Tầm quan trọng của lòng căm hận

Ý nghĩ rằng đôi khi ta cần dành chỗ cho sự căm hận – rằng sức khỏe tinh thần có thể phụ thuộc vào khả năng ghét ai đó một cách sâu sắc trong một khoảng thời gian nhất định – nghe có vẻ phi lý và khó chấp nhận.
Ý nghĩ rằng đôi khi ta cần dành chỗ cho sự căm hận – rằng sức khỏe tinh thần có thể phụ thuộc vào khả năng ghét ai đó một cách sâu sắc trong một khoảng thời gian nhất định – nghe có vẻ phi lý và khó chấp nhận. Thế giới này từ lâu đã ca ngợi sự tha thứ, đề cao một tâm thế trưởng thành, biết cảm thông; còn sự căm ghét, trong mắt nhiều người, chỉ gắn liền với sự độc hại và tàn nhẫn.
Nhưng nếu nghĩ như vậy, ta đã bỏ qua một sự thật rằng khi ai đó thân thiết làm tổn thương ta, không phải lúc nào gạt đi nỗi đau và quay lưng bỏ qua cũng là một hành động cao thượng hay sáng suốt. Đôi khi, đó chỉ là cách ta bóp méo hiện thực, chôn giấu nỗi đau vào sâu trong tâm hồn và cơ thể, để rồi chúng bào mòn ta bằng những đêm mất ngủ, những cơn trầm uất, sự hoài nghi và cảm giác bất lực. Ta sợ hãi đến mức không dám để sự căm hận tồn tại, quên mất rằng nó cũng có vai trò chính đáng trong hành trình chữa lành. Học cách căm ghét những kẻ đã làm tổn thương ta (và nhận thức rõ ràng, không chút do dự về điều đó) cũng là một biểu hiện của sự trưởng thành tâm lý, giống như việc ta biết đón nhận sự dịu dàng khi thời điểm thích hợp đến.
Photo by Donny Jiang on Unsplash
Không có gì là nhỏ nhen hay tầm thường khi ta nhận ra một cách rõ ràng rằng, chẳng hạn:
— Có người không hề đáp lại lòng tốt mà ta đã dành cho họ.
— Có người khiến ta tin tưởng, rồi nhẫn tâm rời bỏ ta mà không một lời giải thích.
— Có người chẳng bao giờ biết ơn những gì ta đã làm cho họ.
— Có người trút hết những cảm xúc tiêu cực, những cơn giận hờn cay độc lên ta.
— Có người lúc nào cũng bận rộn, chẳng bao giờ dành thời gian để quan tâm đến ta.
— Có người chưa từng lắng nghe ta dù chỉ một lần.
— Có người rời khỏi nhà ta, để lại một mớ hỗn độn như chưa từng nghĩ đến cảm giác của ta.
— Có người đã từng nhìn ta rất lâu, nói rằng họ yêu ta tha thiết – rồi lặng lẽ bán đứng ta bằng những lời dối trá.
Không hề trẻ con hay độc ác khi ta nhận ra tất cả những điều đó và thấy phẫn uất, bực bội, thậm chí muốn trách móc, mắng chửi. Đó chỉ là cách ta nhìn thẳng vào sự thật và nỗ lực thiết lập lại một cán cân công bằng giữa điều tốt và điều xấu trong cuộc đời này.
Sở dĩ có những người rất khó làm được điều đó – những người, theo bản năng, chỉ biết im lặng và tiếp tục mỉm cười – không phải vì bản năng tâm lý tiến hóa đã lập trình họ như thế. Lý do sâu xa và đau lòng hơn nhiều: họ đã từng bị đối xử bất công ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Khi một người không thể nhận diện những tổn thương mà mình đã phải chịu đựng từ thuở bé, họ cũng sẽ rất khó để cho phép bản thân cảm thấy phẫn nộ một cách chính đáng.
