Tâm trí không gợi buồn - Tốt hay xấu?

tam-tri-khong-goi-buon-tot-hay-xau

Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu sẽ như thế nào nếu bạn xoá đi một ký ức đau buồn – hoàn toàn biến mất như chưa từng tồn tại?

***Chú thích của người dịch: Spotless Mind – tạm dịch là tâm trí không gợn buồn, là hình ảnh để ví dụ tâm trí của một người không hề bị “vấy bẩn” bởi những ký ức không tốt đẹp – ở đây được xem như là những vết nhơ trên tấm vải trắng “tâm trí” của người đó.

Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu sẽ như thế nào nếu bạn xoá đi một ký ức đau buồn – hoàn toàn biến mất như chưa từng tồn tại?

Có lẽ bạn đã xem bộ phim “Eternal Sunshine of the Spotless mind” (2004), một trong những sản phẩm khá vui nhộn theo một cách kỳ hoặc của trí tưởng tượng của tác giả Charlie Kaufman. Có thể bạn thậm chí còn nhớ tiền đề của bộ phim – rằng những ký ức chọn lọc có thể được xoá đi để loại bỏ sự phiền nhiều mà chúng mang lại.

Nguồn: Antonio Guillem/Shutterstock

Tôi thích bộ phim này: tôi cảm thấy nó vui vui, có chút kỳ hoặc, và vô cùng cảm động. Những gì mà hai nhân vật chính của bộ phim (do Jim Carrey và Kate Winslet thủ vai) cảm nhận được không chỉ là họ còn vương vấn với những ký ức về những giây phút khó khăn nhất của họ, mà họ còn có xu hướng lặp lại những sai lầm trong quá khứ, cứ như thể là họ đã quên đi những bài học cuộc sống mà họ tin là đã học được từ chúng.

Nhưng đoán xem? Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại thuốc có khả năng làm lu mờ đi những ký ức vô cùng đau đớn, thậm chí là các sự kiện chấn thương tâm lý. Như Richard A. Friedman đã viết gần đây trên tờ New York Times, “Ai trong số chúng ta lại không từng muốn quên đi sự lo âu hay sợ hãi? Các chứng sợ hãi, những cơn hoản loạn hay các rối loạn như chứng lo âu sau chấn thương tâm lý là vô cùng phổ biến: 29% người trưởng thành ở Mỹ sẽ phải đau khổ vì sự lo âu vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ.”

Thật ra thì có một phương thuốc cho điều đó. Và tên của nó là propranolol.

Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu điều trị thuốc này cho một ai đó có chứng sợ hãi, ví dụ như sợ nhện chẳng hạn, vào thời điểm họ phải dối mặt với nổi sợ đó (con nhện) thì nỗi sợ sẽ biến mất. Friedman giải thích quá trình này như sau: “Propranolol chặn đứng tác dụng của norepinephrine trong não. Chất hoá học này, tương tự như adrenaline, kích thích hoạt động học hỏi của não bộ, vì thế chặn đứng nó phá vỡ quá trình một ký ức được đưa vào trở lại trong khu vực lưu trữ của não bộ sau khi ký ức đó được triệu hồi – một quá trình được gọi là “tái củng cố” trong khoa học thần kinh.

Mọi chuyện đều rối rắm hơn đối với “Spotless mind” (tâm trí không gợn buồn – cũng ám chỉ bộ phim đã nói ở trên), cả 2 nhân vật chính trải qua một đêm trị liệu để xoá bỏ ký ức về mối quan hệ thất bại của họ. Vấn đề là phương pháp trị liệu thật sự có kết quả. Nhưng sau đó cả 2 đều cảm thấy hối tiếc quyết định của họ về việc xoá đi ký ức của nhau và cuống cuồng tìm cách để phục hối chúng. Mặc dù mối quan hệ đỗ vỡ là một nỗi đau dai dẳng đối với họ, nhưng không ai trong 2 người lại muốn buông tay với những ký ức đau đớn xen lẫn ngọt ngào của mối tình một thời của họ.

Nỗi sợ nhện có vẻ tương đối nhỏ nhoi so với sự đỗ vỡ trong các mối quan hệ. Hãy nghĩ tới hội chứng rối loạn lo lắng sau chấn thương tâm lý, vốn đang trở thành một dịch bệnh trong những năm gần đây, không chỉ đối với những người lính trở về từ chiến trường ở nước ngoài, mà còn có những người (đa phần là phụ nữ) đã phải khổ sở vì các hành vi lạm dụng tình dục và/hoặc bạo hành gia đình.

Ngày nay, chúng ta đặc biệt nhạy cảm với những câu chuyện về các chấn thương tâm lý như trên và các hậu quả mà chúng mang đến. Các nạn nhân thường phải hứng chịu những cơn ác mộng, sự hoản loạn được khơi mào từ các “tác nhân kích hoạt” trong môi trường, sự cô lập xã hội, trầm cảm và cảm giác muốn tự tử.

Tôi không nghi ngờ gì về những phát hiện nêu trên. Hơn thế, tôi nghĩ những câu chuyện như thế này có thể giúp chúng ta đào sâu hơn hiểu biết của chúng ta, và cách chúng ta đón nhận sự phức tạp (và chỉ mới được hiểu lơ mơ) về các quá trình của ký ức.

