Tại sao thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi
Làm thế nào để hiểu về sự trôi chảy của thời gian.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Cảm nhận về thời gian của chúng ta rất linh hoạt và mang tính chủ quan.
- Một yếu tố quan trọng là cách não bộ xử lý thông tin. Càng nhiều thông tin được tiếp nhận, thời gian dường như trôi chậm hơn.
- Khi tuổi tác tăng lên, thời gian dường như trôi nhanh hơn vì chúng ta ít trải nghiệm mới và cảm nhận kém sống động hơn.
- Chúng ta có thể làm chậm nhịp độ thời gian bằng cách đón nhận những trải nghiệm mới và sống một cách tỉnh thức.
Tuần trước, tôi tham dự một hội nghị về tâm lý học tại Đại học Oxford. Mặc dù hội nghị không chuyên về thời gian, nhưng nó đã khiến tôi suy ngẫm về cách mà tâm trí con người trải nghiệm thời gian.
Hội nghị rất lớn, với khoảng 500 đại biểu và kéo dài bốn ngày. Tôi gặp lại nhiều người bạn cũ, những người quen, và còn kết nối với nhiều người bạn mới. Tôi tham gia rất nhiều bài giảng và hội thảo đến mức đầu óc nhanh chóng cảm thấy quá tải với thông tin.
Ngày cuối của hội nghị, tôi tình cờ gặp lại một người phụ nữ mà tôi đã trò chuyện vào ngày đầu tiên sau khi cùng tham gia một buổi thảo luận. Cảm giác như đã lâu lắm rồi, đến mức tôi gần như không nhận ra cô ấy. Tôi thốt lên: “Tôi không tin được là mới chỉ ba ngày kể từ khi gặp chị! Cứ ngỡ đã ba tuần rồi!”
Một hiện tượng khác mà tôi để ý là, dù mỗi bài thuyết trình đều kéo dài 45 phút, nhưng tốc độ thời gian trôi qua lại khác nhau. Một số diễn giả cuốn hút và sinh động hơn, trong khi một số nội dung thì trừu tượng và xa lạ. Kết quả là, có bài diễn thuyết trôi qua thật nhanh, nhưng cũng có bài khiến thời gian như kéo dài vô tận. (Hy vọng là bài diễn thuyết của tôi thuộc vào nhóm thứ nhất!)
Image: Jasteri/Shutterstock
Chìa khóa của nhận thức về thời gian
Điều gì quyết định cách chúng ta cảm nhận thời gian, như trong những ví dụ trên? Vì sao có lúc thời gian dường như trôi thật nhanh, còn lúc khác lại chậm lại? Đây là những câu hỏi chính mà tôi khám phá trong cuốn sách mới của mình Những Trải Nghiệm Mở Rộng Thời Gian, trong đó tôi cho rằng nhận thức về thời gian rất linh hoạt và mang tính chủ quan.
Có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa cách ta cảm nhận thời gian và quá trình xử lý thông tin. Càng tiếp nhận nhiều thông tin, thời gian dường như trôi qua chậm hơn. Đó cũng là lý do tại sao hội nghị tôi tham dự kéo dài tưởng như vô tận – do não bộ tôi phải xử lý quá nhiều thông tin, không chỉ từ các buổi thuyết trình và hội thảo, mà còn từ những người tôi gặp và môi trường Oxford hoàn toàn mới mẻ với tôi. Ngược lại, khi ta ở trong môi trường quen thuộc, lặp đi lặp lại những hoạt động thường ngày với những người đã quá thân quen, thời gian thường trôi qua rất nhanh.
Theo một cách gián tiếp, cách xử lý thông tin cũng giúp lý giải vì sao thời gian dường như trôi nhanh khi ta bị cuốn hút, và lại chậm đi khi ta cảm thấy buồn chán. Khi ta hoàn toàn tập trung, lượng thông tin được xử lý ít hơn. Ta tập trung vào một hoạt động duy nhất (như khi theo dõi một buổi thuyết trình thú vị, đọc sách hay xem phim) và hầu như bỏ qua mọi nguồn thông tin khác xung quanh. Đáng chú ý nhất là tâm trí ta trở nên tĩnh lặng – gần như không có suy nghĩ lãng vãng – nên lượng thông tin nhận thức được xử lý là rất ít.
