Thảm họa của chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm – và hy vọng của những giá trị siêu việt

Thời đại ngày nay mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm (anthropocentrism, từ anthropos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là con người).
Thời đại ngày nay mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm (anthropocentrism, từ anthropos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là con người). Điều đó có nghĩa là, trong mọi khía cạnh, chúng ta tự đặt mình vào vị trí tối cao, đứng trên thiên nhiên, muông thú, thần thánh và thậm chí cả vũ trụ rộng lớn. Giờ đây, trong con mắt của chính mình, con người là trung tâm của mọi thứ, là nhân vật chính trên sân khấu của vạn vật.
Nhưng đã không phải lúc nào cũng như vậy. Trong suốt chiều dài lịch sử, tôn giáo chưa từng dành cho con người một vị trí đặc biệt hay ưu tiên tuyệt đối trong trật tự vũ trụ. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng các vị thần ngự trên đỉnh Olympus, từ đó nhìn xuống nhân loại với sự pha trộn giữa thích thú và thương hại. Thiền tông của Phật giáo lại đặt thiên nhiên – với muôn loài cây cỏ, muông thú – vào vị trí quan trọng hơn nhiều so với một giống loài linh trưởng đứng thẳng mà phẩm chất còn nhiều điều đáng ngờ. Còn trong Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, thế giới được nhìn nhận theo lăng kính thần tâm luận (theocentrism), nơi cuộc đời con người chỉ là một mảnh ghép nhỏ bé, không mấy quan trọng trong một bức tranh vĩ đại mà chỉ trí tuệ vô hạn của Thượng Đế mới thấu suốt được.
© Flickr/Rennett Stowe
Trong quá khứ, ánh mắt của con người luôn được hướng về một thế giới quan đặt Thượng Đế hoặc thiên nhiên làm trung tâm. Ngày xưa, trên đỉnh Acropolis ở Athens, trong ngôi đền Parthenon huyền thoại, từng có một bức tượng Athena cao mười mét, làm từ vàng và ngà voi. Không một thương nhân, chính khách hay vị tướng lĩnh nào, dù tài giỏi đến đâu, có thể đứng trước bức tượng ấy mà không cảm thấy mình chỉ là một hạt bụi bé nhỏ trong vũ trụ. Ở London, sau trận hỏa hoạn kinh hoàng năm 1666, phần lớn ngân sách của thành phố suốt hàng thập kỷ đã được dành để xây dựng Nhà thờ St. Paul—một công trình đồ sộ và lộng lẫy hơn bất cứ thứ gì cùng thời. Nhà thờ ấy tỏa rạng khắp thành phố một thông điệp sâu sắc: cuộc đời nơi trần thế này thật mong manh, những lo toan của con người chỉ là phù du, và mọi chiến thắng cá nhân chẳng thể sánh với vinh quang của một Đấng Tối Cao toàn năng, toàn trí và vĩnh cửu.
Nhưng rồi, khi tôn giáo dần phai nhạt, chúng ta đã bước vào một triết lý mới có thể gọi là chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm—nơi chính chúng ta, chứ không phải một thế lực nào cao hơn, trở thành điều quan trọng nhất trong vũ trụ. Có thể xem đây là một bước tiến của sự khai phóng: những câu chuyện vĩ đại từng xoay quanh Thượng Đế giờ đã nhường chỗ cho những huyền thoại về sự phi thường của con người—trong kinh doanh, khoa học, nghệ thuật. Nhưng chính sự giải phóng này lại kéo theo một nỗi khổ đau mới, bất ngờ mà tàn nhẫn: một cảm giác dai dẳng rằng ta chẳng là gì nếu so với những kẻ xuất chúng khác. Nó mở ra cánh cửa cho ganh tị, tự ti và cảm giác mình thua kém.
Trong những xã hội đặt Thượng Đế hoặc thiên nhiên làm trung tâm, ánh mắt chúng ta luôn hướng lên trên, và chính điều đó đã giúp xoa dịu những so đo, hơn thua giữa con người với nhau. Ta hiểu rằng, trong bức tranh toàn thể của vũ trụ, mỗi cá nhân chỉ là những mảnh ghép nhỏ nhoi và dễ lãng quên. Nhưng trong thời đại này, chúng ta chẳng còn một điểm tựa nào vượt lên trên chính mình để mà vin vào. Ta mặc nhiên coi những gì xảy ra ở hiện tại, ngay lúc này, là quan trọng nhất—là tất cả. Vì thế, mỗi lần thất bại, mỗi khi bị cản trở hay thất vọng, ta lại cảm thấy cả thế giới sụp đổ. Ý niệm về một điều gì đó rộng lớn hơn, lâu đời hơn, vĩ đại hơn, thông tuệ hơn và cao quý hơn ta—một điều đáng để ta tôn thờ, yêu thương và quy phục—đã bị tước mất sức mạnh để có thể an ủi con người.
