Tâm lý học về ASMR

Những nghiên cứu mới khám phá mối liên hệ giữa tính cách và khả năng cảm thụ ASMR.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Việc sáng tạo và thưởng thức nội dung ASMR trên mạng đã bùng nổ, với hơn 2,5 triệu video trên YouTube.
- Nghiên cứu cho thấy những người trải nghiệm ASMR có mức độ kết nối thấp hơn trong mạng lưới mặc định của não bộ.
- Các nhà tâm lý học hiện cho rằng một số đặc điểm tính cách nhất định có liên quan đến sự nhạy cảm cao hơn với ASMR.
Bạn đã bao giờ nghe thấy hay nhìn thấy điều gì đó khiến cơ thể mình râm ran, tê nhẹ? Một lời thì thầm khe khẽ, tiếng giấy gói lạo xạo, nhịp gõ nhẹ của đầu ngón tay, hay hình ảnh và âm thanh của dòng nước chảy? Nếu những kích thích như thế từng khiến bạn cảm thấy phấn khích, hạnh phúc đến ngây ngất, rất có thể bạn thuộc nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi ASMR và các nghiên cứu cho thấy chính tính cách của bạn có thể là một phần nguyên nhân.
ASMR viết tắt của Autonomous Sensory Meridian Response là một hiện tượng mà khi nghe hoặc nhìn thấy một số loại kích thích âm thanh, hình ảnh nhất định, người ta có thể cảm nhận được một làn sóng tê nhè nhẹ, khoan khoái lan tỏa từ vùng da đầu và cổ, đôi khi truyền xuống cả cơ thể. Cảm giác ấy thường được tiếp nối bằng sự thư giãn sâu và tĩnh tại, để lại một trạng thái nhẹ nhõm, an yên.
Kể từ khi được phát hiện, việc tạo ra và thưởng thức nội dung ASMR trên mạng đã phát triển vượt bậc, với hơn 500.000 kênh và hơn 2,5 triệu video trên YouTube chỉ nhằm mục đích kích hoạt cảm giác ASMR ở người xem. Dù hiện tượng này khiến nhiều người chìm đắm trong cảm giác lâng lâng dễ chịu, thì không phải ai cũng cảm nhận được điều đó. Vậy vì sao phản ứng này lại xảy ra? Và ai là người dễ bị tác động nhất? Sau đây là một vài lời giải.
Source: Kyle Glenn / Unsplash
Nguyên nhân nào gây ra ASMR?
Các nhà tâm lý học và thần kinh học thừa nhận rằng nguyên nhân và cơ chế của ASMR vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và còn nhiều điều chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một công trình công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng Quốc tế đã tổng kết lại một số hiểu biết chung mà giới học thuật hiện có về hiện tượng này:
Các nghiên cứu chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, những người trải nghiệm ASMR có sự kết nối chức năng thấp hơn trong mạng lưới mặc định (default mode network) của não khi ở trạng thái nghỉ. Mạng lưới này gồm các vùng não liên quan đến suy ngẫm về bản thân và sự mộng tưởng, thường tạm lắng khi ta tập trung làm việc nhưng lại hoạt động mạnh khi tâm trí thư thả.
Các nghiên cứu cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cũng chỉ ra rằng, những người nhạy cảm với ASMR có mức độ kích hoạt cao hơn ở một số vùng não nhất định, bao gồm vỏ não trước trán giữa (liên quan đến nhận thức bản thân và khả năng hiểu người khác), nhân accumbens (liên quan đến hệ thống khen thưởng của não), cũng như vùng vỏ não và vùng hạch hạnh nhân (liên quan đến cảm xúc và kích thích nội tâm).
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện hoạt động sóng alpha tăng rõ rệt ở những người cảm nhận được ASMR, đây là loại sóng não thường xuất hiện trong trạng thái thiền định và thư giãn sâu. Điều thú vị là hiệu ứng này không được quan sát thấy ở những người không trải nghiệm ASMR.
Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy rằng cảm giác kích thích, tức là sự nhạy bén về mặt cảm xúc và sự tỉnh táo cao độ, là một đặc điểm then chốt của trải nghiệm ASMR. Điều này cho thấy ASMR không chỉ đơn thuần là sự thư giãn, mà còn có thể gắn liền với những trạng thái cảm xúc được đẩy cao.
Khi đi sâu vào thế giới hấp dẫn của ASMR, ta sẽ thấy rằng đây không phải là một hiện tượng phổ quát. Có những người nhạy cảm hơn với nó, và các nhà tâm lý học hiện đang đưa ra giả thuyết rằng chính một số đặc điểm tính cách nhất định có thể khiến ai đó trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn bởi ASMR và có thể, những người ấy đang âm thầm gặt hái nhiều lợi ích từ ASMR mà chẳng hề hay biết.
