Tâm lý của những người luôn muốn rời đi sớm – khuynh hướng ưa chuộng sự tinh gọn trong trải nghiệm

Nếu bạn là người thích rời đi sớm, có lẽ bạn đang theo đuổi “sự tinh gọn trong trải nghiệm.”
Có những người tận hưởng từng phút của bữa tối kéo dài, thích nấn ná trong các buổi tiệc, hay thả hồn vào những bản giao hưởng dằng dặc. Nhưng cũng có những người — có thể là bạn — chỉ mong mọi thứ kết thúc càng nhanh càng tốt. Dù là buổi hòa nhạc, cuộc gặp gỡ bạn bè, hay một sự kiện văn hóa, mô-típ quen thuộc luôn lặp lại: niềm háo hức khởi đầu, một khoảnh khắc hiện diện trọn vẹn, rồi dần dần là cảm giác thôi thúc muốn quay về nhà.
Thói quen này thường bị quy kết là thiếu kiên nhẫn hoặc sống nội tâm, nhưng những góc nhìn tâm lý học mới đây cho rằng nó có thể phản ánh điều gì đó tinh tế hơn: một khuynh hướng ưa chuộng sự tinh gọn trong trải nghiệm.
Khái niệm tinh gọn này — xu hướng của những người tối giản muốn chắt lọc tinh hoa của một trải nghiệm trong thời gian ngắn nhất mà không cần “chịu trận” trọn vẹn — có thể được lý giải bằng khoa học. Hãy cùng khám phá xem tâm lý học nhận thức, tính cách và động lực nói gì về việc vì sao một số người cảm thấy thăng hoa ở khoảnh khắc khởi đầu, rồi sau đó lại không ngừng mong ngóng phút giây rút lui.
Tư Duy Tối Giản Và Việc Hưởng Thụ Cảm Xúc
Một trong những lý do khiến nhiều người sẵn sàng “lặng lẽ rút lui” chỉ sau 40 phút là vì “lợi tức cảm xúc” của một sự kiện thường đạt đỉnh từ rất sớm. Các nghiên cứu về sự thích nghi cảm xúc (hedonic adaptation) cho thấy: sau những trải nghiệm tích cực, chúng ta nhanh chóng trở lại trạng thái hạnh phúc ổn định ban đầu. Điều này đồng nghĩa với việc kéo dài trải nghiệm không nhất thiết sẽ mang lại niềm vui tăng dần theo thời gian.
Cảm giác phấn khích khi màn nhung mở ra, hay khoảnh khắc món tapas đầu tiên được dọn ra? Chính là cao trào đấy. Sau đó, mọi thứ chỉ là sự trượt dốc dần dần về phía “liệu mình có thể lẻn đi giữa buổi không?”
Tinh gọn trong trải nghiệm chính là một lối tắt nhận thức: nếu phản ứng cảm xúc của bạn đã đạt đỉnh ngay từ màn đầu, thì ở lại cho hết vở nhạc kịch để làm gì?
Vì vậy, nếu bạn từng nghĩ: “Vừa rồi thật tuyệt, và giờ mình muốn không còn ở đây nữa,” thì đó không phải bất lịch sự — mà là nghệ thuật quản lý niềm vui một cách hiệu quả. Ăn phần patatas bravas của bạn, rồi lặng lẽ rút lui.
Source: Michael Jasmund / Unsplash
Nhạy Cảm Với Thời Gian Và Giá Trị Chủ Quan Của Khoảnh Khắc
Một số người sở hữu xu hướng tối ưu hóa thời gian cực kỳ rõ nét, luôn ý thức sâu sắc về cách thời gian được sử dụng và liệu nó có “đáng” hay không. Điều này liên hệ với các nghiên cứu về nhận thức thời gian và chi phí cơ hội, cho thấy mỗi người đánh giá giá trị của thời gian theo những cách rất khác nhau. Với những ai theo đuổi trải nghiệm tinh gọn, việc nán lại có thể giống như bỏ lỡ cơ hội nghỉ ngơi, ở một mình, hay làm điều gì đó phù hợp hơn với hệ thống khen thưởng nội tại của họ.
Điều quan trọng là: đây không phải sự thiếu kiên nhẫn — mà là sự tối ưu. Họ không nhất thiết phải không thích sự kiện — họ chỉ đơn giản cảm thấy đủ sớm hơn người khác.
Câu hỏi không còn là “Mình có thấy vui không?” mà là “Mình đã nhận được điều mình đến tìm chưa, và liệu thêm nữa có thật sự là tốt hơn?”
Tải Nhận Thức Và Cảm Giác Bội Thực Thông Tin
Một yếu tố khác góp phần vào xu hướng “đến nhanh, đi sớm” có thể là lý thuyết tải nhận thức. Một số người — đặc biệt là những người xử lý thông tin nhanh và sâu — có thể đạt đến điểm “bội thực” sớm hơn trong những tình huống dồn dập các yếu tố cảm giác hoặc tương tác xã hội. Bộ não chúng ta chỉ tiếp nhận được một lượng kích thích nhất định tại các hội thảo, vở ballet, hay phòng chơi thoát hiểm, trước khi bắt đầu tìm lối thoát — theo đúng nghĩa đen.