© Flickr/Steve Jurvetson
Tôn giáo, theo cách riêng của nó, đã đặt những sự kiện quan trọng vào những thời điểm xa xăm: trong thời đại của thần thoại và các anh hùng, hoặc vào năm 33 Công nguyên khi Chúa Giê-su bị đóng đinh. Những gì diễn ra trong cuộc đời chúng ta hôm nay chỉ là những gợn sóng nhỏ, những biến cố vụn vặt trong dòng chảy mênh mông của thời gian thần học. Chẳng có gì quá đặc biệt về bây giờ. Những nỗi lo âu, tuyệt vọng vốn có trong bản năng con người bỗng chốc trở nên nhỏ bé khi được đặt trong một viễn cảnh rộng lớn hơn cả thời gian và không gian.
Thế giới quan thần học đã khắc sâu một sự thật đáng kinh ngạc: những nhân vật được coi là vĩ đại trong xã hội thực ra chẳng hề vĩ đại như ta tưởng. Họ có thể có quyền lực đối với chúng ta, nhưng họ cũng chẳng là gì khi đứng trước quyền năng tối thượng của thần linh. Người Hy Lạp đã khắc ghi điều này vào văn hóa của họ qua những câu chuyện được kể đi kể lại trong thơ ca và sân khấu—như câu chuyện về Agamemnon, vị vua vĩ đại nhất thời đó, nhưng cuối cùng vẫn bị trừng phạt một cách tàn khốc bởi công lý thiêng liêng vì sự ngạo mạn của mình. Ông có thể đứng trên tất cả mọi người, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là kẻ bề tôi của các vị thần. Câu chuyện ấy vẫn còn vang vọng đến tận thế kỷ 18, khi nhà soạn nhạc người Đức Gluck đã đưa vào những giai điệu đầy cảm xúc câu hát: “Những vị vua mà ai cũng phải cúi đầu, cuối cùng cũng phải quỳ gối trước các vị thần.”
Một thế giới quan không đặt con người làm trung tâm giúp chúng ta nhìn nhận bản thân theo một cách thật đáng yêu—rằng ta thực ra chẳng có gì quan trọng cả, và đôi khi cũng khá buồn cười. Ta sống bao lâu, ta có thành công hay không, ta thông minh đến mức nào, ta đẹp đẽ ra sao—tất cả những điều ấy, từ góc nhìn của thần linh, của đỉnh Olympus hay của những hành tinh xa xôi, đều trở nên vô nghĩa một cách nực cười. Ta được mời gọi để thấy rõ sự thật giản dị ấy: những giá trị mà ta tôn thờ rốt cuộc cũng chẳng ấn tượng hơn một con cá vàng hay một con nhện nhỏ trong góc nhà.
© Flickr/Daily Sublime
Trong thời hiện đại, chúng ta bị bỏ lại mà không có những sự an ủi và vỗ về ấy, mắc kẹt trong một cảm giác phiền muộn đến nghẹt thở về tầm quan trọng của chính mình—dù rốt cuộc, vũ trụ vẫn hoàn toàn thờ ơ.
Những xã hội thế tục không xoay quanh sự tận hiến cho một điều gì đó lớn lao hơn chính nó. Chúng không quan tâm đến thứ mà ta có thể gọi là siêu việt—một sự kết nối với cái vĩnh hằng, cái bao la, trước đó mọi bận tâm đời thường của ta trở nên nhỏ bé, chẳng đáng bận lòng, và thậm chí còn mang đến một cảm giác nhẹ nhõm.
Khi tôn giáo dần phai nhạt, chẳng còn điều gì khiến ta phải kính sợ hay nhìn lại mình với một lăng kính rộng lớn hơn. Những nỗi vất vả trước mắt, những gánh nặng, những xung đột và nỗi đau dường như trở thành tất cả những gì ta có—và vì thế, chúng cứ thế mà phình to, nhấn chìm tâm trí vốn đã xáo động của ta.
Nhưng những nguồn cội của sự siêu việt không nhất thiết phải đến từ thần thánh như tôn giáo vẫn hình dung. Nó có thể là khoảnh khắc ta ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm, nơi những vì sao trải rộng trong tấm màn đen thẳm—nhiều không kể xiết, xa không tưởng, mà chính chúng cũng chỉ là một phần bé nhỏ trong vũ trụ vô tận. Và khi ấy, ta dần nhận ra mặt trời của ta, hành tinh của ta, và chính bản thân ta nhỏ bé đến mức nào giữa cõi bao la này. Khi nhìn từ đủ xa, mọi khác biệt giữa con người trở nên nhạt nhòa. Những điểm chung giữa chúng ta lại trở nên rõ ràng hơn. Những tranh đấu, những bon chen dường như chẳng còn khẩn thiết hay đáng bận tâm đến thế.
