Tháo vát làm nên sự đủ đầy của cuộc sống?

thao-vat-lam-nen-su-du-day-cua-cuoc-song

Bạn có nhận thấy chúng ta nhanh chóng quen với những thứ chúng ta có trong cuộc sống không?

Bạn có nhận thấy chúng ta nhanh chóng quen với những thứ chúng ta có trong cuộc sống không? Tất cả chúng ta đều có những món đồ mà chúng ta nghĩ rằng mình không thể sống thiếu. Khi ở nhà, tôi thường đổi vài đôi giày trong tuần. Tôi có một đôi yêu thích để chạy bộ, một đôi khác để đi bộ, một đôi tôi thích đi khi nâng tạ và một vài đôi cho các tình huống xã hội. Nhưng khi đi du lịch hay nghỉ dưỡng, tôi không thể mang hết những đôi giày mình thích được.

Khi xách vali đi xa, tôi thường mang đôi giày thể thao yêu thích của mình cùng một đôi giày chạy bộ. Trước khi đi, tôi luôn nghĩ: “Ước gì mình có thể mang theo mọi thứ mình cần”. Nhưng ngay khi đến nơi, tôi nhận ra rằng tôi thực sự không cần nhiều đến thế để làm những việc giống như tôi làm ở nhà.

Tất nhiên, đó không chỉ là giày. Điều này đúng với nhiều thứ mà chúng ta nghĩ mình cần. Seneca từng chỉ ra rằng: “Cho đến khi không có những thứ đó, chúng ta mới nhận ra rằng có nhiều thứ không cần thiết đến thế. Chúng ta sử dụng chúng không phải vì cần mà vì chúng ta sở hữu chúng.”

Hãy nghĩ về nó. Bạn có thể phân loại được bao nhiêu thứ trong cuộc sống như vậy? Tôi biết thật khó để tưởng tượng một cuộc sống không có chiếc cốc yêu thích hay bất kỳ thứ gì khác mà bạn đã quen thuộc, nhưng một khi rời khỏi nhà, bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể tiếp tục sống tốt.

Nếu bạn cho rằng mình cần cả một danh sách dài những món đồ mà bạn “không thể sống thiếu” thì bạn đang trao quá nhiều quyền lực cho của cải vật chất. Thứ duy nhất chúng ta thực sự không thể sống thiếu là những thứ cơ bản - nước, thức ăn, chỗ ở. Những thứ khác là tùy chọn. Khi bạn sống cuộc đời tập trung vào vật chất, có hai điều sẽ xảy ra.

  1. Bạn không trân trọng những món đồ mình có: Đôi khi những thứ như đồ trang sức, giày dép, quần áo hoặc chiếc cốc yêu thích của bạn trở thành một phần danh tính của bạn. Nhưng chúng ta không bị định nghĩa bởi những gì chúng ta sở hữu. Chúng chỉ đơn giản là những thứ chúng ta tạm thời có được trong cuộc sống.
  2. Bạn sẽ không biết ơn những gì mình có: Janet Jackson (và Joni Mitchell) đã gây chú ý khi cô ấy hát “bạn không biết mình có gì cho đến khi nó biến mất”. Tất nhiên, cô ấy nói về người yêu, nhưng điều đó thực sự đúng. Khi những thứ bạn dựa vào (tạm thời) biến mất khỏi cuộc sống của bạn, bạn nhận ra rằng bạn chưa đánh giá đúng mức về chúng. Đó sẽ là lời nhắc nhở bạn phải biết ơn ngày hôm nay vì những gì bạn có.

Một trong những lợi ích lớn nhất mà tôi trải nghiệm được từ Chủ nghĩa Khắc kỷ là triết lý giúp ta cảm thấy đủ đầy. Trong cuộc sống, vấn đề không phải là những gì chúng ta có mà là chúng ta làm gì với những thứ chúng ta có.

Khi tôi đang viết bài này, nền kinh tế đang rất bất ổn. Nền kinh tế của chúng ta giống như một chiếc thước đang cân bằng trên một ngón tay. Bấp bênh. Không ổn định.

Khi nói chuyện với các doanh nhân và nhà đầu tư, tôi thường bắt gặp hai kiểu suy nghĩ. Một là lo lắng về đủ các loại rủi ro (và thực sự tồn tại rất nhiều rủi ro) nhưng vẫn tiếp tục làm những gì họ đang làm. Một là họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc suy thoái. Nhóm sau sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thích nghi, nhóm trước cảm thấy không thoải mái với sự thay đổi.

Hôm nọ tôi nói chuyện với một chủ doanh nghiệp ở độ tuổi sáu mươi. Chúng tôi nói về khả năng suy thoái xảy ra và tình trạng rớt giá của thị trường sẽ kéo dài hàng năm chứ không chỉ vài tháng. “Tôi sẽ làm việc thêm vài năm hoặc thắt lưng buộc bụng. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì,” anh nói một cách thách thức.

Để có được nghị lực Khắc Kỷ đó, chúng ta cần phải rèn luyện bản thân. Kiểu sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết chỉ đến từ việc hành động trong nhiều năm. Đó không phải là thứ bạn có thể xây dựng trong một hoặc hai năm. Phải mất hàng thập kỷ. Điều này nghe có vẻ gian truân nhưng nó đáng giá 100%.

Nếu người chủ doanh nghiệp mà tôi nói chuyện cùng không xây dựng được sự tự tin bằng nỗ lực của cả cuộc đời anh ấy, thì tôi cá rằng hiện tại anh không thể có thái độ thách thức như vậy. Anh ấy sẽ lo lắng đến phát điên. Nhưng thay vào đó, anh ấy có một thứ mà nhiều người không có: Sự tháo vát.

Khả năng tìm ra những lối đi mới có tính thực tế để vượt qua khó khăn. Hãy bắt đầu luyện tập ngay bây giờ với những việc nhỏ và sau này bạn sẽ cảm ơn chính mình khi sự tháo vát đó có ích. Chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất.

Spiderum dịch

Tìm hiểu thêm về việc rèn luyện, thực hành Triết học trong đời sống hàng ngày qua cuốn sách "Suy Tưởng: Bản dịch từ Andy Lương" – tập hợp những chiêm nghiệm của "vị vua kiêm triết gia" Marcus Aurelius.

Link đặt sách: https://shope.ee/7UoYgxLKUc

menu
menu