như vậy để đánh vào điểm yếu của mỗi con mồi. Một con quỷ đội lốt người đã từng nói với tôi: “chỉ bằng những thông tin đó, tôi biết chính xác con mồi là ai và nên ra tay lúc nào”.
  3. Thói ngồi lê đôi mách xuất hiện tại hầu hết các tổ chức, các tổ chức tôn giáo cũng không phải ngoại lệ. Những thông tin từ các kênh vỉa hè như vậy có thể rất hữu ích trong việc để lộ ra ai vừa mới được thăng chức hay nhận được tiền thưởng; ai sắp đi du lịch; vợ hoặc chồng của ai sắp ra nước ngoài trong vòng bảy tháng; ai ngây thơ hay cả tin; ai cần hỗ trợ về mặt tài chính; hoặc ai đang có vấn đề trong cuộc sống hôn nhân và trở nên cô đơn, dễ bị tổn thương.
  4. Là thành viên của một tổ chức tôn giáo, các cá nhân thuộc những tầng lớp khác nhau trong xã hội có thể giao tiếp với nhau dễ dàng hơn rất nhiều so với bên ngoài tổ chức. Điều này cho phép những con quỷ đội lốt người thuộc tầng lớp dưới có thể qua lại với những người sống ở nơi kín cổng cao tường, thậm chí là những mục tiêu chúng không thể với tới. Nói cách khác, nếu bạn không thể chi trả để đến những nơi đắt đỏ, bạn vẫn có thể tiếp xúc với những người thuộc giới thượng lưu khi đến nhà thờ. Đây là tiểu xảo yêu thích của những kẻ bịp bợm, lừa đảo, ví dụ điển hình như với Ponzi hay hình thức lừa đảo kiểu kim tự tháp (phương thức lừa đảo: sử dụng tiền vay của người bị lừa sau để trả lãi cho tiền vay của người bị lừa trước đó).
  5. Rất nhiều tổ chức tôn giáo rao giảng về sự tha thứ, ngay cả đối với những kẻ đã phạm trọng tội. Đối với những con quỷ đội lốt người thì đây chính là món quà trời cho. Tức là, nếu chúng có bị bắt, chúng có thể cầu xin và đương nhiên sẽ nhận được sự tha thứ – một nỗ lực xuất phát từ sự sùng đạo nhưng quá ngây ngô để giúp những kẻ phạm luật với hy vọng chúng “học được từ sai lầm của mình”. Đáng tiếc, chúng lại cho đây là cơ hội để rèn luyện lại kĩ năng và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội của mình ở lần tiếp theo, nhưng cẩn thận hơn. Đây chính là những các linh mục thiên chúa giáo – những kẻ liên tục phạm tội lạm dụng trẻ em- đã làm. Chúng được tha thứ theo một hệ thống tự động trong suốt quá trình gây án, vì vậy chúng đã gây ra “những tổn thương khủng khiếp mà con người phải gánh chịu” – với những cái tên khác như: trẻ em khiếp sợ cuộc sống, chưa kể tới việc những chấn thương tâm lý mà gia đình đứa trẻ phải chịu và sự khủng hoảng niềm tin bùng nổ trong những người mộ đạo khi tội ác của chúng bị vạch trần. Nếu bạn chỉ tình cờ biết được những gì đang diễn ra trong giới tu sĩ và hàng ngàn nạn nhân của chúng, bạn nên tìm đọc cuốn sách đã đoạt giải Pulizer: “Sự phản bội: Khủng hoảng của các nhà thờ thiên chúa giáo” (Betrayal: The Crisis in the Catholic Church) do nhân viên điều tra xuất sắc của The Boston Globe thực hiện. Và nếu như vậy vẫn chưa đủ để chạm tới trái tim của bạn, vậy thì cuốn “Sự báng bổ thần thánh: lạm dụng tình dụng trong các nhà thờ thiên chúa giáo” (Sacrilege: Sexual Abuse in the Catholic Church) do Leon J. Podles viết sẽ buộc bạn phải tránh xa, khóc thầm và ngẫm nghĩ lại.