Nhưng khi sự chú ý của ta tản mạn hay không rõ ràng – như trong trạng thái buồn chán, sốt ruột hay lo âu – hàng loạt thông tin tràn ngập vào tâm trí. Như tôi đã nhận ra trong một số buổi thuyết trình tại hội nghị, khi tâm trí không tập trung, nó nhanh chóng trở nên “ồn ào” – đầy ắp những suy nghĩ về tương lai hay quá khứ, những đoạn hội thoại, đoạn nhạc, hay cả những chuyện về chính trị hoặc người nổi tiếng. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ý nghĩ lướt qua tâm trí chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Và tất cả lượng thông tin nhận thức đó làm thời gian như kéo dài ra.
Vì sao thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta già đi
Dù nghe có vẻ chẳng liên quan, nhưng cách chúng ta xử lý thông tin lại giúp lý giải vì sao thời gian dường như trôi nhanh hơn khi ta già đi. Trong một nghiên cứu gần đây với 918 người lớn do nhà tâm lý học Ruth Ogden đứng đầu, có đến 77% số người tham gia đồng ý rằng Giáng sinh như đến nhanh hơn mỗi năm. (14% không có ý kiến, còn chỉ có 9% không đồng ý.) Thú vị là khi nhóm nghiên cứu của Ogden hỏi một nhóm người Iraq về cảm nhận của họ đối với tháng lễ Ramadan, kết quả nhận được cũng tương tự.
Nhiều người thường chia sẻ rằng thời gian trôi qua thật chậm chạp khi họ còn nhỏ. Tôi vẫn nhớ rõ ngày kết thúc tiểu học năm 11 tuổi, biết rằng sau kỳ nghỉ hè sáu tuần, tôi sẽ vào cấp hai. Tôi bắt đầu nghĩ về trường cấp hai, tự hỏi không biết có gì đáng lo không. Nhưng rồi tự nhủ, “Thôi, cũng chẳng cần nghĩ nhiều, vì còn lâu mới đến mà.” Sáu tuần trước mắt dường như kéo dài bất tận, như thể nó bằng với sáu tháng trong cuộc đời người lớn của tôi.
Điều này chủ yếu là vì khi còn nhỏ, chúng ta có nhiều trải nghiệm mới, nên phải xử lý rất nhiều thông tin từ các giác quan. Trẻ em còn có cái nhìn thuần khiết và mãnh liệt về thế giới, khiến mọi thứ xung quanh trở nên sinh động hơn. Nhưng khi lớn lên, số lượng trải nghiệm mới ngày càng ít đi. Quan trọng hơn, cách chúng ta cảm nhận thế giới cũng trở nên máy móc và quen thuộc hơn. Ta dần trở nên “nhờn” với những gì xung quanh mình, tiếp nhận ít thông tin hơn, và thế là thời gian dường như trôi nhanh hơn. Thời gian không còn dày đặc thông tin như trước nữa.
Chống lại sự tăng tốc của thời gian
Dẫu vậy, vẫn có những cách giúp chúng ta làm chậm lại sự tăng tốc của thời gian. Cách dễ nhận thấy nhất là liên tục đưa những điều mới mẻ vào cuộc sống – chẳng hạn như du lịch đến những nơi mới, học những sở thích mới, hoặc gặp gỡ những người bạn mới. Một cách khác, có thể hiệu quả hơn, là sống một cách tỉnh thức, chú ý đến từng trải nghiệm hàng ngày như nhìn, nghe, cảm nhận, và hơn thế nữa. Về lâu dài, ta có thể rèn luyện sự tỉnh thức qua các phương pháp thiền định, giúp xoa dịu dòng suy nghĩ ồn ào trong tâm trí và làm yếu đi những lớp định kiến che lấp bản chất chân thật của thế giới. (Tôi sẽ bàn kỹ hơn về các phương pháp này ở chương cuối của Những Trải Nghiệm Mở Rộng Thời Gian.)
Cả hai cách trên đều tăng lượng thông tin mà tâm trí chúng ta xử lý, mở rộng cách ta cảm nhận thời gian. Điều này chứng minh rằng, dù cảm giác thời gian trôi nhanh cùng tuổi tác là điều thường gặp, nhưng không phải là điều không thể thay đổi.
Nguồn: Psychology Today