Thật ra trẻ không hư
Thực ra, khi não và tâm lý trẻ chưa phát triển đầy đủ, trẻ khó kiềm chế được những hành động bộc phát. Khi bạn mắng con “hư”, vô tình bạn đã dán nhãn “hư” lên con, làm con trẻ ngày càng tự ti hoặc phản ứng bằng cách càng “hư” hơn.
Người lớn chúng ta thường hay có xu hướng mắng con “hư” mỗi khi con có hành động nào làm chúng ta không vừa lòng: ăn vạ, ném đồ, nhè cơm, đánh bạn, v.v… Thực ra, khi não và tâm lý trẻ chưa phát triển đầy đủ, trẻ khó kiềm chế được những hành động bộc phát. Khi bạn mắng con “hư”, vô tình bạn đã dán nhãn “hư” lên con, làm con trẻ ngày càng tự ti hoặc phản ứng bằng cách càng “hư” hơn. Chúng ta thử tìm hiểu 10 nguyên nhân dưới đây để hiểu các hành động của con hơn và có phản ứng phù hợp với con để ngày càng thương yêu con đúng cách hơn.
Source: katarinag/Shutterstock
- KHÔNG KIỂM SOÁT ĐƯỢC HÀNH VI BỐC ĐỒNG
Có khi bạn bảo con “Không được ném”, thế nhưng con vẫn ném đồ. Những việc gì cha mẹ không cho phép thì con lại càng muốn làm. Các nhà khoa học cho rằng vùng não kiểm soát sự tự kiềm chế của trẻ không hoàn toàn phát triển cho đến khi tuổi thành niên. Điều này giải thích lý do tại sao việc học tự kiềm chế là một quá trình dài và chậm. Trong khi đó, cha mẹ lại mong muốn con có thể làm nhiều việc ở tuổi nhỏ hơn. Chẳng hạn như, 56% cha mẹ cảm thấy trẻ dưới 3 tuổi thì nên có khả năng cưỡng lai mong muốn làm một việc bị cấm đoán trong khi đa số các trẻ không thực hiện được điều này cho đến khi 4 tuổi. Như vậy, cha mẹ chúng ta nên tự nhắc nhở mình rằng trẻ không quản lý được sự kích động của mình do não của con chưa hoàn toàn phát triển, và do đó nên có phản ứng nhẹ nhàng hơn đối với hành động của con.
- HOẠT ĐỘNG QUÁ MỨC
Chúng ta đưa con đi siêu thị, công viên và sau đó đến nhà bạn trong vòng một buổi sáng, và điều không tránh khỏi là con ăn vạ, tăng động, hoặc hoàn toàn không nghe lời. Những lịch trình dày đặc, sự kích thích quá mức,và sự mệt mỏi là dấu hiệu điển hình của gia đình hiện đại. Lúc nào gia đình cũng cảm thấy vội vã, thiếu thời gian.Trẻ em cũng phải chịu đựng những cơn áp lực tích lũy từ quá nhiều hoạt động và đồ chơi. Các nhà tâm lý nhấn mạnh trẻ cần có thời gian tĩnh để cân bằng với thời gian động. Cha mẹ nên tạo cho con nhiều thời gian để con im lặng, tự chơi và nghỉ ngơi, khi đó, các hành vi ăn vạ, phản kháng sẽ giảm đi đáng kể.
3. KHÔNG ĐƯỢC ĐẢM BẢO CÁC NHU CẦU THIẾT YẾU
Bạn đã từng nổi quạu vì đói chưa? Hay mất kiên nhẫn vì thiếu ngủ? Con cũng thế. Trẻ bị ảnh hưởng gấp 10 lần vì những điều kiện cốt lõi này khi trẻ mệt, đói, khát, nạp quá nhiều đường, hoặc bệnh. Khả năng quản lý cảm xúc và hành vi của trẻ hoàn toàn biến mất khi trẻ mệt. Sự thay đổi hành vi của trẻ rõ rệt khoảng 1 giờ trước khi ăn, hoặc khi trẻ thức dậy giữa giấc ngủ, hay khi trẻ bị bệnh. Trẻ không giao tiếp tốt hoặc không tự lấy thức ăn, uống thuốc, uống nước hay ngủ thêm như người lớn được.
- NHU CẦU THỂ HIỆN CẢM XÚC
Là người lớn, chúng ta được giáo dục để kiềm chế và giấu đi cảm xúc của mình, thường bằng cách giấu đi, thay thế hoặc làm lơ cảm xúc ấy. Trẻ chưa thể làm như vậy được.Tức giận, buồn bã, mệt mỏi, rối rắm, buồn bực đều là những cảm xúc trẻ chưa thể gọi tên được và thường làm trẻ khó hiểu. Do đó, trẻ có thể hét, la, khóc, đá chân, ăn vạ, đập đầu vô tường hoặc thành giường. Khi ấy, cha mẹ nên để trẻ thể hiện cảm xúc của mình chứ không phải phạt trẻ vì trẻ thể hiện cảm xúc của mình.
- NHU CẦU VẬN ĐỘNG
“Ngồi im!”
“Không rượt đuổi!”
“Không được leo, té đấy!”
“Không được nhảy trên sô pha!”
Khi cha mẹ ra lệnh như thế là đang đi ngược lại sự phát triển sinh lý của cơ thể con. Trẻ có nhu cầu vận động mỗi ngày. Trẻ cần nhiều thời gian chơi ngoài trời, chạy xe đạp, xe đầy, vật lộn nhau, bò dưới bàn ghế, đu người trên xích đu, nhảy từ trên xuống, đua và rượt đuổi nhau, v.v… Thay vì dán nhãn con “hiếu động”, “tăng động” hay tệ hơn là “hư”, thì bạn nên nhanh chóng đưa con ra ngoài sân chơi.
