Tất cả chúng ta đều có những hối tiếc về một mối quan hệ – Và đây là cách chúng ta có thể học được từ những hối tiếc ấy
Có lẽ, thế giới này có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu loại hối tiếc, nhưng bạn có biết, hầu hết những hối tiếc ấy được chia thành bốn nhóm chính không?
Trong cuốn sách mới của mình có tên “Sức mạnh của hối tiếc”, tác giả Daniel H. Pink đã phân tích điều mà khiến 16.000 người trên 105 quốc gia thao thức mỗi đêm. Khi tiến hành phân tích, tác giả nhận ra hầu hết những điều này đều được xếp vào bốn nhóm chính: Nền tảng (do không xây dựng được một nền tảng đủ vững chắc cho cuộc sống); Can đảm (do không đủ dũng cảm để nói hay làm gì trong quá khứ); Đạo đức (do không đưa ra quyết định đúng với lương tâm); Kết nối (do không duy trì kết nối với những người quan trọng trong đời).
Để hiểu thế nào là hối tiếc về một mối quan hệ, để tôi kể bạn nghe một câu chuyện về bốn người phụ nữ, hai tình bạn và hai cánh cửa.
Vào cuối những năm 1980, Cheryl Johnson theo học tại Đại học Drake ở Des Moines, Iowa. Tại đây, Cheryl nhanh chóng trở thành bạn của Jen. Cả hai đều là thành viên của hội nữ sinh, và họ chung sống dưới cùng một mái nhà với khoảng 40 người phụ nữ khác.
Trong nhóm nữ sinh, nhờ có thái độ nghiêm túc và những hoài bão lớn, họ luôn là hai người nổi trội. Cheryl trở thành chủ tịch hội nữ sinh; Jen được bầu làm chủ tịch hội sinh viên. Họ ủng hộ đam mê và hoài bão của nhau, họ ấp ủ trong mình những dự định to lớn, dám đương đầu với mọi thách thức cuộc sống.
Năm 1990, ngay sau khi tốt nghiệp, Jen kết hôn, Cheryl trở thành phù dâu. Jen chuyển đến sống tại Virginia, và cô cũng không quên mời Cheryl đến thăm mình. Jen muốn Cheryl gặp một người bạn của chồng mình, và cô ấy nghĩ chắc hẳn người bạn này khá đẹp đôi với Cheryl.
Cheryl bất ngờ lắm, bởi cô đang hẹn hò với người khác cũng được hai năm rồi. Cheryl bộc bạch: “Mình nghĩ người bạn trai của mình là người bạn đời mình tìm kiếm”, nhưng rõ ràng, Jen lại không nghĩ như vậy, không nghĩ người đó là một nửa phù hợp dành cho Cheryl. Vì vậy, Cheryl đã lịch sự từ chối lời mời đến thăm nhà của Jen. Không xung đột. Không gượng gạo khó khăn.
Trong những năm sau đó, Cheryl và Jen trao đổi thư từ qua lại cho nhau. Nhưng theo thời gian, những bức thư dần dần ít đi, sau đó dừng hẳn. Cheryl đã không nói chuyện với Jen trong suốt 25 năm. Họ đã không gặp nhau kể từ đám cưới của Jen. Cheryl tâm sự với tôi: “Chúng mình không hề có sự bất hoà nào cả. Chỉ là mình cứ để mối quan hệ ấy dần trở nên xa cách mà thôi. Mình hối hận vì đã để mất mối quan hệ như thế trong đời.”
Ảnh: Allie Sullberg
Tiếc nuối một mối quan hệ là loại hối tiếc lớn nhất trong bốn loại hối tiếc thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người. Chúng nảy sinh từ những mối quan hệ chưa đủ đậm sâu, hoặc vẫn còn dang dở. Có vô số mối quan hệ tạo ra kiểu hối tiếc này. Có thể là quan hệ giữa vợ và chồng, giữa hai người đang yêu, giữa cha mẹ và con cái, giữa những người bạn thuở nhỏ, giữa anh chị em trong gia đình, giữa bạn bè, giữa đồng nghiệp. Và cũng có vô số loại tan vỡ trong một mối quan hệ. Có mối quan hệ rạn nứt. Có mối quan hệ đổ vỡ hoàn toàn. Cũng có số ít mối quan hệ mà ngay từ đầu đã là sự chắp vá tạm bợ.
