Tầm quan trọng của sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái: Cha mẹ chính là chìa khóa để giúp con trẻ chữa lành
Cốt lõi của sự gắn kết chính là mối liên kết cảm xúc mà chúng ta chia sẻ với người khác.
Một buổi sáng mùa xuân, chồng tôi quyết định đưa con gái 18 tháng tuổi của chúng tôi đi dạo bằng chiếc xe kéo màu đỏ mới mà con vừa được tặng. Anh ấy kéo con bé phía sau, chạy băng qua sân trong đôi giày cũ đã mòn, và rồi trượt ngã. Chiếc xe kéo bị lật, và con gái nhỏ của chúng tôi bị hất văng ra ngoài, ngã xuống cỏ và đập đầu. Con bé khóc gọi mẹ. Tôi chạy đến. Nhưng thay vì vươn tay về phía tôi để đòi một cái ôm hay nụ hôn, con bé chỉ tay về phía mặt đất, bò xuống, nhẹ nhàng chạm đầu mình vào cỏ, rồi quay lại nhìn tôi. Cô bé chưa biết nói này đang cố gắng diễn tả chính xác những gì đã xảy ra. Con làm đi làm lại điều này vài lần, thực sự muốn tôi hiểu được trải nghiệm đáng sợ của mình. Sau khi tôi an ủi và nói ra những gì con đã trải qua, con bé bình tĩnh lại và thở ra một hơi dài.
Jon Allen, một nhà tâm lý học và là người thầy của tôi, từng chia sẻ một cách tóm tắt đơn giản về điều chúng ta biết về cách đối phó với đau khổ: “Cách tốt nhất mà chúng ta biết để đối phó với nỗi đau cảm xúc là kết nối với những người mà ta cảm thấy gắn bó an toàn”. Đối với trẻ em, mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ nhất thường là với người chăm sóc chính - đó chính là cha mẹ. Là người chăm sóc chính, cha mẹ có một vị trí độc đáo để giúp con hồi phục sau một trải nghiệm tổn thương. Cha mẹ không cần phải có sự đồng cảm đặc biệt hay bất kỳ kỹ năng chuyên nghiệp nào của một nhà trị liệu, mà chỉ cần nuôi dưỡng mối quan hệ gắn bó an toàn với con mình.
Cốt lõi của sự gắn kết chính là mối liên kết cảm xúc mà chúng ta chia sẻ với người khác. Chúng ta đều có nhiều mối gắn kết trong cuộc sống - với vợ/chồng, bạn bè thân thiết, thậm chí là đồng nghiệp. Và không bao giờ có thể ngừng nhu cầu gắn kết; bất cứ khi nào rơi vào tình cảnh đau khổ, liều thuốc tốt nhất mà ta có chính là kết nối với những mối quan hệ này.
Một nghiên cứu minh họa rõ sức mạnh của mối quan hệ gắn kết cho thấy rằng chỉ cần nắm tay một người mà ta gắn bó cũng có thể giúp bảo vệ não khỏi sự căng thẳng. Năm 2006, nhà thần kinh học James Coan và các cộng sự đã mời các cặp vợ chồng hạnh phúc vào phòng thí nghiệm của ông, sau khi thông báo đầy đủ rằng thí nghiệm sẽ bao gồm việc truyền các cú sốc điện nhỏ. Họ tiến hành truyền các cú sốc nhẹ cho những người vợ. Những người vợ được chia thành ba nhóm thí nghiệm: Một nhóm được phép nắm tay chồng trong suốt quá trình truyền sốc; nhóm thứ hai nắm tay một nhà thí nghiệm nam giấu tên; và nhóm thứ ba không được nắm tay ai cả.
Kết quả rất rõ ràng: Như bạn có thể đoán, những phụ nữ nắm tay chồng mình có kết quả tốt nhất, và bộ não của họ cho thấy ít phản ứng đe dọa nhất khi cú sốc sắp đến. Những phụ nữ không được nắm tay ai có phản ứng đe dọa thần kinh cao nhất. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là nắm tay. Trong số những phụ nữ nắm tay chồng mình, các nhà thí nghiệm còn phát hiện ra rằng những cặp đôi có mức độ hài lòng về hôn nhân cao hơn có phản ứng căng thẳng thậm chí còn ít hơn so với những cặp đôi hài lòng ít hơn. Kết luận là: Việc nhận được sự an ủi và kết nối từ người mà chúng ta gắn bó giúp tăng cường khả năng chịu đựng căng thẳng của chúng ta.
Trẻ em bị tổn thương chắc chắn đang phải trải qua nhiều đau khổ hơn so với một người phụ nữ biết trước rằng cô ấy sẽ bị sốc điện trong một thí nghiệm. Trẻ cần một bàn tay luôn sẵn sàng và đáng tin cậy để nắm lấy hơn bao giờ hết. Sau một trải nghiệm có thể gây tổn thương, hiểu biết của trẻ về bản thân và thế giới xung quanh có thể bị lung lay. Bằng cách đứng bên cạnh con, luôn có mặt bên con và sẵn sàng hỗ trợ - bạn đang nói với con rằng con không đơn độc trong thời gian khó khăn và đáng sợ này. Con bạn có một người mà nó tin tưởng và có thể dựa vào để hiểu, bảo vệ và cùng vượt qua.
Và hãy nhớ rằng:
- Gắn bó an toàn là nguồn lực chính giúp ứng phó với những khó khăn.
- Trẻ em nhận được nhiều lợi ích khi được cha mẹ thấu hiểu và xác nhận cảm xúc, đặc biệt là sau khi trải qua một sự kiện bất lợi.
- Cha mẹ đóng vai trò đặc biệt trong việc giúp con trẻ phục hồi sau những trải nghiệm tổn thương bằng cách đáp lại trẻ với lòng trắc ẩn, sự chăm sóc và đồng cảm.
Bài viết gốc: The Importance of Parent-Child Attachment | Psychology Today
Dịch: Team thầy Nguyễn Minh Thành