Sự nhạy cảm với ASMR, tính cách và những lợi lạc tinh thần
Một nghiên cứu đăng trên Frontiers in Psychology đã phân tích năm đặc điểm lớn trong thuyết tính cách Big Five, bao gồm sự cởi mở, sự tận tâm, tính hướng ngoại, tính dễ chịu và mức độ bất ổn tâm lý, để tìm hiểu đặc điểm nào có liên hệ mạnh mẽ nhất với khả năng cảm thụ ASMR. Kết quả cho thấy, những người có mức độ cởi mở cao và xu hướng bất an về mặt cảm xúc (neuroticism) thường nhạy cảm hơn với ASMR so với các kiểu tính cách khác.
Dựa trên phát hiện này, có thể hiểu rằng những ai yêu thích trải nghiệm mới lạ thường bị hấp dẫn bởi cảm giác độc đáo, khác thường mà ASMR mang lại. Trong khi đó, những người có tính khí dễ lo âu, với mức nhạy cảm cảm xúc cao, lại có thể tìm thấy sự xoa dịu và an ủi từ hiệu ứng êm dịu của ASMR, xem đó như một phương tiện để giải tỏa căng thẳng và những áp lực cảm xúc. Chính sự tỉ mỉ trong quan sát và thế giới nội tâm phức tạp của họ cũng có thể góp phần khiến họ dễ bị cuốn hút bởi những kích thích tinh tế, nhẹ nhàng của ASMR.
Vượt xa mối liên hệ giữa tính cách và cảm giác râm ran, một nghiên cứu khác được công bố trên Experimental Brain Research cho thấy ASMR, thậm chí chỉ là việc xem các video ASMR, có thể mang lại nhiều lợi ích tinh thần khác nhau, bao gồm:
Cải thiện tâm trạng. Nghiên cứu cho thấy ASMR có khả năng nâng cao tâm trạng bằng cách làm giảm cảm giác trầm uất, đặc biệt ở những người nhạy cảm với hiệu ứng này.
Giảm nhịp tim. Việc đơn giản xem video ASMR cũng đã có thể làm chậm nhịp tim, bất kể người đó có trải nghiệm ASMR rõ rệt hay không. Điều này gợi ý rằng hiệu ứng thư giãn của ASMR có thể được ứng dụng rộng rãi hơn trong việc giúp con người thư giãn và giảm stress.
Tăng khả năng tập trung. ASMR có liên hệ với sự tỉnh táo và tập trung sâu độ, giống như cảm giác “vào guồng” hoặc trạng thái đắm chìm tinh thần. Vì vậy, ASMR không chỉ mang tính thư giãn; nó còn đem đến sự hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc.
Bắt đầu hành trình ASMR của bạn
Nếu bạn cảm thấy tò mò về ASMR nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu, bạn có thể tham khảo ASMR Trigger Checklist, một bảng tổng hợp các tác nhân phổ biến dựa trên nghiên cứu thực nghiệm kỹ lưỡng. Ngoài ra, hãy thử tìm xem một vài video ASMR để xem cảm giác râm ran ấy có ghé thăm bạn không. Dưới đây là một số tác nhân thường gặp:
Tác nhân cảm giác/giữa người với người: vuốt tóc, vệ sinh tai, trang điểm, thổi nhẹ, giao tiếp bằng ánh mắt.
Tác nhân âm thanh từ giọng nói: thì thầm, giọng nước ngoài, đọc to, tiếng thở, âm thanh khi ăn.
Tác nhân âm thanh không lời: gõ nhẹ, chải tóc, cào nhẹ, tiếng giấy sột soạt, lật trang sách, tiếng vo ve.
Kết luận
ASMR, với sức hấp dẫn kỳ lạ từ cảm giác tê râm ran khó tả, thực ra chứa đựng nhiều điều thú vị hơn những gì tai nghe hay mắt thấy. Nếu bạn là người cởi mở với điều mới mẻ, hay có phần dễ xúc động, rất có thể bạn sẽ thấy ASMR không chỉ dễ chịu mà còn là một liệu pháp tinh thần dịu dàng. Nó có thể nâng cao tâm trạng, làm chậm nhịp tim và đưa bạn vào trạng thái tập trung sâu lắng. Dù là một cái chạm nhẹ hay một lời thì thầm êm ái, ASMR có thể là con đường dẫn bạn đến sự thư giãn, niềm vui và một tầng sâu mới trong thế giới nội tâm của chính mình.
Tác giả: Mark Travers Ph.D.
Nguồn: The Psychology of ASMR | Psychology Today