  1. Bởi vì các tổ chức tôn giáo thường rao giảng về tình bằng hữu, ngay cả khi người đó đã phạm một tội ác nghiêm trọng, thì vẫn có những người cả tin đến mức bảo vệ cho con quỷ đội lốt người đó hoặc sẵn sàng mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Cuốn sách “Sự phản bội”, do Boston Globe xuất bản, đã nhắc đi nhắc lại chính xác về loại tha thứ bệnh hoạn này. Tuy nhiên, không nên cho rằng điều đó chỉ xảy ra ở các tổ chức tôn giáo; vẫn còn rất nhiều nạn nhân khác đang vẫn bảo vệ, theo đuôi những tên tội phạm như những chú cún con. Ví dụ điển hình tên tội phạm từng bị kết án Jerry Sandusky – cựu huấn luyện viên tại Penn State, hắn vẫn được nạn nhân bảo vệ ngay cả khi bị phát hiện đã lạm dụng trẻ em nhiều lần. Trong cuốn “Sự phản bội” , có vô số dẫn chứng về những vụ án từng bị đưa ra tòa, trong đó, rất nhiều những giáo dân, thậm chí là cả những linh mục vẫn cương quyết bảo vệ những linh mục đã thực hiện vô số hành vi phạm tội.
  2. Một lợi thế nữa của những con quỷ đội lốt người khi ở trong các tổ chức tôn giáo là: ngay cả khi chúng bị bắt quả tang, y hay thị chỉ cần đơn giản là đổ hết tội cho “Satan”. Với lợi thế là một linh mục, cho dù là lừa đảo, chiếm dụng tài chính, hay lạm dụng trẻ em, chúng chỉ cần nói rằng mình đã bị “ác quỷ” xúi giục và như thế là xong. Chúng biết chắc chắn sẽ luôn có một nhóm người tin vào lý lẽ của mình và không lý gì mà sử dụng họ.
  3. Nếu một con quỷ đội lốt người được giao những quyền hạn nhất định trong một tổ chức tôn giáo, y hoặc thị có thế kêu gọi sự “giúp sức” từ phía nhà thờ hay tổ chức dưới lá bài “chống lại kẻ thù”. Bất kì ai – ở bên ngoài tổ chức, có hành vi theo dõi, giám sát y hay thị hòng đưa tội lỗi của chúng ra ánh sáng- thì đều bị chúng gọi dưới cái tên như : “họ”, “những kẻ hoài nghi chống lại chúng ta”. Những lời đó đã kích động các thành viên trong tổ chức tập hợp lại để chống lại kẻ thù bên ngoài, bao gồm cả bảo vệ người lãnh đạo của mình, như đã thấy trong vụ của David KoreshJim Jones. Và đương nhiên, chúng sẽ biện minh rằng chúng ta – “những kẻ bên ngoài”, “ là những kẻ bị cấp trên/ con quỷ đội lốt người nghi ngờ”, và là những kẻ không thể hiểu được, bởi vì chúng ta chỉ đơn giản là không có “niềm tin”, hoặc (phổ biến hơn) là “những kẻ thù ghét”. Với những con quỷ đội lốt người có tôn giáo làm chỗ dựa dẫm, chúng dễ dàng liệt những cá nhân trên là kẻ thù của: “nhà thờ”, “ chúa”, “giáo đoàn”, “nhà tiên tri”, “cấp trên”, “tự do tôn giáo”, là kẻ tấn công “người được xức dầu thánh”, “người biết tin tưởng” hay “người công bình”, và những từ ngữ tương tự. Một khi bạn bị cho là “kẻ thù” của một ai đó, điều đó thực sự khiến những người “thực sự tin tưởng”, giống như Eric Hoffer, sẽ cảnh cáo chúng ta, thậm chí là hơn thế nữa. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong lần điều tra đầu tiên đối với Warren Jeffs – kẻ sau đó bị buộc tội đã lạm dụng tình dục với hai bé gái. Đây cũng là lời biện minh của những kẻ đã hỗ trợ Jim Jones, và rất nhiều người đã phải trả giá bằng cái chết khi hắn ra lệnh cho những tên tay sai của mình đầu độc chính con cái và cả bản thân họ.