Trong mọi trường hợp, những hối tiếc kiểu này đều có chung một cốt truyện. Quan hệ ấy đã từng nguyên vẹn, nhưng giờ lại không. Nhiều khi, ở nhiều vai trò, ta khao khát mối quan hệ của ta được trọn vẹn. Thế nhưng, để làm được điều đó, ta cần nỗ lực, cần chấp nhận sẽ có lúc bất an, và còn phải đối mặt với nguy cơ bị từ chối. Vì thế mà ta phải đứng trước sự lựa chọn: Cố gắng khiến mối quan hệ trở nên trọn vẹn – hay cứ để nó dở dang?
Người phụ nữ thứ ba trong câu chuyện tôi muốn kể là Amy Knobler. Khi học cấp hai, cô ấy gặp một bạn nữ tên là Deepa. Deepa là một đứa trẻ luôn thui thủi một mình, cha mẹ em phải làm những công việc vất vả, và nơi em ở cách trường học vài dãy nhà. Amy và Deepa sẽ đến nhà em sau mỗi giờ học. Tình bạn của hai đứa trẻ được nuôi dưỡng một cách vô tư tự tại trong một ngôi nhà vắng bóng người.
Trong ký ức của Ammy, những buổi chiều như vậy là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời cô. Cô ấy nói với tôi, “Nghĩ về việc được gắn bó với một người bạn thân thì đối với cậu, như vậy là đủ rồi.”
Amy và Deepa vẫn chơi thân với nhau đến tận cấp ba, họ vẫn giữ liên lạc ngay cả khi đã tốt nghiệp, lên đại học, có sự nghiệp và lập gia đình. Năm 2005, chồng của Deepa gửi thư đến những người quen của vợ mình, báo rằng Deepa được chẩn đoán đã mắc phải một căn bệnh ung thư quái ác.
Amy muốn gọi điện cho người bạn cũ của mình, nhưng cuối cùng lại thôi.
Vào một đêm tháng 12 năm 2008, Amy nhận được tin nhắn từ một người bạn chung, báo rằng sức khỏe của Deepa đang ngày càng trầm trọng.
Ngay hôm sau, Amy gọi điện đến nhà của Deepa để hỏi thăm cô ấy. Người nhấc máy cho hay, Deepa đã mất vào sáng hôm đó.
Amy tâm sự: “Mình sẽ không bao giờ quên trong khoảnh khắc đó, mình nhận ra bản thân đã để lỡ mất cơ hội nhiều đến mức nào.”
Mọi người thường liên tưởng đến hình ảnh cánh cửa khi nói về những điều hối tiếc. Amy mang theo mình “cánh cửa hối tiếc đã đóng” mà theo như cách cô ấy nói với tôi, cánh cửa ấy là cơ hội hàn gắn lại quan hệ với Deepa mà cô đã để vụt mất. Nhưng nỗi hối tiếc của Cheryl là “cánh cửa còn mở” – cô vẫn còn cơ hội để quay lại với người bạn đại học khi xưa.
Hai loại hối tiếc này đều đeo đuổi chúng ta, với những lý do khác nhau. “Cánh cửa hối tiếc đã đóng” khiến ta tiếc nuối vì ta chẳng thể làm gì được nữa. “Cánh cửa hối tiếc còn mở” lại khiến ta bận lòng, bởi ta có khả năng làm gì đó, nhưng cần có nỗ lực.
Trong Khảo Sát Về Sự Hối Tiếc Trên Thế Giới, tôi thu về hơn 18.000 nỗi hối tiếc đến từ mọi người ở 109 quốc gia. Nhiều người tham gia phản hồi rằng, cảm giác mất mát của họ song hành với “cánh cửa hối tiếc đã đóng”. Tương tự, một nghiên cứu vào năm 2012 của ba nhà nghiên cứu Mike Morrison, Kai Epstude và Neal Roese kết luận rằng, hối tiếc về một mối quan hệ xã hội sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn so với các kiểu hối tiếc khác, bởi chúng đe dọa đến cảm giác thuộc về của chúng ta. Khi kết nối giữa ta với người khác rạn nứt hoặc đổ vỡ, chúng ta đau khổ. Và khi sự đổ vỡ đó là lỗi do ta, nỗi đau ấy lại càng lớn hơn. Ba nhà nghiên cứu viết rằng: “Nhu cầu cần cảm giác thuộc về không chỉ là động cơ phát triển căn bản của con người, mà còn là yếu tố chính yếu của sự hối tiếc.”