Người theo chủ nghĩa hiệu quả trong trải nghiệm thường có một ngưỡng giới hạn rõ rệt — vượt quá ngưỡng ấy, họ bắt đầu rút lui về mặt cảm xúc. Không hẳn là họ chán… mà là khi họ đã hấp thụ đủ “chất” xã hội, thị giác hay cảm xúc từ sự kiện, thì kéo dài thêm chỉ đem lại lợi ích ngày càng giảm.
Tính Cách Và Sự Ưa Chuộng Cái Mới
Nhiều người ưa trải nghiệm tinh gọn lại có điểm rất cao trong đặc điểm “sẵn lòng trải nghiệm”—họ yêu thích cái mới, cái đẹp, sự thấu suốt và những điều bất ngờ. Nhưng điểm thú vị là: họ không cần trải nghiệm kéo dài… chỉ cần nó đủ ý nghĩa hoặc đủ hấp dẫn. Khi sự mới mẻ phai dần, họ sẽ muốn chuyển sang trải nghiệm tiếp theo, dù sự kiện hiện tại vẫn đang rất ổn. Có thể, điều khiến họ thấy thích thú là sự chuyển tiếp giữa các trải nghiệm, hơn là một trải nghiệm trọn vẹn kéo dài.
Tâm lý học gọi đây là “tìm kiếm cảm giác”—và với một số người, đó không phải là những cú nhảy dù mạo hiểm, mà là những khoảnh khắc khiến họ cảm thấy đang sống. Khi khoảnh khắc ấy mất đi sự sống động, họ sẽ rời đi—một cách đầy tôn trọng.
Ngoài ra, những người có mức độ tự chủ cao trong tính cách cũng thường ưa thích những trải nghiệm mang tính tự định hướng và giới hạn về thời gian. Việc bị “kẹt” trong một sự kiện — bất kể giá trị xã hội hay văn hóa — có thể khơi lên sự kháng cự tâm lý tinh vi. Mong muốn rời đi sớm, khi ấy, là một cách đòi lại quyền làm chủ bản thân.
Ứng Dụng Quy Tắc “Đỉnh – Cuối”
Nhà tâm lý học Daniel Kahneman từng đưa ra quy tắc “đỉnh-cuối”, cho rằng chúng ta ghi nhớ một trải nghiệm dựa trên khoảnh khắc cao trào và cái kết — chứ không phải thời lượng kéo dài của nó.
Với những người theo chủ nghĩa tinh gọn trong trải nghiệm, điều này rất trùng khớp với chiến lược hành vi theo bản năng: rời đi khi vẫn còn đẹp… tránh đoạn kết nhàm chán hoặc giờ phút lúng túng… lưu giữ ký ức ở điểm đậm nét nhất. Thật ra, chúng ta đang tự biên tập highlight cho chính cuộc đời mình. Chiến lược này không hề chống lại niềm vui — mà là tối ưu hóa ký ức. Giờ thì gọi Grab nhé?
Một Khuynh Hướng Đáng Trân Trọng, Không Phải Khiếm Khuyết
Không phải ai cũng thích nấn ná. Có người lại thích rời đi. Muốn kết thúc sớm không nhất thiết là chối bỏ trải nghiệm — mà có thể là cách trân trọng nó theo một cách khác. Những người theo đuổi sự tinh gọn trong trải nghiệm không phải không hiện diện — mà là hiện diện với mức độ tập trung cao độ. Họ đến với sự chủ đích, tham dự vừa đủ, rồi rút lui trước khi cảm xúc kịp phai nhạt. Đó không phải sự thiếu gắn bó — mà là ưu tiên sự hiện diện cô đọng.
Trong một nền văn hóa tôn vinh sự kiên trì, nỗ lực không ngơi nghỉ, và tinh thần “ở lại đến phút cuối cùng”, hành vi “lặng lẽ lùi bước” này có thể bị coi là lạ lẫm. Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cởi mở hơn với những ai biết khi nào nên dừng lại… có lẽ đã đến lúc nhìn nhận sự tinh gọn trong trải nghiệm không phải là một vấn đề, mà là một chiến lược.
Rốt cuộc, tinh gọn trong trải nghiệm là một lối sống thẩm mỹ — nơi sự ngắn gọn, rõ ràng và nhịp điệu nội tại dẫn dắt cách ta bước vào và bước ra khỏi thế giới. Không phải ai cũng thích ở lại thật lâu. Có người chỉ muốn chạm vào phép màu, nói lời cảm ơn, rồi trở về nhà. Tôi sẽ đua với bạn đến cánh cửa kia.
Nguồn: The Psychology of Wanting to Leave Early | Psychology Today