  1. Nếu một con quỷ đội lốt người trở thành lãnh tụ, lãnh đạo trong một tổ chức, hoặc may mắn hơn, trở thành đầu não của một nhà thờ hay một tổ chức tôn giáo, khi đó, y hay thị lập tức được khoác lên chiếc áo quyền lực (cả về đạo đức) mà những đoàn thể khác không có được. Nên lưu ý rằng, rất nhiều người vẫn tôn thờ người lãnh đạo nhà thờ và sẵn lòng giao ra mọi quyền và lợi ích của mình mà không hề nghi ngờ.
  2. Những con quỷ đội lốt người sẽ sớm nhận ra “khả năng kêu cầu một vị thần để biện minh cho hành vi của mình” chính là con át chủ bài, gạt đi tất cả những nghi ngờ đối với chúng. Chúng luôn nói rằng: “ta vâng lệnh chúa trời” hoặc “ Chúa trời đã ra lệnh cho ta”, hay “đó là ý của chúa trời” để thực hiện hành vi của mình. Đó là lời biện minh vững chắc, đáng tin và cảm động đến mức khó lòng bác bỏ; đặc biệt là đối với những người biết tin tưởng đã có địa vị nhất định, đã cống hiến thời gian và tiền bạc vào tổ chức, đoàn thể đó. Vì vậy mà việc lạm dụng trẻ em được ngụy biện thành hành vi được thực hiện theo ý của một vị thần. Rõ ràng là, chúng rất thỏa mãn khi được làm như vậy. Và đó là chính xác những gì Warren Jeffs đã nói với kẻ đồng lõa của y – một bà mẹ ngu ngốc đã đồng ý dùng con gái mình để thỏa mãn nhu cầu nhục dục của y. Dễ dàng tôn sùng cấp trên – Victor, Arden Barnard đã dùng chính lý lẽ đấy để hợp pháp hóa hành vi lạm dụng trẻ em của y bởi đó là tuân theo “lời của chúa trời”.
  3. Cần phải nhấn mạnh rằng, không có bất kì tôn giáo hay giáo phái nào muốn trở thành bức bình phong cho những kẻ bệnh hoạn – theo định nghĩa của Robert Hare mà tôi được biết. Tất cả những gì chúng cần là được phong chức, hay tuyên bố mình là lãnh đạo của một tôn giáo, và thế là con đường của con quỷ đội lốt người trở nên quang đãng hơn bao giờ hết. Khác với một số đơn vị, tổ chức nhất định, ví dụ như các cơ quan hành pháp, họ sử dụng những biện pháp tâm lý để xác định những kẻ bệnh hoạn, rất ít tổ chức tôn giáo có thể làm được điều đó. Đó là nguyên nhân khiến những con quỷ đội lốt người lợi dụng khi tham gia hay lãnh đạo những tổ chức, đoàn thể đó. Ở khắp mọi nơi trên trái đất này, khó lòng mà thực hiện được việc kiểm tra, giám sát một cách chu toàn. Để ngầm bao che, hay lừa đảo, những con quỷ đội lốt người chỉ cần những con mồi có lòng tin và tin tưởng vào chúng – điều này lại rất dễ dàng có được khi chúng núp bóng một tổ chức tôn giáo hợp pháp.
  4. Là một con quỷ đội lốt người tức là đánh giá quá cao bản thân lên bằng cách dẫm đạp lên người khác – một yếu tố cơ bản của cả kẻ tự yêu bản thân và một kẻ quỷ quyệt (tìm đọc Những nhân cách nguy hiểm). Tổ chức tôn giáo là nơi mà những con quỷ đội lốt người có thể tận dụng những lợi thế này bởi việc đánh giá bản thân là dựa theo chức tước chúng được ban, kèm theo đó là văn phòng. Đối với những tên quỷ quyệt này thì điều đó tương tự như việc được nói rằng vì “ là ngươi” nên “ngươi được như vậy”.
