Tại sao ta lại khó chịu với những gì từng ngưỡng mộ
Một trong những lý do khiến ta yêu một người là vì ta nhận ra họ có thể làm được những điều mà ta không thể.
Một trong những lý do khiến ta yêu một người là vì ta nhận ra họ có thể làm được những điều mà ta không thể. Ta bị cuốn hút bởi những người giỏi giang và thoải mái ở những khía cạnh cuộc sống mà ta cảm thấy khó khăn. Có lẽ họ rất giỏi sắp xếp công việc trong khi ta lại vụng về; hoặc họ sáng tạo, còn ta thiên về lối sống thực tế. Có khi họ cực kỳ nhạy cảm, trong khi ta lại lúng túng khi đối diện với cảm xúc của chính mình.
Hy vọng – dù chỉ là trong tiềm thức – khi đến với người ấy, ta sẽ học hỏi và phát triển. Những ưu điểm của họ sẽ giúp ta thay đổi. Ta sẽ trở nên tự tin hơn, hài hước hơn, giỏi xử lý giấy tờ hơn hoặc sẵn sàng phân tích sâu hơn về nội tâm mình. Tình yêu mang đến một viễn cảnh về sự trưởng thành.
Nhưng theo thời gian, lời hứa hẹn tươi đẹp này thường bị méo mó đi. Những điểm mạnh ta từng yêu mến ở người kia bỗng biến thành những thứ thái quá, khiến ta mất tinh thần. Sự kiềm chế quyến rũ ban đầu dần trở thành sự lạnh lùng. Sự sáng tạo biến thành cuồng loạn. Các giá trị truyền thống giờ lại giống như tư duy bảo thủ, quê mùa. Sự khéo léo, gọn gàng trong quản lý hóa thành ám ảnh về trật tự một cách cực đoan.
© Flickr/Jessica Dowse
Mối quan hệ dần bị cuốn vào vòng xoáy “cực đoan hóa.” Người mạnh về một mặt nào đó lại càng phát triển kỹ năng ấy, đồng thời trở nên bực bội với sự yếu kém của đối phương. Trong khi đó, người yếu thế ngày càng tránh xa lĩnh vực ấy, ngày càng kém cỏi và coi sự thành thạo của người kia là thứ khó ưa. Người giỏi dần mất hứng thú dạy người kia cách cải thiện; thay vào đó, họ chỉ cảm thấy khó chịu trước sự bất lực của đối phương. Còn người yếu thì từ bỏ sớm, ít thực hành hơn và nhìn người giỏi bằng ánh mắt ngày càng hoài nghi, dè chừng.
Hãy lấy ví dụ về khả năng quản lý công việc. Trong một cặp đôi, nếu một người giỏi hơn, còn người kia yếu kém hơn, ban đầu, sự khéo léo của người giỏi từng là điều khiến người kia ngưỡng mộ. Nhưng theo thời gian, mọi trách nhiệm lại dồn về phía người giỏi, tạo ra mâu thuẫn và sự bất mãn. Người giỏi cảm thấy như mình bị “trời đày” vì lỡ ràng buộc cuộc đời mình với một kẻ lười biếng. Trong khi đó, người từng ngưỡng mộ kỹ năng này lại thấy thất vọng khi người kia ngày càng cứng nhắc, độc đoán.
Hoặc giả sử, một cặp đôi bị chia rẽ thành “người sáng tạo” và “người thực tế.” Người sáng tạo cho rằng đối phương lúc nào cũng tìm cách phủ nhận ý tưởng của mình, không bao giờ mơ mộng hay suy nghĩ rộng rãi. Còn người thực tế thì cảm thấy người kia thường ảo tưởng, thất thường và khó tin cậy.
Dưới áp lực, những sự đối lập này dễ dàng trở thành mồi lửa cho xung đột. Phản ứng tự nhiên là cảm giác rằng ta đã chọn sai người. Nhưng sự thật là, chính vì ta chọn đúng người nên những mâu thuẫn ấy mới nảy sinh. Vấn đề là ta đang xử lý sự khác biệt theo cách sai lầm. Ta quên rằng điều ta từng bị hấp dẫn và ngưỡng mộ chính là những phẩm chất khác biệt mà ta hy vọng học hỏi.
Để giảm bớt căng thẳng và hạn chế tổn thương, trách nhiệm thuộc về người giỏi hơn trong lĩnh vực đó. Người này đang ở thế mạnh – và trong các khía cạnh khác của mối quan hệ, họ cũng có thể là người yếu hơn. Người giỏi cần nhận ra rằng chính sự thành thạo thái quá của mình không giúp ích được gì, mà thực tế còn là nguồn gốc sâu xa gây ra vấn đề. Sự giỏi giang vô tình làm gia tăng và củng cố sự kém cỏi của đối phương.
Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để dạy người kia tốt hơn? Người giỏi thường mặc định rằng cách dạy hiệu quả nhất là chỉ trích sự kém cỏi (bằng những từ như “quá máy móc,” “lạnh lùng,” “điên rồ,” “tham vọng,” hay “nhút nhát”). Nhưng điều này chỉ gây ra nỗi sợ hãi và khiến đối phương rút lui.
Hãy nghĩ đến việc dạy một đứa trẻ làm toán. Trẻ sẽ không tiến bộ nếu ta lao vào và đưa ra đáp án ngay. Càng nóng nảy, trẻ càng hoang mang và tuyệt vọng. Trong việc dạy toán, ta biết cần phải giả vờ không biết, kìm lại sự thông minh của mình để giúp trẻ tự tìm lời giải.
Nhưng trong tình yêu, ta lại hiếm khi có thái độ nhẹ nhàng và xây dựng như vậy. Ta không nhìn nhận người bạn đời như một “người mới học” trong một lĩnh vực chính đáng nào đó (như đúng giờ hay bày tỏ tình cảm), người cần sự hỗ trợ kiên nhẫn và cẩn trọng. Ta không nhận ra rằng việc vượt qua nỗi lo âu khi đi gặp ai đó để không bị muộn cũng là một kỹ năng, hay việc giảm bớt nỗi sợ hãi về sự thân mật để có thể ôm một người cũng là một năng lực cần học hỏi.
Để thay đổi động lực cực đoan hóa, người giỏi cần tạm rút lui khỏi thế mạnh của mình. Họ nên hiểu rằng sự thành thạo của mình đang làm người kia nản lòng. Vì vậy, họ cần – cố tình – giảm bớt kỹ năng của mình trong một thời gian. Họ nên giả vờ bớt sáng tạo, ít ngăn nắp hơn, hơi ngại ngùng hơn một chút… để nhẹ nhàng khuyến khích người kia bước vào khoảng trống và lấy lại cân bằng trong mối quan hệ. Có thể họ sẽ phải chấp nhận một vài sự cố nhỏ: tài chính hơi lộn xộn, bỏ lỡ một vài buổi tiệc, hoặc bụi bặm tích tụ dưới gầm giường…
Người giỏi cần hiểu rằng khả năng của mình không phải là thứ có thể ra lệnh để người khác học theo, mà cần được truyền dạy một cách nhẹ nhàng nhất. Nhưng họ có thể yên tâm rằng đối phương thực sự muốn học. Chính sự khác biệt ban đầu đã thu hút hai người và khơi dậy hy vọng được phát triển bản thân. Vấn đề là không ai có thể học hỏi khi cảm thấy bị sỉ nhục.
Nguồn: WHY YOU ARE SO ANNOYED BY WHAT YOU ONCE ADMIRED - The School Of Life