Thông thường, lý do khiến ta không có bản năng tự bảo vệ mình về mặt cảm xúc, không biết thế nào là công bằng và trách nhiệm, chính là vì trong quá khứ, ta đã liên tục bị làm cho cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về những điều vốn không phải lỗi của mình. Ta đã được dạy dỗ để không nhận ra những cú tát mình phải chịu. Ta chưa từng được yêu thương đủ để biết cách gọi tên lòng căm hận.
Với nhiều người trong chúng ta, tuổi thơ là một chuỗi bài học ngấm ngầm về sự hoang mang trước câu hỏi: ai mới thực sự là kẻ có lỗi? Làm sao ta có thể nghĩ rằng cha mẹ mình là người tệ bạc, khi họ – dù hoàn toàn bỏ mặc ta – vẫn chi trả cho những chuyến du lịch đắt tiền và những ngôi trường danh giá? Làm sao ta có thể căm ghét một người đã tước đi lòng tự tin trí tuệ của ta, trong khi họ lại thông minh rực rỡ và được cả thế giới xung quanh kính trọng? Ta có thể làm gì khi bị một người cao lớn, mạnh mẽ hơn mình rất nhiều gọi là “xấu xa” hay “ích kỷ”? Làm sao ta có thể oán giận một người đang ốm yếu hay nghiện ngập? Những câu hỏi này không phải điều một đứa trẻ nhỏ có thể dễ dàng lý giải.
Vì thế, với một số người trong chúng ta, ý nghĩ rằng ai đó đã cố tình gây tổn thương cho mình lại trở thành điều xa vời và khó tin nhất.
Nhưng vấn đề của sự tha thứ theo bản năng chính là những gì nó gây ra bên trong ta. Khi lòng căm giận không tìm được nơi để hướng đến, nó không tự tan biến thành sự bao dung cao cả; nó quay ngược vào trong, gặm nhấm tâm hồn nạn nhân. Nếu cha mẹ ta không sai, thì chắc hẳn ta mới là kẻ xấu. Nếu người yêu cũ không đáng trách, thì lỗi phải thuộc về ta. Nếu một người bạn không thể là kẻ có lỗi, thì ta ắt hẳn là kẻ đáng trách. Ta bắt đầu tin rằng mình xấu xí, đáng tội, méo mó, tệ hại và đớn hèn – trong khi kẻ khác thì cao thượng, tử tế, chân thành và đáng tôn vinh.
Dù sự tự phê bình có vai trò quan trọng đến đâu, vẫn có những khoảnh khắc ta cần nhìn thẳng vào sự thật giản đơn: ta đã bị tổn thương, và ta có quyền tức giận. Nếu ta bị phản bội, ta có quyền phẫn nộ. Nếu ai đó rời bỏ ta mà không một lời giải thích, ta có quyền oán trách họ. Nếu ta đã phải chịu đựng sự cay nghiệt từ khi còn bé, việc cảm thấy bất công là một dấu hiệu của sự lành mạnh.
Ta không cần phải sống mãi trong sự tức giận. Sẽ có đủ thời gian – cuối cùng – để bình thản và suy ngẫm về những lý do phức tạp đằng sau hành động của những kẻ đã làm tổn thương ta. Nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa nếu trước tiên, ta có thể buông lời chửi rủa, ném một thứ gì đó (mềm) ra xa, đập tay xuống bàn, hoặc nếu cần, lao vào tầng hầm hay giữa khu rừng vắng mà hét thật to. Đó không phải là điên rồ hay ấu trĩ. Đó là sự cân bằng và phản ứng chính đáng.
Căm hận không phải là đích đến của một tâm hồn khỏe mạnh, nhưng đôi khi, nó là con đường duy nhất ta có thể đi qua để tìm lại chính mình – một cách xứng đáng và đường hoàng.
Nguồn: THE IMPORTANCE OF HATING PEOPLE | The School Of Life