  5. Những tên quỷ đội lốt người biết hoặc sẽ sớm nhận ra rằng xã hội thường có xu hướng tôn trọng, không nghi ngờ bất cứ điều gì về quyền lực mang tính tôn giáo. Những người có địa vị cao như: những huấn luyện viên nổi tiếng, sao truyền hình, chính trị gia … thường có được những quyền lực nhất định, nên dù họ có bị vạch trần là có hành vi sai phạm, thậm chí là có hành vi phạm tội thì thường những lời vạch tội đó vẫn bị lờ đi (Jimmy Savile ở Anh, O.J. Simpsson ở Mĩ là ví dụ điển hình).
  6. Các bậc phụ huynh thường tin tưởng những người lãnh đạo một tôn giáo hơn so với những người bình thường khác. Những bài học lịch sử đã cho thấy, họ có thể bỏ qua những lời kể tội từ con cái của chính mình khi chúng nói bị những người đứng đầu tôn giáo lạm dụng tình dụng; hoặc họ sẽ giữ im lặng để không làm “lật thuyền”. Các vị phụ huynh, đặc biệt là những người có xuất thân hèn kém hay quá cuồng tín, khó lòng có thể chống lại một lãnh đạo nổi tiếng hay đáng tin cậy, “nhà thờ “ hoặc cao hơn thế nữa, mệnh lệnh từ người có thứ bậc cao trong tôn giáo. Như chúng ta thường thấy thấy: nỗi sợ hãi bị trừng phạt, bị khai trừ, bị cách ly khỏi cộng đồng hay bị rút phép thông công (một người công giáo bị rút phép thông công thì cả cha mẹ cũng bị rút phép thông công, tức là khi chết đi sẽ không có linh hồn) buộc nạn nhân và gia đình họ phải giữ im lặng.
  7. Ở phần đông các nền văn hóa, trẻ em thường nghe lời những người có chức quyền, đặc biệt là những người có địa vị cao trong một tôn giáo. Nắm được điều đó, những tên quỷ đội lốt người có thể buộc những đứa trẻ phải nghe theo những yêu cầu bẩn thỉu của chúng, và giữ bí mật về điều này. Có rất nhiều minh chứng trong lịch sử, tâm lý xã hội học, và từ hàng ngàn vụ kiện đã diễn ra cho thấy điều này.

Vậy, điều này đưa chúng ta tới đâu? Thực tế là những con quỷ đội lốt người đang sống lẫn xung quanh chúng ta. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, ở bất cứ đâu, tại bất cứ cộng đồng dân cư nào, có khoảng 1 – 4% dân cư có khả năng là những con quỷ đội lốt người. Chúng có thể tìm cách gia nhập vào các tổ chức, đoàn thể – nơi mang lại cho chúng vô số lợi ích. Lỗi không phải ở tổ chức, đoàn thể đó, lỗi là ở những cá nhân muốn gia nhập tổ chức để dễ dàng xác định mục tiêu và thực hiện âm mưu quỷ kế của chúng – đó là thực tế đang diễn ra.

Ta không thể ngăn cản mọi vụ phạm tội, chúng ta cũng không thể biết những tên quỷ đội lốt người rình mò ta như thế nào, nhưng tri thức có thế giúp phần nào sức lực. Nếu chúng ta biết trước được phương thức suy nghĩ, cách thức lợi dụng các tổ chức hợp pháp, chính thống, phương thức lợi dụng người khác của những con quỷ đội lốt người, có thể ta sẽ bảo vệ được nhiều hơn một đứa bé, hay thậm chí là chính chúng ta trước những con quỷ đó.

***

Lily Chan dịch

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/au/blog/spycatcher/201404/why-predators-are-attracted-careers-in-the-clergy

menu
menu