Tầm quan trọng của kiếm và súng đối với trẻ em

tam-quan-trong-cua-kiem-va-sung-doi-voi-tre-em

Mọi thứ đang diễn ra hoàn toàn đúng với quy luật phát triển tâm lý lành mạnh.

Đó là một ngày buồn bã với không ít bậc cha mẹ văn minh, yêu chuộng hòa bình khi đứa con bé bỏng của họ bỗng nhiên tuyên bố muốn một thứ mà họ luôn thầm mong sẽ không bao giờ xảy ra: một thanh kiếm, một chiếc mũ sắt, một khẩu súng lục, một cây súng máy, hay một bộ cung tên.

Yêu cầu này thường khiến cha mẹ rơi vào một cuộc dò xét nội tâm đầy day dứt. Họ tự hỏi mình đã làm gì sai để khơi dậy khát khao bạo lực đó? Xã hội đã làm gì để đầu độc một tâm hồn non nớt và trong sáng? Đã xảy ra chuyện gì thế này?

Nhưng sự thật kỳ lạ lại là… không có gì sai cả. Mọi thứ đang diễn ra hoàn toàn đúng với quy luật phát triển tâm lý lành mạnh.

Photo by Dmitry Bukhantsov on Unsplash

Dù chúng ta có thừa nhận hay không, dù làm gì với điều đó, mỗi người đều mang trong mình một phần bản năng hung hăng, đó là điều không thể xóa nhòa bởi quy luật tự nhiên. Ngay cả những con người có vẻ ngoài ngọt ngào, dịu dàng nhất cũng có những lúc muốn đập phá mọi thứ hay tưởng tượng mình cầm một thanh kiếm (nhựa) đâm xuyên qua kẻ thù của mình.

Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta có hay không những cảm xúc giận dữ ấy, mà ở cách chúng ta học cách chấp nhận, xử lý và chuyển hóa chúng một cách thông minh để trở nên tích cực và không gây tổn hại.

Có những gia đình, vì nhiều lý do, sự giận dữ là điều không được phép tồn tại. Ở đó, tất cả chúng ta đều phải dịu dàng, và những con người dịu dàng thì không được phép nổi giận. Không có những trận đấu súng hay tiếng la hét. Nụ cười là điều bắt buộc. Hoặc có thể trong một gia đình khác, chỉ có một người lớn được phép giận dữ, còn mọi thành viên khác phải ngoan ngoãn phục tùng. Đôi khi, sự hung hăng bị mặc định là của một giới tính – và giới còn lại thì tuyệt nhiên không.

Nhưng một người chưa bao giờ ghi nhận hay thể hiện cơn giận của mình không phải là người thực sự yêu hòa bình. Họ chỉ đơn giản là đã bị tước mất cơ hội hiểu rõ chính bản thân mình. Khi còn nhỏ, sự giận dữ của họ đã bị người khác cho là quá đáng sợ, bị kiểm duyệt và ngăn cấm – không phải vì lợi ích của đứa trẻ, mà là vì sự yên ổn của người lớn.

Hậu quả của việc này có thể chẳng hề đẹp đẽ gì. Những người "không bao giờ giận dữ" thường không chỉ đơn thuần là ngọt ngào. Cơn giận của họ bị dồn nén, âm ỉ, tích tụ, rồi biến thành chua cay, mỉa mai, thù ghét hoặc trầm cảm. Nó bị chuyển hướng sang những người vô tội khác. Nó trở thành nỗi hoang tưởng, gây đau nhức cơ thể, mất ngủ.

Những ai chưa bao giờ học cách đối mặt và xử lý sự hung hăng của mình sẽ trở nên sợ hãi bản năng tự nhiên ấy. Họ không tin có một khoảng trung gian giữa trạng thái bình thản và cơn cuồng nộ dữ dội. Họ phóng đại hậu quả của sự giận dữ. Họ không hình dung được rằng một cuộc tranh cãi có thể nổ ra rồi kết thúc trong sự nhẹ nhàng, rằng có thể nói “Tôi ghét anh” và làm lành chỉ 10 phút sau đó, hay một thiếu niên có thể thét lên rằng mình “ghét cả nhà” và lại ôm mẹ ngủ ngoan lành vào buổi tối.

Ở cấp độ xã hội, hậu quả của cơn giận bị dồn nén càng trở nên nghiêm trọng. Những cuộc chiến tranh thường không bắt đầu từ những người biết cách đối diện với cơn giận của mình, mà từ những người kìm nén nó đến mức để nó bùng nổ thành những tư tưởng trả thù chống lại “kẻ thù”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều tội ác khủng khiếp nhất lại do những người bề ngoài vô cùng “hiền lành” gây ra, những người mà sự cam chịu trước đây thực chất đã phải đánh đổi quá đắt.

Một đứa trẻ có thể đứng trên ghế sofa với thanh kiếm nhựa trong tay, tuyên bố mình là bá chủ vũ trụ, rồi chỉ vài phút sau, lại cuộn tròn trong lòng mẹ, ôm gấu bông và nghe kể chuyện như một thiên thần nhỏ. Cơn giận có thể chỉ là một giai đoạn thoáng qua, chứ không phải một ngõ cụt đáng sợ. Khi được định hướng đúng đắn và giới hạn rõ ràng, nó có thể chỉ là một cảm xúc chứ không phải một bi kịch. Chúng ta có thể yêu hòa bình một cách sâu sắc, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng ta cần thêm thời gian để học cách chung sống khôn ngoan với những cơn thịnh nộ và đam mê bên trong mình.

Nguồn:  THE IMPORTANCE OF SWORDS AND GUNS FOR CHILDREN

menu
menu