“Cánh cửa hối tiếc đã đóng” khiến ta phiền não, bởi ta không sửa được cánh cửa đó. Nó đã đóng mất rồi. Nhưng ẩn sau những cánh cửa khép chặt cũng còn điều có ích: Chúng cho ta thấy hối tiếc có thể giúp ta trở nên tốt hơn nhường nào.
Vài năm sau khi Deepa qua đời, Amy biết thêm có một người bạn hồi nhỏ khác của cô cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Amy thường xuyên gọi điện cho cô ấy. Amy cũng đến thăm cô ấy. Họ gửi email và tin nhắn qua lại cho nhau.
“Bọn mình đã duy trì liên lạc cho đến khi cô ấy qua đời.” Amy tâm sự với tôi. “Cũng chẳng dễ dàng hơn là bao. Nhưng mình không còn hối tiếc.”
Trong khi có hàng ngàn kiểu hối tiếc về một mối quan hệ được ghi nhận trong các cuộc khảo sát, thì lại chỉ có duy nhất 2 kết cục đặc trưng khi một mối quan hệ chấm dứt – đổ vỡ và nhạt phai.
Mối quan hệ đổ vỡ thường bắt đầu từ một sự cố mang tính xúc tác, chẳng hạn như một lời xúc phạm, một sự thật vỡ lở, hay một sự phản bội. Mối quan hệ đổ vỡ khiến các bên trở nên bất bình và đối địch, dù rằng trong mắt người ngoài cuộc, mối hiềm khích tiềm ẩn đó dường như có thể dễ dàng hòa giải.
Mối quan hệ nhạt phai là câu chuyện buồn hơn. Những mối quan hệ như vậy thường thiếu một phần nào đó rõ ràng, hoặc là phần đầu, phần giữa hay phần cuối trong mối quan hệ. Chúng được xây dựng gần như theo một cách mập mờ. Một ngày, kết nối giữa hai người tồn tại; ngày khác, kết nối ấy biến mất.
Tình cảm đã đổ vỡ là cảm giác bi đát hơn. Nhưng tình cảm dần nhạt phai lại là câu chuyện thường gặp hơn. Mối quan hệ lạnh nhạt dần cũng có thể sẽ khó hàn gắn hơn. Một mối quan hệ đã đổ vỡ cho ta những cảm xúc quen thuộc hơn, và ta dễ dàng nhận ra và nắm bắt nó hơn, chẳng hạn như cảm giác tức giận hoặc ghen tị. Trong khi đó, mối quan hệ xa cách lại liên quan đến những cảm xúc tinh tế hơn, có cảm giác chúng thiếu thoả đáng hơn. Đứng đầu trong số những cảm xúc đó chính là sự ngại ngùng khó xử.
Nhưng trong việc nắm bắt và lường trước tình huống khó xử, chúng ta lại là những kẻ vụng về “ở một tầm cao khác”. Ví dụ, trong một nghiên cứu vào năm 2020, Erica Boothby của Đại học Pennsylvania và Vanessa Bohns của Đại học Cornell đã kiểm chứng một hiện tượng liên quan: Sự nôn nóng khi ta khen ai đó. Boothby và Bohns chỉ ra rằng, cảnh tượng ta khen ngợi ai đó có thể khiến ta trở nên căng thẳng. Ta lo lắng “sự vụng về của mình bại lộ, mọi người sẽ thấy và đánh giá sự hậu đậu ấy vì những thiếu sót cùng lỡ lầm của ta.”
Trong nhiều thí nghiệm, dự đoán của ta về bản thân mình và người khác được chứng minh là thiếu căn cứ. Ta đánh giá quá cao khả năng một người có thể cảm thấy “khó chịu, không thoải mái và bực mình” như thế nào sau khi nhận lời khen của ta. Đồng thời, ta cũng đánh giá quá thấp phản ứng tích cực mà đối phương có thể có. Không có điều gì phải ngại ngùng ở đây cả.
Những phát hiện về nỗi hối tiếc một mối quan hệ có sự nhất quán với một Nghiên Cứu Về Sự Phát Triển Của Người Trưởng Thành tại Đại học Y khoa Harvard. Đây là cuộc điều tra được tiến hành lâu nhất trong lịch sử ngành khoa học tâm lý về hạnh phúc đời người. Năm 1938, các nhà nghiên cứu tại Harvard đã tuyển 268 sinh viên nam và theo dõi họ trong suốt 80 năm sau đó. Mục tiêu táo bạo ở đây là cố xác định lý do vì sao có người lại thành công trong công việc và cuộc sống, trong khi số khác lại bế tắc.