Khoa học thần kinh đương đại dạy ta rằng, mỗi lần chúng ta triệu hồi và sống lại một ký ức cá nhân, chúng ta xem xét lại nó trong bối cảnh nó được triệu hồi. Ví như bạn nghe thấy một bài hát khiến cho bạn nhớ lại một thời khắc có ý nghĩa trọng đại nào đó trong quá khứ. Thời điểm mà ký ức này được triệu hồi được gắn kết với hoàn cảnh đã triệu hồi nó. Kết quả là, sự hoài niệm, vốn sẽ được tái lưu trữ trong trí nhớ dài hạn của bạn, se mang những vết tích của những gì đang diễn ra ở hiện tại, ngay tại nơi đây. Hiện tại, như là một kết quả, tiếp tục xem lại quá khứ. Đây không phải là vấn đề của sự lựa chọn cá nhân hay sự kiên định của bản thân. Nó là một chức năng của não bộ hoạt động bất kể cho dù bạn có, một cách có chủ thức, ao ước hay mong muốn điều gì chăng nữa.

Tôi tự hỏi liệu có phải sự thành công của liệu pháp “phơi bày” (một nhánh khác của Trị liệu bằng hành vi nhận thức) có thể một phần là do như sau. Cá nhân tôi chưa từng thử qua kỹ thuật này, nhưng có thể tưởng tượng được cách nào mà việc làm sống lại một trải nghiệm mang tính chấn thương tâm lý (như bị cưỡng hiếp) trong một môi trường được điều khiển cho phù hợp sao cho bạn có thể triệu hồi một phản ứng nào đó khác hơn là sự bất lực và khiếp đảm có thể giúp tạo nên các mối liên hệ mới với những gì đã xảy ra theo một hướng khác giúp bạn khắc chế những hiệu ứng chấn thương của ký ức khởi nguyên mang lại. Tôi cũng có thể hiểu được bằng cách nào mà liệu pháp này đôi khi không hiệu quả. Friedman cho biết rằng liệu pháp này chỉ hiệu quả “trong khoảng một nửa số bệnh nhân bị hội chứng rối loạn lo âu sau chấn thương tâm lý.” Một số có thể thậm chí còn trải qua sự hồi tưởng lại quá khứ như một phiên bản tua lại đáng sợ hơn cả chấn thương khởi nguyên.

Tôi cảm thấy dằn xé đối với những phát hiện mới về loại thuốc nói trên. Liệu tôi sẽ muốn xoá đi những ký ức đau thương nhất của quá khứ – hầu hết chúng đều có liên quan đến những mối quan hệ mật thiết? Tôi không sợ hãi nhện một cách bất bình thường hay những mối đe doạ của thế giới bên ngoài. Thay vào đó, như cặp tình nhân trong phim “Spotless Mind”, những ký ức dằn vặt tôi nhiều nhất có liên quan đến những mất mát chính về mặt tinh thần của cuộc sống của tôi. Liệu tôi có muốn xoá bỏ chúng?

Tôi không quá quan tâm tới viễn cảnh của việc dùng thuốc được thông hành bởi FDA để củng cố sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ hay sự an lành trong tinh thần của tôi (ví dụ như thuốc trị cao huyết áp, đau đầu kinh niên, lo âu hay trầm cảm), nhưng tôi không thích cái ý tưởng bị mất đi ký ức bản thân (như bệnh Alzheimers hay chứng suy giảm trí não). Đối với tôi, những ký ức về những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời cũng chính là thứ đã cho tôi động lực hướng tới tương lai. Trải qua sự thất bại, thậm chí là trong các mối quan hệ cá nhân, đã khiến tôi phát triển một sự am hiểu tinh tế hơn về bản thân và những người khác, cũng như giúp tôi phát hiện ra những nguồn lực tiềm ẩn của bản thân.

Ví dụ như: khi tôi thất nghiệp một lần trước đây, tôi đã vô cùng tức giận đến độ tôi đã đòi phải gặp cho bằng được hiệu trưởng trường đại học. Việc đó đương nhiên đã không giúp tôi giữ được công việc của mình, nhưng nó đã dạy tôi đôi lúc cần phải quyết liệt hơn. Tôi trân trọng ký ức đó cũng nhiều như những ký ức đã khiến tôi hiểu rõ tôi đã “làm rối” trong mối quan hệ vợ chồng, người yêu, bè bạn của mình. Còn cách nào khác để biết được điều gì là đáng quý, đáng trân trọng hơn thế?

Tôi không tìm kiếm sự an ủi ở một ký ức không gợn buồn – một ký ức mà trong đó tôi có thể sẽ quên đi những sự kiện mang tính thách thức cao nhất, nhưng cũng thay đổi cuộc đời của tôi nhiều nhất.

Còn bạn thì sao? Bạn sẽ dùng một loại thuốc như thế? Và nếu có thì vì lý do gì?

 

Trần Đình Tuấn dịch

NguồnA Spotless Mind: Good or Bad?

menu
menu