- NHU CẦU ĐƯỢC TỰ LẬP
Thời tiết mát mẻ cũng có thể trở thành sự tranh cãi giữa con và cha mẹ. Đứa trẻ 6 tuổi cho rằng trời đủ ấm để mặc quần ngắn áo tay ngắn trong khi mẹ cứ khăng khăng bắt con mặc quần dài và áo khoác. Thực tế, tầm 18 tháng, trẻ đã cố tự làm mọi thứ cho mình, có trẻ mẫu giáo chủ động lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch của mình. Đó là sự phát triển bình thường của trẻ, vốn được lập trình sẵn trong não. Trẻ con làm đúng như những gì bộ não được lập trình: cố gắng tự lên kế hoạch, tự quyết định, và trở thành nhưng người tí hon độc lập. Khi bạn la mắng hay phạt con, có thể con sẽ nghe lời bạn sau đó hoặc phản kháng nhưng dần dần khả năng tự lập của con sẽ biến mất.
- ĐIỂM MẠNH CŨNG LÀ ĐIỂM YẾU
Chúng ta đều có những điểm mạnh cũng lại là điểm yếu. Ví dụ như chúng ta tập trung rất tốt nhưng khi cần chuyển qua hoạt động lại thấy khó khăn. Hoặc chúng ta có trực giác tốt và nhạy cảm, nhưng vì thế nên chúng ta dễ hấp thụ cảm giác tiêu cực của người khác như miếng bọt biển. Trẻ cũng tương tự như thế. Trẻ có thể thích đi học nhưng lại khó giải quyết vấn đề khi làm sai, chẳng hạn như khóc khi con làm sai bài toán. Trẻ có thể cẩn thận và thích an toàn nên vì thế con ngại thử các hoạt động mới chẳng hạn như từ chối chơi khi đến lớp học mới. Trẻ có thể nhiệt tình nhưng lại không gọn gàng chẳng hạn như mải chơi nên cả phòng ngủ toàn là đồ chơi. Do đó, cha mẹ cần nhận ra khi hành động của con mà bạn không vừa ý vốn là một mặt khác của một tính cách tích cực của con, cũng giống chúng ta vậy thôi, khi đó phản ứng của chúng ta đối với con nên là sự thông hiểu chứ không phải trách phạt.
- NHU CẦU CHƠI
Con vẽ sữa chua lên mặt khi đang ăn. Con bỏ chạy khi bạn đánh răng cho con vì con muốn bạn đuổi theo và bắt được con. Những hành động dường như “hư” này của con thực ra là mồi nhử để bạn chơi cùng con. Trẻ thích được vui đùa một cách ngớ ngẩn. Con hài lòng khi cha mẹ cùng cười với con, yêu thích những yếu tố mới mẻ bất ngờ và thú vị. Chơi đùa thường mất nhiều thời gian, do đó cản trở thời gian và lịch làm việc của cha mẹ. Khi trẻ làm như thế, cha mẹ chỉ nhìn thấy con phản kháng và bướng bỉnh trong khi thực tế không phải vậy. Khi cha mẹ dành nhiều thời gian trong ngày để chơi đùa cùng con thì trẻ sẽ không làm khó bạn khi bạn cố đưa con ra khỏi cửa.
- BỊ LÂY LAN TÂM TRẠNG CỦA CHA MẸ
Nhiều nghiên cứu về sự lây nhiễm cảm xúc đã chỉ ra rằng chỉ mất vài giây để những cảm xúc như sự nhiệt tình và niềm vui, cũng như nỗi buồn, nỗi sợ hãi, và tức giận chuyển từ người này sang người khác, và điều này thường xảy ra mà không có ai nhận ra. Trẻ đặc biệt bắt được tâm trạng của cha mẹ rất nhanh. Nếu chúng ta bị stress, rối trí, buồn bã, thất vọng, trẻ cũng lây theo những cảm xúc này. Và khi chúng ta bình thản và cân bằng, trẻ cũng sẽ bắt chước theo.
- PHẢN ỨNG VỚI NGUYÊN TẮC KHÔNG NHẤT QUÁN CỦA CHA MẸ
Khi đi chơi, bạn mua cho con kẹo M&M. Sau đó bạn lại nói “Không được, con ăn kẹo thì sẽ không ăn tối được nữa”, thế nên con bạn hét lên và rên rỉ. Hay tối qua bạn đọc cho con 5 quyển sách nhưng tối nay bạn khăng khăng là chỉ có thể đọc một quyển, thế nên con năn nỉ bạn đọc thêm sách. Việc cha mẹ không nhất quán với nguyên tắc mình đặt ra cho con làm cho trẻ rối rắm và mời gọi trẻ thử giới hạn bằng cách năn nỉ, gào khóc. Cũng giống người lớn, trẻ muốn và cần được biết điều cha mẹ mong đợi mình làm gì. Do đó, cha mẹ hãy cố gắng 100% nhất quán với luật lệ, giới hạn và những việc hàng ngày của con, khi đó con sẽ ngoan hơn rất nhiều.
Erin Leyba, PhD (Psychology Today)
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/ca/blog/joyful-parenting/201705/not-naughty-10-ways-kids-appear-be-acting-bad-arent
Ngân Hà dịch