Năm 2017, tờ Harvard Gazette đã tóm tắt những phát hiện của nghiên cứu này như sau:
Trên cả tiền bạc hay danh vọng, những mối quan hệ thân thiết chính là thứ giữ ta hạnh phúc trong suốt chặng đường đời… Các mối quan hệ đó bảo vệ ta khỏi những bất mãn trong cuộc sống, giúp đẩy lùi những sa sút về mặt tinh thần và thể chất. Đồng thời, so với các yếu tố như giai cấp, IQ, thậm chí cả gen, những mối quan hệ thân thiết là dấu hiệu báo trước rõ ràng hơn về một cuộc sống hạnh phúc bền lâu. Phát hiện này đã được chứng minh là đúng, không chỉ với những sinh viên nam của Harvard mà còn cả với những cư dân trong thành phố tham gia vào cuộc điều tra.
Nhà tâm lý học của Harvard, George Vaillant đã dẫn dắt một cuộc nghiên cứu trong hơn 30 năm. Trong một bản thảo không được công bố, ông đã nêu những suy ngẫm của mình về những gì ông đã học được. Sau tám thập kỷ, với hàng trăm đối tượng, hàng nghìn cuộc phỏng vấn và hàng triệu điểm dữ liệu, ông đã có thể tóm tắt bài kiểm tra lâu nhất lịch sử về hạnh phúc con người trong vài từ: “Hạnh phúc là tình yêu. Chấm hết.”
Điều mang lại ý nghĩa và sự hài lòng cho cuộc sống của chúng ta là những mối quan hệ có nghĩa. Nhưng khi những mối quan hệ đó tan vỡ, dù vô tình hay cố ý, điều cản trở chúng ta trở lại bên nhau chính là là cảm giác ngại ngùng. Chúng ta sợ nỗ lực hàn gắn lại mối quan hệ sẽ bị chính mình phá hỏng, và ta sẽ khiến đối phương càng thêm khó chịu.
Tuy nhiên, những lo lắng này hầu như luôn đặt nhầm chỗ. Đôi khi chúng ta sẽ bị từ chối, đó là điều chắc chắn. Nhưng thường thấy hơn đó là, chúng ta đánh giá quá cao việc ta sẽ khó xử chừng nào và đánh giá quá thấp khả năng đối phương sẽ mở lòng bao nhiêu với lời đề nghị giảng hoà của ta.
Vì vậy, vấn đề đơn giản này có một cách giải quyết thậm chí còn đơn giản hơn. Hãy gạt sự ngại ngùng sang một bên.
Khi Amy Knobler suy ngẫm về “cánh cửa hối tiếc đã đóng” của mình, cô ấy ước mình có thể quay ngược thời gian. Cô sẽ khẳng định với Amy lúc trẻ rằng “dù có cảm thấy khó xử, thậm chí cực kỳ lo lắng và e sợ, nhưng rồi em sẽ vui vì em đã vượt qua được trải nghiệm đó. Vui vì em không còn những băn khoăn không lời giải đáp quẩn quanh trong đầu khi đó nữa, và vui vì những gì hành động của em mang lại cho người kia.”
Tất cả bốn loại hối tiếc căn bản của con người đều cho ta thấy điều ta cần và mang lại cho ta bài học. Với nỗi hối tiếc về một mối quan hệ, điều ta cần là tình yêu. Tình yêu không chỉ mang nghĩa lãng mạn mà ở đây, nó mang nghĩa bao quát hơn, bao gồm sự gắn kết, sự tận tâm và sự đồng điệu, đối phương có thể là cha mẹ, là con cái, là anh chị, là bạn bè.
Bài học của những “cánh cửa hối tiếc đã đóng” là: lần sau ta hãy làm tốt hơn. Bài học về những “cánh cửa hối tiếc còn mở” là: ta hãy làm điều gì đó ngay bây giờ. Nếu mối quan hệ mà bạn để tâm vẫn còn dang dở, hãy nhấc máy lên và gọi cho họ. Hãy đến thăm họ. Hãy nói những gì bạn cảm nhận. Hãy vượt qua sự ngại ngùng và hãy cho họ thấy bạn để tâm đến họ nhiều bao nhiêu.
Tác giả: Daniel H. Pink
Dịch giả: Dương Hy – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: We all have relationship regrets — and here’s how we can learn from them