Hay đó có thể là khoảnh khắc ta lạc bước vào một sa mạc, nơi suốt hàng trăm năm qua chẳng có gì đáng kể xảy ra. Thời gian ở đây không tính bằng ngày, bằng tháng, mà được đo đếm bằng từng inch đất bị gió bào mòn. Một tảng đá lăn xuống từ sườn đồi ba trăm năm trước, từ đó đến nay vẫn nằm nguyên như thế. Ở đây, ta được đưa về một cảm thức thời gian rộng lớn hơn, nơi chẳng có gì quan trọng việc ta đã làm gì hôm qua hay sẽ làm gì vào ngày mai. Những tiêu chí thường ngày mà ta áp đặt lên cuộc sống bỗng chốc bị gỡ bỏ. Những vách đá sừng sững không quan tâm ta là ai, chẳng ấn tượng cũng chẳng thất vọng về sự nghiệp của ta, không tò mò về chuyện tình cảm hay cuộc đời riêng tư của ta. Chúng chỉ lặng lẽ hiện hữu, nhắc ta về một điểm chung nguyên sơ và sâu thẳm nhất của nhân loại.
© Flickr/inefekt69
Ta có thể chạm vào một chút cảm giác siêu việt ngay trong những điều nhỏ bé, quen thuộc nhất—chẳng hạn như qua một con vật: một chú vịt hay một con nhím. Cuộc sống của nó vẫn tiếp diễn, hoàn toàn dửng dưng với sự tồn tại của ta. Nó chỉ biết đến những mục đích riêng của mình, những thói quen đã không thay đổi suốt hàng thế kỷ. Dù ta có chăm chú quan sát thế nào đi nữa, nó cũng chẳng mảy may tò mò ta là ai; từ góc nhìn của nó, ta chỉ là một phần của vùng mờ mịt rộng lớn—nơi chất chứa những điều không thể biết, không thể hiểu. Một con vịt sẵn sàng đón lấy mẩu bánh từ tay một tên tội phạm chẳng khác gì từ một vị thẩm phán; từ một tỷ phú cũng giống như từ một kẻ phá sản. Trước nó, bản sắc cá nhân của ta tan biến—và đó là một sự giải thoát vô cùng nhẹ nhõm.
Thiên nhiên luôn bao bọc ta trong những quy luật và vòng tuần hoàn vượt xa khỏi tầm kiểm soát của con người. Cây cối đơm hoa vào xuân rồi trút lá khi thu về; thủy triều dâng lên rồi rút xuống; trái đất xoay quanh mặt trời, kéo theo mùa đông và mùa hè—tất cả đều không màng đến ta. Và vì thế, những sai lầm, những thất bại cá nhân dường như trở nên không còn quá quan trọng: dòng chảy của tự nhiên vẫn tiếp tục, có hay không có ta, bất kể ta có thành công hay thất bại, có cao thượng hay ích kỷ, có thông minh hay dại dột. Thiên nhiên không trách cứ ta vì những lỗi lầm của mình.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của văn hóa là nhắc nhở ta rằng những quy luật của tự nhiên cũng áp dụng lên con người, giống như đối với cây cối, mây trời hay những vách đá. Điều ta cần hiểu rõ là giới hạn của khả năng kiểm soát đầy cám dỗ nhưng luôn hữu hạn của bản thân—và chấp nhận rằng có những sức mạnh lớn lao hơn ta rất nhiều, những sức mạnh mà ta không thể làm gì khác ngoài cúi đầu tuân theo.
Ngày nay, cái siêu việt vẫn tồn tại, nhưng nó rời rạc, manh mún. Ngày trước, tôn giáo đã hệ thống hóa nó, diễn giải nó, đưa nó vào trung tâm của đời sống chung, đảm bảo rằng con người được tiếp xúc thường xuyên với nó. Tôn giáo không cho phép cái siêu việt bị xem nhẹ như một thứ cảm xúc cá nhân hay sự mơ mộng viển vông; họ đưa nó vào không gian công cộng, trao cho nó vị thế xứng đáng.
Cơ hội để ta chạm đến cái siêu việt vẫn còn vô tận, nhưng hiện tại, tất cả dường như chỉ được để mặc cho sự tình cờ của mỗi cá nhân. Sức mạnh có thể mang lại sự an ủi, giúp ta nhìn mọi thứ thấu suốt hơn, vẫn ở đó—nhưng ta vẫn cứ sống trong sự trống trải, mỏi mòn chờ đợi một điều gì đó có thể thuần phục và dẫn dắt cái siêu việt ấy đến những giông bão và nỗi buồn trong tâm hồn mình.
Nguồn: THE DISASTER OF ANTHROPOCENTRISM – AND THE PROMISE OF THE TRANSCENDENT | The School Of Life